Tiết lộ về hệ thống đường hầm Palestine- Israel

Thứ Sáu, 03/06/2016, 16:14
Việc đóng cửa các vùng lãnh thổ Palestine ở khu Bờ Tây và Dải Gaza (từ ngày 10 đến 13-5) nhằm ngăn người Palestine vào lãnh thổ Israel của cảnh sát và quân đội nước này đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người Palestine làm việc tại Israel. Việc này diễn ra sau khi một đường hầm của phong trào Hồi giáo Hamas chạy từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel bị phát hiện hôm 5-5.

Và đây là đường hầm thứ hai bị cảnh sát và quân đội Israel phát hiện trong mấy tuần gần đây. Bởi trước đó (18-4), quân đội và cảnh sát Israel đã phát hiện một đường hầm tương tự của Hamas chạy từ Dải Gaza vào sâu trong lãnh thổ nước này.

Từ hệ thống đường hầm

Theo giới truyền thông, đường hầm bị phát hiện hôm 5-5 chạy từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel. Và theo Tel Aviv, đường hầm kể trên được Hamas xây dựng nhằm xâm nhập và thực hiện các vụ tấn công nhằm vào người Israel. Tại cuộc họp báo ngày 5-5, người phát ngôn quân đội Israel Peter Lerner cho biết, Lực lượng Phòng vệ nước này vừa phát hiện đường hầm thứ hai ở Dải Gaza. Theo ông Peter Lerner, đường hầm này nằm sâu dưới lòng đất khoảng 30m, nhưng không nói rõ nó dài bao nhiêu. 

Trước đó (18-4), Tel Aviv từng tuyên bố, đã xác định được vị trí và vô hiệu hóa một đường hầm chạy từ Dải Gaza vào sâu trong lãnh thổ Israel. Và đây là phát hiện đầu tiên sau cuộc xung đột mùa hè năm 2014. Khi đó, ông Peter Lerner cáo buộc đường hầm này (đi sâu vài trăm mét vào bên trong lãnh thổ Israel) là của Hamas, mặc dù lối ra chưa được xây dựng. Nhưng ông Peter Lerner không nói rõ về cách thức vô hiệu hóa đường hầm này, sau khi nó bị phát hiện.

Đường hầm của phong trào Hamas bị phát hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết (5-5), sẽ tiếp tục các hoạt động tìm kiếm và phá hủy những đường hầm do Hamas đào từ Dải Gaza vào lãnh thổ nước này. Trước đó (3-5), một đơn vị kỹ thuật của quân đội Israel dưới sự yểm trợ của xe thiết giáp đã vượt biên giới tiến sâu vào Dải Gaza khoảng 300m, khiến giao tranh giữa Israel và Hamas tái bùng phát. 

Tel Aviv cho biết, mục đích chính của chiến dịch quân sự kể trên là phát hiện các đường hầm được đào từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, và chiến dịch này tiếp tục cho đến khi tìm và ngăn chặn các đường hầm để bảo vệ dân thường khỏi sự đe dọa của Hamas trên mặt đất, cũng như dưới lòng đất. 

Căng thẳng giữa Israel và Hamas gia tăng kể từ ngày 18-4, sau khi Tel Aviv phát hiện đường hầm do Hamas đào từ Dải Gaza vào Israel. Và đã tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới với Dải Gaza để tìm kiếm và phá hủy các đường hầm tương tự. 

Về phần mình, ngày 6-5, Thủ lĩnh của Hamas tại Dải Gaza Ismail Haniyeh (nguyên Thủ tướng Palestine) cho rằng, các cuộc thâm nhập gần đây của lực lượng quân đội và cảnh sát Israel ở khu vực biên giới nhằm tìm kiếm đường hầm là nguyên nhân gây ra tình trạng leo thang bạo lực mới nhất giữa hai bên.

