3 năm sau thảm họa máy bay MH17: “Hung thủ” dần lộ diện?

Thứ Năm, 20/07/2017, 12:16
Theo công bố của Viện Công tố Hà Lan thì "có khoảng một trăm người có thể liên quan đến vụ máy bay MH17 bị bắn rơi và đến việc vận chuyển giàn phóng tên lửa. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin về các đối tượng tình nghi đó".

(kỳ cuối)

Ra lệnh bắn tên lửa BUK là một mạng lưới chỉ huy gồm khoảng… một trăm người

Nhóm điều tra quốc tế hỗn hợp (JIT) đến nay vẫn kiên định với mục tiêu "Truy đến cùng những kẻ ra lệnh bắn tên lửa vào chiếc máy bay MH17 và đưa ra xét xử trước một tòa án quốc tế".

Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai phát biểu trước báo chí và gia đình các nạn nhân MH17 trong lễ tưởng niệm vừa diễn ra ngày 13-7 tại trung tâm hành chính Putrajaya.

Hà Lan là nước dẫn đầu cuộc điều tra vì đa số nạn nhân trong thảm họa này là công dân Hà Lan, trong đó có 3 người gốc Việt. Sau hơn 2 năm điều tra, JIT đã xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ gồm 5 tỷ trang tài liệu internet, nửa triệu bức ảnh, video; tiếp cận hơn 200 nhân chứng và các dữ liệu viễn thông với khoảng 150.000 cuộc nói chuyện điện thoại. Có thể hệ thống lại những điểm mấu chốt nhất trong bản báo cáo kết quả cuộc điều tra hỗn hợp cực kỳ công phu này (được chuyển sang Viện công tố Hà Lan):

Thứ nhất, JIT đã có những bằng chứng để khẳng định vào ngày 17-7-2014, chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một tên lửa BUK loại 9M38. Đại diện cho quan điểm này là nhà điều tra Wilbert Paulissen, người Hà Lan. Các nhà điều tra quốc tế làm việc dưới sự chỉ đạo của Viện Công tố Hà Lan đã so sánh các mảnh thu được tại hiện trường máy bay rơi, được cho là của một loại vũ khí với những vật liệu đối chứng lấy từ nhiều loại tên lửa BUK.

Chủ tịch Ủy ban An toàn Hà Lan Tjibbe Joustra cho biết, quả tên lửa BUK đã được bắn từ khu vực trong vòng bán kính 320 km tính từ vị trí máy bay rơi, phát nổ cách buồng lái của MH17 khoảng 1 mét về phía bên trái, tạo ra hàng trăm mảnh vỡ khiến chiếc Boeing 777 vỡ tung. "Lẽ ra chính phủ Ukraine đã phải ra lệnh đóng cửa không phận ở vùng chiến sự", ông Joustra nói, "đã có 160 chiếc máy bay di chuyển qua khu vực đó trong ngày 17-7-2014. Và tử thần đã điểm trúng chiếc máy bay mang số hiệu MH17".

Thứ hai, dựa trên các hình ảnh radar, các nhà điều tra khẳng định máy bay bị tấn công từ bên ngoài. Điều này loại bỏ các giả thiết máy bay bị tai nạn do trục trặc kỹ thuật, có hành động khủng bố bên trong khoang máy bay hoặc MH17 bị tấn công từ một máy bay quân sự khác.

Thứ ba, các nhà điều tra đã dựng lại hành trình di chuyển của tên lửa, từ đó kết luận: "hệ thống đã được chuyển từ lãnh thổ Nga sang Ukraine bằng một xe tải Volvo màu trắng có rơ-mooc. Chiếc xe tải còn được nhiều xe chở lính có vũ trang hộ tống". Kết nối dữ liệu từ các cuộc nói chuyện điện thoại, hệ thống BUK được phác lại hành trình: Nó đã được di chuyển qua biên giới Nga- Ukraine trong đêm trước khi xảy ra thảm họa.

Vào ngày 16-7-2014, lúc 19 giờ 9 phút (giờ địa phương), một người được xác định có tên gọi là Nikolaevich nói rằng, nếu anh ta có thể "nhận được tên lửa BUK vào buổi sáng thì sẽ rất tốt, còn "nếu không, mọi việc sẽ hỏng bét". Một người có tên Sanych trả lời: "Nếu anh cần, chúng tôi sẽ gửi nó đến vùng của anh".

Thủ lĩnh quân sự lực lượng ly khai khoe trên mạng xã hội Nga việc "bắn rơi một chiếc An-26" vào lúc MH17 rơi.

Điểm đến cuối cùng của dàn tên lửa BUK này là một cánh đồng thuộc làng Pervomaiski, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy. Nhiều nhân chứng khẳng định đã trông thấy một bệ phóng BUK trong khu vực làng Pervomaiski, một cuộn khói bốc lên cao và thậm chí, có người còn nhìn thấy quả tên lửa sau khi được phóng đi. Theo các nhà điều tra, bệ phóng tên lửa BUK sau đó đã được đưa lên một chiếc xe tải và được chuyển ngược về biên giới qua lãnh thổ Nga ngay trong đêm đó!

