50 năm “vụ ám sát thế kỷ”: Sự thật về J. F. Kennedy “huyền thoại”
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi John Fitzgerald Kennedy (1917-1963), vị Tổng thống thứ 35 của Mỹ bị ám sát khi đang công du ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Từ đó đến nay đã có vô vàn những giả thuyết, luận điểm và nhận định chủ quan, đa phần tôn vinh ông như là "chính khách sáng giá nhất" trong lịch sử nước Mỹ. J. F. Kennedy được giới sử gia Mỹ xếp vào hàng lãnh tụ kiệt xuất, sánh ngang với “nhà lập quốc phi thường” George Washington (1732-1799), “vị cứu tinh của đất nước” Abraham Lincoln (1809-1865), hay “nhà cải cách quốc gia” Franklin Roosevelt (1882-1945)... Còn sự thật về nhân vật “huyền thoại” J. F. Kennedy không hẳn như vậy!
Công chúng 5 châu ai cũng biết J. F. Kennedy trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào đầu năm 1961 khi chưa đầy 44 tuổi, cũng là vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử hơn 2 thế kỷ tồn tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng ít người biết được rằng song song tồn tại với những điều “mặc định” nhằm ca ngợi J. Kennedy nêu trên, là những luận cứ xác đáng chứng minh vị tổng thống Mỹ trẻ tuổi nhất là một chính khách đầy tai tiếng.
Tổng thống "diều hâu"
Những kẻ ngây thơ chính trị vẫn lầm tưởng, rằng nếu như J. Kennedy không thiệt mạng vì những phát đạn oan nghiệt ở Dallas, thì tình hình thế giới sẽ… biến chuyển khác đi một cách đáng kể. Ví dụ như cuộc chiến sa lầy và tốn kém do Mỹ tiến hành ở Việt Nam sẽ không xảy ra, hay Chiến tranh lạnh đối đầu giữa hai hệ thống chính trị quốc tế không kéo dài lâu đến thế(?!).
Ngay trong diễn văn nhậm chức vào cuối tháng 1/1961, Tổng thống Kennedy đã hùng hồn tuyên bố rằng "Hoa Kỳ quyết tâm trả bất cứ giá nào, sẵn sàng chịu bất cứ gánh nặng và hy sinh tổn thất nào để đảm bảo đem lại hòa bình cho toàn hành tinh". Nhưng chỉ chưa đầy 3 tháng sau, tân chủ nhân Nhà Trắng đã "bật đèn xanh" phát động cuộc tấn công đảo quốc Cuba qua sự kiện Vịnh Con Lợn, rắp tâm đè bẹp nhà nước XHCN đầu tiên ở Tây bán cầu, một chính thể có chủ quyền được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
Đồng thời ngay trong những ngày đầu tiên ngự trị ở Phòng Bầu dục, J. Kennedy đã cho hoàn thiện và nâng cấp kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Nhà nước Liên Xô, đối thủ chính yếu của Mỹ khi ấy do người tiền nhiệm là Thống chế Dwight Eisenhower khởi xướng.
Theo kế hoạch mang mật danh "SIOP-62" này thì Mỹ sẽ sử dụng 3.432 tên lửa có cánh gắn đầu đạn hạt nhân, tàn phá 1.077 các mục tiêu công nghiệp và quốc phòng chiến lược trên lãnh thổ Liên Xô, khiến hơn phân nửa (54%) dân số Xôviết thiệt mạng trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm giáng đòn hạch tâm tổng lực.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ đoan chắc rằng, sau đòn tấn công hạt nhân ồ ạt phủ đầu, Liên Xô nhất định sẽ "mất khả năng kháng cự, không còn tiềm lực quân sự để có thể phản công lại Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nữa"(!). Kịch bản này được giới tướng lĩnh "diều hâu" tại Washington nhận định là đã đạt tới cấp độ "hủy diệt hạt nhân", nhưng Tổng thống J. Kennedy lại tỏ ra hiếu chiến hơn, khi quyết định giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara và Phó trợ lý đặc biệt về An ninh quốc gia Carl Kaysen cùng nghiên cứu nâng cấp kế hoạch "SIOP-62", để bảo đảm rằng sẽ vô hiệu hóa lực lượng vũ khí hạt nhân của Điện Kremlin; đồng thời giảm số lượng công dân Xôviết "sống sót" xuống mức tối thiểu còn độ 1 triệu người.
