Aliko Dangote – Người giàu nhất Lục địa đen
- Lại một "Mùa xuân Arab" ở Lục địa đen?
- Nga âm thầm trở lại Lục địa đen
- Bí ẩn về tộc người Pygmy, đại diện cổ xưa nhất của lục địa đen
Nhưng cũng chính quốc gia này đang là nơi sinh sống và kinh doanh của nhân vật giàu có nhất châu Phi Aliko Dangote, người đã xây dựng được đế chế kinh doanh khổng lồ của mình dựa trên việc buôn bán vật liệu xây dựng và thực phẩm, trước khi nhảy sang lĩnh vực chế biến dầu mỏ. Khác với nhiều đồng bào của mình, Dangote nổi tiếng là một con người có phong cách sống hiện đại, thực dụng và sẵn sàng loại bỏ mọi thành kiến. Tư duy kinh doanh nhạy bén cùng với phong cách sống hiện đại là bí quyết dẫn tới thành công của Dangote…
Dangote sinh năm 1957 tại bang Kano (phía bắc Nigeria). Ngay từ năm 1999, Kano cũng như 11 bang khác (nằm trong tổng số 36 bang của Nigeria) mà hệ thống pháp quyền địa phương được xây dựng dựa theo đạo luật Shariah.
Aliko Dangote. |
Chưa kể đây chính là quê hương của nhóm khủng bố Boko Haram chuyên kiên quyết chống lại bất cứ biểu hiện nào của văn hóa phương Tây cũng như của nền giáo dục văn minh. Các thành viên nhóm này thường xuyên tấn công các tín đồ thiên chúa giáo, đặc biệt là cảnh sát và quân nhân, tổ chức bắt cóc và sát hại người vô tội. Chính vì vậy, Nigeria vẫn được coi là một trong những quốc gia mất an toàn nhất đối với người nước ngoài.
Cha mẹ Dangote là những tín đồ Hồi giáo hoạt động kinh doanh khá thành công, luôn tạo điều kiện cho con trai có trình độ học vấn cao để thuận lợi cho cuộc sống sau này.
Theo đó, nhà tỉ phú tương lai được vào học tại Trường đại học hồi giáo ở Ai Cập với chuyên ngành kinh tế và quản trị. Sau khi tốt nghiệp, Dangote vào làm việc trong công ty của người bác một thời gian, trước khi chuyển sang kinh doanh riêng với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 3.500 đôla tiền vay không lãi suất từ người thân.
Chàng trai trẻ nhanh chóng có được những thành công bước đầu với việc buôn bán thực phẩm và hàng dệt may chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài – như gạo từ Đài Loan, đường từ Brazil. Doanh thu hàng ngày của Dangote khi đó đã lên tới vài ngàn đôla, có được nhờ việc ông đã xây dựng thành công mạng lưới thu mua và phân phối sản phẩm khép kín, giúp cho hàng hóa của ông tới tay người tiêu dùng nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh.
Đúng chỗ và đúng thời điểm
Sự thành công của Dangote còn được đánh giá là nhờ may mắn theo phương châm “đúng chỗ và đúng thời điểm”. Khi ông bắt đầu gây dựng đế chế kinh doanh của mình vào những năm 1970, Nigeria cũng đang trong giai đoạn bùng phát về kinh tế liên quan đến dầu mỏ.
Tập đoàn Nhiên liệu quốc gia Nigeria (NNPC) trở thành nhà độc quyền trong lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. NNCP đã hưởng lợi cực lớn trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 1973, khi các nước Arab từ chối bán dầu cho Mỹ và hàng loạt các quốc gia khác vì ủng hộ Israel. Nigeria nhờ đó đã nhảy vào chiếm 10% thị phần dầu mỏ của Mỹ và duy trì được tỉ lệ này cho tới ngày nay.
Thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ lại trở thành nguồn đầu tư dồi dào, giúp cho các công ty của Nigeria trong mọi lĩnh vực dễ dàng đầu tư kiếm lợi nhuận, tạo dựng được nhiều việc làm mới với mức lương cao.
