Anh dính dáng cuộc đảo chính ở Bolivia?

Thứ Ba, 23/03/2021, 19:52
Cuộc đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ Bolivia vào tháng 11-2019 phế truất tổng thống được bầu cử dân chủ Evo Morales. Các tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh bị rò rỉ cho thấy nước này coi biến động chính trị này là cơ hội để khai thác lithium của Bolivia cho các công ty Anh.

Đại sứ quán Anh ở La Paz đã nhanh chóng triển khai dự án của Bộ Ngoại giao Anh ở Bolivia có tên là “Hoạt động hỗ trợ ngoại giao tiền tuyến”.

Khoản tiền hỗ trợ từ Anh

Bolivia có trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới. Lithium là kim loại được sử dụng để sản xuất pin và ngày càng trở nên quan trọng do ngành công nghiệp ô tô điện đang phát triển mạnh mẽ. Chính phủ Anh tuyên bố công nghệ pin lithium là một ưu tiên trong “chiến lược công nghiệp” của nước này. Tháng 6-2019, Anh thông báo đầu tư 23 triệu bảng Anh (khoảng 32 triệu USD) vào “phát triển pin ô tô điện”. Chính phủ Anh cũng lưu ý thêm: “Ước tính Nam Mỹ nắm giữ 54% nguồn lithium của thế giới, nơi ngày càng có nhu cầu sản xuất pin cho xe điện và các chương trình đa dạng hóa năng lượng. Anh hướng tới mục tiêu có một ngành công nghiệp pin bền vững, phát triển mạnh, mang lại cơ hội trị giá 2,7 tỷ bảng Anh (khoảng 3,7 tỷ USD)… và quan hệ đối tác song phương của chúng ta là điều cần thiết để đảm bảo điều này”.

Tháng 2-2019, chính phủ của ông Evo Morales chọn tập đoàn Xinjiang TBEA Group của Trung Quốc làm đối tác chiến lược trong dự án lithium mới trị giá 2,3 tỷ USD tập trung vào sản xuất từ hai cánh đồng muối Coipasa và Pastos Grandes. Nhưng sau cuộc đảo chính, bộ trưởng phụ trách khai thác mỏ mới của chế độ nghi ngờ về việc liệu thỏa thuận này có được chính phủ mới tôn trọng hay không. Những bãi muối đặc biệt này được Đại sứ quán Anh quan tâm. Một dự án do tổ chức này đồng tài trợ từ năm 2019-2020 tìm cách “tối ưu hóa hoạt động khai thác và sản xuất lithium của Bolivia (tại 2 cánh đồng muối Coipasa và Pastos Grandes) bằng công nghệ của Anh”. Sau cuộc đảo chính, dự án này nhanh chóng được tiến hành. Bản tóm tắt dự án được ủy quyền bởi nhà tài trợ chính - Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) - vào ngày 25-11-2019, tức 2 tuần sau cuộc đảo chính.

Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales họp báo tại Buenos Aires, Argentina, ngày 18-10-2020.

Dự án nhận được sự åchấp thuận hoàn toàn cho khoản tài trợ 100.000 USD vào giữa tháng 12-2019. IADB tuyên bố: “Việc thực hiện các hoạt động tài trợ được tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ được chỉ định và các nhóm kỹ thuật của họ”. Tại thời điểm đó, “sự phối hợp chặt chẽ” được cho là với chế độ Ánez. Đại sứ quán Anh tại La Paz cung cấp 5.000 bảng Anh (khoảng 6.971 USD) cho dự án lithium trong giai đoạn 2019-2020. Các tài liệu nêu rõ mục tiêu là “thiết kế và triển khai một ứng dụng dựa trên dữ liệu vệ tinh có thể tối ưu hóa việc thăm dò và khai thác các nguồn lithium lớn/tốt nhất tại Coipasa và Pastos Grandes ở Bolivia”.

Bộ Ngoại giao Anh cũng lưu ý dự án được thực hiện bởi Satellite Applications Catapult - một tổ chức có trụ sở tại Oxford - để “giúp các tổ chức khai thác sức mạnh của các dịch vụ dựa trên vệ tinh”. Công ty nhận được khoảng một phần ba tài trợ từ chính phủ Anh. Ngày 19-12-2019 -  tức 2 ngày sau khi IABD đưa ra phê duyệt cuối cùng cho dự án - Bộ Ngoại giao Anh chuyển 33.220 bảng Anh (khoảng 46.294 USD) cho Satellite Applications Catapult trong một khoản thanh toán được liệt kê là “chi tiêu cho chương trình”.

