Bản án cuối cùng cho kẻ ám sát cựu Thủ tướng Liban
Trước đó, những người ủng hộ Hezbollah cũng như chính quyền Liban đều dự đoán cả 3 sẽ bị kết án. Phán quyết của tòa đã khiến không ít người kinh ngạc. Phe đối lập với Hezbollah đánh giá kết quả này là một nỗi thất vọng to lớn và cho rằng, phiên toà được bảo trợ bởi Liên Hợp Quốc này đã không đi đến cùng để phá giải được vụ ám sát năm 2005 - sự kiện có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Liban…
![]() |
Chân dung cố Thủ tướng Rafik Hariri. |
Từ doanh nhân trở thành Thủ tướng
Cố Thủ tướng Rafic Hariri (1/11/1944 - 14/2/2005) là một doanh nhân Liban. Ông giữ chức thủ tướng trong hai nhiệm kì 1992-1998 và 2000-2004. Ông Hairiri đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Thoả thuận Taif và chấm dứt cuộc nội chiến Liban kéo dài suốt 15 năm. Thêm vào đó, ông còn là thủ tướng đầu tiên của Liban sau nội chiến và là chính trị gia giàu có nhất đất nước.
Ông Hariri sinh ra tại thành phố cảng Sidon trong một gia đình theo đạo Hồi nghèo khó, tuy nhiên vị thủ tướng tương lai vẫn được gia đình cho học đại học và Hariri đã tốt nghiệp xuất sắc khoa quản trị kinh doanh của Trường Đại học Beirut Ả Rập. Hariri quyết định đến Ả Rập dạy học vào năm 1965, sau đó chuyển sang làm việc ở lĩnh vực xây dựng.
Ông mở một công ty đấu thầu tên Ciconest vào năm 1969 nhưng sớm phá sản. Không nản chí, Hariri bắt đầu hợp tác với Công ty Xây dựng Oger của Pháp để xây một khách sạn tại vùng Taif, Ả Rập. Nhờ vào thời gian hoàn thành thi công nhanh kỷ lục, ông Hariri đã nhận được sự tín nhiệm của vua Khaled. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, vị doanh nhân tài ba đã thâu tóm luôn Oger và trở thành đơn vị thi công chính phần lớn các công trình của gia đình hoàng gia Ả Rập.
![]() |
Hai thủ phạm Mustafa Amine Badreddine và Salim Jamil Ayyash (hàng trên, trái và phải) cùng hai người được tuyên vô tội Hussein Hassan Oneissi và Assad Hassan Sabra (hàng dưới, trái và phải). |
Công ty của Hariri làm ăn phát đạt tới mức chỉ vài năm sau khi kí kết hợp đồng thi công đầu tiên với hoàng gia, Hariri đã lọt vào top 100 tỷ phú thế giới trên tờ Forbes. Sau khi tích luỹ được một khối tài sản khổng lồ, ông Hariri bắt đầu chuyên tâm vào việc làm từ thiện, đặc biệt là xây trường học và sáng lập ra các quỹ hỗ trợ giáo dục. Thêm vào đó, những lời kêu gọi cứu trợ của ông gửi tới Liên Hợp Quốc, cùng với việc ông đảm nhận vai trò sứ giả đại diện cho gia đình hoàng gia Ả Rập đã giúp ông trở thành một nhà hoạt động nhân đạo danh tiếng trên chính trường quốc tế.
Vào đầu thập nhiên 80, Hariri quay lại Liban. Việc đầu tiên vị tỷ phú này làm đó là quyên góp 12 triệu USD nhằm hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột Bắc Liban và xây sửa lại đường phố. Năm 1990, Hariri đã đưa tên mình vào lịch sử quốc gia khi góp phần xây dựng Thoả thuận Taif và chấm dứt 15 năm nội chiến đẫm máu tại Liban. Chỉ hai năm sau, Hariri đã trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Liban sau nội chiến.