J. F. Kennedy thăm Tây Berlin vào cuối tháng 6/1963. |
Gần nửa năm trước khi bị ám sát, J. Kennedy đã thân chinh đến thị sát bức tường Berlin, cũng là "điểm nóng nhất" trên lằn ranh đỏ thể hiện sự đối đầu đông - tây trong thời Chiến tranh lạnh. Tại đây vị nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố một câu "xanh rờn": "Tôi là cư dân Tây Berlin", hàm ý là một "chiến sĩ tiên phong" trên tiền đồn đối kháng giữa 2 hệ thống chính trị thế giới. Đối với một người thực tâm muốn chung sống hòa bình giữa các ý thức hệ khác nhau, không ai lại có những hành vi cùng lời phát ngôn sặc mùi kích động xung đột như vậy.
Đam mê sắc dục
Trong chuyến công du sang Anh sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, J. Kennedy đã thổ lộ trong chốn riêng tư với Thủ tướng Harold Macmillan, rằng: "Ngày nào tôi không quan hệ tình dục đều cảm thấy nhức đầu kinh khủng". Thậm chí người đứng đầu nước Mỹ còn quan hệ với gái gọi hạng sang để thỏa mãn sắc dục vô độ của mình. Tiêu biểu là việc gian díu với "gái gọi" cao cấp Judith Exner, "cô nhân tình bé nhỏ" của các trùm gangster khét tiếng như Sam Giancana và John Roselli.
Riêng chính khách lão luyện Fred Dutton, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của đảng Dân chủ Mỹ, cũng là trưởng ban vận động tranh cử cho J. Kennedy từng lên tiếng nhận định về "thân chủ" của mình: "Ông ấy giống như một chúa tể, có thể chinh phục bất cứ người phụ nữ nào mà mình muốn". Và quả thực J. Kennedy từng duy trì mối quan hệ "trên mức tình cảm" với vô số phụ nữ, từ sinh viên, diễn viên, đến nữ thư ký làm việc trong Nhà Trắng... Thiên hạ cũng biết rằng J. Kennedy đã ngoại tình với cô con gái Marina của nhà đầu tư Ben Bradley, chủ sở hữu tuần báo Newsweek hàng đầu nước Mỹ. Chính B. Bradley đã cùng hút cần sa tại Phòng Bầu dục với J. Kennedy để chúc mừng vị chủ nhân mới.
Còn trong cuốn tiểu thuyết lịch sử "Idlewild" (Kẻ thảnh thơi phóng đãng) của ký giả nổi tiếng người Anh Mark Lawson, tác giả đã đưa ra những bằng chứng đầy thuyết phục khẳng định về mối tình giữa J. Kennedy với cô đào điện ảnh Marilyn Monroe, nổi danh qua biệt hiệu "Người đàn bà đẹp nhất hành tinh". Tác giả M. Lawson đoan chắc nếu như không bị đột tử, hiển nhiên M. Monroe sẽ trở thành tân đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ sau khi J. Kennedy quyết chí ly dị bà vợ Jacqueline Kennedy.
Cũng xin lưu ý để độc giả rõ M. Lawson là cây bút kỳ cựu của Hãng tin BBC và các nhật báo đầy uy tín ở Anh như The Independent, The Guardian… Đồng thời cũng là tác giả của những đầu sách nghiên cứu về giới chính khách hàng đầu nước Anh như cố Thủ tướng Harold Wilson, hay "Bà đầm thép" Margaret Thatcher…
Không như ở châu Âu, việc ngoại tình là điều khó chấp nhận đối với các chính khách Mỹ cao cấp. Đơn cử như trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton, ông này đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ nếu như không muốn bị hạ bệ về sự kiện "ăn vụng" với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
"Với các cuộc tình lén lút ngoài hôn nhân ra, nếu không có vụ ám sát tại Dallas thì "chính khách sáng giá" J. Kennedy ắt sẽ thất cử trong nhiệm kỳ thứ 2 vào đầu năm 1965, và sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vị tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ", tác giả M. Lawson kết luận ở phần cuối đầu sách ăn khách của mình.--PageBreak--
Chính khách có thể trạng nhiều bệnh tật
Các báo cáo y tế được giải mật sau này cho thấy J. Kennedy đã phải vật lộn với nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Ngay từ khi còn trẻ ông đã mắc chứng rối loạn tâm thần hypocorticism, hay còn gọi là "hội chứng Addison" nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến tử vong. J. Kennedy còn bị đau cột sống mãn tính do thiếu sắc tố cortisone, khiến bác sĩ riêng Janet Travel phải thường xuyên tiêm chất cortisone vào tĩnh mạch cho ông. Ngoài ra, Kennedy còn mắc các căn bệnh như rối loạn đường tiêu hóa, nhiễm trùng niệu đạo mãn tính nên phải thường xuyên uống thuốc kháng sinh đặc trị.
