Ngôi sao bóng rổ cầm đầu băng trộm cướp các hiệu kim hoàn

Thứ Tư, 25/11/2020, 10:27
Người đẹp Olivera Cirkovic cao gần 2 mét từng là ngôi sao của bóng rổ Nam Tư, có nhiều tiền và một chức danh ở câu lạc bộ lừng danh "Sao Đỏ Beograd", nhưng nổi tiếng nhất là trở thành đại diện của băng "Báo Hồng" chuyên trộm cướp các hiệu kim hoàn…

Từng hai lần bị bắt giam, từng là người đàn bà duy nhất trong lịch sử đã trốn thoát khỏi nhà tù Hy Lạp, cô viết sách, vẽ tranh và nổi tiếng trên mạng xã hội Instagram. 

Sinh ra để làm vận động viên

Olivera Vasic sinh ngày 3-9-1969 tại Beograd. Ở tuổi thiếu nữ, chiều cao Vasic đã là 1,94 mét, có nhiều thành tích và thậm chí còn được gọi vào đội tuyển nữ trẻ bóng rổ Nam Tư.

Năm 1988, cùng với Danijela Ilic, Eleonora Vild, Danira Nakic và các đồng đội khác giành vị trí thứ ba trong giải Vô địch châu Âu, cô được nhớ đến như một vận động viên có kỷ luật cao tuy chưa thành ngôi sao sáng chói.

Đầu thập niên 1990, Vasic sang Hy Lạp, quen biết với người chồng tương lai Srecko Cirkovic. Mùa thi đấu đầu tiên, cô được phong là ngoại binh hay nhất của câu lạc bộ "Pàngrati" Athens và cầu thủ dội bom tốt nhất của giải vô địch địa phương, mang lại cho câu lạc bộ danh tiếng từng có. Năm 1997, Olivera và Srecko cưới nhau rồi nhanh chóng hạ sinh cậu con trai Nikola. Kiêng cữ chỉ 6 tháng, Cirkovic trở lại sàn đấu, đầu quân cho câu lạc bộ "Celje" (Slovenia), rồi sau đó chuyển sang CLB "Sao Đỏ Beograd". Kết thúc sự nghiệp thi đấu vào năm 2000, Cirkovic nhận một chân quản lý ở câu lạc bộ "Sao Đỏ Beograd".

Ngôi sao bóng rổ Olivera Cirkovic.

Trở thành bà trùm

Tuy nhiên, những thành tích trong nghề thể thao vẫn không khiến cho Cirkovic thấy vừa lòng, vì thế sau khi giải nghệ lại thích thú… thế giới tội phạm hơn...

Cirkovic mở cửa hiệu tại nhà, mở phòng trưng bày ở Beograd chuyên bán những thứ hàng hiệu. Khi hiểu ra làm nghề trộm cướp thì tiền tiêu rất nhanh và không bao giờ đủ, cô trở thành nhà tổ chức và có tiền để lo cho việc tổ chức. Kiếm được nhà cửa, đem ra cửa hàng để khoe với những người có quan tâm đến mình, đó là những người không thành thạo trong lĩnh vực tài chính, cô bắt đầu quan tâm đến việc kiếm tiền. Cô có đủ nhà cửa để chứa chấp băng đảng của mình, một chỗ dùng làm nhà kho chứa đồ trộm cắp, và cô cũng có khách hàng. Tất cả được tính toán chi li nhất.

Đầu tiên Cirkovic bán lại quần áo, giày dép thu gom bằng con đường phi pháp từ trong nước và cả Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó thì tự mình trộm cắp những thứ hàng đắt đỏ và có thương hiệu, chủ yếu là quần áo thời trang, áo lông thú. Ít lâu sau, cựu cầu thủ bóng rổ chuyển sang ăn cắp vàng bạc, trong đó có những đồ trang sức rất đắt giá. Đấy là tấm vé để cô vào cửa băng đảng trộm cướp nguy hiểm và nổi tiếng nhất thời ấy, băng "Báo Hồng". Cirkovic trở thành đại diện của băng và cuộc sống của cô ta trở thành tấn kịch gay cấn.

