Ấn Độ: Tiết lộ về những chương trình thử nghiệm thuốc chết người
Chính quyền Ấn Độ đang mở cuộc điều tra về tỷ lệ tử vong trong những chương trình thử nghiệm thuốc tiến hành tại nước này, sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiết lộ những ca thử nghiệm giữa các năm 2008 và 2011 làm chết 10 người một tuần. Cũng theo dữ liệu của WHO, số vụ thử nghiệm thuốc ở Ấn Độ còn ở mức thấp, bất chấp có những ý kiến cho rằng nước này đang nổi lên là trung tâm nghiên cứu dược phẩm mới của thế giới. Bất chấp làn sóng phản đối liên tục trong nước ngày càng mạnh mẽ, tỷ lệ tử vong trong những ca thử nghiệm thuốc mới ở Ấn Độ vẫn ở mức cao.
Với dân số đông đảo, Ấn Độ đang trở thành một trong những thị trường nghiên cứu dược phẩm hứa hẹn nhất thế giới. Nhưng ngành kinh doanh dược phẩm trị giá 400 triệu USD cũng phơi bày mặt tối của lĩnh vực chăm sóc y tế. Anjali Shenoi, nhà nghiên cứu thuộc nhóm bảo vệ sức khỏe phụ nữ Sama ở New Delhi, cho biết, ngành y tế Ấn Độ không có những quy định chặt chẽ đối với các chương trình thử nghiệm thuốc mới và vấn đề đạo đức cũng bị xem nhẹ.
Theo điều tra của Shenoi, ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu thuốc mới do các CRO (các tổ chức nghiên cứu hợp đồng) tiến hành ở Ấn Độ. Vào tháng 6/2011, 9 công ty dược phẩm nước ngoài bị chỉ trích dữ dội tại Ấn Độ vì không bồi thường cho gia đình các bệnh nhân đã chết trong những ca thử nghiệm thuốc mới trong năm trước đó. Theo số liệu chính thức, hơn 1.500 người Ấn Độ bỏ mạng trong những cuộc thử thuốc từ năm 2008, và nước này không có một hệ thống kiểm tra độc lập để điều tra các tai nạn chết người xảy ra trong các cuộc thử nghiệm thuốc.
Mẹ của một nữ sinh bị chết vì tiêm vaccin HPV. |
Kể từ khi Ấn Độ sửa đổi luật về nghiên cứu thuốc vào năm 2005 để cho phép các công ty dược tiến hành các cuộc thử nghiệm tại nước này, những chương trình như thế bắt đầu tăng lên một cách chóng mặt. Do việc nghiên cứu thuốc tại Ấn Độ rẻ hơn tại các quốc gia phát triển đến 65% cho nên nhiều công ty dược nổi tiếng trên thế giới đổ xô vào nước này - với hơn 1.000 chương trình nghiên cứu thuốc được đăng ký với Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ. Trong khi đó, chính quyền Ấn Độ hết sức lơ là trong công tác kiểm tra giám sát những chương trình này và từ đó dẫn đến nhiều cái chết thương tâm do tác dụng phụ của thuốc mới.
Theo tiết lộ của tạp chí Ấn Độ Journal of Medical Ethics, hàng ngàn bệnh viện ở các thành phố lớn cũng như tỉnh lẻ trên khắp nước thực hiện thử nghiệm lâm sàng thuốc mới. Thế nhưng phần lớn chi tiết về số lượng những cuộc thử nghiệm hay phương pháp được sử dụng để giám sát chúng không hề được các ủy ban đạo đức của Ấn Độ công bố. Điều đó cho thấy các công ty dược phương Tây tha hồ thử nghiệm thuốc mới trong bí mật mà không bệnh nhân nào nắm được thông tin về việc điều trị của mình.