Để đối phó với cảm giác mệt mỏi liên tục do các chứng bệnh hành hạ, J. Kennedy thường triệu bác sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Đức Max Jacobson vào Nhà Trắng, để cung cấp hỗn hợp chất kích thích pha trộn giữa vitamin, enzyme, nhau thai động vật và huyết thanh để làm cơ thể thêm hưng phấn. J. Kennedy đã đặt cho Jacobson biệt hiệu là "Dr. Feelgood" (Bác sĩ cảm thấy tốt).
"Tổng thống luôn từ chối các cảnh báo y khoa về những tác dụng phụ của hợp chất kích thích... Ông ấy thường nhấn mạnh điều quan trọng là chúng phải có tác động tức thì. Thậm chí trong dịp tiếp xúc với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev tại Hội nghị Thượng đỉnh Xô - Mỹ cuối tháng 4/1961 ở Vienna, tôi đã nhận được lệnh phải bay cùng Tổng thống trên chuyên cơ Air Force One đến Áo, cốt để tiêm các loại thuốc kích thích tố và amphetamine đều đặn để J. Kennedy luôn ở trong tâm trạng minh mẫn sảng khoái. Vô hình trung tôi nghiễm nhiên trở thành một thành viên thường xuyên trong đoàn tùy tùng của tổng thống, mặc dù vai trò của tôi luôn được giữ bí mật trong thành phần đoàn đại biểu chính thức cấp nhà nước công du ngoại quốc", lời bác sĩ Jacobson kể lại trong cuốn sách "Dr. Feelgood" của 2 học giả nổi tiếng người Mỹ Richard A. Lertzman và William J. Birnes, được ấn hành một tuần lễ trước dịp kỷ niệm nửa thế kỷ vụ ám sát J. Kennedy.
Đầu sách “Dr. Feelgood” bóc trần sự yếu kém của người đứng đầu Nhà Trắng. |
Đồng thời M. Jacobson cũng cho biết là ông được Chuck Spalding, bạn cùng phòng trong ký túc xá sinh viên với Kennedy tại Đại học Harvard, giới thiệu làm quen với chủ nhân tương lai của Nhà Trắng vào đầu năm 1960. Ngoài ra, bác sĩ Jacobson còn có các khách hàng thân thiết nổi tiếng khác như "người phụ nữ giàu nhất kinh đô điện ảnh Hollywood" Liz Taylor, hay nữ diễn viên kiêm ca sĩ huyền thoại Judy Garland từng đoạt giải Oscar khi đang ở tuổi vị thành niên...
Sau thất bại trong việc xâm lăng Cuba ở Vịnh Con Lợn, J. Kennedy đã sa thải Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles, cùng lời thề sẽ "xé nát CIA thành hàng nghìn mảnh" vì sự bất lực của cơ quan phản gián hàng đầu này. Đổi lại, CIA quyết chí hạ bệ uy tín của Kennedy, bằng cách bố trí cho nữ điệp viên Mary Pinchot Meyer trở thành nhân tình của ông, đồng thời cũng là người cung cấp chất ma túy dạng LSD gây ảo giác cho Tổng thống, để dễ bề khống chế và "tẩy não" nhân vật vốn "cực kỳ hung hăng" khi trở thành "nô lệ" của chất LSD. Nguồn tin trên do đích thân ông Phillip Graham, chủ sở hữu tờ nhật báo The Washington Post tiết lộ vào năm 1962.
Khoảnh khắc định mệnh khi J. F. Kennedy bị ám sát. |
Kết cục
Tác giả cuốn sách "Dr. Feelgood" đưa ra nhận định, rằng các cơ quan mật vụ hàng đầu nước Mỹ như CIA, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cục Tình báo Quốc phòng (DIA) và ngay cả Phó tổng thống Lyndon Johnson, cũng là người kế nhiệm J. Kennedy đã "nhúng chàm vào vụ án của thế kỷ". Nguyên nhân cần loại bỏ J. Kennedy do nhân vật "cứng đầu" này đã vượt xa khỏi tầm kiểm soát chiến lược của giới tài phiệt công nghiệp quân sự Mỹ.
Ngoài ra cũng không loại trừ việc bác sĩ M. Jacobson là điệp viên do CIA cài cắm, được xếp đặt làm "ân nhân" của người đứng đầu Nhà Trắng khiến vị "chính khách sáng giá nhất nước Mỹ" luôn phải phụ thuộc vào... chất kích thích!