Abubakar Shekau và nỗi ám ảnh ở Nigeria
Bị bao vây, Shekau nổ bom tự sát nhằm tránh bị bắt giữ. Đại tướng Rabe Abubakar, phát ngôn viên của quân đội Nigeria, phát biểu: “Quân đội Nigeria quan tâm đến nhóm vũ trang Boko Haram, chứ không phải một cá nhân như Shekau”.
Abubakar Shekau và tổ chức khủng bố Boko Haram
Những kẻ chỉ huy các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Châu Phi thường ẩn mình trong bóng tối, hiếm khi chịu ra mặt và cũng rất ít người biết rõ về cuộc đời cũng như tình trạng hiện tại của chúng.
Shekau thậm chí còn bí hiểm hơn thế, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ biết năm sinh của hắn có thể là 1965, 1969 hoặc 1979, còn Chính phủ Nigeria đã nỗ lực đàm phán với hắn nhiều năm, và tất cả những gì họ nhận được từ hắn là hàng loạt những video đe dọa điên loạn trên YouTube.
Tuy nhiên, tất cả đều biết rõ những tội ác của hắn: Shekau đã biến Boko Haram từ một nhóm vũ trang nhỏ lẻ thành một trong những nhóm khủng bố tàn bạo nhất Châu Phi và kéo 4 quốc gia vào một cuộc thánh chiến, cướp đi vô số sinh mạng.
Dưới sự chỉ đạo của Shekau, Boko Haram đã bắt cóc 300 nữ sinh ở thị trấn Chibok năm 2013, khiến cả thế giới phẫn nộ và phát động phong trào kêu gọi chúng trả tự do cho các em trên mạng xã hội.
Sau đó, hắn bị lực lượng quân đội của 7 quốc gia truy lùng và phải trốn tránh trong những khu rừng hẻo lánh, nhưng vẫn liên tục xuất hiện trên Internet, reo rắc nỗi sợ và ép tất cả phải biết đến cái tên Boko Haram đẫm máu.
Shekau sinh ra tại thị trấn nghèo đói Shekau, thuộc tỉnh Tarmuwa, bang Yobe và khi còn nhỏ, hắn từng phải đi ăn xin kiếm sống. Hắn được đánh giá là một người thông minh do biết khá nhiều thứ tiếng như Kanuri, Hausa, Fulani, tiếng Ảrập và tiếng Anh.
Khi Shekau còn nhỏ, Chính phủ Nigeria đang trong quá trình nhân rộng hệ thống giáo dục tiểu học kiểu phương Tây đến những ngôi làng như quê nhà của Shekau.
Cũng như rất nhiều người xung quanh, mẹ của Shekau là bà Fatima cho rằng chương trình giáo dục mới sẽ huỷ hoại giá trị truyền thống và quyết định gửi cậu con trai tuy sáng dạ nhưng không nghe lời đến một ngôi trường Hồi giáo.
Chân dung trùm khủng bố Shekau Abubakar, kẻ đứng đầu Boko Haram. |
Năm 1990, hắn chuyển đến sinh sống ở vùng Mafoni, tỉnh Maiduguri để theo học một giáo sĩ cổ truyền, rồi đỗ vào Đại học Luật và Nghiên cứu Hồi giáo Borno (nay đã đổi tên thành Đại học Luật và Nghiên cứu Hồi giáo Mohammed Goni). Tuy nhiên hắn sớm bỏ học vì một số lý do tư tưởng.
Thành phố từng có tên gọi “Mái nhà của hoà bình” này đã suy thoái trầm trọng về kinh tế sau nhiều năm bị quân đội độc tài thống trị, và Shekau cũng như nhiều thanh niên thất nghiệp khác bắt đầu bán nước hoa trên đường phố kiếm sống.
Sau này, hắn gặp gỡ kẻ sáng lập nhóm vũ trang Jamaat Ahlus Sunnah li Dawah wal Jihad là giáo sĩ Mohammed Yusuf, và bắt đầu nghe theo những tư tưởng do hắn truyền bá như “Boko Haram”, có nghĩa giáo dục phương Tây là tội lỗi.
Sau cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên giữa Boko Haram và quân đội Nigeria vào năm 2009, Yusuf bỏ mạng và Shekau leo lên cầm đầu Boko Haram. Shekau kết hôn với một trong 4 người vợ goá của Yusuf.
Biệt danh của Shekau là “Darul Tawheed”, có nghĩa là “bậc thầy Tawheed” - một nhánh tư tưởng Hồi giáo về sự hợp nhất. Tên khủng bố đã chứng tỏ “bản lĩnh” của mình sau khi nắm quyền bằng cách từ chối nghe theo lời khuyên của nhóm al-Qaeda.
