Bỏ tử hình đối với 8 tội danh nhằm hướng tới pháp luật hình sự nhân đạo hơn

Thứ Năm, 22/05/2025, 19:01

Ngày 20/5 vừa qua, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, hướng tới hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn, phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam và bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự...

Phù hợp chủ trương xuyên suốt của Đảng

Dự thảo luật bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh (trên tổng số 18 tội danh có hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Bên cạnh đó, dự án luật bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở các tội bỏ hình phạt tử hình. Bổ sung quy định không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu.

Bỏ tử hình đối với 8 tội danh nhằm hướng tới pháp luật hình sự nhân đạo hơn -0
Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trên nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình. Trong đó, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định chủ trương "Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng"; do đó, việc tiếp tục nghiên cứu thu hẹp, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình là tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng từ trước đến nay.

Trên cơ sở Đề án liên quan đến tử hình mà VKSND tối cao trình, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với giải pháp trong Đề án, trong đó, có thu hẹp các tội danh còn hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự. Chính vì vậy, có thể thấy thấy rằng, chủ trương thu hẹp hình phạt tử hình là chủ trương xuyên suốt của Đảng.

Việc này cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Trên thế giới hiện nay có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, có 28 quốc gia tuy pháp luật còn quy định nhưng trên thực tế không còn áp dụng, 8 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình trên thực tế nhưng sẽ áp dụng trong một vài trường hợp bất khả kháng (như tội phạm chiến tranh). Còn 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình và thi hành án tử hình, trong đó có Việt Nam.

Với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hiện nay chưa phải là thời điểm mà Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên, cũng cần phải hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình (giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình, hạn chế bớt việc áp dụng hình phạt tử hình, bổ sung chế định tù chung thân không xét giảm án…). Điều này vừa phù hợp với xu hướng tất yếu và yêu cầu chung của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế và tình hình xã hội ở Việt Nam.

Đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm

Bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cũng đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể, thực tiễn nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ, ma túy. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cam kết do Bộ luật Hình sự vẫn quy định hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ và Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi.

Một trong những điểm tiến bộ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này là thực hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự, tuy nhiên, vẫn đảm bảo tính răn đe và nghiêm khắc cần thiết. Chẳng hạn, việc không thi hành án đối với những người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, đồng thời góp phần giảm thiểu các thủ tục tố tụng không cần thiết đối với những người không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, giúp tiết kiệm chi phí và giảm áp lực cho cơ quan thi hành án.

Những tội danh được bỏ hình phạt tử hình sẽ được thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, một mặt đảm bảo quyền được sống của con người, một mặt vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn họ khỏi đời sống xã hội.

Các yếu tố tích cực khi bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là hướng tới hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn, phù hợp quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về giảm hình phạt tử hình; phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam; bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự đối với các hành vi tương ứng đang được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên tham gia cơ bản các điều ước quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước khẳng định, đối với các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình thì chỉ áp dụng đối với các tội ác nghiêm trọng nhất.

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, việc sửa đổi hệ thống pháp luật mang tính tương đồng với các quốc gia trên thế giới sẽ góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau. Thực tế, thời gian qua cho thấy, ngay khi có thông tin Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trên, nhiều Đại sứ quán các nước đã đề nghị làm việc với Bộ Công an để có thông tin chính thức về vấn đề này. Họ đánh giá rất cao quan điểm của Bộ Công an và cho rằng, nếu các đề xuất của Bộ Công an được thực thi sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia này sâu rộng và bền chặt hơn...

Quỳnh Vinh
.
.