Rộng mở cơ hội để lĩnh vực đường sắt phát triển đột phá

Thứ Sáu, 04/07/2025, 08:15

Theo chỉ đạo từ Chính phủ, trong năm nay và sang năm, nhiều dự án đường sắt lớn sẽ được khởi công như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12/2025; vào tháng 12/2026 là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đáng chú ý, Luật Đường sắt sửa đổi cũng chính thức được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới về thể chế, đầu tư, huy động vốn… Các chuyên gia đánh giá, đây sẽ là tiền đề, là cơ hội lĩnh vực đường sắt phát triển đột phá thời gian tới.

Chủ động hỗ trợ công tác quy hoạch

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 342/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Tại Thông báo, một lần nữa Phó Thủ tướng khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao; trước mắt tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; lựa chọn một số hạng mục quan trọng (nhà ga, khu tái định cư) để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi động trong năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ.

Rộng mở cơ hội để lĩnh vực đường sắt phát triển đột phá -0
Ngành đường sắt sẽ có nhiều đổi mới từ các dự án lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án, đặc biệt trong công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đàm phán Hiệp định vay vốn cho dự án; tiếp tục làm việc với các địa phương để thống nhất quy mô, hướng tuyến làm cơ sở triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án; chủ động hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa theo quy định và cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép. Các địa phương có dự án đi qua khẩn trương hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, tái định cư, phê duyệt theo thẩm quyền; chủ động ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Trường hợp địa phương khó khăn về vốn khẩn trương gửi Bộ Tài chính nhu cầu vốn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương lựa chọn các khu tái định cư, nhà ga có khả năng khởi công đúng tiến độ, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai, các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ và kế hoạch triển khai Dự án trong thời gian tới; lưu ý, cần báo cáo rõ thời điểm và các hạng mục dự kiến khởi công năm 2025.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Ban Quản lý dự án Đường sắt (Chủ đầu tư bước lập dự án đầu tư) bàn giao hồ sơ Dự án gồm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ ranh giới GPMB tuyến, ga và tọa độ tim tuyến theo hồ sơ Dự án cho 20/20 tỉnh, thành phố có dự án đi qua. Đây là cơ sở để rà soát sơ bộ nhu cầu và thực hiện các khu tái định cư, phục vụ công tác GPMB của Dự án. Ban QLDA Đường sắt cũng đã hoàn thành việc cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo GPMB của 20/20 tỉnh, thành phố.

Các địa phương tích cực triển khai, đã giao nhiệm vụ đơn vị chủ trì công tác GPMB tại địa phương; đang thực hiện thành lập Ban Chỉ đạo GPMB, lập kế hoạch triển khai, rà soát nhu cầu tái định cư... nhằm đảm bảo tiến độ khởi công Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo tiến độ triển khai, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương sớm thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch và tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước để ủng hộ Dự án trong công tác GPMB.

Huy động tối đa nguồn lực đầu tư

Để việc thực hiện các dự án đường sắt được thuận lợi, thì nhiều quy định liên quan đến ngành đã được cơ quan chức năng chỉnh sửa. Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Luật Đường sắt 2025 thể hiện rõ nét quan điểm về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và lược bỏ các quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ trưởng, các bộ ngành.

Đồng thời, Luật cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Xây dựng và từ Bộ Xây dựng cho chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện. Đặc biệt, với việc bổ sung những cơ chế, chính sách mới, Luật Đường sắt 2025 đã tập trung vào những vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý phát triển đường sắt.

Theo ông Cảnh, Luật đã có nhiều quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực của địa phương, nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt. Trong đó có quy định rõ việc phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để tạo thêm nguồn vốn đầu tư trở lại cho đường sắt. Số tiền khai thác được từ quỹ đất khu vực TOD, đối với đường sắt quốc gia, địa phương được giữ lại 50%, nộp ngân sách Trung ương 50%...

Cùng đó, Luật cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước. Các dự án đầu tư này được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Không chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng, Luật Đường sắt 2025 cũng có các quy định nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao khoa học công nghệ.

Liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư, Cục trưởng Trần Thiện Cảnh cho biết, Luật Đường sắt 2025 đã có quy định cụ thể về đầu tư dự án đường sắt bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước (Điều 24). Trong đó, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án đường sắt theo phương thức đối tác công tư hoặc đầu tư trực tiếp.

Các dự án này được Nhà nước đảm bảo kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phần kinh phí này không tính vào tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án khi thực hiện theo phương thức PPP. Luật cũng quy định lựa chọn nhà đầu tư, các điều kiện ràng buộc, kiểm soát chuyển nhượng dự án nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như: Được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước khi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt.

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để kịp thời triển khai thi hành Luật Đường sắt 2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng 3 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thi hành đối với các quy định của Luật có hiệu lực từ  ngày 1/7/2025. Cùng đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt; 3 Thông tư hướng dẫn thi hành, để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với Luật có hiệu lực là từ ngày 1/1/2026.

Theo Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 419km có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) với tổng vốn 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD), khởi công trong tháng 12/2025 và phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều tuyến là 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Dự kiến, công trình khởi công trước ngày 31/12/2026 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Theo báo cáo tiền khả thi, tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi trên địa bàn Hà Nội khoảng 27,9km. Hướng tuyến từ ga Ngọc Hồi cơ bản đi theo hành lang quy hoạch, đến cuối Phú Xuyên, hướng tuyến tách ra hướng về phía Đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn (tỉnh Ninh Bình mới).

Phạm Huyền
.
.