Tuy các nhà điều tra không nêu tên bất kỳ một nghi can nào nhưng khẳng định: có rất nhiều người dính líu. Theo công bố của Viện Công tố Hà Lan thì "có khoảng một trăm người có thể liên quan đến vụ máy bay MH17 bị bắn rơi và đến việc vận chuyển giàn phóng tên lửa như đã nói ở trên. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin về các đối tượng tình nghi đó".

Đến đây, trung tâm của các nghi vấn tập trung vào "hệ thống chỉ huy" và "người nào" đã ra lệnh đưa tên lửa BUK tới Ukraine rồi bắn hạ chiếc Boeing 777 số hiệu MH17?

Nhóm phóng tên lửa đã tự ý hành động hay chỉ thực thi mệnh lệnh của cấp trên? Khi công bố trên trang mạng www.jitmh17.com, JIT  khoanh vùng cho công luận theo dõi một số cuộc điện đàm thu được giữa hai người sử dụng mật danh "Orion" và  "Delfin" và kêu gọi những người có thể nhận ra giọng nói trong các cuộc nói chuyện trên liên lạc để cung cấp thêm thông tin. Sau đó, "Orion" và  "Delfin" được xác định là Andrei Ivanovich và Nikolai Fiodorovich.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, các kết luận của JIT là "một giai đoạn quan trọng", đồng thời ông kêu gọi phía Nga "hợp tác đầy đủ trong tiến trình điều tra, giờ đây sẽ hướng tới việc xác định nghi phạm cụ thể".

Vào thời điểm Viện Công tố Hà Lan cho công bố kết quả cuộc điều tra của JIT, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, kết quả của cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu "không công bằng và mang động cơ chính trị".

Hãng Reuters dẫn lời bà Maria Zakharova nói: "Việc tùy tiện gán cho một bên có tội và bịa ra những kết quả đã trở thành chuyện bình thường với các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi" cùng lời phàn nàn rằng, chính phủ Nga không được đóng vai trò đầy đủ trong việc điều tra.

Hành tung của những nghi phạm

Vào ngày 13-10-2016, trước khi Viện Công tố Hà Lan công bố kết luận điều tra, nhà sản xuất tên lửa BUK, Công ty Almaz-Aney OAO của Nga, cho biết họ cũng đã tiến hành nghiên cứu về vụ MH17. Trong đầu thập niên 80, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã bắt đầu sản xuất BUK -M1, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung hoạt động cực kỳ hiệu quả.

Sau đó, các tên lửa BUK -M1 đã được đưa tới nhiều quốc gia giáp đường biên giới phía tây với Nga bao gồm 3 khu vực thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Ukraine thuộc Liên bang Xôviết. Sau khi Liên Xô tan rã, toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa trên vẫn ở lại Ukraine và hiện Kiev đang sở hữu khoảng 70 tên lửa loại này.

Quân đội Nga hiện đang điều hành hơn 350 hệ thống tên lửa BUK-M1 và BUK-M2. Trong đó, những phiên bản cải tiến mới nhất được phát triển sau khi Ukraine giành được độc lập vào năm 1991 và Liên Xô tan rã. Các phiên bản nâng cấp chính thức đi vào hoạt động vào cuối thập niên 90 và đã thay thế hoàn toàn những hệ thống tên lửa Liên Xô lỗi thời.

Một bức ảnh của cựu sĩ quan Sergei Dubinsky, nghi phạm chỉ huy việc vận chuyển tổ hợp tên lửa BUK vào Ukraine.

Các chuyên gia và nhà điều tra độc lập đã thử dựng lại vụ nổ và đưa ra kết luận: quả tên lửa gây ra thảm họa là một mẫu tên lửa cũ, hiện không còn được các lực lượng của Nga sử dụng. Cuối tháng 6-2014, quân ly khai đã chiếm một căn cứ quân sự gần Donetsk, nơi đơn vị phòng không A1402 của Ukraine đóng quân. Có khả năng họ đã chiếm được tên lửa BUK tại đây. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, thời điểm ấy họ vẫn đang kiểm soát toàn bộ 60 giàn tên lửa BUK.

Bằng chứng thứ tư đến từ chính Igor Strelkov, một thủ lĩnh quân sự của phe ly khai. Ngay sau khi MH17 bị rơi, trên tài khoản cá nhân của ông này trong một mạng xã hội của Nga, Strelkov vui mừng thông báo "quân ta vừa bắn hạ một chiếc An-26 của quân Ukraine gần khu vực Torez". Ông này viết: "Chúng tôi đã cảnh cáo chúng không được bay trên vùng trời của chúng tôi", đi kèm với đó là những đoạn clip để xác nhận việc máy bay bị bắn rơi.

Cùng thời gian đó, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA-Novosti cũng cho chạy một đoạn tin, trong đó các nhân chứng cho biết một chiếc An-26 bị bắn rơi gần mỏ than Tiến Bộ, cùng khu vực mà Strelkov đã công bố. Các phóng viên của kênh LifeNews từ Nga, khi chạy đến hiện trường để đưa tin, cũng tin rằng đó là một chiếc An-26.

