Bernard Kuehn – Người giúp Đế quốc Nhật đánh thắng trận Trân Châu Cảng

Thứ Hai, 25/06/2018, 13:47
Người góp phần quyết định cho chiến thắng của không quân Đế quốc Nhật tập kích Trân Châu Cảng là một điệp viên Đức Quốc xã: Bernard Julius Otto Kuehn.

1 giờ 20 phút sáng ngày 7-12-1941, trong phòng chỉ huy của tàu sân bay Akagi thuộc Hải quân Đế quốc Nhật, lúc ấy đang ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, Phó Đô đốc Chuichi Nagumo nhận được một bản tin tình báo đóng dấu tuyệt mật, gửi đi từ Tokyo: “Có 9 chiến hạm, 3 tuần dương hạm, 3 thủy phi cơ, 17 tàu khu trục hiện đang neo đậu tại Trân Châu Cảng. Không thấy dấu hiệu của các tàu sân bay và  khu trục hạm hạng nặng. Sân bay chính có 91 máy bay tiêm kích, 57 máy bay cường kích và 24 máy bay ném bom. Sân bay phụ có 26 máy bay tiêm kích, 12 máy bay trinh sát, 8 thủy phi cơ. Không ghi nhận dấu hiệu bất thường về sự thay đổi của Hạm đội Mỹ…”.

Gần 8 tiếng sau, Không quân Đế quốc Nhật tiến hành tập kích Trân Châu Cảng. Người góp phần quyết định cho chiến thắng này là một điệp viên Đức Quốc xã: Bernard Julius Otto Kuehn.

Cả gia đình làm gián điệp

Sinh năm 1895 ở miền đông nước Đức và là bạn thân của Joseph Goebbels - người sau này sẽ thở thành Bộ trưởng Bộ tuyên truyền của Đệ tam Đế chế Đức. Năm 1933, khi Hietler thành lập Đảng Quốc xã, Bernard Julius Otto Kuehn nhanh chóng gia nhập rồi được đào tạo để trở thành sĩ quan tình báo thuộc Cơ quan Tình báo quân sự Đức Quốc xã (Abwehr).

Bernard Julius Otto Kuehn và Takeo Yoshikawa.

Năm 1935, trước lúc vạch ra kế hoạch xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đức Quốc xã từng bước tiến hành liên minh với Đế quốc Nhật rồi sau đó là phát xít Ý - gọi là phe Trục - vì khi Đức chiếm châu Âu, người Mỹ chắc chắn sẽ không chịu khoanh tay ngồi yên.

Còn ở châu Á, ngoài Mãn châu - Trung Quốc đã nằm dưới quyền kiểm soát của phát xít Nhật thì khi Nhật chiếm Myanmar, Singapore, Việt Nam, Philippines…, cùng một số hòn đảo ở Thái Bình Dương, khống chế con đường vận chuyển trên biển của Mỹ và các đồng minh, đồng thời bổ sung nguồn nguyên liệu phục vụ chiến tranh như dầu mỏ, lúa gạo, quặng thiếc, sắt, than đá…, thì phát xít Nhật cũng cần có thêm những thông tin tình báo về quân đội Mỹ vì thời điểm ấy, Trân Châu Cảng là căn cứ hậu cần lớn nhất ở nước ngoài của Hải quân Mỹ.

Vì thế, ngày 15-8-1935, Bernard Julius Otto Kuehn, 40 tuổi, dưới vỏ bọc của một người không chấp nhận chủ nghĩa Quốc xã, dẫn gia đình gồm vợ là Friedel, 36 tuổi, con gái 17 tuổi là Susie Ruth, con trai 11 tuổi là Bernard Joachim Kuehn và 2 người em cùng cha khác mẹ là Hans Joachim và Eberhard, đến Honolulu, bang Hawaii, xin định cư.

Sau nhiều ngày thẩm tra - mà thực tế là chẳng thẩm tra gì vì hồ sơ của gia đình Otto Kuehn được Cơ quan Tình báo quân sự Đức Abwehr chuẩn bị rất chu đáo - hơn nữa lúc ấy lại đang diễn ra một làn sóng người chạy trốn khỏi nước Đức Quốc xã - chủ yếu là người gốc Do Thái - đến định cư ở Mỹ và các quốc gia châu Âu nên đơn xin của Kuehn được chính quyền Mỹ trên đảo Hawaii chấp thuận.

Tuy nhiên, nửa năm trước ngày đến Honolulu, Otto Kuehn đã hướng dẫn vợ, con và 2 người em cùng cha khác mẹ các nghiệp vụ tình báo. Vì thế, khi được cấp phép định cư và khi mở một tiệm uốn tóc, trang điểm ở Honolulu với những dịch vụ tốt nhất, giá cả rẻ nhất, Friedel - vợ Kuehn và Susie Ruth - con gái ông ta đã thu thập được vô số thông tin từ những bà vợ sĩ quan Hải quân Mỹ rỗi hơi nhiều chuyện. Từ miệng của những bà này, Kuehn biết rõ tất cả những tàu chiến ở Trân Châu Cảng ngày nào đi đâu, ngày nào về. Joachim Kuehn, đứa con trai 11 tuổi còn “siêu” hơn. Được Kuehn huấn luyện, thằng bé biết đặt ra những câu hỏi chính xác về tàu ngầm dưới hình thức mong muốn trở thành chỉ huy tàu ngầm trong tương lai.