Tháng 3-2020, Đại sứ quán Anh ở La Paz hợp tác với Bộ Khai thác của chính phủ mới của Bolivia để tổ chức một “hội thảo quốc tế” cho hơn 300 quan chức từ lĩnh vực khai thác mỏ toàn cầu. Công ty Anh Watchman được đại sứ quán Anh cử đến để trình bày bài phát biểu quan trọng và phác thảo “các giải pháp sáng tạo” mà công ty đã áp dụng ở Châu Phi để giúp cộng đồng địa phương tham gia các dự án khai thác. Các tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh lưu ý: “Watchman UK và các tổ chức tư vấn khác phù hợp để cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực quan trọng này cho một số công ty khai thác ở Bolivia, những đơn vị muốn đạt được các giải pháp đôi bên cùng có lợi cho các cuộc tranh cãi với cư dân bản địa và các thị trấn nằm trong khu vực ảnh hưởng của các hoạt động của họ”.

Watchman là công ty quản lý rủi ro được thành lập vào năm 2016 bởi Christopher Goodwin -Hudson - cựu chiến binh Quân đội Anh, người sau này là Giám đốc điều hành về an ninh toàn cầu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Công ty hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp “trong các lĩnh vực khai thác, kinh doanh nông nghiệp và dự án vốn”, những đơn vị đang gặp khó khăn trong hoạt động vì sự phản kháng của địa phương.

Trang web của Watchman mang logo của Bộ Ngoại giao Anh. Phó Giám đốc công ty Gabriel Carter giữ một số vai trò cấp cao trong ngành an ninh tư nhân và vào năm 2012 thành lập một công ty an ninh tập trung vào Afghanistan “hỗ trợ nhiều dự án phát triển của Anh và Mỹ”. Carter, cũng là một cựu chiến binh quản lý rủi ro tại Goldman Sachs, là thành viên của Câu lạc bộ Lực lượng Đặc biệt - một câu lạc bộ thành viên tư nhân độc quyền và bí mật dành cho các cựu binh tình báo cấp cao và lực lượng đặc biệt ở Knightsbridge (London, Anh). Các tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh từ năm 2015-2020 ghi lại một loạt các chương trình do Đại sứ quán Anh tại Bolivia điều hành.

Ông Evo Morales (ngồi giữa) nói chuyện với giới truyền thông tại sân bay ở Vienna, Áo, ngày 3-7-2013.

Một thời gian dài “tán tỉnh”

Ông Morales đưa Bolivia thoát khỏi sự phụ thuộc truyền thống của đất nước vào các tập đoàn phương Tây kể từ khi nắm quyền vào năm 2006. Chính phủ của ông Morales được nhiều người ca ngợi vì giảm nghèo và tăng cường đầu tư vào trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng. Bộ Ngoại giao Anh lưu ý “hợp tác đầu tiên với Công ty Lithium Bolivia” - được biết đến với tên viết tắt tiếng Tây Ban Nha là YLB - là vào năm 2017-2018 khi họ trả 31.500 bảng Anh để tổ chức một sứ mệnh khoa học ở Anh. Sứ mệnh này tập trung vào việc đào tạo YLB về các công nghệ mới để khám phá và sản xuất lithium một cách “bền vững”. Các tài liệu tiết lộ dự án “cho phép các tổ chức của Anh… thực hiện các dự án về lithium ở Bolivia với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và chính phủ Anh trong những năm tiếp theo”.

Chính phủ Anh cũng lưu ý: “Mối quan hệ với Công ty Lithium Bolivia cũng có thể chứng minh là có liên quan khi Bolivia trở thành nhà cung cấp lithium (một nguyên liệu quan trọng) cho Anh”, và đề cập đến “nỗ lực kết nối Bolivia, Chile và Argentina (tức là Tam giác Lithium) với London Metal Exchange”. Các tài liệu cũng nêu rõ vào tháng 4-2019, đại sứ quán Anh tại Buenos Aires (Argentina) đã tổ chức “cuộc họp kỹ thuật cấp cao” với các cơ quan khai thác lithium của Argentina, Chile và Bolivia, cũng như các đại diện cấp cao của London Metal Exchange (Sàn giao dịch Kim loại London). Ba quốc gia đó cùng nhau chia sẻ quyền sở hữu “tam giác lithium”, khu vực giàu trữ lượng lithium của dãy Andes.

