Bê bối tình báo Mỹ nghe lén ba đời Tổng thống Pháp
Ông chủ trang mạng WikiLeaks "tái xuất"
Theo Hãng tin Reuters, việc tiết lộ các tài liệu tình báo được đăng tải trên tờ báo thiên tả Libération của Pháp và trang tin điện tử Mediapart vào chiều ngày 23/6. Nguồn tài liệu được lấy từ kho tài liệu mật của trang WikiLeaks, được cung cấp bởi cựu điệp viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden. Ông chủ của trang WikiLeaks Julian Assange được cho là một trong các đồng tác giả của những bài viết đăng trên tờ Libération và Mediapart.
Cũng trong ngày 23/6, trang WikiLeaks.org đã chính thức mở chuyên trang đặc biệt mang tên "Espionage Élysée" để công bố những tài liệu, bài viết liên quan đến các hoạt động do thám, nghe lén, đọc trộm mà cơ quan tình báo NSA của Mỹ tiến hành đối với các Tổng thống và các quan chức cấp cao khác của nước Pháp. Trong bản Thông cáo báo chí của mình, WikiLeaks viết rằng, chuyên trang Espionage Élysée sẽ đăng công khai những báo cáo tình báo được đóng dấu "TOP SECRET" (tối mật) và các tài liệu kỹ thuật của NSA liên quan đến các báo cáo tình báo do thám các quan chức lãnh đạo cấp cao của nước Pháp.
Nội dung các tài liệu được tiết lộ cho biết NSA đã bí mật do thám các giao tiếp viễn thông và nghe lén các cuộc điện thoại của 3 đời Tổng thống Pháp, từ ông Jacques Chirac (1995-2007) đến ông Nicolas Sarkozy (2007-2012) và Francois Hollande (2012 đến nay).
Trong số các tài liệu đăng tải trên chuyên trang Espionage Élysée, có một báo cáo tình báo đề ngày 22/5/2012, tức ngay sau khi ông Hollande đắc cử Tổng thống Pháp, ghi nhận việc Tổng thống Hollande đồng ý tổ chức các cuộc họp bí mật để thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. Báo cáo khẳng định Tổng thống Hollande đã tính đến khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro.
Cựu Tổng thống Jacques Chirac cũng bị nghe lén. |
Vào ngày 18/5/2012, ông Hollande đã chỉ đạo cho Thủ tướng Jean-Marc Ayrault lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp tại Điện Élysée trong tuần sau đó, với sự tham dự của ông Hollande, Thủ tướng Ayrault, một số bộ trưởng Pháp và các lãnh đạo đối lập của Đức, cụ thể là thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ông Hollande nhấn mạnh, cuộc họp phải được giữ bí mật. Báo cáo tình báo nhận định, ông Hollande có vẻ lo lắng việc tiết lộ công khai cuộc họp có thể gây tác động làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ thêm.
Báo cáo lý giải, các cuộc họp vào tháng 5/2012 tại Berlin giữa ông Hollande với bà Angela Merkel đã không mang lại kết quả thiết thực nào và ông Hollande phàn nàn bà Merkel đã quá cố chấp trong vấn đề thỏa thuận tài chính do Hy Lạp. Điều này khiến ông Hollande rất lo ngại và việc người dân Hy Lạp rất có khả năng sẽ quay sang bỏ phiếu bầu cho một đảng cực đoan. Sau cuộc gặp với bà Merkel, ông Hollande đã tiếp xúc Chủ tịch SPD Sigmair Gabriel và mời ông này sang Pháp để thảo luận.
Một báo cáo tình báo khác, đề ngày 10/6/2011, chứa thông tin nghe lén về việc Tổng thống Nicolas Sarkozy vào ngày 7/6/2011 khẳng định quyết tâm thực hiện một sáng kiến tái khởi động đàm phán giữa Israel và Palestine mà không có sự can dự của Mỹ. Báo cáo cũng ghi nhận thông tin nghe lén cuộc đàm thoại giữa ông Sarkozy với Thủ tướng Alan Juppe về việc mời nhóm "Bộ tứ" tham gia sáng kiến, nhưng e ngại nhóm này không chịu theo ý muốn của Pháp. Do Pháp không phải là thành viên nhóm "Bộ tứ" nên Sarkozy lo rằng Pháp sẽ không thể kiểm soát được những diễn biến tại các đàm phán, vì thế sáng kiến của Pháp có thể thất bại ngay từ đầu.