Tất nhiên là vào thời điểm đó không có chiếc An-26 nào bị rơi cả, quân ly khai đã nhầm chiếc Boeing 777 là An-26. Quả nhiên là không lâu sau đó, thông tin trên của Strelkov đã bị xóa. Ông này cũng đính chính rằng, thông tin đó được đăng bởi một thuộc cấp, không phải của mình, và phủ nhận mọi liên quan đến vụ MH17.

Tháng 2-2017, JIT tiếp tục công bố các thông tin làm sáng tỏ việc vận chuyển giàn tên lửa BUK từ biên giới Nga vào Ukraine. Chỉ huy cuộc vận chuyển này là Sergei Dubinsky, một cựu sĩ quan quân đội Nga, còn có biệt danh là "Hmuriy" và từng có thời gian tham chiến ở Afghanistan. Trong bài điều tra của nhà báo Pavel Kaygin trên báo Nga "Novaya Gazeta" xuất hiện thêm một nhân vật- ông Sergei Tyunov, thủ lĩnh lực lượng Nhân dân tự vệ thành phố Zaporizhzhya, trước đây đồng ngũ với Sergei Dubinsky. Vào cuối năm 1980, Tyunov và Dubinsky phục vụ trong đại đội trinh sát 181.

Cựu binh Tyunov nhấn mạnh rằng, vào khoảng tháng 10-2014, giữa ông và Sergei Dubinsky đã diễn ra một buổi thảo luận về bi kịch xảy ra với chiếc máy bay MH17. Sergei Tyunov kể: "Khi tôi nói 'có lẽ chính các bạn đã bắn rơi chiếc máy bay dân dụng theo kiểu kẻ cướp chứ còn ai!', tôi nhìn thấy khuôn mặt của Sergei Dubinsky đột nhiên tím tái, ông ấy tiếp nhận điều này như thể chính ông ta có tội vậy". Cuộc nói chuyện lần ấy đã được Sergei Tyunov ghi âm lại.

Sergei Dubinsky được cho là người chỉ huy việc vận chuyển tổ hợp tên lửa BUK vào Ukraine, mà cuộc trò chuyện bằng điện thoại của ông ta được Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ghi lại được và chuyển cho JIT. Ông Sergey Tyunov cũng đã nhận ra giọng nói của cựu đồng đội của mình trên đoạn ghi âm này. Sau khi có trong tay bằng chứng là 2 đoạn ghi âm- một đoạn từ cuộc nói chuyện với Sergei Tyunov và đoạn kia do SBU cung cấp, nhà báo Pavel Kaygin yêu cầu các chuyên gia phân tích tiếng nói từ Viện Thần kinh học và Thể chất học của Đại học Geterbourg ở Thụy Sĩ tiến hành so sánh.

Tiến trình phân tích diễn ra trong phòng thí nghiệm Voxalys (chuyên giám định tội phạm theo đơn đặt hàng của cơ quan điều tra, công tố và tòa án) bằng phương pháp "trắc nghiệm mù" và tuân theo quy định của Hiệp hội quốc tế về âm thanh và phát âm trong tội phạm học (IAFPA).

Các chuyên gia không được biết lời nói của nhân vật trong hai đoạn ghi âm thốt ra khi nào, ở đâu, nói với ai và vì lý do nào, mà chỉ biết đây là tư liệu cần khảo sát. Đứng đầu nhóm chuyên gia khảo sát là ông Ionas Lind, nhà phân tích tội phạm học và là thành viên IAFPA. Trải qua 10 ngày, các chuyên gia cuối cùng đã đưa ra kết luận: các mẫu tiếng nói trong hai bản ghi âm là của cùng một người.

Hôm 13-7 vừa qua, tại Malaysia và Hà Lan đã diễn ra lễ tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay MH17 xấu số. Cùng tham dự lễ tưởng niệm tại Putrajaya, trung tâm hành chính của Malaysia có Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai.

Ông cho biết, nghi phạm bắn rơi chiếc máy bay MH17 vào tháng 7-2014 sẽ phải đối mặt với những cáo buộc ở Hà Lan vào cuối năm nay. "Hy vọng rằng cuối năm nay hoặc đầu năm tới, chúng ta có thể tìm ra được những kẻ phải chịu tội trước tòa" - Reuters dẫn lời ông Liow phát biểu tại lễ tưởng niệm. Các bên tham gia trong nhóm điều tra chung, gồm Malaysia, Hà Lan, Bỉ, Ukraine và Australia đã đi đến thống nhất rằng, việc truy tố tại Hà Lan là một tiến trình hiệu quả để đảm bảo việc giải trình trách nhiệm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng tuyên bố: bất cứ nghi phạm nào được xác minh là kẻ ra lệnh và tham gia khai hỏa tên lửa bắn rơi chiếc máy bay MH17 cũng sẽ bị xét xử tại tòa án Hà Lan theo luật pháp nước này.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.