Tuy vậy khách hàng của Cirkovic, trong đó có nhiều vận động viên thể thao, nghệ sĩ danh tiếng, thậm chí có cả những chính khách, không mảy may nghi ngờ vì tin vào danh tiếng của cầu thủ bóng rổ trẻ tuổi. Được vài năm, Cirkovic lấy tiền thu được bằng con đường trộm cướp đầu tư vào xe hơi và bất động sản. Chồng cô ta cũng ủng hộ và có liên quan đến giới tội phạm. Cirkovic hành động chỉ trong lãnh thổ Hy Lạp và được các nhà hành pháp địa phương gọi là "Rồng Cái", hay "Nhện Cái". Sau này, trong cuốn sách kể về đời mình, Cirkovic giải thích: "Trong tôi là nhiều con người khác nhau, là người đàn bà tập hợp những điều phi lý không giải thích nổi. Tôi chỉ có thể kể lại qua cuốn sách mình viết, có thể đưa ra bình luận - và bây giờ tôi biết mình đã sai lầm ở đâu. Nhưng tất cả những cái ấy đều bị cái tính nổi loạn, bị tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, bị tiền bạc chi phối và qua đi nhanh chóng… Tự do không giới hạn - ấy là điều những cái đó dẫn tới".

Olivera Cirkovic khi thi đấu trận chung kết tại Seoul - 1988 giữa 2 đội tuyển Olympic Mỹ và Nam Tư…

Băng cướp "Báo Hồng"

Thành viên của băng "Báo Hồng" là những người xuất thân từ vùng Balkan từng trải qua cuộc chiến tranh liên miên ở Nam Tư, nhiều thành viên là cựu chiến binh ở vùng chiến sự Serbia, Croatia, Montenegro, Bosnia. Họ là thủ phạm của nhiều phi vụ, thu được ước tính hàng trăm triệu USD.

Bắt đầu từ năm 2003, khi chúng cướp một hiệu kim hoàn ở London, Anh, rồi giấu trong hộp kem một viên kim cương quý hiếm trị giá nửa triệu bảng. Các nhà hành pháp châu Âu gọi băng này là "Báo Hồng" là theo một bộ phim hình sự nổi tiếng về một vụ trộm kim cương, họ không ngờ "Báo Hồng" còn tồn tại mấy chục năm nữa, đe dọa tất cả những tiệm kim hoàn ở châu Âu. Ví dụ năm 2005 chúng đã cuỗm từ hiệu Graff ở London những đồ trang sức trị giá tới tỷ bảng, vụ án tương đồng với vụ xảy ra gần 3 năm về trước. 

"Báo Hồng" hành động như trong phim, ví dụ, trước khi cướp cửa hàng ở Biarritz (Pháp), chúng sơn lại tất cả các ghế quanh cửa hàng để ngăn người lui tới, khỏi có nhân chứng. Hay vụ cướp nhà kim hoàn Harry Winston ở Paris - bốn tên đàn ông giả trang làm phụ nữ, đeo tóc giả như những khách hàng giàu có đã cuỗm món vàng ngọc trị giá mấy chục triệu USD. Về sau, "Báo Hồng" lại tiến hành vụ cướp cửa hàng Graff ở London, để thay đổi ngoại hình, chúng hóa trang rất kỹ, đắp vào mình những khuôn mặt mới lạ để đánh lừa.

Interpol đã mất nhiều năm lùng sục bọn cướp trên toàn thế giới, đầu năm 2010 kết tội "Báo Hồng" là thủ phạm của khoảng 15 vụ trộm cướp xảy ra ở 20 nước không chỉ ở châu Âu mà cả ở Mỹ, Nhật Bản và UAE, nhưng chỉ biết được cực kỳ ít ỏi về chúng. Mới chỉ đoán được rằng băng này có cơ cấu gần như là phân quyền và riêng rẽ, trong đó có từ 60- 200 người "làm việc", từng đột nhập Dinh Tổng trấn trong thành phố Venezia (Italy) - kiệt tác kiến trúc có từ thế kỷ IX - trộm nhiều đồ có tiếng như chiếc vòng kim cương có tên de Vendôme gồm 116 viên kim cương, ở thời điểm bị mất có giá 31 triệu USD.

