Vì sao người Kurd từ chối gia nhập SAA?

Thứ Bảy, 02/11/2019, 15:10
Ngày 30-10, chỉ huy của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Mazloum 'Abdi tuyên bố rằng, quân đội người Kurd sẽ không gia nhập vào Quân đội Ả Rập Syria (SAA). Theo ông Abdi, các lực lượng người Kurd từ chối lời kêu gọi của Bộ Quốc phòng Syria vì cách diễn đạt một số điều trong tuyên bố của cơ quan này không phù hợp với lãnh đạo SDF.


Thay vì gia nhập SAA, chỉ huy SDF nói rằng, ông hy vọng Bộ Quốc phòng Syria sẽ chấp nhận đề xuất của người Kurd, đó là cho phép họ hoạt động trong khu vực do họ kiểm soát như một phần của hệ thống phòng thủ Syria.

Trước đó, trong một tuyên bố do hãng thông tấn SANA đăng tải, Bộ Quốc phòng Syria cho biết, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Syria sẵn sàng chào đón các thành viên của Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF). Tuyên bố nhấn mạnh tất cả người dân Syria, trong đó có cộng đồng người Kurd thiểu số, đang chống chọi với "một kẻ thù."

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Syria khẳng định sẵn sàng triển khai cảnh sát tới đảm bảo an ninh tại các khu vực dân cư ở Đông Bắc nước này, đồng thời kêu gọi các thành viên của lực lượng an ninh người Kurd gia nhập quân đội Syria.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Syria triển khai binh sỹ dọc các khu vực biên giới phía Đông Bắc nước này theo thỏa thuận đạt được với lực lượng người Kurd nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đợt triển khai binh sỹ lớn nhất của quân đội Syria tại khu vực này kể từ năm 2012.

Câu trả lời của thủ lĩnh người Kurd khiến chính phủ Syria cảm thấy bất ngờ. Bởi lẽ, trước đó Người phát ngôn SDF Mustafa Bali đã nói với RIA Novosti rằng, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) sẵn sàng thảo luận về việc gia nhập quân đội Syria sau khi họ đạt được các giải pháp chính trị với Damascus.

Lực lượng người Kurd ở Syria.

"Cho dù đó chỉ là đề xuất, song cần phải thấy tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Syria. Tất cả các bên phải nhận ra rằng, cuộc khủng hoảng chính trị cần được giải quyết nhanh chóng", ông Bali nói.

Người phát ngôn SDF nói thêm rằng, khi gia nhập quân đội Syria, các tay súng người Kurd sẽ không quan tâm đến những tên gọi hay vị trí của họ trong lực lượng. Điều quan trọng là người Kurd được chiến đấu và liên hệ với tất cả các lực lượng.

Với khoảng 40 triệu dân, người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông. Dù số lượng lớn, họ không có quốc tịch và sống trên những vùng lãnh thổ trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia. Sau khi Thế chiến I kết thúc với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, người Kurd đã nỗ lực đấu tranh cho một nhà nước Kurd độc lập.

Những lời hứa hẹn được đưa ra trong những hiệp ước đầu tiên hướng tới một quốc gia cho người Kurd. Nhưng khi khu vực bị chia rẽ, ước mơ của người Kurd không thể trở thành hiện thực. Từ đó tới nay, họ vẫn theo đuổi nỗ lực lập quốc và tất cả đều bị dập tắt.

Với Mỹ, người Kurd một mặt là một công cụ hoàn hảo cho chính sách đối ngoại của Washington. Họ có thể vũ trang cho người Kurd ở bất kỳ quốc gia nào trong số những nước đang là kẻ thù của mình. Nhưng mặt khác, Mỹ cũng không muốn người Kurd mà họ sử dụng trở nên quá mạnh.

Nếu điều đó xảy ra, những người Kurd ở những nơi khác cũng có thể được cổ vũ đòi tự do và độc lập. Vì thế việc sử dụng người Kurd, khi thì liên minh với họ, khi lại cho phép tước bớt sức mạnh của họ, là chính sách mà Mỹ đã áp dụng 8 kể từ chiến tranh Thế giới thứ nhất đến nay.

Cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kéo dài gần 5 năm, hơn 11.000 thành viên của SDF, phần lớn là người Kurd, đã phải đánh đổi mạng sống của mình. Bởi vậy, ngày 7-10, khi Tổng thống Trump tuyên bố việc Mỹ rút quân khỏi Syria khiến người Kurd cảm thấy “bị đâm sau lưng”.

Bởi động thái này được coi là bật đèn xanh để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực do người Kurd kiểm soát. “Chúng tôi đang phơi ngực trước những mũi dao của Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng tư lệnh SDF Mazloum Abdi khi đó đã chua chát nói về quyết định trên của Washington.

Khi bị Mỹ bỏ rơi, người Kurd đã phải cầu cứu quân đội Syria và lực lượng Nga nhằm ngăn cản cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga-Syria đã đáp ứng lời cầu cứ đó, nhanh chóng điều động binh lực, cản bước tiến của Ankara. Sau khi quân đội Syria hành động, người Kurd chỉ mất một phần nhỏ diện tích lãnh thổ ở biên giới Syria, đổi lại SDF không chịu bất cứ tổ thất lớn nào sau chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Ankara.

Tưởng chừng sau 8 nhận trái đắng từ Mỹ, người Kurd sẽ hiểu ra đâu là đồng minh chân chính, nhưng khi Nga-Syria bày tỏ ý định kiểm soát các mỏ dầu ở đông Deir Ezzor, người Kurd đã không hợp tác. Thế nhưng, khi Mỹ tuyên bố sẽ điều quân để bảo vệ những mỏ dầu này, SDF đã không một lời phản đối.

Có vẻ như sau khi Mỹ tuyên bố ý định quay trở lại Syria để bảo vệ các mỏ dầu, lực lượng này vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ thành lập khu tự trị ở đông bắc Syria.

Minh Khuê
.
.