10 nguyên nhân nạn diệt chủng Holocaust

Thứ Sáu, 05/01/2024, 09:01

Nạn diệt chủng Holocaust là một trong những thảm hoạ lớn nhất và đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nhân loại. Giống như bất kỳ sự kiện lịch sử nào, nó chỉ được xem xét về sau. Tất nhiên, lịch sử không chấp nhận dạng thức điều kiện. Nhưng sau khi rút ra những bài học của nó, con người cần làm tất cả những gì có thể để thảm hoạ không lặp lại. Bài viết sau đây giới thiệu 10 nguyên nhân nạn diệt chủng Holocaust.

1. Hạn ngạch nhập cư vào Mỹ

Trong giai đoạn từ năm 1880 đến năm 1914, có gần 8 triệu người di cư từ châu Âu già cỗi đến nước Mỹ thịnh vượng. Khoảng nửa triệu người Do Thái lúc bấy giờ sống ở East Side và đây là một trong những khu vực đông dân nhất không chỉ ở Mỹ mà còn trên thế giới. Nhiều người Mỹ lo ngại về dòng người nhập cư ồ ạt như vậy. Những người theo đạo Tin lành sợ rằng người Do Thái và người Công giáo sẽ trở thành những cộng đồng tôn giáo thống trị. Đại diện của các ngành nghề “cổ cồn xanh” phàn nàn rằng làn sóng những người lao động có tay nghề thấp không chỉ làm giảm thu nhập của họ mà thậm chí có thể khiến họ mất việc làm.

Tất cả những yếu tố này khiến xã hội Mỹ lo lắng rất lâu trước khi Adolf Hitler lên nắm quyền. Chúng góp phần thúc đẩy chính phủ Mỹ quyết định áp dụng hạn ngạch nghiêm ngặt đối với người nhập cư từ Đông và Nam Âu. Vì vậy, năm 1938, khi người Do Thái chạy khỏi nước Đức lánh nạn, nước Mỹ chỉ tiếp nhận chưa đến một phần mười số người cần chốn nương thân.

10 nguyên nhân nạn diệt chủng Holocaust -0
Người Do Thái chạy sang Mỹ hàng loạt.

2. Cuộc Đại khủng hoảng

Có thể mạnh dạn nói rằng nguyên nhân chính của Holocaust là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, được gọi là cuộc Đại khủng hoảng. Chính trong bối cảnh thảm họa kinh tế này, tên độc tài Adolf Hitler lên nắm quyền. Tầng lớp dân nghèo sẵn sàng lắng nghe bất cứ ai hứa với họ thoát khỏi vực thẳm tài chính mà họ đang lâm vào. Nhờ tài hùng biện của mình, Hitler và Đảng Quốc xã của y đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, chiếm hầu hết số ghế trong Reichstag.

Đức Quốc xã hứa hẹn đưa dân tộc Đức tiến lên, đồng thời đổ lỗi cho các dân tộc khác gây ra những khó khăn của đất nước. Tất nhiên, nghèo đói và tuyệt vọng là những người cố vấn tồi. Chính người Đức đã ký lệnh tử hình cho chính mình bằng cách dành phần lớn số phiếu cho Đức Quốc xã trong các cuộc bầu cử, còn Hitler chỉ nhượng bộ một chút cho Paul von Hindenburg, nguyên thủ quốc gia lúc bấy giờ. Chẳng bao lâu nữa, chính phủ của ông ta sụp đổ và Adolf Hitler sẽ trở thành người đứng đầu nước Đức.

3. Đám cháy ở Reichstag

Lẽ ra, Tổng thống Đức Paul von Hindenburg phải lắng nghe trực giác của mình. Biết lãnh đạo Đảng Quốc xã, Adolf Hitler, là người nguy hiểm, nhưng ông vẫn bổ nhiệm y làm Thủ tướng. Chỉ một tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở tòa nhà Reichstag. Đó là một vụ phá hoại có chủ đích. Cho đến nay vẫn chưa biết chính xác ai là kẻ tổ chức, nhưng rõ ràng sự kiện này tiếp tay cho Hitler.

Vốn là kẻ xảo quyệt Adolf nhanh chóng thông qua "Nghị định về việc bảo vệ nhân dân và nhà nước" mà bề ngoài tưởng như vô hại và thậm chí hữu ích về mọi mặt. Luật này hạn chế tối đa các quyền của cá nhân. Tất cả các cuộc họp đều bị cấm, tự do ngôn luận và báo chí bị bãi bỏ. Thay vào đó, cảnh sát được trao quyền không hạn chế, điều này cho phép Hitler dễ dàng thủ tiêu các kẻ thù và đối thủ chính trị của mình.