Olivera Cirkovic khi cầm đầu băng trộm cướp các hiệu kim hoàn "Báo Hồng" và viết sách tự thú.

Theo lời Cirkovic thì cô ta không coi những vụ cướp bóc mà mình tham gia là trộm cướp thực sự mà đó chỉ là "hành động hiệp sĩ của Robin Hood lấy của cải của người giàu". Cô tin rằng, nếu tất cả được bảo hiểm trong ngân hàng thì tội trộm cắp không được tính, bởi vì cô quan niệm ngân hàng là "cướp bóc trong luật".

"Người đời ghen tỵ với tôi, thán phục tôi và cũng ca thán về tôi, nhưng tôi không thay đổi. Tôi vẫn giữ những nguyên tắc của mình ngay cả khi họ bắt đầu phá vỡ và gây nguy hiểm cho cuộc sống bản thân", Cirkovic nói.

Câu chuyện trong tù

Lần đầu tiên, năm 2006, cảnh sát Crit lục soát ô tô của Cirkovic và phát hiện ra chiếc kìm hôm trước băng cướp đã dùng để cướp một hiệu kim hoàn. Nạn nhân nhận ra chiếc kìm ấy và người đàn bà dáng rất cao đã giúp những kẻ phạm tội. Cirkovic mới đầu bị giam tại nhà tù Crit, sau đó vì mâu thuẫn với các tù nhân khác, cô ta phải chuyển sang nhà tù lớn nhất Athens là Coridallos.

Sau khi ra tù, Cirkovic lại "ngựa quen đường cũ" khi nhiều năm tổ chức những vụ cướp mới, rất tinh vi, và danh tiếng "Báo Hồng" lan khắp thế giới. Mùa Xuân 2012, cảnh sát lại bắt cô ta tại căn hộ của mình khi đang chuẩn bị cho một phi vụ mới. Lần này đi tù, mọi người đều biết đến Cirkovic không chỉ vì vô số vụ phạm pháp và còn vì tài năng hội họa kỳ lạ. Cô  ta nổi bật giữa các tù nhân khác, nên giành được cảm tình của nhiều quản giáo và cả giám thị.

Rất mau chóng, cô ta lên kế hoạch trốn trại. Cirkovic thuyết phục được một người lính canh cùng mình đi lấy màu ở nhà người quen, khi anh ta vừa mở cửa liền bị một cú đấm trời giáng. Đó là cuộc trốn chạy đầu tiên trong lịch sử nhà tù nghiêm ngặt nhất Hy Lạp. Hành trình trốn chạy của Cirkovic trải dài qua Macedonia và Montenegro về Serbia quê hương. Song, chỉ sau 6 tuần bỏ trốn, Cirkovic trở lại với "công việc". Nhờ chỉ điểm, cảnh sát địa phương mới biết kẻ tái phạm vừa về quê nguy hiểm biết chừng nào. Sau phiên tòa thứ nhất, cô ta nhận 32 năm rưỡi tù giam vì cướp bóc và tổ chức hoạt động tội phạm, phải vào nhà tù có chế độ nghiêm ngặt Eleonas Tiva.

Điều ngạc nhiên là nhiều người dân dịa phương cũng như Ban lãnh đạo câu lạc bộ bóng rổ "Pangrati" Athens mà cô chơi trong thập niên 1990 đều bênh vực cô, nên một thời gian sau, cô được giảm án, và đến tháng 8-2017, sau 5,5 năm tù, Olivera được được thả, song cô ta bị cấm vào Hy Lạp một thời gian nên đành trở lại Serbia.

Khi còn trong tù, Cirkovic viết 2 cuốn tự truyện: "Báo Hồng"- Tự thuật trong tù của tôi" và "Tôi là Báo Hồng: Xin thú nhận cũng như vẽ tranh". Bây giờ, cô ta hướng cuộc sống của mình vào việc PR, có trang trên Instagram được ghi nhận là "trang chính thống của một ngôi sao" có thể khoe khoang với gần 56.000 người đăng ký.

Đăng Bẩy (theo Lenta.ru)
.
.