25 năm cuộc đảo chính tháng 8-1991 tại Liên Xô: Biến cố
Thời thế tạo anh hùng
Sau này, khi M. Gorbachev trả lời câu hỏi của các hãng thông tấn, truyền hình lớn trên thế giới rằng, ông ta có nhận ra điều gì bất thường trước khi xảy ra chính biến hay không, Gorbachev thừa nhận bản thân đã nhận ra "có gì đó khác thường". "Khi đến biệt thự, tôi nhấc máy điện thoại, tất cả đều không có tín hiệu liên lạc. Dường như họ đã lên kế hoạch cô lập tôi ngay khi tôi đang bay đến Crimea.
Nhận ra điều bất thường đó, tôi lập tức gọi cho vợ Raisa, con gái, con rể đến bên tôi rồi nói: “Những sự kiện rất nguy hiểm sắp xảy ra. Tôi không thể nhượng bộ họ, em và các con phải biết điều này”. Vợ và các con tôi gần như đồng thanh: dù xảy ra điều gì, họ sẽ ở bên tôi đến phút cuối cùng. Tôi thấy ấm lòng biết bao". Khi người của Yanaev và Bộ trưởng Quốc phòng D. Yazov đến đề nghị M. Gorbachev từ chức, giữa bọn họ lập tức to tiếng.
"Tôi còn chửi thề nữa mà. Tôi bảo “Cứ đi mà triệu tập hội nghị... và chống mắt lên mà xem kế hoạch của bọn mày hay tao được nhiều ủng hộ hơn" - M.Gorbachev kể. Phái đoàn "thương thuyết" quay về Moskva mà không được gì. Họ không thể ban bố tình trạng khẩn cấp mà không có tổng thống, đây chính là chi tiết để bộ sậu của B.Yeltsin nắm lấy và kết tội hành động của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKCHP) là hành động vi hiến.
17 giờ 6 phút ngày 19-8, Chủ tịch Xôviết tối cao A. Lukianov ra tuyên bố Xôviết tối cao Liên Xô sẽ triệu tập kỳ họp bất thường vào ngày 26-8 để chuẩn y quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số vùng. Đây là hành động biểu lộ sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đối với GKCHP.
Yeltsin trên chiếc xe tăng bên ngoài toà nhà Quốc hội Nga tháng 8-1991. |
23 phút sau, Quyền Tổng thống Yanayev ra sắc lệnh thiết lập tình trạng khẩn cấp tại Moskva. 21 giờ 15 phút, GKCHP ra thông báo trấn an dân chúng "tình hình đất nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát" và cảnh báo Ban lãnh đạo Liên bang Nga "không cần đưa ra các quan điểm hay có những hành động khuấy động tình hình đất nước". Những chiếc xe tăng bắt đầu tiến vào thủ đô Moskva hướng về phố Arbat mới.
Khi những loạt đạn đầu tiên vang lên, mọi người có mặt ở tầng năm Nhà Trắng có cảm giác như pháo nổ ở khắp mọi nơi như trong đêm giao thừa. A. Korzakov lập tức lôi B. Yeltsin chạy xuống tầng dưới, ra lệnh cho cấp dưới dẹp ba chướng ngại vật nằm chắn giữa đường. B. Yeltsin lúc đấy như người vừa choàng tỉnh sau giấc ngủ mê, hỏi giật: "Chúng ta đang đi đâu đây?". A. Korzakov đáp: "Tới Đại sứ quán Mỹ!". B. Yeltsin lập tức phản đối: "Không, không đến sứ quán nào cả!".
