55 năm sự kiện Vịnh Con Lợn (17/4/1961 - 17/4/2016):

Còn nhiều bí mật cần được giải mã

Thứ Ba, 12/04/2016, 15:38
Vì sự kiện Vịnh Con Lợn diễn ra sau chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Cuba (từ chiều 20-3) của Tổng thống Barack Obama, nên dư luận và giới chuyên môn cho rằng, vấn đề này sẽ được tiết lộ thêm nhiều thông tin thú vị nhân kỷ niệm 55 năm (17/4/1961 - 17/4/2016).


Chiều 22-3, Tổng thống Barack Obama rời sân bay quốc tế Jose Marti tại thủ đô La Habana, khép lại chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Mỹ đương nhiệm tới Cuba sau 88 năm. Và ông chủ Nhà Trắng khẳng định, chuyến thăm lịch sử tới Cuba nhằm "chôn vùi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh tại châu Mỹ". Nhưng ngày 28-3, cựu Chủ tịch Fidel Castro viết trên tờ Granma rằng, Cuba không cần Mỹ ban tặng cho bất cứ thứ gì.

Vẫn còn nhiều bí mật?

Hơn 7 năm trước (17-2-2009), khi phát biểu tại Đại học La Havana, Tổng thống Guatemala Alvaro Colom đã xin lỗi Cuba về việc nước này từng hợp tác với Mỹ trong "sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961". Còn theo tư liệu được giải mật từ kho văn khố an ninh quốc gia của trường Đại học George Washington công bố ngày 15-8-2011 cho thấy, phần lớn những người Cuba lưu vong bị bắt trong sự kiện Vịnh Con Lợn đã được thả sau khi họ bị tuyên phạt 30 năm tù/người (theo thỏa thuận trao đổi giữa Cuba và Mỹ khi đó).

Khi kỷ niệm 50 năm sự kiện Vịnh Con heo, báo chí Cuba và quốc tế từng cho biết, "cha đẻ" của "chiến dịch Pluto" - tấn công xâm lược Cuba, là Phó Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống Dwight Eisenhower là người phê chuẩn, còn Tổng thống John Kennedy là người ra lệnh thực hiện, dưới sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy. 

Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Điều đáng nói là ý tưởng xâm lược Cuba được ông Richard Nixon thai nghén từ tháng 4-1959, chỉ 3 tháng sau khi Cách mạng Cuba thành công (1-1-1959). Và "chiến dịch Pluto" là cuộc tấn công vào Cuba của khoảng 1.300 người Cuba lưu vong được CIA tài trợ và huấn luyện, với mục đích lật đổ chính phủ của Chủ tịch Fidel Castro.

Gần 16 năm trước (29-4-2000), tờ Washington Post có bài "Liên Xô biết trước ngày tấn công Cuba", trong đó cho rằng, mặc dù biết Moskva nắm khá rõ về cuộc đổ bộ của các tay súng Cuba lưu vong và báo cho Cuba để nước này chuẩn bị, nhưng CIA không báo tin này lên Tổng thống John Kennedy. Và 4 ngày trước khi "chiến dịch Pluto" được tiến hành, ngày 13-4-1961, Đài phát thanh Moskva đã phát bản tin tiếng Anh "tiên đoán về một cuộc xâm lược theo kịch bản do CIA dàn dựng, và sử dụng những tên tội phạm do CIA trả lương".

Và Mỹ đã phải trả giá đắt cho thất bại của "chiến dịch Pluto", bởi sau khi đánh bại cuộc đổ bộ của khoảng 1.300 người Cuba lưu vong, Chủ tịch Fidel Castro đã đề nghị Liên Xô viện trợ, trong đó có tên lửa. Moskva cũng xây dựng các căn cứ tên lửa của mình ở Cuba và việc này đã gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa hồi tháng 10-1962. Và khi đó, Mỹ và Liên Xô suýt khai hỏa bởi vấn đề này.

Kế hoạch liên tiếp bị thay đổi

Ngày 16-3-1960, Tổng thống Dwight Eisenhower ra lệnh cho CIA đào tạo và trang bị cho một lực lượng của người Cuba lưu vong để mở cuộc tấn công quân sự vào Cuba. Sau khi nhận lệnh của Tổng thống Dwight Eisenhower, Giám đốc CIA Allen Dulles đã giao cho Phó Giám đốc CIA Richard Mervin Bissell chịu trách nhiệm lên kế hoạch chi tiết của "chiến dịch Pluto" để thực hiện chỉ thị của ông chủ Nhà Trắng.

