Vì sao chiến dịch đánh bom Aphrodite thất bại?

Thứ Ba, 20/08/2024, 18:16

Tháng 8/1944, người anh cả của Robert và John F. Kennedy đã tử nạn khi đang lái một máy bay không người lái trên bầu trời nước Anh, bỏ lại những người em tiếp tục thực hiện ước mơ của cha mình. Theo thông thường, đáng lẽ cuộc chiến bí mật của Joseph P. Kennedy Jr. đã kết thúc mới phải.

Hè năm 1944, khi các lực lượng quân Đồng Minh tiến vào Mặt trận phía Tây, viên trung úy Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ thứ 50 của mình - gấp đôi số lượng nhiệm vụ được hoàn thành trong chuyến công tác nước ngoài. Tuy nhiên thay vì quay về Mỹ thì Joseph đã làm tình nguyện viên cho một chiến dịch tuyệt mật mang tên Aphrodite - lấy theo tên nữ thần tình yêu và sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp.

Trong một lá thư gửi cho cha mẹ, Joseph đã viết: “Con sẽ làm điều gì đó khác trong 3 tuần tới. Nó bí mật, vì vậy con không được phép nói bất kỳ thứ gì, nhưng không có nguy hiểm gì đâu, cha mẹ đừng lo lắng”. Có phần thận trọng trong phản ứng với người con trai cả, cha của Trung úy Joseph, cựu đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh, ông Joseph P. Kennedy Sr, khuyên nhủ con: “Cha có thể mường tượng hiểu cảm giác của con ở đó… Nhưng đừng có liều lĩnh”.

 Vì sao chiến dịch đánh bom Aphrodite thất bại? -0
Gia đình Kennedy ở Hyannis Port (Massachusetts) năm 1931. Joe Jr. đứng hàng sau, bên phải.

Ba ngày sau khi người cha viết thư hồi âm, chiếc máy bay rỗng ruột chở người con trai và viên phi công phụ đã phát nổ trên bầu trời nước Anh khiến cả hai thiệt mạng. Đó là một sự thất bại thảm hại đối với Chiến dịch Aphrodite với trọng trách biến những chiếc oanh tạc cơ đã cũ kỹ thành tên lửa được điều khiển bằng sóng vô tuyến, về căn bản là những chiếc máy bay không người lái thuở ban đầu. Ở góc độ cá nhân hơn thì cái chết ở tuổi 29 của Joseph đã giáng một đòn mạnh vào giấc mơ tương lai vĩ đại của người cha. Được chuẩn bị cho chức Tổng thống ngay từ khi mới sinh, Joseph Jr. từng làm đại biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào năm 1940, với kế hoạch tranh cử vào Quốc hội sau chiến tranh. Khi nghe tin anh trai qua đời, John F. Kennedy (người con trai thứ hai của gia tộc Kennedy) đã xác định trách nhiệm của mình.

Theo thông tin thì trước thời điểm anh mất, John được cho là quá lười biếng, thích vui đùa, tư chất ốm yếu “không thích hợp cho sự nghiệp chính trị”, nhưng John đã giành được ghế tại Hạ viện và Thượng viện, trước khi giành chiến thắng sít sao trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1960, trở thành Tổng tư lệnh Công giáo Ireland đầu tiên và là người trẻ nhất được bầu vào chức vụ cao nhất của nước Mỹ cho đến nay. John đã nói: “Tôi bước chân vào chính trường khi anh cả chết. Nếu có bất kỳ thứ gì xảy ra cho tôi vào ngày mai, em trai Bobby sẽ thay tôi… Còn nếu Bobby mất, Teddy sẽ thế chỗ.

Tư chất lãnh đạo của con cả nhà Kennedy

Sinh ngày 25/7/1915, Joe Jr là con trai đầu lòng của ông Joe Sr., một doanh nhân giàu sụ kiêm chính trị gia Massachusetts nổi tiếng, và mẹ là bà Rose Fitzgerald Kennedy, vốn là con gái rượu của ông thị trưởng thành phố Boston. Là con cả trong số 9 anh em, “Joe Jr. có tính cách mạnh mẽ nhất định khiến nó trở thành một nhà lãnh đạo bẩm sinh ngay từ khi còn nhỏ”, theo nhận xét của người mẹ Rose trong hồi ký của bà. Những người em rất ngưỡng mộ anh cả, ngược lại Joe Jr cũng là gương sáng cho các em noi theo bởi học giỏi và chơi thể thao. Tuy vậy theo hồi ký của bà Rose thì “Joe Jr. gây ra đủ chuyện rắc rối, nhất là khi chơi cùng em trai”. Năm 1923, 2 anh em cùng mở câu lạc bộ với mức phí gia nhập khá cao: để được kết nạp vào tổ chức, các thành viên mới phải đồng ý bị đóng đinh!

