183 ngày phong tỏa Nagorno – Karabakh
Từ ngày 12/12/2022 đến tháng 5 năm nay, một nhóm nhà hoạt động môi trường đã dựng barie chặn hành lang Lachin, tuyến “huyết mạch” duy nhất nối Armenia với Nagorno-Karabakh. Hàng hóa không ra vào được khiến người dân địa phương rơi vào hoàn cảnh vô cùng bĩ cực.
Mặc cho sự chỉ trích của cộng đồng thế giới, nhóm “nhà hoạt động môi trường” vẫn duy trì chốt chặn đến tận 4 tháng rưỡi. Họ chỉ chịu rút đi sau khi quân đội Azerbaijan thiết lập một chốt kiểm soát biên giới ở đầu kia con đường.
Tham vọng và mưu mô
Để hiểu được nguyên nhân của 183 ngày Nagorno-Karabakh bị phong tỏa, chúng ta phải quay về cuộc chiến Nagorno-Karabakh đầu tiên. Đa số người Armenia sống tại đây mong muốn sát nhập Nagorno-Karabakh vào Armenia. Sau các cuộc thảm sát tại Baku, chiến tranh nổ ra giữa người Azerbaijan và người Armenia. Nagorno-Karbakh nghiễm nhiên trở thành chiến trường ác liệt. Chiến sự chỉ tạm lắng sau khi Nhà nước Azerbaijan và Armenia đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 1994. Nagorno-Karabakh tiếp tục là một phần của Azerbaijan, nhưng quyền quản lý thực tế thuộc về tay người Armenia tại địa phương.
Vào tháng 9/2020, chiến tranh lại nổ ra tại Nagorno-Karabakh. Lần này Azerbaijan với lợi thế về khí tài và sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm ưu thế gần như hoàn toàn. Trong sáu tuần giao tranh, quân Azerbaijan đã chiếm lại được khoảng 80% phần lãnh thổ do chính quyền Nagorno-Karabakh cai quản. Họ đã có thể chiếm đóng được nhiều hơn thế và xóa sổ hoàn toàn khu tự trị nếu như Moscow không đứng ra thương lượng, đồng thời phái quân gìn giữ hòa bình Nga đến tiếp quản đường biên giới giới giữa Nagorno-Karabakh và Azerbaijan. Điều quan trọng nữa là Moscow đã buộc được Baku phải cho thông “hành lang Lachin”, một đoạn đường cao tốc nối Armenia với Nagorno-Karabakh. Đa phần hàng hóa tiêu thụ bởi người dân Nagorno-Karabakh đều được nhập từ Armenia qua hành lang Lachin.
Vào ngày 12/12/2022, một đám đông bất ngờ dựng chướng ngại vật và lập hàng rào người ở gần thị trấn Susha nằm bên hành lang Lachin. Họ tự xưng là người biểu tình vì môi trường. Các nhà hoạt động môi trường hô vang biểu ngữ phản đối việc chính quyền Nagorno-Karabakh khai thác trái phép tài nguyên tự nhiên của Azerbaijan rồi xuất khẩu với cái giá rẻ mạt sang Armenia.
Ngay từ những ngày đầu vụ biểu tình xảy ra, nhiều nhà quan sát đã tỏ ý nghi ngờ về động cơ của những người biểu tình. Giáo sư Xã hội học về các nước hậu Xôviết Simon Maghakyan viết trên tạp chí Time: “Tổ chức hoạt động vì môi trường của những người biểu tình chỉ mới được thành lập hơn một tháng trước khi họ xuống đường. Qua điều tra về một số cá nhân tham gia biểu tình, tôi cũng không tìm thấy bằng chứng gì cho thấy họ vốn là nhà hoạt động môi trường. Trái lại những người hô khẩu hiệu to nhất lại là cựu chiến binh, đảng viên đảng cầm quyền YAP, và nhân viên công ty Nhà nước”.
Bà Cavid Qara, Giám đốc tổ chức hoạt động vì môi trường Ecofront ở Azerbaijan, có cùng quan điểm trên: “Tôi không hề nhận ra một người nào trong đám đông biểu tình... Họ không hề xuất hiện khi người dân Azerbaijan biểu tình vì chính phủ bán cả một khu rừng hay công viên quốc gia cho tư nhân... Tôi đã nhìn ảnh vệ tinh Nagorno-Karabakh. Ở đó rừng cây còn dầy hơn cả hồi trước khi có chiến tranh. Khu vực này không lao vào công nghiệp hóa như Azerbaijan nên vẫn còn giữ rừng được”.
Chính phủ của Tổng thống AzerbaijanIlham Aliyev từ trước đến nay luôn mạnh tay với người biểu tình. Còn nhớ hồi cuối năm ngoái, hơn 20 người biểu tình đã bị cảnh sát bạo động Baku bắt giữ khi xuống đường kêu gọi chính phủ thả chính trị gia đối lập Saleh Rustamli khi ông này đang tuyệt thực trong tù. Thế mà đối với cuộc biểu tình “vì môi trường”, ông Ilham Aliyev lại đích thân lên sóng truyền hình khen ngợi người biểu tình và tặng họ danh hiệu “niềm kiêu hãnh của Azerbaijan”. Lều trại của người biểu tình thì được dựng lên bởi nhân viên do Bộ Tình trạng khẩn cấp Azerbaijan phái đến.
