Đất hiếm có trở thành vũ khí trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Thứ Tư, 05/06/2019, 09:53
Trung Quốc được biết đang sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên thế giới và đặc biệt, Mỹ đang phụ thuộc khi 80% lượng đất hiếm nước này nhập khẩu xuất phát từ Trung Quốc.

Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố ứng dụng rộng rãi trong sản phẩm dân sự lẫn thiết bị quân sự. Các hãng vũ khí Raytheon, Lockheed Martin, BAE chế tạo hệ thống dẫn đường lẫn cảm biến cho nhiều loại tên lửa tinh vi từ kim loại có thành phần đất hiếm. Trung Quốc được biết đang sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên thế giới và đặc biệt, Mỹ đang phụ thuộc khi 80%  lượng đất hiếm nước này nhập khẩu xuất phát từ Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của một công ty Trung Quốc. Năm 2018, có tới 59% đất hiếm dùng tại Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Lầu Năm Góc chiếm 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm để trả đũa ngành công nghệ và vũ khí Mỹ. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang làm dấy lên lo ngại quốc gia châu Á sử dụng vị thế nhà cung cấp hàng đầu như một biện pháp trả đũa. 

Tuy chính quyền Bắc Kinh cho đến nay chưa công khai thực hiện biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nhưng hàng loạt phương tiện truyền thông nước này hôm 29.5 đã đồng loạt đưa ra lời đe dọa.

"Liệu đất hiếm có trở thành vũ khí để Trung Quốc phản công, nhằm chống lại sự áp bức không chính đáng của Mỹ? Điều tôi có thể nói với các bạn là nếu ai đó muốn dùng các sản phẩm làm từ đất hiếm để ngăn sự phát triển của Trung Quốc, thì người dân ở đây (tỉnh Thiểm Tây nơi có mỏ đất hiếm) và toàn bộ nhân dân Trung Quốc sẽ không vui vẻ lắm đâu", một quan chức thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết trong họp báo tại Thiểm Tây.

Nhiều tín hiệu gần đây đang cho thấy Trung Quốc rất có khả năng đang cân nhắc sử dụng xuất khẩu đất hiếm làm đòn đáp trả Mỹ trong chiến tranh thương mại.  NDRC nhấn mạnh trong phần hỏi đáp với báo chí mới đây về việc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm. Câu chuyện về đất hiếm được bàn tán sôi nổi hơn sau khi Mỹ thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhắm vào công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Dư luận bắt đầu tập trung nhiều hơn nữa vào câu chuyện đất hiếm sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm một cơ sở khai thác và tinh chế đất hiếm mới đây. Kể từ đó, phía Trung Quốc cũng bắt đầu bóng gió về vấn đề này, theo đài CNBC.

Mỏ khai thác đất hiếm Mountain Pass nhìn từ trên cao.

Báo Financial Times ghi nhận số lượng đất hiếm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ còn khá ít. Hầu hết những loại kim loại này được sử dụng trong khâu sản xuất các hàng hóa trung gian, thuộc một chuỗi sản xuất dài hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Financial Times cho rằng, tuy vấn đề về đất hiếm nhận được nhiều sự chú ý từ các chiến lược gia an ninh, nhưng việc áp dụng công cụ này như một đòn trả đũa sẽ rất khó thực hiện.

Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là bất cứ giới hạn xuất khẩu đất hiếm mới nào cũng sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng công nghiệp của nước này.  Những chuỗi cung ứng này chỉ mới phát triển những năm gần đây, và phụ thuộc rất nhiều vào các khách hàng nước ngoài từ Mỹ, châu Âu.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29-5 thông báo đang tìm thêm nhiều khoản tiền liên bang để thúc đẩy sản xuất đất hiếm trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc. Yêu cầu trên đã được gửi đến Nhà Trắng lẫn Quốc hội Mỹ. 

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Andrews không nói cụ thể mà chỉ cho biết, đây là một phần trong chương trình phát triển khả năng sản xuất nội địa thông qua nhiều ưu đãi kinh tế.

Lầu Năm Góc nhiều lần cảnh báo tình trạng phụ thuộc nguồn cung Trung Quốc. Họ từng đưa nguy cơ này vào báo cáo năm 2018 về những điểm yếu của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ. 

Theo ông John Luddy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không vũ trụ Mỹ - những khoản tiền cấp bởi chính quyền Washington có thể được sử dụng cho công tác tăng sản xuất, cải thiện khả năng xử lý cũng như dự trữ đất hiếm.

MP Materials, công ty khai thác mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ, đã trở thành nạn nhân bất ngờ trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi một chiến trường mới trên mặt trận công nghệ đang được mở ra.

Là đơn vị vận hành hoạt động khai thác đất hiếm tại mỏ Mountain Pass ở California, MP Materials cho biết họ sẽ đưa vào hoạt động dây chuyền xử lý đất hiếm của riêng mình vào cuối năm 2020, sau khi Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm quặng nhập khẩu từ Mỹ lên 25% từ ngày 1-6.

MP Materials trước đây chủ yếu xuất khẩu quặng có chứa ôxit đất hiếm sang Trung Quốc để chế thành neodymium, cerium cùng các nguyên tố khác được sử dụng trong nam châm, xe điện, điện thoại thông minh hay một số sản phẩm điện tử. 

"Mức thuế 25% sẽ khiến các nguồn quặng đất hiếm nội địa trở nên hấp dẫn hơn, dù nhập khẩu quặng vẫn là biện pháp tốt để đối phó với hạn mức khai thác do chính phủ đề ra và những điều luật liên quan tới môi trường khác ở Trung Quốc", David Merriman, nhà phân tích tại công ty tư vấn Roskill Information Services, trụ sở ở London, Anh, nhận xét. 

Mountain Pass từng thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu cho tới giữa năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu khai thác và xử lý lượng đất hiếm khổng lồ mà họ nắm giữ. Hiện nay, Bắc Kinh cung cấp khoảng 90% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã ra lệnh tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từng muốn áp thuế 10% lên đất hiếm của Trung Quốc vào tháng 7, nhưng sau đó đã loại nó khỏi danh sách.

Trường Vân-D.T
.
.