"Thế thì chúng ta xuống tầng hầm nhé?". "Được, ta đi thôi!". Nếu có một so sánh nào cho hình ảnh con gấu bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài thì cách hành xử của B. Yeltsin ở thời điểm khẩn trương ấy đúng là một minh họa rất cụ thể, có vẻ như trực giác của người được "chiếu mệnh đế vương" đã khiến B.Yeltsin không chọn cho mình con đường đào thoát an toàn. B.Yeltsin và lực lượng ủng hộ ông ta trong Quốc hội Liên bang Nga lập tức ra lời kêu gọi người dân Nga phản đối GKCHP và thế lực tiến hành cuộc đảo chính.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Nga, hàng chục nghìn người dân thủ đô xuống đường biểu tình và dựng lên hàng rào chiến lũy bảo vệ Nhà Trắng. Phó Tổng thống Nga Aleksandr Rutskoi, người của B. Yeltsin lúc đó đã nhanh nhạy ra quyết định: tất cả mọi vũ khí có trong Nhà Trắng khi ấy được phân phát nhanh chóng cho mọi người, cộng thêm với nhiều vũ khí không rõ chở từ đâu về. Có vũ khí trong tay, mọi người thi nhau nổ súng đáp trả.
Tầm 11 giờ, ai đó đã đưa ra ý tưởng: Tổng thống Nga hãy xuất hiện trên "chiến lũy" phát biểu và khích lệ tinh thần người dân. Khi mọi người tháp tùng B. Yeltsin cùng đi ra, họ nhìn thấy một chiếc xe tăng đỗ ở gần nên mọi người đi về hướng đó. Đó là chiếc xe tăng số hiệu 110 của sư đoàn Taman nổi tiếng. Tiếp tục nảy ra ý tưởng: Tổng thống cần trèo lên chiếc xe tăng!
A. Korzakov sau này thú thật: "Tôi không phải là lính thiết giáp, còn B. Yeltsin thì chưa bao giờ đứng cạnh loại khí tài này nên nhóm tháp tùng ông ta đã... khá vất vả mới đẩy nhau leo lên được. Từ "bục phát biểu tình thế" này, B. Yeltsin đứng trên nóc xe tăng cầm loa lên án những người cầm đầu cuộc đảo chính là "những kẻ đại diện cho một triều đại khủng bố mới", hành động đảo chính của GKCHP là vi hiến và kêu gọi quân đội không quay lưng chống lại người dân.
Màn trình diễn mạnh mẽ của B.Yeltsin đã tạo ra một hình ảnh tương phản hoàn toàn với phong thái nhu nhược yếu đuối của Quyền Tổng thống Yanayev. Hình ảnh này được truyền đi với tốc độ chóng mặt qua làn sóng truyền hình và phát thanh trên toàn thế giới, nghiễm nhiên biến thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc của cuộc chính biến tháng tám và củng cố mạnh mẽ vị trí của B.Yeltsin.
Nhóm Alpha, tên chính thức là lực lượng A thuộc Tổng cục 7 của Ủy ban An ninh quốc gia KGB được lệnh lên kế hoạch tấn công vào Nhà Trắng. Kế hoạch này nhanh chóng bị phá sản khi toàn bộ binh sĩ đồng lòng bất tuân thượng lệnh. Một đơn vị xe tăng rời bỏ hàng ngũ của chính phủ, nối nhau tiến đến Nhà Trắng, chĩa tháp pháo ra ngoài biểu thị quyết tâm bảo vệ thành lũy của phe cấp tiến.
Sang ngày 20-8, nhóm lãnh đạo GKCHP bắt đầu nhận ra họ đang núng thế. Nhiều cuộc biểu tình lớn của quần chúng phản đối các lãnh đạo đảo chính diễn ra rầm rộ tại Moskva và thành phố Leningrad; làm chia rẽ những lực lượng an ninh và quốc phòng còn trung thành với cánh bảo thủ khiến họ không thể được huy động lực lượng đàn áp sự đối kháng. Đúng là họ không có một vị thủ lĩnh bản lĩnh như phía CHLB Nga, cũng không thuyết phục được các Tổng thống ở các nước cộng hòa khác trong Liên bang hành sự theo mình. Các nguyên thủ ở các nước cộng hòa như Kazakhstan, Gruzia, Ukraine... có vẻ như muốn "tọa sơn quan hổ đấu" ở Moskva.