Hai anh em Joe Jr. và John cùng theo học trường nội trú danh tiếng Choate ở Connecticut. Tại đó, người anh chơi bóng đá và biên tập kỷ yếu của học sinh. Trước khi ghi danh vào Đại học Harvard, Joe Jr đã dành 2 năm để theo học nhà khoa học chính trị người gốc Do Thái tài ba, Harold Laski, tại Trường kinh tế London. Thời gian Joe Jr. ở Châu Âu trùng với thời điểm Adolf Hitler lên nắm quyền; khi thăm nước Đức, Joe Jr tìm hiểu về chương trình triệt sản cưỡng bức của Đức Quốc xã (ĐQX), một chính sách mà Hitler ca ngợi “sẽ loại bỏ nhiều kiểu người ghê tởm trên trái đất này”. Theo sử gia Kate Clifford Larson thì Joe Jr. “có quan điểm khá bảo thủ về người khuyết tật”, đó là một lập trường đáng ngạc nhiên khi xét đến mối quan hệ thân thiết giữa ông với người em gái Rosemary Kennedy, một người kém thông minh.

Dù có thái độ tôn trọng với Laski, Joe Jr cũng ủng hộ tình cảm bài Do Thái, tuyên bố rằng Hitler đã hướng đến “những người Đức đang chán nản, phân tâm, thất vọng, một kẻ thù chung của nước Đức”. Trong lá thư gửi cho cha, Joe Jr viết: “Đó là một thứ tâm lý tuyệt vời, và thật tệ khi phải làm việc với người Do Thái. Tuy vậy, sự không ưa người Do Thái là có cơ sở”. Joe Jr. tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1938 và sống với gia đình ở London, nơi người cha đang làm việc trong tư cách Đại sứ Mỹ. Tháng 2/1939, chàng trai 23 tuổi đến Madrid trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Joe Sr. nói với hãng tin AP: “Mẹ tôi sẽ chết mất nếu bà ấy hay tin tôi đang ở Madrid”. Năm 1940, Joe Jr. trở thành tiêu đề trên báo với tư cách là một đại biểu DNC bỏ phiếu cho Tổng cục trưởng bưu điện James Farley thay vì là Franklin D. Roosevelt đương nhiệm.

Dưới áp lực phải chuyển lòng trung thành của mình cho tổng thống mà cụ thể là con trai của một đại sứ được chính Roosevelt bổ nhiệm, Joe Jr vẫn kiên định với lựa chọn của mình khi tin rằng không một vị tổng tư lệnh nào được phép cầm quyền 3 nhiệm kỳ. Hành vi của chính trị gia mới nổi tại hội nghị đã giúp Joe Jr giành được sự hâm mộ của những người tham dự nổi tiếng. Dù quay lại Harvard để nhập học luật, nhưng cuối cùng Joe Jr quyết định nhập ngũ Hải quân để trở thành phi công vào tháng 6/1941 thay vì kết thúc chương trình đại học.

 Vì sao chiến dịch đánh bom Aphrodite thất bại? -0
Joe Jr (Joseph), con trai cả của gia tộc Kennedy trong thời gian phục vụ Hải quân Mỹ.

Trước thái độ phản đối của người cha về khả năng Mỹ tham gia vào Thế chiến II (kịch bản này có thể xảy ra trong quá trình dẫn đến sự kiện Trân Châu Cảng), trong một lá thư gửi cho cha mình, Joe Jr viết: “Với lập trường của cha về chiến tranh… người ta sẽ hỏi con đang làm gì khi quay lại trường khi hết thảy mọi người đang ra sức bảo vệ tổ quốc”. Rất nhanh sau đó, John đi theo bước chân của anh cả, dựa vào các mối quan hệ của gia đình để có được chân trong Lực lượng dự bị Hải quân, bất chấp có tật ở lưng mà có thể ngăn ông gia nhập quân đội. Tháng 12/1941, khi Mỹ đã tham chiến, anh em nhà Kennedy đều đang trong quá trình huấn luyện Hải quân.