Dangote vào thời điểm đó không vội vàng chuyển sang dầu mỏ - ông quyết định tạm hưởng lợi từ mức độ tăng trưởng nhanh của kinh tế Nigeria, tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác trong khuôn khổ của Tập đoàn Dangote Group. Đồng thời với đó, thương gia này cũng không quên đầu tư vào cả chính trị - thiết lập quan hệ với các chính trị gia nổi tiếng, cung cấp tài chính cho các chiến dịch tranh cử của họ, đặc biệt là các ứng viên tranh cử tổng thống.
Dangote là người rất khéo xoay chuyển chiến lược kinh doanh tùy theo các đời nguyên thủ Nigeria. Sau khi cựu chủ tịch NNPC là Muhammadu Buhari lên làm tổng thống, ông đã tuân thủ kịp thời chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu vào thời điểm thu nhập từ xuất khẩu dầu bị sụt giảm nghiêm trọng, triển khai sản xuất một loạt các sản phẩm như dệt may, vải hoa và bông.
Dangote tham dự một sự kiện tại nhà máy sản xuất ximăng của mình. |
10 năm sau, theo chỉ đạo của tổng thống mới Sani Abacha, ông cho đẩy mạnh nhập khẩu gạo, giảm giá hàng loạt, nhờ đó giúp loại bỏ hết các đối thủ cạnh tranh. Đến năm 1990, sau thỏa thuận với Ngân hàng trung ương Nigeria, Dangote Group được giao thêm quản lý lĩnh vực giao thông vận tải của quốc gia này.
Nhưng Dangote có mối quan hệ đặt biệt thân thiết nhất với Tổng thống Olusegun Obasanjo, người cầm quyền tại Nigeria trong hai nhiệm kỳ 1976-1979 và 1999-2007.
Vào nhiệm kỳ hai của Obasanjo, Dangote đã vớ bẫm nhờ việc đầu tư vào hàng loạt các nhà máy ximăng dựa vào việc đón đầu chính sách hạn chế nhập khẩu của ông này. Sản phẩm ximăng của Dangote được cung cấp miễn phí cho việc xây dựng trụ sở của Đảng dân chủ nhân dân của Obasanjo.
Vị trí độc quyền sau đó đã giúp cho Dongote bán ximăng cao gấp 3 lần giá trung bình trên thị trường thế giới. Chưa hết, thương gia này tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đường, bột, cũng như mua lại công ty luyện thép Oshogbo Steel Rolling Mills.
Đến giữa những năm 2000, Tổng thống Obasanjo còn xem Dangote như một người kế nhiệm sáng giá cho chiếc ghế tổng thống của mình, ngụ ý một thương gia giàu có như vậy (tài sản lúc đó đã lên tới hơn 1 tỉ đôla) sẽ không tham nhũng để làm giàu.
Tuy nhiên, Dangote đã gạt bỏ đề xuất này khi khẳng định, việc kinh doanh là quan trọng nhất đối với ông. “Nếu tôi chuyển sang làm chính trị, không ai có thể điều hành Dangote Group hiệu quả hơn tôi, và cũng không ai dám mạo hiểm vì không phải là chủ sở hữu như tôi” – Dangote giải thích cho quyết định của mình như vậy.
Những chiến lược tham vọng
Năm 2006, Dangote bắt đầu tung cổ phiếu ra thị trường chứng khoán, dù chỉ là một vài công ty nằm trong tập đoàn. Cho đến ngày nay, chỉ 4 công ty của Dangote Group đã có tổng giá trị bằng 1/3 số vốn của thị trường chứng khoán Nigeria. Hiện giá trị chung của Dangote Group (tính cả giá trị cổ phiếu không giao dịch trên thị trường chứng khoán) đã lên tới mức 17 tỉ đôla.
Bắt đầu từ năm 2010, Dangote bắt đầu bước ra thị trường quốc tế với việc mở các chi nhánh tại Senegal, Zambia, Congo, Ethiopia, Cameroon v.v… Tập đoàn đang triển khai các bước mở nhà máy sản xuất ximăng tại Nepal với tổng giá trị đầu tư 555 triệu đôla, nếu thành công sẽ trở thành khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất tại quốc gia châu Á này.