Trong khi đó, không quân Israel tiếp tục không kích vào các mục tiêu ở Dải Gaza vì cho rằng, Hamas và các nhóm vũ trang khác ở khu vực này đã bắn đạn cối vào Israel nhằm cản trở các nỗ lực của họ trong việc tìm kiếm các đường hầm chạy từ Dải Gaza vào lãnh thổ nước này. 

Hơn 2 năm trước (21-3-2014), Tel Aviv tuyên bố phát hiện một đường hầm "khủng bố" dài hàng trăm mét, và ở độ sâu từ 6-8m từ Dải Gaza dẫn vào bên trong lãnh thổ Israel. Sau đó (5-8-2014), quân đội và cảnh sát Israel đã phá hủy ít nhất 32 đường hầm và hàng chục lối vào đường hầm xuyên biên giới do các nhóm du kích Palestine đào. 

Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni từng tuyên bố, Tel Aviv sẽ không ngừng bắn cho tới khi phá hủy hết các đường hầm do Hamas tại dải Gaza sử dụng để thực hiện các vụ tấn công qua biên giới. Theo bà Tzipi Livni, việc xóa sổ đường hầm ở Dải Gaza là mục tiêu chiến lược của Israel, do đó Tel Aviv sẽ không ngừng bắn trước khi hoàn thành nhiệm vụ này.

Đường hầm nằm sâu dưới lòng đất 30m.

Mấy ngày trước, Thanh tra Nhà nước Israel Joseph Shapira đã cáo buộc các quan chức hàng đầu của nước này làm rò rỉ báo cáo mật của ông về cuộc chiến tại Dải Gaza hồi mùa hè năm 2014. Bởi ông Joseph Shapira đã gửi một dự thảo báo cáo tuyệt mật lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon và các quan chức chính phủ khác, trong đó cáo buộc cơ quan an ninh và cảnh sát Israel không có kế hoạch toàn diện để đối phó với các đường hầm của Hamas. 

Mặc dù báo cáo kể trên chỉ gửi cho một số nhân vật trọng yếu trong chính phủ, nhưng tờ Yediot Aharonot lại đăng tải nội dung của dự thảo tuyệt mật này. Và tuy đã yêu cầu cơ quan chức năng giải thích về sự tiết lộ kể trên, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa trả lời ông Joseph Shapira.

Tới những bế tắc

Theo thống kê, cuộc xung đột hồi mùa hè năm 2014 (kéo dài 50 ngày) đã khiến hơn 2.250 người Palestine và 73 người Israel thiệt mạng. Được biết, sau khi quân đội và cảnh sát Israel phát hiện ra đường hầm bí mật nối dải Gaza với Israel (tháng 10-2013), người phát ngôn của Hamas là ông Abu Obeida đã thách thức Tel Aviv khi viết trên trang Twitter của mình: Hàng ngàn đường hầm như vậy sẽ được xây dựng. Cửa hầm nằm gần một khu định cư dọc biên giới Israel và Dải Gaza. 

Đường hầm kể trên dài 2,5km, ở độ sâu 18m và được coi là một trong những địa đạo dài nhất của Hamas từng bị Israel phát hiện. Người phát ngôn quân đội Israel, ông Yoav Mordechai khi đó coi đây là đường hầm tiên tiến nhất từng bị phát hiện. Hamas từng đào nhiều đường hầm tới Israel và 10 năm trước (2006-2016), họ đã đột nhập vào Israel bằng đường hầm, bắt binh sỹ Gilad Schalit và giữ người này làm con tin 5 năm. Gilad Shalit sau đó được đổi lấy 1.000 tù nhân Palestine. Ông Yahya al-Sinwar, thành viên lãnh đạo của Hamas từng tuyên bố, hệ thống đường hầm đã đẩy cán cân cuộc chiến nghiêng về phía người Palestine.