Trong khi người cha đang đặt kỳ vọng lên sự nghiệp của con cả Joe Jr thì sự thành công binh nghiệp của người con trai thứ hai John khiến ông ngạc nhiên hơn: người mới được thăng quân hàm Trung úy và chỉ huy con tàu của riêng mình vào cuối năm 1942. Khi em trai đang chỉ huy một đội tuần tra quanh những con tàu Nhật Bản ở quần đảo Solomon thì Joe Jr. bị giáng chức xuống một căn cứ ở Virginia, nơi ông thực hiện những cuộc tuần tra ít rủi ro hơn nhằm tìm kiếm các tàu ngầm Đức. Đêm 1/8/1943, một khu trục hạm Nhật Bản đã đâm vào chiếc tàu PT-109 của John, hất văng thủy thủ đoàn xuống nước, xé toạc mạn phải con tàu. Ở tuổi 26, John đã thể hiện lòng dũng cảm phi thường khi cứu sống được 11 thủy thủ lên bờ ở những hòn đảo lân cận để tìm kiếm thức ăn và cứu trợ. Sau đó, John được ngợi ca là một người hùng.

Trong khi danh tiếng John nổi lên như cồn thì Joe Jr. lại cảm thấy mình bị lu mờ và tìm cách chứng tỏ bản thân. Cựu phi công Louis Papas sau này đã nhớ lại người đồng nghiệp cũ: “Chưa từng có nhiệm vụ nguy hiểm nào mà Joe ngại ngần. Ông ấy được mọi người vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng vì lòng dũng cảm, sự nhiệt tình, cùng sự sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất”. Được điều đến Anh vào tháng 9/1943, Joe Jr. có vài tháng ròng bay tuần tra bên trên Đại Tây Dương, eo biển Manche và Vịnh Biscay, lái các oanh tạc cơ PB4Y Liberator trong những nhiệm vụ chống tàu ngầm. Tháng 5/1944, Joe Jr đã thực hiện 25 nhiệm vụ bay để đủ tiêu chuẩn cần thiết nhằm quay lại Mỹ. Sau đó mặc dù được phép trở về nhà nhưng Joe Jr vẫn ở lại chiến đấu. Trong lá thư gửi cho cha mẹ vào tháng 6/1944, Jor Jr viết: “Bây giờ con có 39 nhiệm vụ và sẽ tăng lên 50 khi rời đi. Không ai trong căn cứ đạt được, song nó cũng chẳng nói lên được điều gì”.

Chiến dịch đánh bom Aphrodite

Hè năm 1944, Joe Jr. lần đầu tiên làm tình nguyện viên trong Chiến dịch Cork, một cuộc tuần tra trên không liên quan đến việc xâm lược Pháp của quân Đồng Minh, và sau đó làm cho Chiến dịch Aphrodite và Chiến dịch Anvil. Dự án tuyệt mật này là nhằm phá hủy các boong-ke bê tông cốt thép của ĐQX tại lãnh thổ Pháp bị chiếm đóng, mà từ các khu boong-ke này người Đức sẽ phóng tên lửa hành trình V-1 và tên lửa đạn đạo V-2 có sức tàn phá khủng khiếp. Các máy bay phản lực không người lái được điều khiển bằng con quay hồi chuyển sẽ chứa đầy thuốc nổ, những quả đạn này được người Anh triển khai từ xa để “khủng bố” tinh thần lính Đức. Tư lệnh James Doolittle thuộc Không lực 8 của quân đội Anh đã đề xuất chuyển đổi các oanh tạc cơ đời cũ thành những tên lửa không người lái.

