5 gián điệp bị tử hình
Theo Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô "Về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với những kẻ phản bội Tổ quốc, làm gián điệp, phá hoại" và "theo yêu cầu của nhân dân lao động”, ngày 12/1/1950, Nhà nước Liên Xô đã áp dụng lại án tử hình vì tội phản quốc, gián điệp và phá hoại ngầm. Dưới đây là 5 gián điệp bị tử hình ở Liên Xô vì tội phản bội Tổ quốc.
Adolf Tolkachyov
Adolf Tolkachyov sinh ngày 6/1/1927 tại thành phố Aktyubinsk, Cộng hòa XHCN Xô Viết Kazakhstan. Từ năm 1929, định cư ở Moscow. Lấy vợ năm 30 tuổi. Tolkachyov là cán bộ của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật vô tuyến điện và được tiếp cận các tài liệu thuộc vào loại bí mật quân sự. Adolf Tolkachyov là một trong những nhà thiết kế máy bay tàng hình của Liên Xô. Ông ta dấn thân vào con đường phản bội vì lý do tài chính.
Tháng 9/1978, Tolkachyov để lại một bức thư dưới cần gạt nước xe của một cán bộ Đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Trong thư, Tolkachyov viết rằng ông ta có thể cung cấp cho Mỹ những tài liệu cực kỳ bí mật cho phép thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới. Bức thư đến tay các nhân viên Cục Tình báo Moscow, và họ đề nghị xin chỉ thị của Trung ương.
Trung ương ra lệnh cho Cục Tình báo Moscow không trả lời thư của Tolkachyov dưới bất kỳ hình thức nào. CIA cũng không đáp lại hai đề nghị hợp tác tiếp theo của Tolkachyov, vì sợ phản gián Liên Xô. Tolkachyov chỉ thành công vào lần thứ tư. Một nhân viên CIA đã gọi tới số điện thoại ông ta để lại và nói điểm hẹn. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào ngày 1/1/1979.
Trong 6 năm hoạt động phản quốc, Adolf Tolkachyov đã chuyển cho Mỹ 54 tài liệu tuyệt mật, trong đó có hệ thống điều khiển điện tử của máy bay chiến đấu MIG và các thiết bị tránh radar. Tolkachyov chụp ảnh các tài liệu tuyệt mật và chuyển cho các nhân viên tình báo Mỹ. Đổi lại, ông nhận được tiền, thuốc nhập khẩu, băng cassette nhạc rock and roll cho con trai và sách.
Tổng cộng, Tolkachyov đã nhận được 789.500 rúp và gần 2 triệu rúp được gửi tại một ngân hàng ngoại quốc, phòng khi ông ta trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu một khoản tiền khổng lồ, kẻ phản bội sống rất khiêm nhường. Tài sản của ông ta chỉ có một biệt thự ngoại ô và một chiếc VAZ-2101 “Zhiguli” do Liên Xô sản xuất, Tolkachyov không đến mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế “Beryozka” nổi tiếng thời bấy giờ. Điều này đã giúp ông ta hoạt động trong một thời gian dài mà không bị lộ.
KGB lần ra dấu vết của Tolkachyov khá tình cờ. Năm 1985, Edward Lee Howard, nhân viên CIA phụ trách Tolkachyov, bị sa thải vì nghiện ma túy và tham ô. Tức mình, Howard đã tiết lộ với KGB Liên Xô rất nhiều thông tin tuyệt mật, kể cả tên của Adolf Tolkachyov. Ngày 9/6/1985, Tolkachyov bị bắt. Trong quá trình điều tra, ông ta đã thú nhận tất cả và xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tòa án kết luận ông ta phạm tội phản quốc và kết án tử hình. Ngày 24/9/1986, Tolkachyov bị bắn.
Pyotr Popov – gián điệp hai mang
Pyotr Popov sinh năm 1923 ở ngoại ô thành phố Kostroma trong một gia đình nông dân. Ông tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trở thành sĩ quan tiếp tế, được tặng thưởng nhiều huân chương. Năm 1951, ông tốt nghiệp Học viện Ngoại giao quân sự và được cử sang Áo công tác. Trong thời gian phục vụ ở Vienna, nhiệm vụ chính của ông là tuyển mộ các công dân Áo làm điệp viên chống lại Nam Tư, quốc gia đang có xung đột với Liên Xô trong những năm đó.
