Cuộc chiến AI của Israel ở Gaza
Việc nhà nước Do Thái Israel triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) ở Gaza đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh chiến tranh hiện đại. Tác giả bài viết, Jonathan Fenton-Harvey, nhà báo kiêm nhà nghiên cứu chuyên về những vấn đề xung đột, địa chính trị và nhân đạo tại Trung Đông và Bắc Phi.
Dù có những tiến bộ trong việc dùng AI nhưng sự tàn phá nghiêm trọng nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở Gaza (cùng với gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tổng số người thiệt mạng hiện đã chạm mốc 2 vạn người, theo số liệu ngày 21/12/2023) đã làm gia tăng sự lo ngại sâu sắc về việc dùng tự động hóa và người máy trong các hoạt động chống nổi dậy. Trước đó là nhờ bài viết đăng trên tạp chí +972 và Local Call mang tính đột phá mà nhờ đó người ta biết đến vũ khí đi đầu của Israel là một hệ thống mới có tên là “haBsora” (Phúc Âm), nền tảng AI này được cho là làm tăng tốc việc lựa chọn mục tiêu để đánh bom ở Gaza cũng như theo dõi nhanh chóng các vị trí của dân quân Hamas, trong khi lại cung cấp ước lượng số người thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Quả vậy, trong khi những hệ thống AI cũ hơn có thể tạo ra 50 mục tiêu/ngày, thì hệ thống Phúc Âm giờ đây có thể ước tính được việc quân đội Israel sẽ tạo ra 100 mục tiêu. Nhưng chính xác thì hệ thống này làm việc ra sao? Nói vắn tắt thì nó tạo ra các mục tiêu bằng một mô hình gọi là “suy luận xác suất” - một tính năng chủ chốt của thuật toán học máy. Về cơ bản thì những thuật toán dạng này sẽ phân tích một lượng lớn dữ liệu để xác định các mẫu. Hiệu quả của những thuật toán này phần đa phụ thuộc lớn cả vào chất lượng và số lượng dữ liệu mà chúng tạo ra. Các thuật toán dùng các mẫu để đưa ra những dự báo hoặc các đề xuất dựa trên khả năng xảy ra. Nếu một cá nhân có những đặc điểm giống với những người khác được nhận diện là lính tráng của địch thì hệ thống cũng sẽ dán nhãn cá nhân đó là địch. Quá trình này dựa trên khả năng hoặc xác suất rằng chúng có cùng trạng thái chứ không phải dựa trên sự chắc chắn tuyệt đối.
Chiến lược AI của Israel
Hoạt động thu thập dữ liệu và thu thập thông tin quan trọng của Israel được xem là thành phần cốt lõi giúp làm nên chiến lược mới này. Nhà báo độc lập Antony Loewenstein kiêm tác giả cuốn sách “Phòng thí nghiệm Palestine”, giải thích: “Trong thời gian qua Israel đã tích lũy đáng kể một lượng thông tin tình báo bằng cách dùng các trang thiết bị giám sát, máy bay không người lái (drone), nhiều điệp viên nằm vùng trong hàng ngũ Hamas, cũng như trong số những người Palestine vượt biên. Khối lượng tình báo đồ sộ này cho phép Israel tạo ra và bơm vào số lượng mục tiêu khổng lồ này”. Khả năng lựa chọn mục tiêu để đánh bom của hệ thống Phúc Âm sâu sắc đến độ một cựu quan chức tình báo Israel phải thốt lên rằng đó là một “cỗ máy giết người khổng lồ”. Theo cuộc điều tra riêng của nhà báo Loewenstein thì Phúc Âm cho phép quân đội Israel tiến hành các cuộc không kích nhắm vào nhà cửa dân cư, khi một thành viên Hamas sống ở đó, trên quy mô lớn, ngay cả những người là thành viên cấp dưới của Hamas.