Cho đến lúc này Baku vẫn kiên quyết phủ nhận mọi sự liên quan với những người biểu tình, ngay cả khi phía Azerbaijan phải ra điều trần trước Tòa án Công Lý Quốc tế vào ngày 30/1 vừa qua. Mặt khác Tổng thống Aliyev cũng công khai khoe khoang trong một cuộc phỏng vấn với tờ Azerbaycan rằng: “Không ai có thể gây ảnh hưởng đến chúng ta. Họ sẽ gọi điện hay ra tuyên bố gì đấy, nhưng chúng ta không cần để tâm đến chuyện đó. Chúng ta nhấc máy vì phép lịch sự, nhưng không gì sẽ làm thay đổi quan điểm của chúng ta”.
Nhà tù không song sắt
Vậy những người Armenia sống trong vòng phong tỏa như thế nào?
Chị Narine Danilyan sống cùng mẹ và con trai trong một căn hộ tại Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh. Đã nhiều tháng nay chị Narine không đêm nào ngủ yên vì cứ đến tối là con trai chị, bé Garo (9 tuổi) lên cơn co giật. Cậu bé bị mắc bệnh bại não và xơ nang phổi. Hằng ngày Garo phải uống 13 loại thuốc khác nhau chỉ giảm thiểu các triệu chứng của bệnh. Từ khi hành lang Lachin bị chặn lại, các nhà thuốc ở Stepanakert không còn gì ngoài vitamin và sabultamol.
Dược sỹ Nana Martirosyan nói với phóng viên báo Nga Moskovskaya Pravda: “Bây giờ đang là mùa dịch cúm và thủy đậu, nhưng chúng tôi chẳng còn suprastin hay bất kỳ loại kháng sinh nào khác để bán cho người bệnh... Khi người ta đến mua viên ngậm ho thì tôi đành phải khuyên họ súc miệng bằng giấm táo”.
Chị Narine kể về cái chết của con trai mình: “Mắt Garo không còn nhận ra cái gì nữa, còn người thằng bé cứ tím tái dần đi. Do không có thuốc đánh tan những cục nhầy trong phổi nên con trai tôi mới bị chết ngạt... Giá như trước lúc đó tôi mở cửa căn hộ ra thì thằng bé đã không chết rồi. Trước đây tôi vẫn làm vậy để thằng bé thở được mỗi lúc lên cơn co giật. Nhưng lúc đó chúng tôi lạnh quá, nếu mở cửa ra thì chúng tôi sẽ chết rét vì gió đông”.
Người dân Nagorno-Karabakh đang phải hằng ngày sống trong cảnh mất điện vì nhà máy nhiệt điện không còn đủ than để hoạt động hết công suất. Giá như trong cái đêm Garo mất, nhà chị Narine vẫn còn có điện chạy lò sưởi để chị mở cửa sổ ra thì người mẹ đã không mất đi đứa con trai duy nhất của mình.
Mùa đông vừa qua là khoảng thời gian khó khăn đối với người dân Stepanakert. Đa số các văn phòng, cơ sở sản xuất hay trường học phải hoạt động cầm chừng để chờ điện. Hoặc là họ chấp nhận hoạt động mà chẳng có đèn đóm gì, phải dựa vào lửa củi để thắp sáng và sưởi ấm. Bà Nellie Melkumyan năm nay đã ngoài 70 mà sáng nào cũng ra đường để tập chống đẩy. Không phải vì khỏe, mà theo lời bà: “Tôi chỉ muốn làm ấm người... Nhà tôi có điện nửa tiếng, nhưng điện chỉ đủ khỏe để vừa thắp bóng điện, vừa đun ấm siêu tốc. Sau đó thì tôi chỉ có cách mặc thật nhiều áo ấm rồi ra ngoài chống đẩy để không chết rét”.
Đối với những người đã sống qua sự sụp đổ của Liên bang Xôviết như bà Nellie, tình hình Nagorno-Karabakh hiện nay không khỏi làm họ gợi nhớ lại những ký ức kinh khủng: “Sáng nay tôi nhìn thấy một đám đàn bà đánh nhau trong khi xếp hàng đợi mua trứng. Thế rồi không biết ai kêu lên là ki-ốt nọ mới nhập được đậu đóng hộp và cà phê, thế là các bà chuyển từ đánh nhau sang đua nhau chạy đến cửa hàng... Trước đây hay bây giờ cũng như vậy, người ta dành hàng giờ săn lùng thực phẩm. Cô bán hàng nào trẻ mấy đi chăng nữa bây giờ trông mặt cũng lạnh lùng và dữ dằn hệt như mấy bà nhân viên mậu dịch ngày xưa”.