Một nỗi lo nữa của ông Sarkozy tập trung vào sự nổi trội của các đại diện ngoại giao nhóm "Bộ tứ" gồm Cao ủy viên phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh EU, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (khi đó là bà Hillary Clinton), trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ luôn là những người làm chủ cuộc nói chuyện.
Và cuối cùng, Tổng thống Sarkozy nghĩ đến việc lôi kéo Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cùng tham gia một sáng kiến không có Mỹ tham gia, hoặc đưa ra một "tối hậu thư" yêu cầu nước Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Pháp để tái khởi động tiến trình hòa bình. Sarkozy dự định nếu Washington không chấp nhận như thế thì ông sẽ nói với Tổng thống Mỹ rằng Paris sẽ không đứng về phía Mỹ vào tháng 9 (thảo luận và bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ về vấn đề Nhà nước Palestine).
Riêng với Tổng thống Jacques Chirac, một báo cáo năm 2006 theo dõi các cuộc thảo luận của ông trong việc chọn lựa bổ nhiệm nhân sự tại LHQ. Cuộc nói chuyện bị nghe lén giữa ông Chirac và Ngoại trưởng Philippe Douste-Blazy vào ngày 23/12/2006 cho thấy ông Chirac đã chỉ đạo cụ thể cho ông Douste-Blazy tiếp cận Tổng thư ký Ban Ki-moon để vận động bổ nhiệm ông Terje Roed-Larsen làm Phó tổng thư ký LHQ hoặc ít nhất là một vị trí có trách nhiệm tương đương tại LHQ, sau đó phải báo cáo lại kết quả làm việc, nhất là thái độ của ông Ban Ki-moon ra sao.
Báo cáo cho rằng ông Chirac rất quan tâm việc bổ nhiệm Roed-Larsen vì một số lý do, trong đó có lý do ông tin rằng tình hình tại Trung Đông cần một người có kỹ năng và kinh nghiệm về khu vực này để xử lý, và lý do thứ hai đó là ông nhận thức rằng cả Pháp, Nga và Mỹ đều cùng ủng hộ một người - đó là Roed-Larsen.
Cựu Thủ tướng Alan Juppe (phải) và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đều bị nghe lén khi trao đổi công việc qua điện thoại. |
Cách hành xử đầy thâm ý đối với đồng minh
Tiết lộ về việc Mỹ do thám rộng rãi đối với giới chức ngoại giao và lãnh đạo cấp cao nước Pháp khiến dư luận nhớ đến những vụ việc tương tự đã xảy ra tại CHLB Đức, một trụ cột khác của Liên minh châu Âu (EU). Năm 2014, những bí mật do Edward Snowden tiết lộ cho báo chí đã phanh phui việc NSA nghe lén điện thoại bà Thủ tướng Angela Merkel và một số quan chức Chính phủ Đức đã khiến cho quan hệ Mỹ-Đức trở nên căng thẳng, nhất là quan hệ hợp tác tình báo giữa 2 nước đã bị gián đoạn cho đến nay vẫn chưa được khôi phục bình thường.
So với Đức thì Pháp có nhiều vấn đề Mỹ cần quan tâm theo dõi hơn. Cùng là đồng minh của Mỹ, nhưng khác với Đức, Pháp không chỉ là thành viên sáng lập EU mà còn là một trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đóng vai trò chủ chốt trong một số định chế quốc tế mà Mỹ cũng là thành viên, bao gồm Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong khi các tiết lộ tình báo nghe lén tại Đức chỉ tập trung vào các quan chức cao cấp, những thông tin do WikiLeaks công bố hôm 23/6 cung cấp cái nhìn sâu rộng hơn vào hoạt động tình báo của Mỹ đối với các đồng minh, bao gồm nội dung thông tin tình báo đích thực có được từ hoạt động can thiệp nghe lén cho thấy tình báo Mỹ đã do thám như thế nào đối với các lãnh đạo và quan chức Pháp vì các mục đích chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Ngay sau khi các tài liệu mật được tiết lộ, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Paris để "thảo luận" về vấn đề này. Điện Élysée đã ra tuyên bố gọi những thông tin vừa tiết lộ về việc NSA nghe lén 3 đời Tổng thống Pháp là "không thể chấp nhận được". Tuyên bố cũng khẳng định "nước Pháp sẽ không tha thứ các hành động đe dọa an ninh của mình và việc bảo vệ các lợi ích của mình".