Song những lời làm chứng của người Palestine lại cho thấy các cuộc không kích của Israel cũng nhắm vào những tòa nhà không hề có thành viên Hamas nào cư trú ở đó. Tiến sĩ Rob Geist Pinfold, diễn giả về hòa bình và an ninh tại Đại học Durham (Đông Bắc nước Anh) phân tích: “Việc sử dụng hệ thống nhắm mục tiêu mới bằng AI mang tên “haBsora” là một phần nguyên nhân gây ra tỷ lệ không kích cao như vậy của Israel ở dải Gaza trong cuộc chiến này. Từ lâu Israel đã thực hiện những cuộc tấn công kiểu đó nhưng lại cực kỳ thiếu thông tin để thực hiện điều đó theo một cách tương đối chính xác, vì thế mà việc dùng AI sẽ tăng cường tình báo cho Israel cùng những khả năng chiến đấu của họ. Loại AI này dùng tình báo hiện có để xác định chính xác những mục tiêu tiềm năng ở Gaza và lập bản đồ số lượng thương vong dân sự trên lý thuyết gây ra bởi cuộc tấn công vào mục tiêu đó. Tất cả những việc này đều được phân loại theo hệ thống đèn giao thông: màu đỏ có nghĩa là có quá nhiều thương vong cho thường dân Palestine để biện minh cho cuộc tấn công; màu xanh lá cây lại gợi ý điều ngược lại”.
Để hỗ trợ việc này, Israel cũng đã hé lộ việc triển khai một hệ thống AI khác cùng với Phúc Âm, nó có tên là “Xí nghiệp lửa”, hệ thống này dùng dữ liệu về những mục tiêu được quân đội phê duyệt để tính toán tải trọng đạn dược, ưu tiên và phân bổ hàng ngàn mục tiêu cho các loại máy bay và drone, cũng như đề xuất kế hoạch cho những lần đột kích tiếp theo. Việc Israel tham gia vào chiến tranh được AI hỗ trợ không phải là mới, khi quân đội nước này từng tuyên bố chiến đấu trong “cuộc chiến AI đầu tiên” dài 11 ngày ở Gaza vào tháng 5/2021, nhấn mạnh nỗ lực không ngừng của nhà nước Do Thái trong việc tích hợp công nghệ tiên tiến và siêu máy tính vào chiến lược quân sự của mình. Cùng lúc đó, các lực lượng Israel đã bắt đầu dùng A.I trong việc lựa chọn mục tiêu cho các cuộc không kích và lập kế hoạch hậu cần vào tháng 7/2023.
Những trăn trở đạo đức
Israel đang tìm cách tăng cường việc sử dụng chiến tranh tự động như đã được loan tin từ chính miệng ông Eyal Zamir, Tổng cục trưởng Bộ Quốc phòng Israel vào tháng 5/2023. Sự tích hợp này bao gồm việc thành lập một sư đoàn người máy quân sự chuyên dụng, cũng như tăng đáng kể nguồn ngân sách cho việc phát triển và nghiên cứu AI. Trọng tâm chính cho sáng kiến này là phát triển các nền tảng tấn công bầy đàn do AI điều khiển và những hệ thống chiến đấu tự động khác. Theo lời của ông Eyal Zamir thì vì sở hữu quân đội nhỏ về quân số trong khi lại ưu tiên vào tiến bộ công nghệ nên Israel cũng đang tìm kiếm cách lấp đầy khoảng trống bằng tham vọng trở thành nhà nước “đại cường AI”. Nói cách khác, AI sẽ khiến quân đội hiệu quả và sát thương cao hơn, khi mà quân đội dùng những hệ thống từ xa và tự động để lựa chọn và tấn công mục tiêu.
