Cuộc đấu tranh chưa có hồi kết của cộng đồng LGBTQ ở Kenya

Chủ Nhật, 02/06/2019, 14:54
Tòa án tối cao Kenya đã ra phán quyết giữ nguyên luật cấm quan hệ tình dục đồng tính vào hôm 24-5 vừa qua. Theo đó, người có hành vi quan hệ tình dục đồng tính vẫn có thể bị phạt tù lên đến 14 năm.


Như vậy là sau thời gian dài chờ đợi và nỗ lực trên nhiều phương diện, cuộc đấu tranh bảo vệ quyền cho cộng đồng thế giới thứ ba - LGBTQ (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, giới tính chưa xác định) ở Kenya vẫn chưa có hồi kết.

Phán quyết gây thất vọng cho cộng đồng

“Chúng tôi từ chối hủy bỏ luật và bác bỏ đơn kiến nghị tập thể này. Chúng tôi thấy rằng, những điều luật này không vi hiến”, Thẩm phán Roselyn Aburili tuyên bố với báo giới. Một số nhà hoạt động bảo vệ quyền của người đồng tính đã bật khóc khi nghe tòa phán quyết. Trong khi đó, những người ủng hộ luật đứng gần biểu ngữ với thông điệp “đồng tính luyến ái là nỗi ô nhục” vỗ tay chúc mừng.

Quan hệ tình dục đồng tính vẫn có thể bị phạt tù lên đến 14 năm ở Kenya.

Trước đó, các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu phi hình sự hóa quan hệ tình dục đồng tính. Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, luật cấm này đã vi phạm Hiến pháp 2010 của Kenya quy định, công dân được đảm bảo quyền bình đẳng, nhân phẩm và quyền riêng tư.

Theo các thẩm phán, quan hệ tình dục đồng tính xung đột với các giá trị đạo đức truyền thống nên không thể chấp nhận. Các nhóm Công giáo và Hồi giáo ủng hộ luật cấm quan hệ tình dục đồng tính cho rằng, phi hình sự hóa quan hệ tình dục đồng tính có thể dẫn tới việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Một nhà lãnh đạo tuyên bố rằng, “không có không gian cho người đồng tính” và “đồng tính luyến ái cũng nghiêm trọng như khủng bố”.

 “Chúng tôi sẽ kháng cáo. Hy vọng tòa phúc thẩm sẽ bác bỏ quyết định sai lầm này”, ông Eric Gitari, một trong những người tham gia ký đơn kiến nghị nói. Giám đốc nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho rằng, phán quyết của Tòa án “khuyến khích sự thù địch và bạo lực với những cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQ”. Nhà nghiên cứu quyền của cộng đồng giới tính thứ ba, Tổ chức Quan sát nhân quyền có trụ sở ở Mỹ nói rằng, phán quyết của Tòa án tối cao Kenya đã đẩy người đồng tính thành “công dân hạng hai”. “Quyền của con người cần được bảo vệ”, bà Ghoshal nói.

John Mathenge, người đứng đầu Hoymas – tổ chức được thành lập vào năm 2009 nhằm bảo vệ quyền lợi của những người đàn ông bán dâm và người nhiễm HIV/AIDS nói rằng, "tôi là một người đồng tính nam và không có gì phải che giấu giới tính thật của mình. Người kỳ thị giới tính của chúng tôi mới là người có vấn đề. Tôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, bị đe dọa bởi cộng đồng và cảnh sát. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực nhằm vào cộng đồng LGBTQ diễn ra ở khắp mọi nơi. Chúng tôi vẫn sử dụng luật từ thời thuộc địa của Anh. Thật là nghịch lý, khi bạn đến London, những người đồng tính được tự do nói chuyện, làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Irungu Houghton, Giám đốc điều hành Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) ở Kenya muốn chấm dứt ngay những hành vi vi phạm quyền bình đẳng và quyền riêng tư được ghi trong hiến pháp. "Luật pháp thuộc địa lỗi thời và cần phải thay đổi. Những người thuộc cộng đồng LGBTQ có thể bị đe dọa, buộc phải rời khỏi nhà, bị từ chối tiếp cận dịch vụ y tế. Năm ngoái, một Tòa án ở Kenya còn yêu cầu xét nghiệm hậu môn đối với những người bị nghi ngờ là đồng tính nam, vi phạm nghiêm trọng quyền con người”, ông Irungu Houghton nói.

Nỗ lực thay đổi quan niệm từ những người làm truyền thông

Rading Biko, nhà báo của tờ Kenya Standard thừa nhận rằng, sự thiếu hiểu biết của các nhà báo về cộng đồng LGBTQ là đáng trách. Nhiều nhà báo đã sử dụng thuật ngữ xúc phạm, đưa đến độc giả quan niệm sai lầm về người đồng tính. Cần phải đào tạo, nâng cao nhận thức cho các nhà báo.

“Một số tờ báo đã cho đăng tải câu chuyện giật gân về cộng đồng LGBTQ, từ tin đồn về nghi lễ đồng tính được thực hiện tại đám tang cho đến những tranh luận rằng, cộng đồng đồng tính đang cố gắng truyền bá đồng tính luyến ái. Chính những câu chuyện này đang khiến cộng đồng LGBTQ gặp nguy hiểm hơn. Chúng tôi đã bắt đầu chiến dịch đào tạo, nâng cao nhận thức cho các nhà báo Kenya về cộng đồng LGBTQ từ năm 2014”, ông Biko nói.

Ông Biko cho biết thêm, ông và các cộng sự đã làm việc với các đài phát thanh cộng đồng địa phương ở khắp nơi trên đất nước để xây dựng chương trình về cộng đồng LGBTQ mang tên “Câu chuyện của tôi”. Đối với cộng đồng LGBTQ ở Nairobi hiện nay, những chương trình như “Câu chuyện của tôi” là một phần quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ cộng đồng thế giới thứ ba.

Tường Phạm
.
.