Trong một bài đăng trên trang blog vào năm 2014, ông Roger Connor, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và không gian quốc gia Mỹ, viết: “Công nghệ điều khiển và lái tự động của công nghệ này còn chưa đủ hoàn thiện nên nó đầy rủi ro, song lợi ích nhìn thấy đã biện minh cho chi phí tiền bạc”. Mặc dù các oanh tạc cơ được điều khiển từ xa nhưng chúng vẫn cần một phi hành đoàn gồm 2 người để giúp máy bay cất cánh và đảm bảo nó đi đúng hướng. Khi nghe về chiến dịch Aphrodite, Joe Jr. đã tình nguyện tham gia. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao quyền điều khiển máy bay, Joe Jr. và phi công phụ Wilford J. Willy được cho là sẽ nhảy dù xuống nước Anh nhằm đảm bảo an toàn trong khi các oanh tạc cơ vẫn tiếp tục bay đến những boong-ke chứa tên lửa V-1. Nhóm máy bay hỗn tạp của quân Đồng Minh cần thiết cho nhiệm vụ này (bao gồm một chiếc Mosquito chở theo con trai thứ 2 của Tổng thống Mỹ là Elliott Roosevelt, người được giao nhiệm vụ ghi phim về chuyến bay) sẽ cất cánh từ căn cứ của Không lực Hoàng gia Anh sau 6 giờ chiều ngày 12/8/1944.

18 phút khi đi vào nhiệm vụ, Joe Jr. chia sẻ một thông điệp trên sóng vô tuyến: “Spade Flush” - mật mã mà oanh tạc cơ sẽ chuyển cho máy bay mẹ. Lúc 6 giờ 20 phút chiều khi Joe Jr. và Willy đang chờ tín hiệu để nhảy dù thì 2 vụ nổ đã làm rung chuyển máy bay, giết chết các phi công và gần như phá hủy các máy bay khác trong đội hình. Thi thể của hai phi công vĩnh viễn không được tìm thấy. “Vụ tai nạn này là vụ nổ lớn nhất tôi từng thấy cho đến khi có bức ảnh về bom nguyên tử”, một phi công trên tàu mẹ khi đó cho biết. Không ai có mặt trên mặt đất bị thương, song các mảnh vỡ từ máy bay rơi tá lả xuống vùng nông thôn nước Anh. Một người dân thuật lại “một đám khói đen hao hao một con mực tuộc khổng lồ, các xúc tu bên dưới chỉ xuống những mảnh vỡ dưới đất đang bốc cháy”. Nguyên nhân bi kịch chưa được nhận diện song sự cố cơ học là một giả thuyết hàng đầu. Chiến dịch Aphrodite tiếp tục suốt tháng 1/1945 nhưng có rất ít thành công.

 Vì sao chiến dịch đánh bom Aphrodite thất bại? -0
Hai anh em John và Jor Jr trong quân phục Hải quân.

Chính phủ đã trao tặng Joe Jr. và Willy tấm Huân chương Hải quân - huân chương quân sự cao thứ 2. Trong lúc đó John đã giành được Huân chương Hải quân và thủy quân lục chiến - giải thưởng cao nhất cho những hành động anh hùng. Gia đình Kennedy buồn rầu vì cái chết của Joe Jr. Vì có rất ít thông tin về khoảnh khắc cuối cùng của ông (nhiệm vụ này vẫn được giữ kín cho đến sau chiến tranh), nên cả nhà đã tưởng nhớ người con trai cả của họ bằng một cuốn sách được xuất bản riêng có tiêu đề “Khi chúng ta nhớ về Joe”. Dù buồn thương về cái chết của con trai cả, người cha vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng cho gia đình. Ông nói với vợ: “Chúng ta sẽ tiếp tục, phải chăm sóc những người còn sống. Có nhiều thứ cần hoàn thành”.

Có thông tin là người cha đã để người con trai thứ 2 sẽ thay thế anh cả, trở thành đại diện gia đình Kennedy trên sân khấu quốc gia. Sau này, Tổng thống JFK viết: “Cha tôi muốn con cả làm chính trị. Ông ấy muốn như vậy. Quý vị biết cha tôi mà”. Có vẻ như Joe Jr đã dự cảm trước những sự kiện sắp xảy ra với mình, Trong một lá thư trước khi gia nhập Hải quân, Joe Jr viết: “Có vẻ như Jack (John hay JFK) có khả năng hoàn hảo để làm mọi thứ, nếu chẳng may có việc gì xảy ra với tôi”.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.