Vào thời điểm đó Argentina và Chile có các chính phủ cánh hữu thân thiện với Anh. “Dự án từ Đại sứ quán Anh tại Bolivia… bao gồm việc đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của các cơ quan chức năng Bolivia trong cuộc họp”, tài liệu của Bộ Ngoại giao lưu ý. Tài liệu còn thêm rằng: sau cuộc họp, chính phủ Bolivia đã “nhận thức được sự liên quan của Sàn giao dịch Kim loại London” và đặc biệt là “mối quan tâm của họ trong việc thiết lập một tiêu chuẩn lithium” dựa trên việc sản xuất tam giác lithium. Các tiêu chuẩn này nhằm “thúc đẩy sự hiểu biết và giao tiếp giữa các nhà sản xuất và sử dụng kim loại”. Các phần sau trong đoạn văn này được biên soạn lại theo hai phần miễn trừ liên quan đến “quan hệ quốc tế” và “lợi ích thương mại”. Đây là những giao dịch duy nhất được thực hiện trên tài liệu chương trình trong 5 năm hoạt động.

Có thêm bằng chứng là Anh luôn đề nghị Bolivia thay đổi chính phủ. Một năm trước cuộc đảo chính, Đại sứ quán Anh đưa một công ty đến Bolivia do cộng đồng tình báo Anh thành lập và có liên kết chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Năm 2009, Morales trục xuất một nhà ngoại giao Mỹ, người mà ông cho là tài sản của CIA đang tiến hành một chiến dịch xâm nhập vào công ty dầu khí quốc doanh của Bolivia. Tám tháng trước cuộc đảo chính, Đại sứ quán Anh đã chi hơn 4.500 bảng Anh (khoảng 6.274 USD) để tổ chức một “sự kiện lớn” ở La Paz về an ninh mạng cho các tổ chức tài chính, với sự tham dự của 150 Giám đốc điều hành và quan chức cấp cao từ lĩnh vực tài chính Bolivia, theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh. Được cung cấp với sự phối hợp của Sở Giao dịch Chứng khoán Bolivia, các ngân hàng Bolivia được cho là “hiện đang có được các dịch vụ chuyên biệt để bảo vệ hệ thống của họ khỏi tội phạm mạng”. Hơn nữa, các ngân hàng nhận thức được rằng việc chống lại tội phạm mạng phải “dựa trên công nghệ hiện đại và đầy đủ”.

Một phụ nữ trước hàng ngũ cảnh sát tại lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đụng độ với cảnh sát tại nhà máy nhiên liệu Senkata vào ngày 21-11-2019 ở La Paz, Bolivia.

Sự tham gia của tình báo Anh và Mỹ

Các bài thuyết trình tại sự kiện được thực hiện bởi công ty Darktrace của Anh, một công ty an ninh mạng được thành lập bởi Cơ quan an ninh nội địa của Anh (MI-5) và Cơ quan tình báo tín hiệu (GCHQ). Công ty được thành lập một ngày sau khi vụ phơi bày đầu tiên của người thổi còi Edward Snowden được đăng trên tờ báo Anh The Guardian. Kể từ khi thành lập, Darktrace đã thuê nhân sự từ cộng đồng tình báo Mỹ - bao gồm cả trực tiếp từ CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), nơi Snowden từng làm việc. Alan Wade, người ngồi trong hội đồng cố vấn của Darktrace, là một cựu chiến binh và cựu Giám đốc thông tin của CIA. Darktrace cũng tuyển dụng Marcus Fowler, cựu thủy quân lục chiến Mỹ và là cựu binh 15 năm của CIA, làm “Giám đốc phụ trách mối đe dọa chiến lược”.

Tại CIA, Fowler làm việc về “phát triển các chiến lược kỹ thuật và hoạt động không gian mạng toàn cầu” và “thực hiện các cuộc họp giao ban gần như hàng tuần cho các quan chức cấp cao của Mỹ”. Tháng 7-2013, máy bay của ông Evo Morales hạ cánh ở Áo sau khi các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ có Snowden trên khoang.

Ông Morales cáo buộc Mỹ và các thế lực quốc tế khác thực hiện cuộc đảo chính tháng 11-2019: “Tôi hoàn toàn tin rằng đó là một cuộc đảo chính để giành lấy lithium”. Các bức điện ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ cho thấy Đại sứ quán Mỹ ở La Paz hợp tác chặt chẽ với phe đối lập chính trị ở Bolivia để loại bỏ chính phủ Morales sau khi họ nắm quyền vào năm 2006. Ông Morales trục xuất Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) năm 2008 và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ năm 2013 với cáo buộc họ “âm mưu” chống lại chính phủ của ông.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.