Trong khi đó, tới 9 giờ ngày 20-8, đã có tin về việc số lượng các mỏ than bãi công tăng lên và gần 50.000 nghìn người tụ tập xung quanh chiến lũy Nhà Trắng Nga để biểu lộ sự ủng hộ B. Yeltsin. Tới 13 giờ 36 phút, Ban lãnh đạo Nga trao cho Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô Lukianov bản kiến nghị đòi cho B.Yeltsin phải được trực tiếp gặp M.Gorbachev trong vòng 24 giờ và đòi GKPCH phải giải tán.
Khi con tạo xoay vần
Không thể ngồi im chờ sự phản hồi từ những con người "có tiếng mà không có miếng" và quan trọng nhất là không có chỗ dựa to lớn từ quần chúng nhân dân, B. Yeltsin cử Thủ tướng Nga Ivan Silaev và Phó Tổng thống Aleksandr Rutskoi cùng một đội đặc nhiệm bay đến Crimea để giải cứu Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev đang bị giam lỏng.
Quang cảnh Moskva, khu vực quanh Nhà Trắng những ngày chính biến. |
Năm 2001, đúng 10 năm sau chính biến, trong một buổi trả lời phỏng vấn hãng tin AP, M. Gorbachev nói về B.Yeltsin: "Khi ông ấy xuất hiện và dẫn đầu phe phản đối đảo chính, tình hình rất nguy hiểm và có thể diễn biến xấu theo bất kỳ chiều hướng nào. Cần phải khách quan nhìn nhận là trong tình thế đó, B.Yeltsin rất đáng khen ngợi. Ông ta đã đóng một vai trò lịch sử trong việc ngăn chặn những kẻ âm mưu đảo chính giành chính quyền".
Nhưng ngay sau đó, M. Gorbachev đổi giọng phê phán: "Nhưng dù sao thì B.Yeltsin vẫn là một con bạc, một người lắm mưu đồ, đấy là những nét tính cách đã ăn sâu trong con người ông ta. Ông ta có hai khát vọng rõ ràng và tôi nghĩ chỉ khi nhắm mắt, ông ta mới thôi không nghĩ về chúng, là được nắm quyền và phải ngồi ở ngôi vị cao nhất. Hiển nhiên, B.Yeltsin là người vô cùng háo danh". Khi được hỏi tại sao ông không tìm cách thoát khỏi tình cảnh bị giam lỏng trong biệt thự nghỉ dưỡng ở Crimea, M.Gorbachev cay đắng cho biết đó là vì tòa nhà bị một nhóm người có vũ trang canh giữ rất cẩn mật và "chẳng lẽ tôi lại leo rào ra ngoài?".
Lên án những người gây ra vụ đảo chính, M.Gorbachev nói rằng, khẩu ngữ "nhận trách nhiệm về số phận tổ quốc" chỉ nằm ở đầu môi chót lưỡi chứ trong thâm tâm ai cũng đang theo đuổi lợi ích cá nhân và lấy việc cứu Liên bang Xôviết làm bình phong che đậy những mưu đồ vị kỷ. M.Gorbachev tự trách mình để xảy ra hệ quả làm thay đổi vận mệnh của cả một liên bang ấy là do mình đã quá tự tin, đánh giá thấp sự thèm khát quyền lực của một số nhân vật đã sống gần hết cuộc đời trong quyền lực.
Tình hình trở nên đặc biệt bất lợi cho GKCHP khi tới 19 giờ 48 phút, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô Lukianov tỏ ra nao núng và ngỏ ý đồng tình với đòi hỏi của Ban lãnh đạo Nga về việc rút các đơn vị quân đội ra khỏi Moskva. Tuy thế, tới 21giờ 30 phút, lệnh giới nghiêm đã được ban hành ở thủ đô. 11giờ 40 phút ngày 21-8, kỳ họp bất thường của Xôviết tối cao Nga đã khai mạc tại Moskva.
Tại phiên họp bất thường này, yêu cầu Quyền Tổng thống Yanayev để cho đại diện lãnh đạo Nga gặp Tổng thống M.Gorbachev được lặp lại. Biết rõ mình đang ở tư thế nào, B.Yeltsin cùng các cộng sự tỏ ra quyết liệt hơn trong những cố gắng thu hút lực lượng vũ trang. Hơn 19 giờ tối ngày 20-8, Chủ tịch Ủy ban quân quản Moskva thông báo: việc tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm ở thủ đô là bất hợp lý.