Dangote, tỉ phú Bill Gates của Microsoft và Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. |
Bước quan trọng tiếp theo trong chiến lược phát triển của Dangote chính là sẽ xây dựng một nhà máy chế biến dầu mỏ lớn nhất châu lục và dự kiến lớn thứ 5 trên thế giới. Việc hình thành nhà máy này sẽ giúp giải quyết về căn bản vấn đề lâu nay của Nigeria. Quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 10 thế giới này từ lâu vẫn phải nhập phần lớn xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ khác do các nhà máy chế biến nội địa có sản lượng rất thấp vì công nghệ lạc hậu.
Theo dự tính, nếu nhà máy trên đi vào hoạt động, thu nhập của Dangote Group sẽ tăng vọt từ 4 tỉ lên thành 30 tỉ đôla mỗi năm. Chưa kể Dangote còn lên kế hoạch xây dựng một nhà máy phân bón từ các nguyên liệu từ dầu thô.
Hiện nay, Dangote đã trở thành người giàu nhất châu Phi cũng như là thương gia da đen thành công nhất thế giới. Tổng giá trị tài sản ước tính 16,5 tỉ đôla giúp cho ông chiếm vị trí thứ 72 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới (trong danh sách này cũng chỉ có 6 người là đại diện của lục địa đen).
Tại Nigeria, Dangote được đánh giá là thương gia duy nhất đạt được thành công lớn như vậy chỉ từ hoạt động kinh doanh sản xuất đơn thuần, không phải trong lĩnh vực dịch vụ như nhà sáng lập Mike Adenuga của Hãng điện thoại di động Globacom (với tổng giá trị tài sản 2,8 tỉ đôla), hay các đại gia mới nổi chủ yếu làm giàu nhờ các dịch vụ số hóa công nghệ cao khác.
Khiêm tốn và quyết đoán
Dangote còn có một đặc điểm khác biệt nổi bật nữa liên quan đến phong cách sống của ông. Nếu như các tổng thống và quan chức cao cấp của Nigeria thường ưa thích xuất hiện trước công chúng trong những trang phục đặc trưng của dân tộc, thì Dangote luôn duy trì phong cách công sở hiện đại với bộ âu phục mang cà vạt. Ông luôn tỏ ra hết sức bình tĩnh trong các cuộc thương thảo, không bao giờ lên giọng đồng thời rất thích tự phục vụ các đối tác trong bữa ăn.
Dù ông vua của đế chế kinh doanh hàng đầu Nigeria được gọi là “một nhân vật lặng lẽ và luôn lịch sự”, nhưng trái lại ông có khả năng đưa ra những quyết định điều hành rất quyết đoán. Dangote thường rất cởi mở, đích thân dẫn các phóng viên đi thăm các nhà máy, cũng như cho phép họ vào phòng làm việc của mình, cho dù ông không hề thích kể chuyện quá khứ.
Nhà tỉ phú cũng học theo các đồng nghiệp phương Tây của mình, rất tích cực làm từ thiện. Quỹ từ thiện mang tên ông hàng năm tiêu trung bình cả trăm triệu đôla cho việc xây dựng các bệnh viện và dự án chống đói nghèo.
Tại các hội nghị và diễn đàn, Dangote thường xuyên kêu gọi chính quyền tập trung phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh gần 60% người dân Nigeria đang sống trong cảnh đói nghèo. Cũng như nhiều thương gia hàng đầu của thế giới, Dangote có mong muốn mua lại một câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới, cụ thể là câu lạc bộ thành London là Arsenal, mà ông là một cổ động viên trung thành từ vài thập niên qua. Hiện vẫn chưa ai rõ về những triển vọng cụ thể của thương vụ này.
Với tài sản khổng lồ của mình, Dangote cũng không quên chuyện hưởng thụ - ông có một căn biệt thự lớn tại thủ đô Abuja, một chiếc máy bay Bombardier riêng được mua vào đúng dịp sinh nhật, một chiếc du thuyền mang tên người mẹ của mình v.v…
Những nhà báo quen biết vẫn khẳng định rằng, nhà tỉ phú hàng đầu châu Phi vẫn ưa thích ngồi nghiên cứu các dự án kinh doanh của mình cho đến khuya với tham vọng đưa đế chế kinh doanh của mình đi vào lịch sử; không phải chỉ của riêng Nigeria, châu Phi mà còn của cả thế giới.