Năm 2010, sau khi 7 cô gái bị chết trong dự án tiêm phòng vaccin mới ngừa Human Papillomavirus (HPV) - một loại virus dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung - do tổ chức phi lợi nhuận Path tiến hành với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates, Sama và tổ chức phi chính phủ Jan Swasthya Abhiyan tiến hành điều tra và phát hiện sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Sama và Jan Swathya Abhiyan cho biết các nhà nghiên cứu không hề thông tin cho các bậc cha mẹ và con gái của họ về vaccin thử nghiệm. Cuộc điều tra của chính quyền Ấn Độ đưa ra kết luận 7 cái chết "không liên quan đến vaccin".
Mặc dù tán thành phần lớn những phát hiện điều tra của Sama và Jan Swasthya Abhiyan, chính quyền Ấn Độ vẫn mô tả những sự vi phạm đạo đức trong dự án tiêm phòng đối với 24.000 nữ sinh tuổi từ 10 đến 14 của Path là "những thiếu sót không đáng kể"! Chính kết luận đó của chính quyền đã làm hạ thấp tầm quan trọng của sự đồng ý từ phía gia đình bệnh nhân và đạo đức y khoa trong thử nghiệm lâm sàng thuốc mới. Và cho đến nay, những vụ việc liên quan đến HPV vẫn chưa được điều tra toàn diện và nhiều vấn đề thậm chí chìm vào quên lãng.
Bác sĩ Christopher Elias, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của Path thì ra sức biện hộ cho cuộc nghiên cứu vaccin khi tuyên bố: "Path và các nhà cộng tác Ấn Độ đã làm việc với 2 ủy ban đạo đức y khoa của chính quyền và một ủy ban tương tự ở Mỹ để thiết kế dự án".
Một bệnh nhân của chương trình thử nghiệm thuốc mới. |
Tương tự, một cuộc nghiên cứu độc lập nhận được sự tài trợ từ Trung tâm Nghiên cứu đạo đức và nhân quyền (CSER) đặt trụ sở ở Mumbai đã phát hiện các công ty dược phẩm đa quốc gia nổi tiếng thế giới như GlaxoSmithKline (GSK), Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng có những hành vi vi phạm đạo đức y khoa trong nghiên cứu thử nghiệm thuốc mới.
Khi tiến hành đánh giá những cuộc thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc chữa ung thư vú, hưng cảm cấp tính và tâm thần phân liệt, nhà báo Sandhya Srinivasan và nhà nghiên cứu Sachin Nikarge phát hiện các công ty dược phẩm phương Tây đã lợi dụng những bệnh nhân không có điều kiện để hưởng bất kỳ sự chăm sóc y tế nào cũng như không có khả năng xác lập sự đồng ý thử nghiệm (như trường hợp đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt). Trong khi AstraZeneca im lặng trước điều tra của nhà báo, thì Johnson & Johnson và GSK lại đưa ra những lý lẽ nhằm biện hộ cho các cuộc nghiên cứu thử nghiệm thuốc mới của mình.
Những cuộc tranh cãi về đạo đức y khoa ở Ấn Độ càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi giới truyền thông nước này đưa tin các công ty dược phẩm nổi tiếng thế giới như GSK, Pfizer và AstraZeneca bí mật thử nghiệm thuốc mới tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Tưởng niệm Bophal (BMHRC) - cơ sở được thành lập năm 1984 với mục đích điều trị cho những nạn nhân của thảm họa rò rỉ khí độc ở Bophal. Nhưng sự thật kinh khủng được phơi bày là các công ty dược chỉ thử nghiệm các loại thuốc chữa bệnh khác chứ không nhằm điều trị cho các nạn nhân của thảm họa Bophal! Kết quả là 14 người bị chết trong những cuộc thử nghiệm tại BMHRC và không công ty nào bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Trước sự hỗn loạn của các chương trình thử nghiệm thuốc ở Ấn Độ, tờ Journal of Medical Ethics đã viết rằng: “Vấn đề là các quan chức điều phối trong y khoa đang nhắm mắt làm ngơ. Họ không có hành động gì cả"