Từ tháng 4-1960, CIA bắt đầu tuyển mộ người Cuba lưu vong có tư tưởng chống Chủ tịch Fidel Castro tại Miami. CIA đã chi cho các phần tử Cuba lưu vong 400USD/người/tháng, cộng thêm 175 USD/tháng nuôi vợ con, để họ tham gia "chiến dịch Pluto". Mặc dù tuyển được hơn 1.500 người, nhưng chỉ có khoảng 1.300 tay súng được huấn luyện để tham chiến, số còn lại ở ghế "dự bị". Đến tháng 7-1960, quá trình tuyển lựa và huấn luyện diễn ra tại đảo Useppa và một số địa điểm khác tại Nam Florida, như Homestead AFB. 

Những cuộc huấn luyện diễn ra tại trại Gulick, Panama và trại Clayton, Panama. Sau đó, việc huấn luyện được thực hiện tại một căn cứ của CIA có bí danh JMTrax gần Retalhuleu tại Sierra Madre trên bờ Thái Bình Dương của Guatemala. Nhóm lưu vong tự gọi mình là Lữ đoàn 2506 (Brigada Asalto 2506). Và từ tháng 3-1961, CIA còn giúp những người Cuba lưu vong tại Miami thành lập Hội đồng cách mạng Cuba (CRC), do ông Jose Miro Cardona, cựu Thủ tướng Cuba làm Chủ tịch.

Theo kế hoạch ban đầu của CIA, các tay súng lưu vong sẽ xâm nhập bằng tàu vào thành cổ Trinidad, cách La Habana khoảng 270 km về phía Đông nam, tại chân của dãy núi Escambray thuộc tỉnh Sancti Spiritus. Bởi theo nghiên cứu của CIA, Trinidad có hạ tầng cầu cảng tốt, và khá gần với các hoạt động phản cách mạng tại Cuba. 

Nhưng ngày 11-3-1961, tân Tổng thống John Kenedy đã chọn Vịnh Con Lợn, vì có đường sân bay thích hợp cho hoạt động của máy bay ném bom B-26. Khu vực đổ bộ được đổi sang những bãi biển bao quanh Vịnh Con Lợn của tỉnh Las Villas, cách La Habana 150 km về phía Đông nam. Và theo kế hoạch, cuộc đổ bộ sẽ diễn ra tại Playa Giron (bí danh Bãi xanh dương), Playa Larga (bí danh Bãi đỏ), và Caleta Buena Inlet (bí danh Bãi xanh lá).

Trước khi đổ bộ lên bãi biển Playa Giron, CIA đã thực hiện một số cuộc oanh tạc bằng máy bay xuống các doanh trại dân quân Cuba ở Bayamo (3-4-1961), nhà máy đường Hershey ở Mantanzas (6-4-1961). Ngoài ra, CIA còn tiến hành một số hoạt động nghi binh. Đêm 14, rạng sáng 15-4-1961, CIA đổ bộ nghi binh gần Baracoa thuộc tỉnh Oriente, với 164 tay súng Cuba lưu vong dưới sự chỉ huy của Higinio Nino Diaz. Một số tàu khu trục của hải quân Mỹ thả neo gần bờ biển Vịnh Guantanamo để tạo cảm giác đang chờ đổ bộ. 

Đêm 15, rạng sáng 16-4-1961, nhóm của Higinio Nino Diaz đã thất bại trong nỗ lực đổ bộ nghi binh lần thứ hai vào địa điểm gần Baracoa. Đêm 16, rạng sáng 17-4-1961, một cuộc đổ bộ nghi binh được các nhân viên CIA sắp xếp gần Bahia Honda, thuộc tỉnh Pinar del Rio. Cho dù nhiều cố vấn quân sự đã chỉ ra những nguy cơ thất bại của "chiến dịch Pluto" bởi một nhóm người Cuba lưu vong chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, nhưng Tổng thống John Kennedy vẫn "động thủ", mặc dù mới nhậm chức chưa đầy 3 tháng.

Những sai lầm của CIA

Ban đầu CIA rất tự tin là họ đủ khả năng lật đổ chính phủ Cuba, vì từng có kinh nghiệm thành công trong cuộc đảo chính ở Guatemala năm 1954. Ngày 9-4-1961, các tay súng Cuba lưu vong cùng tàu bè và máy bay của Lữ đoàn 2506 bắt đầu được chuyển từ Guatemala tới Puerto Cabezas, Nicaragua. 