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp Hội đồng Quốc phòng vào sáng 24/6 để xác định phương án xử lý vụ việc. Chiều cùng ngày, ông đã có cuộc họp khẩn với các nghị sĩ Quốc hội Pháp để thông báo về thông tin tiết lộ về tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của ông và một số quan chức Chính phủ Pháp. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng xoa dịu căng thẳng qua cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Hollande. Ông Obama đã trấn an ông Hollande rằng "Mỹ không còn do thám các lãnh đạo châu Âu nữa".
Giới truyền thông Pháp cho rằng việc ông Obama cố gắng xoa dịu ông Hollande khó có thể xóa được mối hoài nghi của người Pháp về hoạt động do thám đồng minh của tình báo Mỹ. Người ta còn nhớ những lần trước đây vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, những tài liệu do Snowden tiết lộ đăng trên tờ Le Monde cũng từng gây sóng gió với việc NSA nghe lén đại trà các cuộc điện thoại của công dân Pháp. Dư luận ở Pháp khi đó cũng đã sôi sục đòi nước Mỹ phải có lời giải thích rõ ràng về việc do thám điện thoại.
Tờ Le Monde đưa ra con số tổng hợp từ các tài liệu của Snowden tiết lộ rằng chỉ trong 30 ngày, từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013, NSA đã nghe lén đến hơn 70 triệu cuộc điện thoại của người Pháp (Le Monde dẫn một tài liệu cho biết từ ngày 8/2 đến 8/3/2013, NSA nghe lén 124,8 tỉ cuộc gọi toàn thế giới).
Đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande bị nghe lén ngay khi vừa nhậm chức. |
Hoạt động nghe lén tại Pháp diễn ra liên tục 24/7 và suốt 365 ngày trong năm, nhân ra con số rất lớn. Sau tiết lộ đó, Tổng thống Mỹ Obama khi đó cũng đã điện thoại cho Tổng thống Hollande để "trần tình" về việc nghe lén công dân Pháp, nhưng tuyệt nhiên không đả động đến việc chấm dứt hoạt động nghe lén. Ian Allen, một chuyên gia về tình báo viết trên trang Intelnews.org rằng hiện tại có thể NSA không nhắm vào nghe lén các liên lạc viễn thông của cá nhân các nguyên thủ quốc gia đồng minh, theo quy tắc thông thường.
Nhưng đối với một cơ quan tình báo như NSA, việc nghe lén điện thoại của một nguyên thủ quốc gia có sức hấp dẫn rất khó cưỡng lại, vì thế Allen tin rằng cơ quan này vẫn có thể dễ dàng thực hiện hoạt động nghe lén đó với lý do "phục vụ nhu cầu an ninh quốc gia" và thực hiện theo mệnh lệnh tối cao của Tổng thống Mỹ.
Stephane Le Foll, phát ngôn viên Chính phủ Pháp cho biết, hiện tại Paris chưa quyết định tiến hành thủ tục pháp lý hay không. Trong khi đó, vào đầu tháng 6/2015, Công tố viên trưởng của Đức đã ra lệnh khép lại cuộc điều tra đối với vụ việc tình báo Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà Merkel. Ngay chính các quan chức Chính phủ Pháp cũng có phản ứng không quá gay gắt trước thông tin Tổng thống Pháp bị nghe lén điện thoại. Một lý do là người Pháp đã từng nếm trải cảm giác bị nghe lén này rồi (như trên đã nói), cho nên họ không lấy làm ngạc nhiên về việc này.
Lý do thứ hai có vẻ nhạy cảm hơn, đó là vào ngày 24/6, Quốc hội Pháp phải thông qua một dự luật gây tranh cãi cho phép các cơ quan tình báo và an ninh nhiều quyền hạn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có việc cho phép các cơ quan này triển khai nghe lén điện thoại, cài máy nghe trộm, camera quay lén và các thiết bị khác mà không cần lệnh của tòa án. Nếu Chính phủ Pháp làm to chuyện, ắt sẽ gây dư luận chú ý mạnh mẽ vấn đề nghe lén điện thoại, gây bất lợi cho việc thông qua đạo luật.
Tuy nhiên, như ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange đã nói trên Mediapart: "Người dân Pháp có quyền được biết rằng chính phủ do họ bầu lên đã bị do thám một cách ác ý bởi một đồng minh". Và đó là lý do ông tung ra các tài liệu tình báo nói trên. Assange còn hứa hẹn sẽ tiếp tục công bố thêm những tài liệu quan trọng vào những thời điểm thích hợp. Có nghĩa là sắp tới sẽ có thêm những "quả bom" về hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ đối với các nước đồng minh.