Với đầu óc của một doanh nhân, ông đã nỗ lực hết sức mình để khôi phục nền kinh tế Liban, vốn đã suy thoái rất nhiều sau hơn một thập kỉ xung đột. Chiến lược chính của Hariri bao gồm các kế hoạch thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, và chính sách đi vay tiền để dựng xây đất nước. Chỉ 1 năm sau khi Hariri lên nắm quyền, thu nhập quốc dân thực tế của Liban đã tăng lên 6%, nhưng đến năm 1998, nợ quốc gia của đất nước này đã tăng vọt lên 540% từ 2 thành 18 tỉ USD, còn chỉ số tăng trưởng mức thu nhập bình quân đầu người đạt mốc…-1%.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá chính sách của ông Hariri đã khiến Liban vướng phải một khoản nợ khổng lồ, kéo lùi sự phát triển của đất nước và gây vô số tổn hại đến ngân khố quốc gia. Những thất bại trong chính sách, nhiều cáo buộc tham ô, sự phẫn uất của nhân dân khi thấy ông đã quay lưng với người nghèo, đi kèm với sự bất mãn với Chính phủ Syria đã khiến ông Hariri quyết định từ chức vào năm 2004.
Vào thời điểm ông Hariri từ chức thủ tướng, rất nhiều người đã cho rằng đây là cách ông phản đối nỗ lực xâm lược Liban của chính quyền Syria cũng như việc họ cố gắng kéo dài nhiệm kì của vị tổng thống vốn nổi tiếng thân Syria Lahoud, và nước đi này có thể đẩy ông vào nguy hiểm.
Vụ ám sát đẫm máu và những cáo buộc gây tranh cãi
Vào ngày 14-2-2005, ông Hariri đã thiệt mạng tại Thủ đô Beirut sau khi chiếc xe Mitsubishi phát nổ ngay sát đoàn xe hộ tống của ông. Ngoài ông Hariri còn có cựu Bộ trưởng Kinh tế Bassel Fleihan cùng 23 vệ sĩ khác thiệt mạng. Ông Hariri được chôn cất cùng các vệ sĩ tại nhà nguyện Mohammad Al-Amin.
![]() |
Buổi xét xử các nghi phạm ám sát ông Rafik Hariri. |
Tính chất nghiêm trọng của vụ việc đã khiến Liên Hợp Quốc phải tham gia điều tra với hy vọng sớm tìm ra hung thủ. Tưởng như vụ ám sát gây chấn động Liban đã nhanh chóng có lời giải vào tháng 8-2005 khi công tố viên người Đức Detlev Mehlis - người được Liên Hợp Quốc giao nhiệm vụ truy tìm hung thủ, ra lệnh bắt liền 4 vị tướng Liban bao gồm: Đại tướng Jamil Al Sayyed,người đứng đầu Cục Tình báo Quốc gia và 3 thiếu tướng: Mustafa Hamdan, Ali Hajj, Raymond Azar.
Theo báo cáo của đội điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc, chính tướng Sayyed cùng nhiều tướng lĩnh cấp cao của Syria bao gồm Assef Shawkat, Maher Assad, Hassan Khalil và Bahjat Suleyman đã ra quyết định ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Tuy nhiên, những bản báo cáo sau này lại không hề đả động gì đến các vị tướng trên.
4 vị tướng này đã bị giam giữ tại nhà tù Roumieh trong 4 năm liền, từ 2005 đến 2009. Đến năm 2009, họ được trả tự do vì thiếu bằng chứng buộc tội. Bản báo cáo được soạn thảo vào năm 2006 bởi người đứng đầu đội điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc Serge Brammertz tuyên bố dựa vào ADN thu được tại hiện trường, hung thủ có thể là một kẻ đánh bom liều chết trẻ tuổi, giới tính nam.
Trong hai bản báo cáo được đưa ra vào năm 2014, đội điều tra của Liên Hợp Quốc cho rằng Chính phủ Syria có thể có liên quan đến vụ án. Dựa vào những sự kiện diễn ra trước cái chết của cựu Thủ tướng Hariri, không thể nói những suy đoán này là không có cơ sở. Theo như lời nhiều quan chức Liban, sau khi trở về từ cuộc gặp mặt với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 8-2004, ông Hariri có kể lại với cấp dưới rằng ông Assad đã hăm doạ sẽ "đập tan" Liban sau lưng ông Hariri.