Sáng 15-4-1961, tám máy bay ném bom Douglas B-26B Invader (được sơn lại theo dấu hiệu của FAR) chia làm 3 nhóm, đồng thời tấn công 3 sân bay của Cuba, đều gần La Habana, để phá hủy phần lớn hoặc tất cả số máy bay của không quân Cuba nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ chính. Nhưng cuộc đổ bộ kể trên đã gặp phải sự phản công của quân đội Cuba. 

Theo thống kê, có 118 tay súng thuộc Lữ đoàn 2506 bị tiêu diệt (bao gồm 4 phi công Mỹ), 1.201 người bị bắt, 2 máy bay B-26 và 1 tàu vận tải bị phá hủy.

Khoảng 10h30 ngày 15-4-1961, tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Cuba Raul Roa đã cáo buộc Mỹ tấn công không quân Cuba, và chiều hôm đó trình bản kiến nghị lên Ủy ban Chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhưng Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Adlai Stevenson lại cho rằng, không quân Mỹ "không có cớ gì can thiệp vào Cuba". 

Và cuối ngày 19-4-1961, tàu khu trục USS Eaton (mã hiệu Santiago) và USS Murray (mã hiệu Tampico) đã phải chuyển tới Vịnh Cochinos để di tản các binh sĩ Lữ đoàn 2506 đang rút lui khỏi các bãi biển. Khoảng 1.200 tay súng thuộc Lữ đoàn 2506 đã bị bắt và Chủ tịch Fidel Castro hứa trao đổi họ để lấy 500 máy cày.

Ngày 22-4-1961, Tổng thống John Kennedy đã yêu cầu Tướng Maxwell Taylor, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, Đô đốc Arleigh Burke và Giám đốc CIA Allen Dulles báo cáo về những bài học có được từ thất bại của "chiến dịch Pluto". 

Ngày 13-6-1961, Tướng Maxwell Taylor đệ trình báo cáo lên Tổng thống John Kennedy, theo đó "chiến dịch Pluto" bị thất bại bởi "thiếu nhận thức về sự không thể thành công bằng các biện pháp bí mật, thiếu máy bay, thiếu đạn dược, cùng các hạn chế về vũ khí, phi công và những cuộc tấn công không quân để tạo ra ưu thế hợp lý và trên hết là thiếu những con tàu quan trọng". 

Nhưng đến tháng 11-1961, Tướng Lyman Kirkpatrick lại trình bản báo cáo "Survey of the Cuban Operation" lên Tổng thống John Kennedy, và lập tức bị xếp vào loại tuyệt mật cho tới năm 1996 mới được công bố. 

Bởi theo Tướng Lyman Kirkpatrick, CIA đã vượt quá những khả năng của mình khi phát triển dự án từ "hỗ trợ du kích" tới hoạt động vũ trang công khai. Không đánh giá được thực tế các nguy cơ và thông tin một cách thích hợp với các quyết định. Không có sự tham gia đầy đủ của các lãnh đạo lưu vong. Không thể tổ chức một cách hiệu quả cuộc nổi dậy từ bên trong Cuba. 

Không thể thu thập và phân tích thông tin tình báo một cách chính xác về các lực lượng của Cuba. Quản lý nội bộ về thông tin và nhân sự kém. Không có đủ nhân sự trình độ cao. Không đủ người nói tiếng Tây Ban Nha, các cơ sở huấn luyện và các nguồn tài nguyên thiết bị. Thiếu các chính sách ổn định và các kế hoạch bất ngờ. Sau báo cáo của Tướng Lyman Kirkpatrick, Giám đốc CIA Allen Dulles, cùng 2 Phó Giám đốc CIA là Charles Cabell và Richard Bissell đều phải từ chức vào đầu năm 1962.

Ngày 29-3-1962, 1.179 tay súng Cuba lưu vong bị đưa ra xét xử. Ngày 7-4-1962, số người kể trên đều bị kết án 30 năm tù/người. Ngày 14-4-1962, 60 người bị thương và các tù nhân ốm yếu được trả tự do và được đưa về Mỹ. Ngày 21-12-1962, Cuba đã đổi 1.113 tù binh lấy 53 triệu USD, quy đổi thành lương thực và thuốc men. Ngày 24-12-1962, một số tù nhân được đưa về Miami bằng máy bay, số khác đi trên tàu African Pilot. Ngày 29-12-1962, Tổng thống John Kennedy dự lễ đón các tay súng Cuba lưu vong tại bang Florida.
Trịnh Huyền My
.
.