Tới 19 giờ 35 phút, Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô họp ra thông cáo "coi việc gạt bỏ trên thực tế Tổng thống Mikhail Gorbachev khỏi việc thực hiện các trách nhiệm được Hiến pháp quy định và trao quyền cho Phó Tổng thống là không hợp pháp".
Thủ tướng Nga Ivan Silaev, Phó Tổng thống Aleksandr Rutskoi và một toán quân đặc nhiệm được biệt phái đến Crimea giải cứu Tổng thống Liên Xô. 19 giờ 50 phút, ủy ban trực thuộc Tổng thống Liên Xô nhận về mình quyền lãnh đạo các cơ quan bảo vệ luật pháp. Ủy ban còn có nhiệm vụ phối hợp với quân đội bảo đảm an ninh cho Tổng thống trở về điện Kremli. Tới 20 giờ 17 phút, Viện Công tố Liên Xô bắt đầu khởi tố điều tra về các hành động của các thành viên GKCHP.
Sáng ngày 22-8, M.Gorbachev quay trở về Moskva. Theo lệnh của Tổng thống Liên Xô, tất cả những người tham gia cuộc chính biến đều bị bắt. Họ bị kết tội phản quốc theo điều 64 Bộ luật Hình sự Liên bang CHXHCN Xôviết. Cuộc đảo chính tháng 8-1991 xem như kết thúc nhưng thể chế Liên bang Xôviết đã bị giáng một đòn chí mạng. Không lâu sau đó, các thành viên GKCHP bị đưa về giam tại một trại giam thuộc lực lượng hải quân ở Moskva. Cả nhóm được thả vào năm 1993.
"Quyền tổng thống 3 ngày" G.Yanayev trần tình, ông lên nắm quyền tổng thống vì "M.Gorbachev có vẻ đã mệt mỏi sau từng ấy năm tiến hành cải tổ, ông ta cần một chút thời gian để hồi phục". Và như mọi người còn nhớ, một trong những hình ảnh "tạo ấn tượng" về nhóm người tiến hành đảo chính là bàn tay run rẩy của G.Yanayev khi tuyên bố đảm nhiệm chức tổng thống từ M.Gorbachev.
Về sau, tờ "Novyi Vzglyad" dẫn lời Yanayev cho biết, sở dĩ tay ông ta run như vậy vì trước khi họp báo, ông ta phải uống vài ly vodka để tự trấn an tinh thần khi ký sắc lệnh đưa mình từ phó tổng thống lên vị trí tổng thống. Tuy nhiên, G.Yanayev cũng bao biện rằng, chuyện "hơi ngà ngà say" khi ấy không ảnh hưởng tới các phán xét của mình ở thời điểm đó.
Nếu phân tích "sứ mệnh lịch sử" của G.Yanayev, nhiều người muốn đi tìm câu trả lời tại sao con người này lại được đặt vào cương vị là nhân vật số hai của Liên Xô vào đúng thời điểm diễn ra nhiều biến cố trọng đại. Đơn giản có thể nói rằng, G. Yanaiev chính là loại người được "số phận lựa chọn".
Từng giữ nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền của Liên Xô, từng đứng đầu ủy ban của các tổ chức thanh niên, hiệp hội công đoàn quốc gia, G. Yanaiev trở thành thành viên của Bộ Chính trị Liên Xô vào tháng 7-1990 và được bầu làm phó tổng thống tháng 12 năm đó. Nhưng dù ở cương vị nào, người ta đã không cho phép ông ta đưa ra được bất kỳ một chính sách nào mang tính thực tiễn. Đó là một con người chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ nhạy cảm chính trị và tầm nhìn xa, con người chưa bao giờ có thể khai phá cho mình một con đường riêng.
Thời gian cuối đời, G.Yanayev làm giảng viên tại Học viện Quốc tế về du lịch. Sau một thời gian dài lâm bệnh, ngày 24-9-2010, G.Yanayev qua đời tại bệnh viện Central Clinical Hospital, cách điện Kremli 11km về phía tây bắc.