Từ năm 1954, Popov bắt đầu hợp tác tích cực với CIA với mật danh “Gracespace”. Mỹ đã thành lập một đơn vị đặc biệt SR-9 (Nga Xô) thuộc CIA để làm việc với Popov, đơn vị này về sau chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của tất cả các điệp viên ở Liên Xô. CIA đã hào phóng trả tiền cho Popov, và ông ta đã tố giác tất cả các điệp viên quen biết ở Áo, tiết lộ hệ thống đào tạo của GRU (Cục Tình báo quân sự), KGB của Liên Xô và cơ cấu tổ chức của các đơn vị này, Popov còn cung cấp một số thông tin có giá trị về trang bị vũ khí và học thuyết quân sự của Liên Xô, sơ đồ tổ chức các sư đoàn bộ binh cơ giới và thiết giáp trong quân đội Liên Xô. Qua Popov, CIA đã nhận được một báo cáo về việc tiến hành các cuộc tập trận đầu tiên của Liên Xô ở vùng Totsk năm 1954 có sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngày 23/12/1958, CIA đã phạm một sai lầm khiến Popov phải trả giá bằng mạng sống. Do hiểu sai ý kiến chỉ đạo, người thư ký đã gửi các bản hướng dẫn cho Popov theo địa chỉ nhà riêng của ông ta ở Kalinin. Sau đó, Popov được triệu hồi về Moscow và bị giám sát chặt chẽ. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/1959, KGB đã ghi lại một số cuộc gặp giữa Popov và các điệp viên CIA. Ngày 18/2, ông ta bị bắt ở Moscow. Khám xét nhà riêng của Popov, các nhân viên an ninh tìm thấy 20.000 rúp, các bản mật mã, khẩu súng lục Walther và các hướng dẫn liên hệ với tình báo Mỹ. Popov bị buộc tội phản quốc. Ngày 7/1/1960, Hội đồng quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô đã công bố bản án. Popov lĩnh án tử hình. Bản án được thực hiện năm 1960.
Leonid Poleschuk – hai lần phản bội Tổ quốc
Đầu những năm 1970, Leonid Poleschuk (sinh năm 1938) vào làm việc tại cơ quan tình báo đối ngoại của KGB Liên Xô. Poleschuk được cử đến công tác tại Kathmandu, thủ đô Nepal. Tại đây, ông ta nghiện cờ bạc và rượu chè.
Một lần, bị thua bạc gần 300 USD, lấy từ ngân quỹ của tổ chức, Poleschuk bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để khỏi phải nhận hình phạt, nhưng không tìm thấy cách nào tốt hơn là hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ ở Nepal. John Bellingham, nhân viên CIA, đồng ý ngay lập tức. Từ đó, Poleschuk cung cấp thông tin và nhận được một số tiền lớn. Năm 1974, bị triệu hồi từ Kathmandu về Moscow, Poleschuk nói với những người phụ trách của mình rằng không còn hợp tác với CIA nữa, và suốt 10 năm, ông ta chấm dứt quan hệ với tình báo Mỹ.
Năm 1984, trung tá Poleschuk được cử sang làm việc ở Nigeria, và khoảng một năm sau, ông ta quyết định liên lạc với CIA. Tại một cửa hàng bách hóa, ông ta giả vờ bị bong gân ở chân. Khi bác sĩ của Đại sứ quán Mỹ đến giúp đỡ, Poleschuk đã đọc mật khẩu: “Tôi là Leo, đến từ đất nước có những ngọn núi cao. Xin chào Bellingham". Chỉ 10 ngày sau, Richard Bal, nhân viên CIA ở Nigeria, đã liên hệ với Poleschuk.