Năm 2012, Chính phủ Mỹ đã chính thức coi Shekau là kẻ khủng bố, đóng băng tài sản của hắn tại Mỹ và trao thưởng 7 triệu USD cho bất kì ai có thể cung cấp thông tin giá trị dẫn có thể giúp chính phủ bắt giữ hắn.
Với Chính phủ Mỹ, Shekau sánh ngang với Osama bin Laden, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và kẻ sáng lập IS Abu Musab al-Zarqaw. Nigeria cũng đã trao thưởng 50 triệu Naira (trị giá khoảng 6 tỉ VNĐ) cho người có thể tóm gọn Shekau.
Năm 2013, hắn chỉ đạo Boko Haram bắt cóc hàng trăm nữ sinh ở Chibok và ép các em cải đạo, kết hôn với những binh lính của hắn. Trong khi Chính phủ Nigeria đang chuẩn bị thuyết phục hắn thả tự cho các nạn nhân nhỏ tuổi thì quân đội nước này lại đột ngột báo tin vui rằng hắn đã bỏ mạng trong một khu rừng ở Cameroon.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những video được phát trực tiếp của hắn lại xuất hiện và quân đội Nigeria khẳng định đó không phải là Shekau, mà là một kẻ đóng thế có ngoại hình rất giống tên khủng bố.
Quân đội Nigeria lại cho biết họ đã tiêu diệt Shekau vào năm 2014, thậm chí họ còn đăng một bức ảnh chụp thi thể của hắn lên Twitter làm bằng chứng.
Sau khi Tổng thống Muhammadu Buhari lên cầm quyền vào tháng 3-2015, ông đã sa thải hàng loạt vị tướng lĩnh cao cấp, yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự và điều chuyển các vị tướng ra mặt trận.
Ngoài ra, ông Buhari còn liên hệ với nhiều vị tướng đã nghỉ hưu từ nhiều năm trước nhưng vẫn có thể thương thảo với những kẻ đứng đầu Boko Haram qua những toán lính đánh thuê. Tổng thống cũng cho quân đội Nigeria tối đa 3 tháng để tiêu diệt Boko Haram.
Đáp lại lời hăm dọa này, Shekau chỉ trêu ngươi chính quyền qua radio: “Tại sao ông ấy không nói là 3 năm nhỉ? Chúng tôi muốn tổng thống biết là chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”.
Sau đó, Boko Haram tiếp tục bắt cóc thêm 10.000 bé trai, biến chúng thành những binh lính nhí hoặc những kẻ đánh bom tự sát, hoặc Boko Haram sẽ đốt phá các trường học, giết hại giáo viên do “làm băng hoại tư tưởng Hồi giáo”.
Dưới sự hoành hành của tổ chức khủng bố, hàng trăm trường học buộc phải đóng cửa và 15 triệu trẻ em Nigeria không còn được đến trường. Theo thống kê của Liên hợp quốc, một nửa dân số của Nigeria là trẻ em dưới 18 tuổi và hiện số trẻ em không được đi học ở đây nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Quân đội Nigeria giải cứu học sinh bị Boko Haram bắt cóc. |
Khủng bố trên YouTube
Nhằm khuếch trương và duy trì danh tiếng cho Boko Haram, Shekau đăng tải rất nhiều video lên kênh YouTube của hắn. Trong những video kéo dài hàng giờ đồng hồ này, hắn đe dọa thường dân, kêu gọi các tín đồ chém giết, hạ nhục những nhóm khủng bố đối địch, ba hoa về những món vũ khí hiện đại, khoe khoang về việc không ai có thể đánh bại, ngăn cản hay hạ sát hắn trừ phi “Đấng Allah cho phép”, và liên tục đe dọa sẽ tấn công nước Mỹ.
Hắn còn giơ những khẩu súng máy của mình, mạt sát những danh nhân lịch sử đã qua đời như cố Tổng thống Abraham Lincoln, cố Thủ tướng Margaret Thatcher, thậm chí Shekau còn chỉ trích Nữ hoàng Anh.
Cho dù thường xuyên công khai xuất hiện trên mạng xã hội, Shekau rất biết cách lẩn trốn ngoài đời. Hắn mặc áo chống đạn kể cả khi đang ngủ, bắt ép con tin và binh lính phải tiêu huỷ sạch tất cả những gì có thể phản chiếu ánh sáng trong căn cứ do sợ bị máy bay giám sát phát hiện, xử tử bất kì ai có ý định chống đối và giết tất cả những người dám mang theo điện thoại.
Quân đội nhiều nước trên thế giới và cả những đoàn lính đánh thuê Bắc Phi thiện chiến vẫn không thể nào xuyên thủng mê cung rải đầy mìn ẩn sâu trong khu rừng gai Sambisa.