Nhà báo Marut Vanyan là người đã theo dõi từng bước sự thay đổi trong cuộc sống của người dân Nagorno-Karbakh từ những ngày đầu. Nhưng theo như chính Marut thừa nhận, việc tác nghiệp của anh đang khiến nhiều người mất lòng: “Mỗi khi tôi chụp ảnh mọi người xếp hàng mua thực phẩm là họ lại cáu với tôi. Họ hét lên với tôi rằng: “Chẳng lẽ anh lại muốn bọn Azerbaijan nhìn cảnh này để ăn mừng hay sao”. Hằng ngày họ phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ trong cái giá lạnh mùa đông để mua từng lạng thịt, ổ bánh mì là đã thấy nhục nhã lắm rồi”.
Người sống mất danh dự, còn người chết cũng chẳng được yên. Cụ Khalisa Avetyan mất tại thủ đô Yerevan của Armenia khi vừa tròn 90 tuổi. Cụ bà trăng trối rằng muốn đưa di hài mình về Nagarno-Karabakh để chôn bên cạnh phần mộ của chồng và con trai quá cố. Ước nguyện của cụ không thực hiện được vì đoàn người biểu tình quyết không cho xe chở thi hài người chết đi qua.
Chị Karina, con gái người đã khuất, nghẹn ngào tâm sự: “Chúng tôi phải chôn mẹ ở Yerevan. Chúng tôi không thể để mẹ nằm trong nhà xác lâu hơn nữa. Đêm nào tôi cũng nghĩ về mẹ mình nằm trong kho lạnh, rồi lại mơ thấy mẹ về trách móc sao không cho bà về với đất... Ở quê người ta đã dựng sẵn một tấm bia chưa khắc gì cả bên cạnh mộ bố và anh trai tôi. Chúng tôi đành phải để tấm bia trắng nằm đấy”.
Phía những người biểu tình phủ nhận việc ngăn cản xe chở nhu yếu phẩm, thuốc men và người chết. Họ tuyên bố đã cho phép xe của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế chở 95 người rời khỏi Stepanakert, hầu hết là bệnh nhân nặng hoặc trẻ em lạc mất cha mẹ. Tuy vậy, theo chính Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, trong khi chờ xin phép cho xe cứu thương của họ được đi qua chốt chặn, 10 người đã tử vong vì không được hóa trị và thẩm phân máu theo định kỳ.
Chuyện gì tiếp theo?
Theo nhận định của giới phân tích, việc Baku điều động những “nhà hoạt động môi trường” nhằm mục đích gây áp lực lên Yerevan. Azerbaijan và Armenia vẫn đang đàm phán về một hiệp định hòa bình chính thức. Bằng cách gây áp lực lên đối phương, chính phủ của Tổng thống Ilham Aliyev muốn buộc Armenia ký vào một hiệp định xóa bỏ khu tự trị Nagorno-Karabakh.
Đây là thời điểm hoàn hảo để Baku thực hiện mọi toan tính. Liên minh châu Âu gần đây có nhiều động thái nhằm đưa Azerbaijan trở thành đối tác cung cấp dầu và khí hóa lỏng cho Tây Âu thay Nga. Washington D.C. thì tiếp tục trì hoãn việc thi hành lệnh cấm vận 907 mà họ đề ra trước đó nhằm trừng phạt các hành vi gây hấn của Azerbaijan.
Về phần mình, Nga đang có quân đội đóng tại khu vực giáp ranh Nagorno-Karabakh vì mục đích giữ gìn hòa bình tỏ ý dè chừng hết sức. Ngay cả khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gọi điện trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm “cầu cứu”, Moscow vẫn không cho phép lính gìn giữ hòa bình động đến người biểu tình. Dân cư ở Nagorno-Karabakh cho biết chỉ có một số ít binh lính Nga dám lén chở thực phẩm và hàng hóa thiết yết qua chốt chặn, còn lực lượng gìn giữ hòa bình hoàn toàn “án binh bất động”.
Nhà nghiên cứu quân sự Anh Jade McGlynn nhận xét trên tờ Time: “Moscow không thể mạo hiểm khả năng xảy ra một cuộc chiến mới giữa họ với Azerbaijan được. Mặt khác Baku cũng rất sẵn sàng tận dụng việc Nga đang “bận bịu” với chiến tranh Ukraine để thách thức tầm ảnh hưởng của quốc gia này ở Trung Á”.
Tình hình hiện nay đã tạm thời ổn định trở lại sau khi người biểu tình phá hàng rào. Tuy vậy, họ cũng tuyên bố sẽ trở lại chặn đường nếu chính quyền Nagorno-Karabakh tiếp tục phá hoại môi trường. Các “nhà hoạt động” cũng yêu cầu Azerbaijan thành lập cơ cấu kiểm soát trực tiếp việc khai thác tài nguyên ở Nagorno-Karabakh. Cho đến khi nào Armenia và Azerbaijan ký được hiệp ước hòa bình, người dân Nagorno-Karabakh sẽ vẫn phải sống với nỗi sợ bị phong tỏa thường trực.