Đáng khả nghi hơn là việc Chính phủ Syria cố gắng dừng cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc bằng mọi giá, theo như bản báo cáo của cựu Giám đốc lực lượng tình báo Ai Cập Omar Suleiman bị tiết lộ trong bê bối WikiLeaks năm 2014. Trong bản báo cáo thứ 10, Liên Hợp Quốc đưa ra một suy luận khá chung chung: "Một mạng lưới các cá nhân đã ám sát cố Thủ tướng Rafiq Hariri."
Cuộc điều tra chuyển hướng một cách đầy bất ngờ khi vào tháng 8-2010, đội điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc đã phát lệnh bắt giữ 4 thành viên của tổ chức vũ trang Hezbollah, một tổ chức vốn có mối quan hệ khá thân thiết với ông Hariri. Ngay lập tức, Tổng thư ký Hezbollah là Hassan Nasrallah mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc này và công khai tuyên bố chính Israel đã mưu sát ông Hariri.
Theo như ông Nasrallah, ngay từ năm 1993, chính quyền Israel đã bắt đầu lập mưu giết hại vị thủ tướng xấu số sau đó đổ tội cho Syria để gây hỗn loạn về mặt chính trị trong nước, trục xuất quân Syria khỏi Liban. Ông Nasrallah còn phát biểu rằng vào năm 1996, lực lượng Hezbollah đã bắt được một điệp viên Israel tên Ahmed Nasrallah - kẻ đã liên hệ với lực lượng an ninh bảo vệ ông Hariri để báo tin rằng Hezbollah chuẩn bị lấy mạng thủ tướng. Theo người đại diện của Hezbollah, ông Hariri đã tin tưởng họ đến mức báo cho họ về tên Ahmed và nhờ Hezbollah tư vấn. Chính con trai của ông Hariri là Saad Hariri cũng phản hồi rằng Liên Hợp Quốc nên cân nhắc những thông tin Hezbollah đưa ra và điều tra thật kỹ càng.
Bản án cuối cùng
Bất chấp những nỗ lực của Hezbollah, toà án quốc tế vẫn giữ nguyên kết quả điều tra này. Theo đó, thành viên cao cấp của tổ chức là Salim Jamil Ayyash bị tuyên có tội với tất cả các cáo buộc bao gồm lên kế hoạch khủng bố, thực hiện hành vi khủng bố bằng chất nổ, sát hại ông Rafik Hariri. Ayyash là anh em cột chèo với Mustafa Badreddine, một chỉ huy quân sự khác của Hezbollah. Badreddine không bị truy tố do đã tử vong tại Syria vào năm 2016.
Hussein Hassan Oneissi cùng Assad Hassan Sabra, hai cá nhân trước đó bị buộc tội tìm một người không liên quan là Abu Adass, quay video bắt anh này nhận tội ám sát ông Hariri, sau đó thủ tiêu Adass. Tuy nhiên, vì chứng cứ chống lại Oneissi và Sabra đều rất yếu và vô căn cứ, hai người đàn ông này không bị kết án. Cuối cùng, Hassan Habib Merhi cũng được tuyên vô tội, vì chứng cứ duy nhất có thể khép người này vào tội khủng bố và nguỵ tạo bằng chứng chỉ là… một chiếc điện thoại, và bồi thẩm đoán cho rằng bằng chứng này là không đủ vững chắc.
Tuy bất ngờ, nhưng người dân Liban có vẻ đồng tình với bản án này khi không có bất kì cuộc biểu tình nào diễn ra sau khi phán quyết được công bố. Con trai của cố Thủ tướng là anh Saad Hariri phát biểu: "Tất cả chúng ta đã biết được sự thật ngày hôm nay. Phán quyết đã gửi đi một thông điệp rằng thời đại của tội ác chính trị đã chấm dứt".