Với người em cùng cha khác mẹ là Hans Joachim, anh ta xin được một bộ quần áo thủy thủ Mỹ rồi thỉnh thoảng lại mặc nó đi dạo phố như để thể hiện lòng yêu nước Mỹ. Rất nhiều lần, một số thủy thủ Mỹ mà Hans Joachim làm quen lại dẫn anh ta xuống tàu ngầm chơi rồi lúc về nhà, anh ta mang về vô số những thông tin quý giá. Một người em cùng cha khác mẹ khác là Eberhard làm quen với các phi công trên các tàu sân bay Mỹ.

Tất cả những tin tức tình báo thu thập được, Otto Kuehn chuyển về Berlin qua một mạng lưới giao liên cực kỳ phức tạp để Đức Quốc xã báo cho người Nhật. Sau này, khi bắt Otto Kuehn, hồ sơ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy sở dĩ người Nhật thành công trong trận tập kích Trân Châu Cảng phần lớn nhờ vào công lao của gia đình Otto Kuehn.

Những thông tin quý hơn vàng

Đầu năm 1941, Cơ quan Tình báo Hải quân Nhật gửi đến Honolulu một điệp viên là Takeo Yoshikawa nhưng sử dụng tên giả là Tadashi Morimura dưới vỏ bọc nhân viên Lãnh sự quán Nhật Bản ở Hawaii. Lúc này, giữa Mỹ và Nhật vẫn chưa xảy ra chiến tranh, đồng thời ở Honoluu có hơn 160.000 người Mỹ gốc Nhật sinh sống nên sự xuất hiện của Yoshikawa chẳng gây ra sự chú ý.

Khu trục hạm USS Arizona bị Không quân Nhật đánh chìm ở Trân Châu Cảng.

Một báo cáo của Cơ quan An ninh quân đội Mỹ thời đểm ấy cho thấy Yoshikawa “là một viên chức trẻ tuổi, lười biếng, thường bỏ ra hàng giờ để thư giãn với các cô phục vụ xinh đẹp người Nhật tại một quán trà Nhật Bản ở Alewa Heights…” nhưng An ninh quân đội Mỹ lại không nghĩ rằng từ quán trà Alewa Heights, có thể nhìn rõ những gì đang diễn ra ở Trân Châu Cảng, chưa kể quán trà còn trang bị một kính viễn vọng để du khách có thể ngắm nhìn thoải mái.

Chỉ vài tuần sau khi đến Honolulu, Yoshikawa đã tổng kết rằng người Mỹ không phân tán hạm đội của họ ra các cảng khác trên đảo. Họ tập trung tàu bè, máy bay lại một chỗ để có thể bảo vệ tốt hơn. Đặc biệt là Yoshikawa còn cung cấp cho người Đức về sự di chuyển của một đoàn tàu vận tải quân sự liên hợp Anh Quốc, Australia, xuất phát từ Trân Châu Cảng đi Lybia. Nhờ vào thông tin này, đội tàu ngầm U-Boat của Đức Quốc xã đánh đắm 9 trong số 14 tàu. Đích thân Adolf Hitler đã gửi thư khen ngợi Yoshikawa.

Cũng thời điểm ấy, Cơ quan Tình báo quân sự Abwehr ra lệnh cho Otto Kuehn trực tiếp chuyển giao các thông tin tình báo cho Takeo Yoshikawa.

Một máy bay tiêm kích Zero của Nhật bị bắn hạ ở Trân Châu Cảng.

Hồ sơ của FBI cho thấy có 8 phương pháp được Otto Kuehn sử dụng để gửi tin cho Yoshikawa, đó là vào những đêm theo quy định, bằng cách treo một chiếc đèn lồng ngay cửa sổ trên tầng áp mái trong ngôi nhà của mình, Otto Kuehn tạo ra các chớp sáng đã được mã hóa, báo cho Yoshikawa biết về số lượng, chủng loại các tàu chiến Mỹ, hoặc 2 tấm vải trải giường màu trắng phơi ngoài sân có nghĩa là 2 tàu sân bay đã rời Trân Châu Cảng, hàng loạt quần áo trên dây phơi có nghĩa là 2 sân bay ở Honolulu hiện có bao nhiêu máy bay (quần dài tượng trưng cho máy bay ném bom, áo sơ mi là máy bay tiêm kích), đèn pha xe hơi chỉ sáng một bên là 1 tàu khu trục vừa vào cảng…

Do những nỗ lực của gia đình Kuehn, người Nhật hầu như biết tất cả mọi chi tiết về Trân Châu Cảng, từ độ sâu đáy biển đến các ụ tàu, các vị trí phòng không, kho xăng dầu, kho bom, nhà chứa máy bay, bệnh viện và thậm chí ngay cả nhà ăn của sĩ quan Mỹ, họ cũng biết.

