Bên trong “ổ sói” của trùm phát xít Hitler
Nhằm theo dõi thật sát sao tình hình mặt trận, trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã ra lệnh xây khu boong-ke đồ sộ làm Tổng hành dinh phía đông, với mật danh "Wolfsschanze" (Ổ sói) cùng 2.000 nhân viên hỗn hợp thường xuyên túc trực. Đây chính là trụ sở đầu não của bộ máy chiến tranh Quốc xã, từng được mệnh danh là "pháo đài bất khả xâm phạm".
Công trình bí mật do Otto Wilhelm von Renz (1891-1968), viên tướng khét tiếng chỉ huy lực lượng công binh đặc nhiệm thuộc Không quân phát xít đảm trách. Địa điểm được chọn lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh Marusian ở ngoại vi thị trấn Kastenburg thuộc Đông Phổ (nay là thành phố Ketrzyn, đông bắc Ba Lan).
Được khởi công vào mùa thu năm 1940 do tổ chức Todt chuyên xây dựng các căn cứ quân sự bao thầu trọn gói. Khu phức hợp tuyệt mật rộng hơn 6,5km2 tuy nằm cách xa trục giao thông đường bộ, nhưng có sân bay và đường xe lửa riêng, với 3 khu vực được bảo vệ theo từng cấp độ an ninh khác nhau. Sở dĩ Tổng hành dinh phương Đông mang biệt danh Ổ sói, do trùm phát xít Adolf Hitler tin vào sự mưu lược cùng mãnh lực của loài vật tinh khôn sẽ giúp hắn làm bá chủ thế giới.
Hitler có mặt lần đầu tại đây vào ngày 23/6/1941, chỉ 1 ngày sau khi mở màn chiến dịch tổng lực Barbarossa tấn công chớp nhoáng Liên Xô bất chấp hiệp định hòa hoãn ký giữa 2 nước chưa ráo mực.
Hitler cùng bộ sậu thân cận tại Tổng hành dinh Wolfsschanze. |
Khu an ninh cấp 1 gồm 10 boong-ke là nơi trú ẩn của Hitler và những nhân vật quân sự chóp bu khác như Bộ trưởng Quốc phòng Wilhelm Keitel, Tổng tham mưu trưởng Alfred Jodl, Tư lệnh Không quân Hermann Goering, thư ký riêng của Quốc trưởng Martin Bormann…
Hệ thống boong-ke trong khu này được đổ bê tông cốt thép dày từ 2-3m, ngụy trang khéo léo hòa lẫn giữa cây rừng có thể che mắt được những cuộc nhòm ngó từ trên không.Tất cả các cửa sổ boong-ke đều hướng về phía bắc nhằm tránh ánh mặt trời chiếu trực tiếp. Cả boong-ke của Hitler lẫn boong-ke của Keitel đều có phòng hội nghị rộng rãi có thể tổng hợp hàng chục người.
Vị trí khu boong-ke kiên cố trên bản đồ quân sự bí mật dành cho tướng lĩnh cấp cao. |
Khu vực an ninh cấp độ 2 gồm các boong-ke của Bộ trưởng Bộ Sản xuất vũ khí và phương tiện chiến tranh Albert Speer và Bộ trưởng Ngoại giao Joachim von Ribentrop, cũng là nơi trú đóng doanh trại của lữ đoàn đặc nhiệm hộ tống Quốc trưởng. Khu vực cuối cùng thuộc vòng ngoài do lực lượng an ninh quân đội canh gác cùng dãy nhà ở của giới nhân viên hành chính thuộc văn phòng Tổng hành dinh.
Ngoài ra là lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu đại bản doanh Ổ sói gồm các sư đoàn thiết giáp thiện chiến, được bố trí gần đó trong trạng thái sẵn sàng cơ động. Cho dù quân Đồng minh từng phong thanh nắm được thông tin về tầm quan trọng sống còn của khu phức hợp Wolfsschanze, nhưng vị trí tuyệt mật của Ổ sói vẫn không bị lộ cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
Một căn phòng trong Ổ sói sau khi quân Đức rút lui. |
Sau khi sào huyệt chính là thủ đô
Đến cuối tháng 10/1944, Hồng quân Xôviết tiến sát đường biên giới Đông Phổ buộc Tổng hành dinh Ổ sói phải di tản về lại đất Đức. Đứng trước nguy cơ thất trận kề cận, Bộ chỉ huy Đức quyết định triệt thoái khỏi Wolfsschanze vào đầu năm 1945. Chúng đã gài mìn cho nổ tung tất cả hòng xóa dấu vết, nhưng không thể phá hủy được những bức tường cực kỳ kiên cố có thể chống chọi được mọi cuộc dội bom và pháo kích.
Được biết, ngoài Tổng hành dinh Đông Phổ ra, trùm phát xít Hitler còn có 2 trụ sở khác bên ngoài lãnh thổ nước Đức là Wolfsschlucht tại Bỉ và Wehrwof ở Ukraina, nhưng hắn ít khi xuất hiện tại 2 địa điểm này. Tổng cộng Hitler đã sống 3 năm rưỡi trong Ổ sói so với thời gian kéo dài hơn 4 năm của Thế chiến thứ II