Poleschuk đã cung cấp cho CIA tất cả nhân viên tình báo và điệp viên của Liên Xô ở Nigeria, và sau khi trở về Liên Xô, ông ta vẫn tiếp tục làm việc cho Mỹ. Mùa xuân năm 1985, lực lượng phản gián của Liên Xô đã lần ra dấu vết của Poleschuk, phát hiện ra những liên hệ của ông ta với các nhân viên Đại sứ quán Mỹ, địa điểm cất giấu tài liệu và tiền dưới một tảng đá. Ngày 12/6/1986, Hội đồng Quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô đã công bố bản án. Poleschuk lĩnh án tử hình vì hai lần phản bội tổ quốc. Bản án được thực hiện ngay sau đó.
Oleg Penkovsky – điệp viên Phương Tây thành công nhất ở Liên Xô
Oleg Penkovsky sinh ngày 23/4/1919. Mùa thu năm 1960, đại tá Penkovsky, cán bộ của Tổng cục Tình báo quân đội Liên Xô (GRU), xin được phục vụ cho tình báo Anh, sau đó ông ta hợp tác với MI-5 và CIA.
Tháng 5/1961, từ chuyến đi đầu tiên tới London, Penkovsky đã mang về một đài bán dẫn và máy ảnh Minox thu nhỏ do Đức sản xuất. Ông đã chuyển sang phương Tây 111 cuộn phim Minox chụp 5.500 tài liệu, tổng cộng 7.650 trang. Trong các chuyến công tác tới Paris và London, ông ta bị thẩm vấn tổng cộng 140 giờ, và các báo cáo thẩm vấn dài tới 1.200 trang đánh máy. Nếu tin vào các tài liệu được công bố ở phương Tây, Penkovsky đã tố giác 600 nhân viên tình báo Liên Xô, trong đó có 50 sĩ quan GRU.
Năm 1963, Oleg Penkovsky bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ, Anh và phản quốc. Ông ta bị tịch thu tất cả các giải thưởng và bị tuyên án tử hình. Cho đến nay, thông tin về Penkovsky, về công việc của ông ở GRU và về sự hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây vẫn được coi là bí mật.
Vladimir Vetrov – kẻ sát nhân và phản bội
Năm 1965, Vladimir Vetrov đến thăm Pháp với tư cách đại diện của phái đoàn thương mại và gặp Jacques Prevost, giám đốc điều hành công ty “Thomson CSF”, chuyên sản xuất thiết bị điện tử. Hóa ra, Jacques Prevost đang hợp tác với cơ quan tình báo Pháp DST (Cục Giám sát lãnh thổ), và Vetrov trở thành đối tượng tuyển mộ của ông ta. Một lần, Vetrov lái xe trong trạng thái say rượu, gây tai nạn làm hỏng chiếc xe công vụ. Không muốn liên lụy tới đại sứ quán, ông ta đề nghị người bạn Pháp giúp đỡ.
Prevost đã giúp, nhưng thông báo với DST rằng giờ đây Vetrov có chuyện bí mật cần che giấu. Lúc bấy giờ, họ không hợp tác gì với nhau, vì chuyến công tác của Vetrov đã kết thúc. Nhưng năm 1981, Vetrov bỗng nhớ tới người bạn Pháp. Lúc bấy giờ, ông ta làm việc tại cục “T” (tình báo khoa học-kỹ thuật) thuộc Tổng cục I của KGB, chuyên phân tích các thông tin khoa học và kỹ thuật của nước ngoài.
Với biệt danh “Farewell”, trong 2 năm, điệp viên Vetrov đã chuyển 4.000 tài liệu bí mật sang phương Tây, kể cả danh sách chính thức đầy đủ gồm 250 sĩ quan Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao trên khắp thế giới. Ông ta cũng tiết lộ danh tính của 450 nhân viên tình báo Liên Xô tham gia thu thập thông tin khoa học - kỹ thuật.
Tháng 2/1982, trong lúc say rượu, Vetrov đã giết chết một nhân viên KGB. Tòa án kết luận ông ta phạm tội giết người có chủ ý và tuyên phạt 15 năm tù, đồng thời tịch thu tất cả các phần thưởng và quân hàm. Nhưng sau 2 năm, Vetrov được chuyển đến nhà tù Lefortovo (Moscow) và bị buộc tội phản quốc. Vetrov lĩnh án tử hình và bị bắn ngày 23/2/1985.