Ngày 21-11-1941, tàu Taiyo Maru - là tàu vận tải dân sự Nhật Bản cập bến Honolulu với 340 hành khách, trong đó có Suguru Suzuki, gián điệp thuộc Cơ quan Tình báo Hải quân Nhật. Nhiệm vụ của Suzuki là xác nhận lần cuối cùng mọi thông tin về Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng.

Tiếp xúc với điệp viên Yoshikawa, Suzuki trao cho Yoshikawa một tờ giấy gồm 97 câu hỏi, yêu cầu phải trả lời trong vòng 24 giờ. Nửa tiếng sau, Yoshikawa gửi đến Kuehn một tín hiệu mật: “Gặp ngay lập tức”. Trong buổi gặp gỡ ấy, Yoshikawa đưa Kuehn 1 phong bì đựng 14.000USD cùng 97 câu hỏi. Nhiều năm sau - năm 1960 - Yoshikawa viết trên tờ Ashahi Simbun: “Không cần phải suy nghĩ, Kuehn giải đáp ngay những câu hỏi rồi đưa lại cho tôi cùng với các bản đồ, các bản phác thảo vị trí neo đậu của tàu chiến Mỹ. Đây thật sự là một mỏ vàng cho Nhật Bản”.

Ngày 6-12-1972, tất cả những thông tin mà Kuehn cung cấp cho Yoshikawa được chuyển về Tokyo. Sáng hôm sau, lúc 7 giờ 55 phút ngày 7-12-1942, 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay của Hải quân Nhật lần lượt lao xuống Trân Châu Cảng. Trận tập kích bất ngờ đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác, đánh chìm 3 tuần dương hạm, 3 khu trục hạm và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay. 2.402 lính Mỹ chết, 1.282 người khác bị thương. Phía  Nhật chỉ mất 29 máy bay, 4 tàu ngầm mini, 65 người chết. Vài giờ sau đó, nước Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật Bản

Ngay khi trận tập kích đang diễn ra, Kuehn vẫn tiếp tục truyền thông tin cho Yoshikawa bằng chiếc đèn lồng treo ở cửa sổ căn phòng áp mái nhưng một trung sĩ Mỹ làm nhiệm vụ trên một đài quan sát phòng không đã nhìn thấy những chớp sáng lập lòe bất thường này. Xế chiều, lúc trận tập kích kết thúc, anh ta báo cho Cơ quan An ninh quân đội Mỹ.

3 ngày sau, một nhóm điều tra của FBI đến Trân Châu Cảng. Mất gần 2 tháng, FBI mới thu thập đủ các bằng chứng, chứng minh Kuehn vừa là gián điệp Đức Quốc xã, vừa là gián điệp Nhật Bản. Cả gia đình Kuehn chỉ có 1 tiệm uốn tóc, trang điểm nhưng họ sống rất phong lưu. Ngoài căn nhà ở Honolulu, Kuehn còn có 1 căn nhà khác trên một ngọn đồi, nhìn thẳng xuống Trân Châu Cảng, 1 chiếc xe hơi và 1 thuyền buồm. Trong tài khoản của vợ Kuehn ở Ngân hàng First America, có gần 300.000USD.

Chứng cứ quan trọng nhất là khi tiến hành kiểm tra Lãnh sự quán Nhật Bản ở Honolulu, các điều tra viên của FBI dẫn đầu bởi Robert Shivers đã tìm thấy nhiều tài liệu đã mã hóa, trong đó một số tài liệu mô tả các hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng từ ngày 1-12 đến 4 giờ sáng ngày 7-12-1941 - là ngày mà trận tập kích nổ ra - cùng một số bản đồ, sơ đồ vị trí neo đậu của tàu ngầm Mỹ do chính tay Kuehn vẽ.

Ngày 21-2-1942, cả gia đình Kuehn bị bắt với tội danh gián điệp. Kuehn bị kết án tử hình nhưng sau khi xem xét những lời khai của ông ta về mạng lưới tình báo Nhật Bản ở Hawaii, tòa án Quân sự mặt trận Mỹ giảm án cho ông ta xuống còn 50 năm khổ sai.

Tuy nhiên, tháng 3-1945, Kuehn được phóng thích để đổi lấy một nhà ngoại giao Mỹ bị Nhật bắt làm tù binh. Vợ Kuehn cùng con gái, con trai và 2 người em cùng cha khác mẹ cũng được tha vài năm sau đó. Riêng với Yoshikawa, vì anh ta là nhân viên lãnh sự quán nên được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, chỉ bị trục xuất về Nhật.

Hiện tại, 2 con của Otto Kuehn vẫn còn sống ở Nhật (có tin nói rằng họ sống ở Đức) nhưng dưới những cái tên khác. Cho đến khi chết năm 1976, Kuehn chưa bao giờ lên tiếng về vai trò của mình trong vụ Trân Châu Cảng.

Vũ Cao (theo History)
.
.