Bất ngờ với đánh giá sức mạnh của Triều Tiên

Thứ Ba, 12/03/2019, 14:37
Có lẽ nhiều người từng đặt câu hỏi, vì sao Mỹ là nước lớn có sức mạnh vượt trội lại dè chừng trước Triều Tiên. Điều này chắc chắn phải có lý do.


Câu chuyện cũ về tàu hải quân Mỹ

Đầu tháng 1-1968, tàu thu thập tình báo của hải quân Mỹ USS Pueblo chở theo những thiết bị truyền thông và 80 thủy thủ đoàn rời căn cứ ở Nhật Bản tiến đến vùng biển bán đảo Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ đánh chặn và giải mã thông tin liên lạc của quân đội Triều Tiên. Lúc đó, tàu này hoạt động trong hải phận quốc tế nên các binh sĩ trên tàu chủ quan và không lường trước sẽ bị tấn công.

Ngày 23-1-1968, tàu USS Pueblo đang hoạt động trong vùng biển quốc tế và cách xa hải cảng Wonsan (cảng biển lớn và nhộn nhịp nhất của Triều Tiên), bất ngờ một tàu tuần tra địa phương đến gần, các binh sĩ Triều Tiên yêu cầu tàu Mỹ phải cho họ lên boong để kiểm tra. Khi các thủy thủ Mỹ từ chối, binh sĩ tàu Triều Tiên ngay lập tức nổ súng uy hiếp.

Tàu USS Pueblo của Mỹ bị Quân đội Triều Tiên bắt giữ.

Theo lời kể của đại úy Skip Schumacher (thủy thủ trên tàu USS Pueblo), mặc dù thuyền trưởng đã chỉ đạo lái tàu hướng ra biển nhưng tốc độ tối đa của USS Pueblo khi đó chỉ 24 km/h, không thể chạy nhanh bằng tốc độ của tàu Triều Tiên. Hải quân Mỹ đã quyết định hủy toàn bộ những tài liệu mật và nhạy cảm trên tàu bằng cách dùng lửa đốt. Các binh sĩ Triều Tiên lập tức liên tục nổ súng khi nhìn thấy khói trên tàu.

Các quan chức ở Washington rất bàng hoàng khi biết tin tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt giữ. Một chuyên gia luật quốc tế khi đó bình luận sự việc tàu USS Pueblo bị Triều Tiên bắt giữ là điều đáng xấu hổ nhất đối với lực lượng hải quân vốn có truyền thống hơn 150 năm chưa để mất tàu nào.

Đàm phán giữa hai bên kéo dài 11 tháng. Cuối cùng, sau lời xin lỗi chính thức từ các thủy thủ tàu USS Pueblo, bản lời khai xác nhận họ đã hoạt động gián điệp, cùng sự nhượng bộ rằng Mỹ sẽ không tái diễn những hoạt động do thám, Bình Nhưỡng chấp nhận thả tự do cho 80 thủy thủ còn sống.

Hiện nay, Triều Tiên vẫn chiếm giữ tàu USS Pueblo và đã cải tạo nó trở thành một điểm tham quan của du khách. Con tàu đậu ở sông Botong tại Bình Nhưỡng được xem như niềm tự hào về chiến tích của Triều Tiên trước nước Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn nỗ lực thảo luận với các quan chức Triều Tiên để lấy lại con tàu này nhưng chưa được.

Sức mạnh quân sự

Quân sự của Triều Tiên có sức mạnh đến đâu thì vẫn là một điều bí ẩn. Theo đánh giá của các chuyên gia, lực lượng không quân Triều Tiên là nòng cốt với những loại chiến đấu cơ hiện đại và dàn tên lửa tối tân. Phòng không Triều Tiên phủ khắp lãnh thổ, tập trung bảo vệ các căn cứ quân sự và đặc biệt là bảo vệ Thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo báo cáo của phòng tình báo thủy quân lục chiến Mỹ, Quân đội nhân dân Triều Tiên là lực lượng quân sự của Triều Tiên, gồm năm nhánh: Lục quân, Hải quân, Không quân, Tên lửa đạn đạo và Đặc công. Đây được xem là lực lượng quân đội đứng thứ 4 trên thế giới về quân số, với khoảng 1,3 triệu người trong lực lượng chính quy, chưa tính lực lượng dự bị trên tổng số dân khoảng hơn 25 triệu người.

