Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó trong cuộc chiến Syria

Thứ Hai, 21/10/2019, 21:16
Ngày 20-10, Truyền thông Trung Đông đưa tin, Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) đã rời khỏi thị trấn biên giới Ras al-Ain, Đông Bắc Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến vào địa điểm này.


Trong khi đó, quân đội Syria đã điều động 3 lữ đoàn bộ binh hành quân hướng về phía Đông sông Euphrates. Còn NATO đã thành lập một nhóm chuyên trách giám sát về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Quân đội Syria sẽ thay người Kurd chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chiến dịch "Mùa xuân hòa bình" ở miền Bắc Syria sẽ tiếp tục nếu các phần tử khủng bố không rời khỏi "vùng an toàn" mà phía Ankara đặt ra trong vòng 120 giờ như đã thỏa thuận. 

Phát biểu trên truyền hình tại Istanbul, ông Erdogan thông báo trong 9 ngày diễn ra chiến dịch, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã vô hiệu hóa 765 phần tử khủng bố, giải phóng 111 khu định cư và quét sạch khủng bố khỏi khu vực rộng 1.500 km². Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cho biết ông sẽ thảo luận về chiến dịch quân sự nói trên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm thành phố Sochi của Nga vào ngày 22-10.

Tuy nhiên, chính quyền người Kurd ở phía Bắc Syria tuyên bố đã kí thỏa thuận với Damascus hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận, Damascus cam kết sẽ đưa quân đội chính phủ tới biên giới để giúp người Kurd đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngày 20-10, các đơn vị thuộc Lục quân Syria đang tiến về phía Đông sông Euphrates để triển khai lực lượng ở tỉnh Al-Hasakah. Các đơn vị quân đội này gồm có 3 lữ đoàn bộ binh. Hiện quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát toàn bộ thành phố Manbij, phía Đông Bắc Syria và các khu vực lân cận.

"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể ở trong Ras al-Ain Nhưng họ sẽ không thể tồn tại ở đây lâu, và sẽ sớm phải rút lui. Vì quân đội Syria đã bao vây họ. Chúng tôi không hề sợ hãi", bà Jansit Kazan, nghị sĩ Syria, nói. 

Bà Kazan nhấn mạnh mặc dù ưu tiên giải quyết xung đột bằng ngoại giao, nhưng Damascus vẫn sẽ không dung thứ cho hành động chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Syria của các lực lượng nước ngoài. 

"Sẽ không có người Thổ Nhĩ Kỳ. Còn ngay cả khi có người Kurd, họ cũng sẽ ở trong lãnh thổ Syria, dưới sự bảo vệ của quân đội Syria. Chúng tôi không chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp dưới bất kỳ hình thức nào - không phải chỉ riêng bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn bởi tất cả các lực lượng khác sau khi đã trải qua 9 năm chiến tranh", bà Kazan nói.

Quân đội của Chính phủ Syria sẽ tới biên giới để giúp người Kurd đẩy lùi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO sẽ giám sát cuộc chiến

Trước đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng ngày đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về việc thực hiện thỏa thuận giữa Ankara và Washington về việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận tạm thời ngừng chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria.

"Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh, Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi sát sao việc rút các thành viên của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK)/Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) ra khỏi vùng an toàn cũng như việc họ giao nộp các khí tài quân sự và phá hủy các công sự theo khung thời gian đã được vạch ra trong thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ", thông báo của Cơ quan báo chí trực thuộc Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. 

Anh là một trong số những nước đã công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch tấn công quân sự vào khu vực Đông Bắc Syria và đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với nước này.

Phát biểu ý kiến tại trụ sở NATO ở Brussels, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg xác nhận, tình hình tại miền bắc Syria là mối quan tâm lớn của tất cả các nước thành viên NATO. Ông J.Stoltenberg nhấn mạnh, kẻ thù chung của các bên là IS; đồng thời thông báo, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thảo luận về cuộc chiến chống IS trong cuộc họp diễn ra vào tuần này. 

Trong khi đó, ngày 20-10, báo Welt an Sonntag của Đức đưa tin NATO đã thành lập một nhóm chuyên trách giám sát về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Theo báo trên, các nước thành viên NATO hôm 16-10 đã có cuộc thảo luận kéo dài 2 giờ đồng về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các khu vực đông người Kurd sinh sống tại Syria. 

Sau đó, NATO đã quyết định thành lập một nhóm chuyên trách, trong đó có các chuyên gia về chính trị, quân sự và tình báo, để giám sát chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch "Mùa xuân boà bình" của thổ Nhĩ Kỳ tếp tục vấp phải phản đối của các nước châu Âu. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria đã vi phạm luật pháp quốc tế. 

"Chúng tôi không tin một cuộc tấn công nhằm vào các đơn vị của người Kurd hoặc dân quân người Kurd là phù hợp với luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Mass chia sẻ trên kênh truyền hình Đức ZDF. Tổng thống Pháp E.Macron cho biết, ông cùng các nhà lãnh đạo Đức và Anh sẽ sớm gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan để thảo luận về chiến dịch quân sự của Ankara ở Syria. 

Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố sẽ tận dụng hội nghị cấp cao NATO vào tháng 12 tới để chất vấn Tổng thống T.Erdogan liên quan chiến dịch chống người Kurd tại Syria. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) D.Tusk nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tạm ngừng các chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria không phải là lệnh ngừng bắn thật sự, mà chỉ là yêu cầu đầu hàng đối với người Kurd. 

Ông D.Tusk một lần nữa khẳng định lập trường của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) về kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay hành động quân sự tại Syria và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.

Minh Hằng
.
.