Hơn 2 tháng trước (14-3), giới truyền thông tiết lộ, Tel Aviv đã thử nghiệm một loại vũ khí bí mật mới để phá hệ thống địa đạo do Hamas của Palestine và Hezbollah ở Lebanon đang xây dựng để thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ chống lại Israel. Loại vũ khí mới được đặt tên "Vòm sắt dưới lòng đất" có thể phát hiện đường hầm và phóng tên lửa để phá hệ thống địa đạo này. 

Theo giới chuyên môn, loại vũ khí này được trang bị những thiết bị cảm biến địa chấn để phát hiện các rung động dưới lòng đất và xác định vị trí trước khi phá hủy chúng. Israel hiện cáo buộc Hamas và Hezbollah đang xây dựng các đường hầm để tấn công nước này.

"Giải pháp 2 nhà nước cho Israel và Palestine ngày càng xa vời", là cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra tại phiên thảo luận với chủ đề "Tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine" do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức hơn 1 tháng trước (18-4). 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng cho rằng, thời gian yên tĩnh sau cuộc chiến tranh Israel-Hamas hồi mùa Hè năm 2014 "đang dần kết thúc". Căng thẳng giữa Israel và Palestine tái bùng phát từ tháng 9-2015 liên quan đến khu đền Al-Aqsa ở Jerusalem, nơi linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Và tranh cãi đã dẫn tới một loạt vụ tấn công bạo lực (từ 1-10-2015) khiến khoảng 200 người Palestine và 28 người Israel thiệt mạng. Theo người phát ngôn của Hamas Sami Abu Zuhri, Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay.

Trong khi đó, nhân viên hải quan và cơ quan Tình báo nội địa Israel (Shin Bet) vừa thu 4 tấn hóa chất NH4Cl tại cửa khẩu Nitzana, khi đang được buôn lậu vào Dải Gaza. Hóa chất NH4Cl (còn được gọi là "muối lạnh" hay Amoni clorua), vừa được dùng làm phân bón, vừa được sử dụng để chế tạo chất nổ. Trước đó (20-4), Israel ủng hộ việc lắp máy ghi hình an ninh tại ngôi đền Al-Aqsa (nằm dưới sự quản lý của Jordan), trong khu đền thiêng ở Đông Jerusalem mà người Do Thái gọi là Núi Đền, nhưng vấp phải sự phản đối của Palestine. 

Trước đó (18-4), Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour đã quyết định dừng việc lắp 55 camera tại ngôi đền kể trên, cho dù vấn đề này được đưa ra trong một thỏa thuận đạt được hồi tháng 10-2015 giữa Quốc vương Jordan Abdullah II, với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhằm hạn chế các vụ xâm phạm tại đền thờ này. 

Palestine phản đối bởi lo ngại các thiết bị ghi hình này sẽ được Israel sử dụng để nhận dạng và bắt giữ các tín đồ Hồi giáo, cũng như các nhà hoạt động phản đối người Do Thái đến khu vực đền thờ. Khu đền nói trên là nơi linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và Do Thái. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Tel Aviv đã chiếm khu đền và sáp nhập vào lãnh thổ Israel, nhưng không được quốc tế công nhận.

Hơn 1 năm trước (30-3-2015), Ai Cập cho biết, lực lượng cảnh sát và an ninh nước này đã phá hủy 22 đường hầm ở biên giới với Dải Gaza, đưa tổng số đường hầm bị phá hủy kể từ tháng 2-2014 lên 216. Trước đó (27-2-2013), Ai Cập từng yêu cầu chính phủ phá tất cả các đường hầm nối giữa Ai Cập với Dải Gaza nhằm loại bỏ tuyến đường vận chuyển vũ khí lậu. Và tính tới thời điểm đó, có khoảng 2.000 đường hầm đang được sử dụng. Ngày 27-10-2013, Hamas tiết lộ, việc Ai Cập chặn các đường hầm vận chuyển hàng hóa vào Dải Gaza đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 230 triệu USD/tháng cho khu vực này.
Anh Phương
.
.