Hiện tại, kho vũ khí của Triều Tiên phần lớn là các vũ khí từ thập niên 1970-1980. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đã đầu tư nghiên cứu các loại vũ khí công nghệ cao và phát triển kỹ thuật đánh lạc hướng điện tử như thiết bị làm nhiễu, sơn tàng hình, tàu ngầm nhỏ, vũ khí sinh học, hệ thống laser chống người...

Triều Tiên còn được đánh giá thuộc loại hàng đầu thế giới với những loại tên lửa tối tân có sức mạnh kinh hoàng nhất. Kho tên lửa của Triều Tiên hiện có 1.000 tên lửa các loại, tầm bắn từ hàng trăm km đến hàng ngàn km, có thể mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có tầm bắn ít nhất là 6.000km, có thể phá huỷ các mục tiêu ở bang Alaska của Mỹ, 600 quả tên lửa Scud, được cho là nỗi ám ảnh của Hàn Quốc.

Từ tên lửa Scud-B của Liên Xô do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500 và 700km, có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên còn tự nghiên cứu và chế tạo khoảng 200 tên lửa Nodong và khoảng 50 tên lửa Taepodong.

Tên lửa Taepodong - 3 có tầm bắn 13.000km, bao phủ toàn bộ nước Mỹ.

Tên lửa tầm trung Nodong cũng được phát triển dựa trên kết cấu của tên lửa Scud, tầm bắn lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng từ 1.000 đến 1.200kg. Tên lửa Nodong trở thành mối đe dọa có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản cũng như bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.

Bình Nhưỡng cũng đã tiến tới phát triển công nghệ tên lửa tầm xa, đó là tên lửa Taepodong-1, Taepodong-2 và Taepodong 3. Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8m và dài 25,8m. Với tầm bắn từ 2.200km đến 2.500km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Triều Tiên hiện có hàng chục tên lửa Taepodong-1 và đều đang được triển khai để sẵn sàng chiến đấu. Còn tên lửa Taepodong-2 nặng gần 80 tấn, chiều dài khoảng 35,8m, đường kính từ 2,0 - 2,2m, có thể mang đầu đạn thông thường, hạt nhân nặng tới 500kg với tầm bắn lên tới 6.700km. Taepodong-2 có thể đe dọa Anh, Australia và các khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ.

Tên lửa Taepodong-3 mới nhất của Triều Tiên có tầm bắn lên tới 13.000km. Toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm ngắm của tên lửa tầm xa. Tháng 10-2015, Đô đốc Bill Gortney, chỉ huy cơ quan phòng thủ không gian Bắc Mỹ đánh giá Triều Tiên có khả năng tấn công nước Mỹ bằng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, ông Gortney tự tin nói rằng "Nếu tên lửa tầm xa tấn công nước Mỹ, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn được nó".

Tình báo Mỹ không khỏi bất ngờ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên công bố công nghệ tên lửa mới với thiết kế động cơ đặc biệt giúp tăng nhanh chóng tầm bắn, từ chỗ chỉ chạm đến đảo Guam, có thể công phá Bờ Tây và thậm chí là thủ đô Washington của Mỹ.

Triều Tiên càng khiến giới quan sát quốc tế ngỡ ngàng khi thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9-2017. Lần này, hầu hết các chuyên gia có chung nhận định, Triều Tiên lần đầu tiên thử thành công bom khinh khí với sức công phá mạnh gấp 15 lần quả bom hạt nhân từng san phẳng thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Triều Tiên đang chuyển hướng trụ cột chính của sức mạnh quân sự thông thường từ lực lượng quân đội với khoảng 1,3 triệu người sang vũ khí công nghệ cao. Năm 2016 theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên có gần 5.500 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 4.300 xe tăng, 2.500 xe thiết giáp, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm.

Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ trong báo cáo công bố đầu năm 2019 đã đề cập đến một căn cứ có tên Sino-ri, nghi là một căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật của Triều Tiên dùng để chứa các tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1. Tháng 11-2018, các chuyên gia của CSIS đã phát hiện 13 trong số 20 căn cứ tên lửa được cho là chưa từng công bố của Triều Tiên.

Theo báo cáo, căn cứ mới phát hiện được cho là trụ sở của lữ đoàn tên lửa Nodong, một bộ phận của Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên. Chỉ cách khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên khoảng 212km về phía bắc, các tên lửa Nodong được triển khai tại căn cứ Sino-ri có thể nhắm tới bất cứ đâu trên bán đảo Triều Tiên và hầu hết lãnh thổ Nhật Bản.

Sai lầm vì đánh giá chưa chính xác

Dù CIA và các cơ quan tình báo của Mỹ từng đoán khá chính xác mức độ phát triển hạt nhân của Triều Tiên trước đây, nhưng giới chức Mỹ buộc phải thừa nhận sai lầm của giới tình báo Mỹ khi nhận định về năng lực hạt nhân Triều Tiên trong 7 tháng qua là rất nghiêm trọng.

Tướng H.R. McMaster- Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump thừa nhận, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã "chạm đến vạch đích" trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, Mỹ ngấm ngầm coi Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Ông McMaster cho rằng, Chính phủ Mỹ cần phải làm mọi điều có thể và phải đẩy nhanh những nỗ lực nhằm giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trong thời gian ngắn nhất để tránh khả năng xảy ra xung đột.

Giới chức tình báo Mỹ cho rằng, kể từ khi tăng cường thu thập thông tin về chương trình hạt nhân Triều Tiên năm 2012 (thời điểm ông Kim Jong-un mới lên nắm quyền), họ đã mắc phải 2 sai lầm rất lớn trong nhận định.

Thứ nhất, các chuyên gia tình báo tin chắc rằng, cũng như nhiều quốc gia từng phát triển công nghệ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên sẽ phải mất từng ấy thời gian để có thể sở hữu năng lực hạt nhân đủ mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ máy tính hiện nay đã rất phát triển và Triều Tiên đang hưởng lợi rất nhiều từ điều này.

Thứ hai, giới tình báo Mỹ cũng đã đánh giá sai về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người thậm chí còn có tham vọng hạt nhân lớn hơn cả ông và cha của mình. Ngay khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã tuyên bố ưu tiên dành mọi nguồn lực để thúc đẩy chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Triều Tiên bắt đầu tham vọng hạt nhân từ đầu những năm 1980 khi các vệ tinh tình báo của Mỹ phát hiện ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân pluton i- nguyên liệu chính để phát triển vũ khí hạt nhân.

CIA còn thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu về các nhà máy hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên để đánh giá tiến độ phát triển hạt nhân của nước này. Do chủ quan nên CIA và các cơ quan tình báo Mỹ đã không nắm được khá nhiều giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Từ đầu những năm 2000, dựa trên những thông tin thu thập được, Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ đã đưa ra nhận định khá chính xác rằng, Triều Tiên sẽ sở hữu tên lửa hạt nhân có thể chạm đến đất Mỹ sớm nhất là vào năm 2015. Tuy nhiên, 4 năm sau, khi Mỹ đang tập trung với cuộc chiến tại Iraq, Hội đồng Tình báo quốc gia đã thay đổi nhận định khi cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chỉ có thể trở thành mối lo ngại hàng đầu của Mỹ trong ít nhất 15 năm tới, tức là không trước năm 2019.

Sai lầm từ nhận định này đã khiến Mỹ phải trả giá đắt, từ chỗ có thể lớn tiếng đe dọa Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt và quân sự, Mỹ đã phải dần xuống thang và mới đây nhất đã chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên.

Chính phủ Mỹ khẳng định, việc ngồi lại đàm phán với Triều Tiên xuất phát từ đề xuất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng giới quan sát vẫn lo ngại về mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Những diễn biến gần đây khiến thế giới hy vọng quan hệ Mỹ - Triều sẽ cải thiện thực chất, đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Nguyễn Cảnh (tổng hợp)
.
.