10 triệu USD có đủ hấp dẫn để tìm ra thủ lĩnh ISIS-K?
Ngày 7-2, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo treo thưởng 10 triệu USD cho các thông tin có thể giúp phát hiện tung tích hoặc vị trí của tên Sanaullah Ghafari, thủ lĩnh khủng bố của ISIS-K. Đây là nhánh hoạt động ở Afghanistan của IS.
Trùm khủng bố
"Ghafari có trách nhiệm thông qua mọi hoạt động của ISIS-K ở Afghanisan và điều phối ngân sách cho các chiến dịch", thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết. Ghafari bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ hồi tháng 11-2021 và bị xếp vào nhóm khủng bố nước ngoài. Hiện có rất ít thông tin về Ghafari. Trước đó, có tin đồn tên này là một lãnh đạo của nhóm khủng bố al-Qaeda và cựu thành viên của mạng lưới Haqqani - một trong những đơn vị thuộc Taliban.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trao thưởng cho bất cứ thông tin gì có thể giúp cho việc bắt giữ những kẻ đã thực hiện vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở sân bay Kabul, Afghanistan vào ngày 26-8-2021. Vụ tấn công mà ISIS-K nhận trách nhiệm đã làm hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Theo phía Mỹ, IS đã chỉ định Ghafari đã trở thành thủ lĩnh ISIS-K từ tháng 6-2020.
ISIS-K đã gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu ở khu vực trong những năm gần đây. Chúng thường nhằm mục tiêu vào người Hồi giáo từ tất cả các nhánh mà chúng cho là "dị giáo" - bao gồm những người dòng Shiite. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, ISIS-K là tác giả hàng chục cuộc tấn công vào thường dân ở Afghanistan và Pakistan, trong đó có cả người Hồi giáo hệ phái Shiite thiểu số. Nhóm này cũng đã có hàng trăm cuộc đụng độ với liên quân Afghanistan, Pakistan và Mỹ kể từ tháng 1-2017.
Kẻ thù của cả Mỹ và Taliban
ISIS-K, hay ISKP, là từ viết tắt của “Islamic State Khorasan Province”, tức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan, là nhánh chính thức của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động ở Afghanistan, được thủ lĩnh của IS ở Iraq và Syria công nhận.
ISIS-K chính thức được thành lập vào tháng 1-2015 bởi các cựu thành viên Taliban tại Pakistan, Taliban Afghanistan và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Tuy nhiên, theo thời gian, nhóm đã chiêu nạp chiến binh từ nhiều nhóm khác. Một trong những điểm mạnh nhất của nhóm là khả năng tận dụng các thế mạnh ở địa phương của các chiến binh và thủ lĩnh của chúng. Khởi đầu ISIS-K củng cố lãnh thổ ở các huyện phía Nam của tỉnh Nangarhar, nằm trên biên giới phía Đông Bắc của Afghanistan với Pakistan, nơi từng là thành trì của al-Qaeda ở khu vực Tora Bora. ISIS-K đã sử dụng vị trí hiểm trở ở biên giới để thu thập các nguồn hậu cần và tuyển mộ chiến binh từ các bộ lạc của Pakistan. Chúng câu kết với các nhóm chiến binh địa phương khác tạo nên những liên minh hoạt động. Có những bằng chứng đáng kể cho thấy nhóm này đã nhận được tiền, chỉ đạo và đào tạo từ tổ chức cốt lõi của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Một số chuyên gia đánh giá số tiền này lên tới trên 100 triệu USD.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ISIS-K đã củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ ở một số quận nông thôn ở phía Bắc và Đông bắc Afghanistan, đồng thời phát động một chiến dịch gây chết chóc trên khắp Afghanistan và Pakistan. Trong vòng 3 năm đầu tiên, ISIS-K đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số, các khu vực công cộng và các tổ chức cũng như mục tiêu của chính phủ ở các thành phố lớn trên khắp Afghanistan và Pakistan.
Đến năm 2018, nó đã trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố sát hại nhiều người nhất trên thế giới - theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Chiến lược chung của ISIS-K là thiết lập một đầu tàu cho phong trào “Nhà nước Hồi giáo” để mở rộng cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” sang Trung và Nam Á.
ISIS-K nhắm mục đích củng cố lực lượng để trở thành tổ chức thánh chiến hàng đầu trong khu vực. Điều này thể hiện rõ trong các thông điệp của nhóm, thu hút các chiến binh “thánh chiến” kỳ cựu cũng như những thành phần trẻ hơn ở các khu vực thành thị.
Mục tiêu của ISIS-K là tạo ra sự hỗn loạn và bất ổn, trong nỗ lực đẩy các chiến binh vỡ mộng từ các nhóm khác gia nhập hàng ngũ của chúng, cũng như gây nghi ngờ về khả năng bảo đảm an ninh của bất kỳ chính phủ cầm quyền nào với người dân.
ISIS-K coi Taliban Afghanistan là đối thủ chiến lược, gọi Taliban Afghanistan là “những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc bẩn thỉu” với tham vọng chỉ thành lập một chính phủ giới hạn trong ranh giới của Afghanistan. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu của “Nhà nước Hồi giáo” là thiết lập một “vương quốc Hồi giáo” toàn cầu.
Trước tháng 8-2021, ISIS-K đã bị Taliban và lực lượng do Mỹ dẫn đầu trấn áp dẫn đến suy yếu. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền trở lại, ISIS-K đang có dấu hiệu trỗi dậy trở lại, gây đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực. Trong đó đẫm máu nhất là hai vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân bay Kabul ngày 26-8-2021 đã khiến ít nhất 60 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng ngoài con số cả trăm người bị thương.
Chính phủ Mỹ cho rằng ISIS-K là một mối đe dọa trường kỳ đối với các lợi ích của Mỹ và đồng minh ở khu vực Nam và Trung Á. Theo các chuyên gia phân tích, IS ngày càng trở thành một mối đe dọa to lớn đối với Mỹ, nhất là khi Mỹ không còn lực lượng tại chỗ để theo dõi và tiêu diệt đối thủ ngay khi phát hiện.
Hai nhà nghiên cứu Amira Jadoon và Andrew Mines đã lưu ý rằng, ngay cả khi Mỹ có quân đội, máy bay và máy bay không người lái vũ trang để theo dõi và tấn công IS, các chiến binh của nhóm này vẫn có thể tiếp tục hoành hành dù đã có hàng nghìn người thương vong. Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đã tước đi năng lực tấn công trên bộ của Mỹ ở nước này, đồng thời có nguy cơ làm suy yếu khả năng theo dõi IS, cũng như các kế hoạch tấn công của tổ chức này.