“Rủi ro ở đây là hệ thống này tạo ra quá nhiều mục tiêu khiến việc giám sát của con người trở nên khó khăn hơn rất nhiều, dẫn đến nhiều quyết định đặc biệt hơn được đưa ra, và phần nào giải thích số lượng dân thường tử vong cao ở Gaza”, tiến sĩ Rob Geist Pinfold giải thích thêm. Và trong khi nhiều người ủng hộ đang ca ngợi AI vì “đã làm được nhiều hơn với quân số ít hơn” trong chiến tranh khi tấn công mục tiêu chính xác hơn, giới hạn thương vong dân thường hơn, thì vẫn còn đó không ít trăn trở về chuyện đạo đức. Đó là còn chưa kể đến những khó khăn trong việc điều chỉnh những hệ thống quân sự dựa trên học máy. Nhà báo độc lập Antony Loewenstein trầm ngâm nói: “Israel và các đồng minh của họ cho rằng AI nâng cao độ chính xác trong những hoạt động của họ, vì thế hạn chế thương vong dân thường. Tuy nhiên có rất ít bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố này”.
Ông Loewenstein nói thêm: “Dựa trên những gì chúng tôi đã quan sát, mục tiêu chính trong chiến lược của Israel là gây thiệt hại nghiêm trọng hơn là chính xác, biến Gaza điêu tàn không thể sống được và buộc người dân phải lật đổ Hamas”. Thực vậy, theo cuộc điều tra của tờ +972 thì các quan chức tình báo chóp bu của Israel đã chỉ thị cho các thuộc hạ của họ phải “thủ tiêu càng nhiều điệp viên Hamas càng tốt” trong khi lại nới lỏng mọi hạn chế xoay quanh việc gây hại thường dân Palestine. Chiến lược này (liên quan đến việc xác định chính xác phạm vi di động) thường đánh đổi độ chính xác để lấy tốc độ, dẫn đến thiệt hại tài sản thế chấp tiềm ẩn, đồng thời khơi dậy những cuộc tranh luận về đạo đức của AI dùng trong chiến tranh.
Tương lai của chiến tranh
Việc dùng hệ thống Phúc Âm và các chiến lược tương tự của Israel đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội trong việc tích hợp AI trong chiến tranh, một bước nhảy vọt so với các tiền lệ lịch sử. Từ thời chiến tranh Việt Nam, đã đánh dấu bước đột phá đầu tiên trong việc thử nghiệm tên lửa dẫn đường bằng laser, sang cuộc chiến tranh Iraq là việc chứng kiến sự tiến bộ của hệ thống sinh trắc học để nhận diện quân nổi dậy; cùng với những loại vũ khí dẫn đường tiên tiến hơn, tiến bộ của việc áp dụng và nâng cao thiết bị AI trong chiến tranh là điều hiển nhiên. Các chính phủ trên khắp toàn cầu đang không ngừng theo đuổi những tiến bộ AI mới nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội của họ. Nhấn mạnh vai trò của cuộc chiến tranh Gaza trong xu hướng này, một cựu quan chức Nhà Trắng đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng “những nước khác đang theo dõi và học tập từ ứng dụng dùng AI trong chiến tranh của Israel”.
Nhà báo độc lập Antony Loewenstein nhấn mạnh: “Israel đã công bố nhiều video về các cuộc không kích của mình, điều này không chỉ nhằm mục đích hướng tới khán giả trong nước mà còn gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế. Mục đích chính là cho thấy khả năng của họ đối với những chính phủ khác, thiết thực nhất là thu hút các khách hàng ngoại quốc”. Theo Bộ Quốc phòng Israel thì xuất khẩu vũ khí của họ đang mở rộng, tăng gấp đôi giá trị trong thập kỷ qua. Trong số các khách hàng chủ chốt là các nhà nước như Ấn Độ, các nước ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Phi Châu, và các nước Arab đã duy trì bình thường hóa quan hệ với Israel kể từ Hiệp định Abraham năm 2020. Nhà báo Loewenstein kết luận: “Israel đang tích cực tiếp thị thiết bị và phương pháp của họ, thiết lập môt tiền lệ có thể được những nước khác noi theo trong tương lai, cụ thể là những nước tuyên bố họ đang tham gia vào cuộc chiến chống nổi dậy. Hiện tại chính xác các quốc gia có làm theo hay không nhưng xu hướng là rõ ràng”.