Cử tri Mỹ chia rẽ vì Hạ viện điều tra luận tội Tổng thống

Thứ Tư, 02/10/2019, 15:40
Cử tri Mỹ hiện cũng bị chia rẽ giữa hai quan điểm: ủng hộ và phản đối việc điều tra luận tội Tổng thống Trump của Hạ viện.


Ngày 29-9, viết trên Twitter, Tổng thống Trump kêu gọi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff từ chức vì "lừa dối và phạm pháp khi thêm thắt những từ ngữ giả tạo và xuyên tạc" vào các tài liệu liên quan đến cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

"Ông ấy sau đó trơ trẽn đọc những từ ngữ đó trước quốc hội và hàng triệu người, bôi nhọ và phỉ báng tôi. Ông ấy phải rút lui khỏi quốc hội", chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter. Trong khi đó, cử tri Mỹ hiện cũng bị chia rẽ giữa hai quan điểm: ủng hộ và phản đối việc điều tra luận tội.

Fox News dẫn lời Tổng thống Trump chỉ trích cuộc điều tra đối với ông là "vụ lừa đảo lớn nhất" trong lịch sử chính trị Mỹ. "Làm thế nào các vị có thể luận tội một tổng thống tạo ra nền kinh tế to lớn nhất trong lịch sử quốc gia, xây dựng lại hoàn toàn quân đội để trở nên hùng mạnh nhất, cắt giảm thuế và quy định ở mức kỷ lục, sửa đổi chính sách đối với cựu chiến binh và nhiều điều khác nữa?", ông đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng người đồng cấp Ukraine Zelensky đã nói rõ trước Liên hợp quốc về việc hoàn toàn không bị gây áp lực trong cuộc gọi.

Trong đoạn ghi hình đưa ra ngày 29-9, Tổng thống Trump chỉ trích phe Dân chủ "cố gắng ngăn chặn tôi vì tôi đang đấu tranh cho các bạn. Những thành viên đảng Dân chủ muốn lấy súng, chế độ chăm sóc sức khỏe, lá phiếu, tự do, phán quyết và mọi thứ của các bạn. Chúng ta không bao giờ có thể để điều này xảy ra", ông nhấn mạnh.

Tiếp tục phản bác yêu cầu điều tra luận tội của Hạ viện, Tổng thống Trump cho biết ông không chỉ muốn gặp người tố giác mà còn muốn gặp người đã cung cấp trái phép thông tin. Ông Trump cũng đặt câu hỏi liệu bên thứ ba cung cấp thông tin cho người tố giác đó có phải "đang ngầm theo dõi Tổng thống Mỹ" hay không, và nếu như vậy lực lượng này sẽ phải "lãnh hậu quả khôn lường".

Việc Hạ viện điều tra luận tội Tổng thống Trump khiến cử chi chia rẽ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi hôm 28-9 nói rằng, dư luận hiện đang đứng về phía một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Donald Trump sau khi có công bố thông tin mới về cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. 

Theo Reuters, cuộc điều tra luận tội đã tái phủ bóng lên khả năng có thêm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, chỉ vài tháng sau khi ông bị che phủ bởi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller. "Nếu các dữ kiện có sức thuyết phục đối với người dân Mỹ, chúng cũng có thể làm điều tương tự với một số đảng viên Cộng hòa," Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi nói.

Tuy nhiên, trong khi các nhà chính trị tập trung ở Washington thi nhau lên tiếng để lên án hoặc bênh vực ông Trump cũng như khả năng luận tội ông, thì  hiện nước Mỹ đang bị chia rẽ giữa một bên là những người tán thành quyết định của đảng Dân chủ, điều tra luận tội Tổng thống Trump, và một bên là những người không tán thành. 

Một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters và Ipsos thực hiện vào ngày 23 và 24-9 cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ việc luận tội tổng thống so với 45% người phản đối. Con số 37% đã giảm từ 41% ba tuần trước và giảm xuống so với mức 44% hồi tháng 5, sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo của ông về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Còn theo cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, sự chia rẽ thể hiện những khác biệt về đảng phái, giới tính, trình độ giáo dục và nơi cư ngụ. Những người theo đảng Dân chủ; là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có trình độ đại học; và cư dân các thành phố phần lớn ủng hộ cuộc điều tra luận tội. Những người theo Đảng Cộng hòa, sinh sống ở nông thôn và thuộc phái nam phần đông không ủng hộ tiến trình điều tra luận tội. 

Vẫn theo cuộc thăm dò này thi nhìn chung, 71% nói họ rất chú ý hoặc chú ý đáng kể đến tin tức liên quan tới vụ điều tra luận tội của Hạ viện về Tổng thống Trump. 3/4 người Mỹ, kể cả đa số đảng viên Cộng hòa, nói người tiết lộ thông tin nên ra trước Quốc hội làm chứng. Đa số tin là cần điều tra về nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, với 54% người được khảo sát gọi đây là vấn đề 'rất nghiêm trọng'.

Tuy nhiên, các nhà bình luận lưu ý rằng trong quá khứ tỷ lệ các cuộc luận tội thành công không cao. Cho tới giờ, chưa có tổng thống Mỹ nào bị truất phế theo lối đó. Hơn nữa, mặc dù đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ cần đa số 2/3 số phiếu để bãi nhiệm tổng thống. 

Cử tri Cộng hòa ủng hộ Tổng thống Trump và những người theo quan điểm ôn hòa nhìn chung khá lạc quan trước khả năng ông Trump bị luận tội. Họ cho rằng cuộc điều tra luận tội mới do Hạ viện dẫn đầu chỉ là một trong số nhiều khủng hoảng chính trị mà ông Trump có thể vượt qua và lấy điều đó làm lợi thế cho mình trong cuộc bầu cử năm 2020.

Quý Đức
.
.