Phương tiện bay không người lái của Mỹ đã tìm thấy căn cứ của Boko Haram ở Cameroon năm 2016 nhưng theo như quan chức nước này và những người sống sót, cuộc không kích của Nigeria đã thất bại và giết chết ít nhất 10 nữ sinh Chibok thay vì tên khủng bố.
Quá giận dữ sau thiệt hại nặng nề, nhiều quan chức cao cấp thậm chí còn phỏng đoán rằng có lẽ Shakau không hề tồn tại, mà hiện đang có nhiều người đóng thế vai hắn để lừa phỉnh cơ quan chức năng.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ thuê hàng loạt phiên dịch viên biết tiếng Kunari để thu thập thông tin về hắn nhưng cuối cùng họ vẫn không rõ hắn sinh năm bao nhiêu.
Những nhà thần học ở Ai Cập và Sudan, những Thống đốc Nigeria, một nhà ngoại giao Thuỵ Sĩ và nhiều giáo sĩ địa phương đã từng thuyết phục hắn buông súng, nhưng đều thất bại.
Binh lính Boko Haram. |
Chết dưới tay những kẻ phản loạn
Shekau là một thủ lĩnh tàn bạo, từng giết hại chính hai cố vấn của hắn là Sheikh Abd al-Malek al-Ansari al-Kadunawi và Abu al-Abbas al-Bankiwani. Chính vì sự tàn nhẫn đó, “Ngôi vương” của Shekau đã từng nhiều lần bị thách thức.
Năm 2012, một nhóm tay chân chủ chốt của hắn đã phản bội tên trùm khai sinh ra một lực lượng vũ trang tên Jamaat Ansar al-Muslimin fi Bilâd as-Sudn (Ansaru). Tuy nhiên, nhiều binh lính và tướng lĩnh vẫn trung thành với Shekau, gồm hai chỉ huy quân sự Abu Sa'ad al-Bamawi và Muhammad Salafi.
Với sự hậu thuẫn của đội quân đông đảo, Shekau tuyên chiến với Ansaru, hạ sát thủ lĩnh Abu Osama al-Ansari. Sau khi thủ lĩnh thiệt mạng và hàng loạt gương mặt chủ chốt bị chính quyền Nigeria bắt giữ, Ansaru dần yếu thế và tan rã năm 2015.
Cũng như Shekau, các binh lính Boko Haram vô kỉ luật và khát máu, thường xuyên làm hại người dân, dẫn đến việc họ phải thành lập nhiều nhóm vũ trang để chống lại Boko Haram.
Khi IS bắt đầu trỗi dậy ở Iraq và Syria trong năm 2014-2015, những tay chân thân cận và binh lính của Shekau bắt đầu gây sức ép, dọa sẽ lật đổ hắn nếu hắn không đầu quân cho thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi.
Tháng 8-2016, IS đưa Abu Musab al-Barnawi lên làm đầu lĩnh của Boko Haram, thay cho Shekau. Shekau nổi giận, từ chối công nhận al-Barnawi và thành lập lực lượng của riêng mình gồm 1.500 binh lính.
Sau đó, các binh lính của hai phe liên tục đụng độ, đỉnh điểm là vào tháng 9-2016, 30 người phe Shekau thiệt mạng và 40 người bị al-Barnawi bắt giữ.
Shekau lại chỉ đạo 350 tay chân chiếm đóng làng Tunubuma, tỉnh Karino - lãnh địa của al-Barnawi và để đáp lại, các binh lính của Barnawi giết chết 75 người thuộc phe Shekau, trong đó có “phó tướng” Muhammah Bakr.
Năm 2016, quyền lực của Shekau lại một lần nữa lung lay do chính sự tàn nhẫn của hắn khi một nhóm lính Boko Haram do bất đồng đã tách ra và thành lập Lực lượng Hồi giáo Tây Phi (Iswap).
Nhờ vào vốn hiểu biết cũng như những mối quan hệ sẵn có, Iswap đã xuyên thủng “pháo đài” chết chóc trong khu rừng gai, thuyết phục vệ sĩ của Shekau đầu hàng. Shekau đã đánh bom tự sát để hạ gục kẻ thù và mất mạng.
Chuyên gia Bulama Bukarti, người từng bị Boko Haram công khai hăm dọa và hiện đang làm việc tại tổ chức Global Change do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thành lập cho biết: “Shekau là một trong những thủ lĩnh khủng bố dai dẳng nhất thế giới, và có lẽ cũng là kẻ bí hiểm nhất. Cái chết của hắn là khoảnh khắc quan trọng đối với Nigeria”.