Một tháng sau, quốc hội Đức trao cho “vị cứu tinh vĩ đại của Dân tộc” Adolf Hitler gần như toàn quyền kiểm soát nhà nước. Cuối năm đó, tất cả các đảng phái chính trị và công đoàn khác ngoài Đảng Quốc xã đã sụp đổ. Năm sau, Tổng thống Paul von Hindenburg qua đời, Hitler kiêm luôn chức Tổng thống và Thủ tướng. Giờ đây, Quốc trưởng nắm trong tay quyền lực vô hạn.

10 nguyên nhân nạn diệt chủng Holocaust -0
Người Mỹ không thích dân Do Thái nhập cư.

4. Gạt người Do Thái ra ngoài lề xã hội

Sau khi giành được quyền lực tuyệt đối, Hitler không mất nhiều thời gian để đuổi người Do Thái ra khỏi xã hội chính thống. Năm 1935, cái gọi là Luật Nuremberg đã thể chế hóa một số khái niệm phân biệt chủng tộc nổi bật trong hệ tư tưởng của Đức Quốc xã. Người Do Thái bị tước quyền bầu cử, quyền công dân và bị cấm kết hôn với người Đức hoặc người có cùng huyết thống với người Đức. Người Do Thái bị trục xuất khỏi quân đội và không được làm bác sĩ nữa. Dần dần, một số khu vực đưa ra những quy định thậm chí còn chặt chẽ hơn: ví dụ, ở Dsseldorf, người Do Thái không được chữa bệnh ở bệnh viện thành phố.

Ngay sau đó là quá trình “Aryan hóa” mọi lĩnh vực của xã hội trên quy mô lớn. Người Do Thái bị sa thải hàng loạt, các cơ sở kinh doanh của họ bị tịch thu và quốc hữu hóa. Tuy nhiên, sau khi chiếm được Áo, một phần Tiệp Khắc và Ba Lan, vì số lượng người Do Thái quá đông nên Hitler không thể kiểm soát và cách ly họ được nữa.

5. “Đêm thủy tinh”

Có một sự kiện trong lịch sử đã làm cho Holocaust xảy ra sớm hơn, được gọi là “Đêm thủy tinh” (Kristallnacht). Hitler đã khéo léo sử dụng vụ án mạng ở Paris do Herschel Grynszpan, một thanh niên Do Thái sinh ra ở Đức và sống tại Paris, gây ra. Chàng trai xông vào Đại sứ quán Đức ở Pháp và sau một cuộc cãi vã nảy lửa với nhà ngoại giao Ernst vom Rath, đã bắn chết ông ta.

Không bỏ lỡ “dịp may” hiếm hoi này, “vua tuyên truyền” Joseph Goebbels đã kích động các cuộc tàn sát  người Do Thái. Y ám chỉ rằng người Do Thái đang âm mưu lật đổ chính quyền, và điều đó không thể chấp nhận được. Kết quả là trong cái đêm có tên gọi lãng mạn như vậy, nhiều ngôi nhà và giáo đường Do Thái trên khắp nước Đức đã bị tàn phá. Đàn ông Do Thái bị đánh đập, bắt giữ và đưa đến những nơi mà sau này được gọi là trại tập trung.

6. Chạy trốn bằng đường biển

Một vụ việc nổi tiếng khác đã chứng minh những gì mà chính sách bài Do Thái gây ra ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Đây là ví dụ về việc những người gặp hiểm nguy buộc phải chạy trốn khỏi đất nước thường rơi vào tình thế tuyệt vọng.

Tháng 5/1939, chiếc tàu thủy MS St. Louis của Đức khởi hành từ Hamburg. Trên tàu có 1.000 hành khách, hầu hết là người Do Thái chạy trốn khỏi nước Đức sau vụ “Đêm thủy tinh”. Con tàu đang hướng về phía Cuba. Tổng thống Cuba lúc bấy giờ Federico Laredo Bru từ chối tiếp nhận người tị nạn nước ngoài và ra lệnh cho tàu rời khỏi vùng biển của Cuba.

Trôi dạt không mục đích, MS St. Louis  hướng về bờ biển Florida. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ không cho phép người Do Thái lên bờ. Kết quả là con tàu quay trở lại châu Âu. Ở đó, một số quốc gia đã đồng ý tiếp nhận người tị nạn. Gần 300 người định cư ở Anh, hơn 200 người ở Pháp và Bỉ, và vài trăm người ở Hà Lan. Điều tồi tệ nhất là Hitler đã xâm chiếm tất cả các quốc gia này, trừ Anh, và 254 trong số 937 hành khách trên tàu đã chết trong thời gian Holocaust.

10 nguyên nhân nạn diệt chủng Holocaust -0
Khẩu hiệu bài Do Thái.

7. Đường sang phía đông

Những cuộc chinh phục đầu tiên của Hitler chỉ là mở đầu cho những tham vọng vô đáy của y. Quốc trưởng luôn nói rằng lãnh thổ thuộc địa của Đức nằm ở phía đông.

Cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler khiến Pháp và Anh tuyên chiến, mà điều đó đòi hỏi Đức phải đối phó với hai nước láng giềng hùng mạnh. Dù sao, Hitler quyết tâm bành trướng về phía đông, để rồi cuối cùng đã phạm phải một sai lầm định mệnh: thay vì chiếm nước Anh sau khi Pháp sụp đổ, tháng 6 năm 1941, Hitler tấn công Liên Xô.

Tiến về phía đông, Đức Quốc xã tiếp tục chiếm giữ những vùng đất rất đông người Do Thái. Đồng thời, Hitler thường nhắc đến một tiền lệ lịch sử nổi tiếng mà y cho rằng đã trao cho y quyền tiêu diệt người Do Thái: đó là việc Hoa Kỳ tiêu diệt dân bản địa ở Mỹ. Vì vậy, ý tưởng về dân tộc thượng đẳng ra đời không phải trong đầu Adolf.

8. Trại tập trung và khu ổ chuột

Dần dần, Đức Quốc xã không hài lòng với việc dồn người Do Thái vào những khu ổ chuột nghèo khổ. Lúc bấy giờ, các trại tập trung chưa trở thành một hiện tượng phổ biến. Đến cuối những năm 1930, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Trong chừng mực nào đó, cuộc xâm lược Ba Lan đã trở thành  đường phân giới chính trị trong vấn đề này. Ở đó có rất nhiều người Do Thái. Chính ở đó các trại tập trung khủng khiếp nhất được xây dựng.

Nhiều trại tập trung được xây dựng bên cạnh các nhà máy hoặc cơ sở khai thác nguyên liệu. Hàng hóa do tù nhân sản xuất được bán cho các công ty của Đức Quốc xã, làm giàu cho ngân khố, đồng thời củng cố cỗ máy chiến tranh của Đức. Dòng lao động liên tục đổ vào những trại như vậy. Đức Quốc xã đạt được mục đích bằng cách dồn người Do Thái vào những khu ổ chuột có tường bao quanh, khét tiếng nhất là khu ổ chuột Warsaw. Ở đó, hơn 90.000 người Do Thái chết vì bệnh tật và đói khát, trong khi đang chờ đưa vào trại.

Đến cuối chiến tranh, có khoảng 44.000 trại tập trung đã được xây dựng, trong đó có những trại với chức năng chính là giết người hàng loạt bằng phòng hơi ngạt. Theo các nhà sử học, vụ giết người hàng loạt trong phòng hơi ngạt đầu tiên xảy ra vào tháng 9 năm 1941 tại Auschwitz, khi hàng trăm tù nhân chiến tranh Liên Xô bị hành quyết bằng khí độc. Chẳng bao lâu, cái cỗ máy tiêu diệt đồng loại rùng rợn này sẽ được phát triển mạnh mẽ.

 9. Bộ Ngoại giao Mỹ phớt lờ nạn diệt chủng

Nếu như vào đầu chiến tranh, người Mỹ ngăn cản nhiều người Do Thái tìm nơi ẩn náu trên đất nước họ, thì giờ đây một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cố tình phớt lờ nạn diệt chủng đang diễn ra ở châu Âu.

Samuel Breckinridge Long, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách phòng thị thực, là một ví dụ điển hình. Long tuyên bố rằng có nhiều điệp viên Đức trà trộn giữa những người Do Thái, vì vậy, không nên cho họ vào nước Mỹ. Long ra lệnh từ chối mọi yêu cầu tị nạn. Ông ta cũng giảm bớt, thậm chí phủ nhận tin tức về các vụ thảm sát hàng loạt. Chỉ đến cuối chiến tranh, Long mới bị phát hiện che giấu thông tin về các vụ thảm sát của Đức Quốc xã. Mặc dù vậy, ông ta không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.

10. Không có lối thoát: Hitler thay đổi ý kiến

Không lâu trước khi Mỹ tham chiến, hàng triệu người đã bị kết án tử hình. Trước đó, Hitler rất vui mừng khi hầu hết người Do Thái bỏ chạy vì sợ hãi chế độ độc tài của y. Sau đó y quyết định cấm họ di cư. Và nếu như lúc đầu Quốc trưởng không có ý định sát hại hàng loạt người Do Thái, chỉ hài lòng với việc trục xuất họ, thì đến giữa năm 1941, y đã thay đổi ý kiến.

Sau khi thử nghiệm thành công buồng hơi ngạt đối với tù binh chiến tranh Liên Xô, Hitler bắt đầu sát hại những người Do Thái mà y căm ghét theo cách đó. Kết quả là khoảng 6 triệu người đã bị tiêu diệt. Không còn nghi ngờ gì nữa, Holocaust là tội ác chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.

Kim Thanh Hằng
.
.