Bí ẩn vụ đánh bom máy bay dân sự Swissair Flight 330 năm 1970

Thứ Ba, 15/08/2017, 12:45
Đó là ngày thứ bảy lạnh giá 21-2-1970, chuyến bay Swissair SR 330 thực hiện hành trình bay từ sân bay quốc tế Zurich đi Hồng Công với trạm dừng ở Tel Aviv (Israel). "Chúng tôi nhìn thấy khói trên máy bay" - câu nói hoảng hốt được truyền xuống tháp kiểm soát không lưu mặt đất từ buồng lái máy bay. Chưa đầy 1 phút sau đó, thông điệp cuối cùng của cơ trưởng tiếp tục được truyền đi: "Chúng tôi đang rơi".

Ngay sau đó cơ trưởng nói thêm bằng tiếng Anh: "Goodbye everybody!" (Từ biệt mọi người!). Những lời nói cuối cùng được phát đi lúc 13 giờ 34 phút.

Sau đó, chiếc máy bay 4 động cơ Convair CV-990 Coronado rơi xuống khu rừng gần Wurenlingen phía tây sân bay Zurich, nơi máy bay cất cánh không lâu trước đó. Tai nạn máy bay giết chết toàn bộ 47 người - gồm 38 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn - cho đến nay vẫn còn được coi là vụ khủng bố bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không Thụy Sĩ.

Vì sao chính quyền Thụy Sĩ im lặng?

Khoảng 9 phút sau khi cất cánh, khi chiếc máy bay Coronado đạt đến độ cao hơn 4.000 mét thì một quả bom giấu trong khoang hàng hóa phía sau phát nổ. Mọi nỗ lực cứu chữa đều vô vọng do khói phủ dày đặc che mắt phi công lẫn hành khách. Quả bom được giấu trong chiếc radio và được thiết kế bộ phận kích nổ ở độ cao nhất định.

Jean Ziegler.

Vào cùng ngày định mệnh của chuyến bay SR 330, một quả bom khác tương tự nổ trong khoang hàng hóa máy bay Caravelle của hãng hàng không Australia và sự cố cũng xảy ra không lâu sau khi cất cánh từ sân bay thành phố Frankfurt (Tây Đức) đi Vienna (Áo). May mắn hơn, máy bay hạ cánh trở lại an toàn chỉ với một lỗ thủng trên thân. Toàn bộ 33 hành khách và 5 phi hành đoàn trên chiếc Caravelle sống sót.

Ngay lập tức, người ta cho rằng cùng một nhóm khủng bố đánh bom 2 chiếc máy bay. Tình báo phương Tây nhận định những phần tử khủng bố Palestine (tự xưng là "Fedayeen", nghĩa là "chiến binh tử vì đạo") tiến hành những vụ tấn công máy bay và đánh bom khắp châu Âu và Trung Đông nhằm mục đích gây xung đột giữa Israel và các quốc gia đồng minh nước này.

Mọi sự nghi ngờ đổ dồn về tổ chức Tổng chỉ huy Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine (PFLP-GC) - một nhóm cực đoan thành lập vào tháng 4-1968 bởi Ahmed Jibril nằm dưới sự bảo trợ của Syria. Ahmed Jibril - người chủ trương tiến hành khủng bố hơn là các giải pháp chính trị - lúc đó là thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO, thành lập năm 1964) và là đại tá trong quân đội Syria.

Với sự hỗ trợ từ tình báo Syria, nhánh PFLP-GC của PLO tạo ra nhiều nhóm hoạt động tại vài quốc gia Trung Đông và châu Âu tiến hành hàng loạt cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các hãng hàng không dân dụng.

Marwan Khreesat.

Theo điều tra của Thụy Sĩ và CHLB Đức, 2 vụ tấn công máy bay Thụy Sĩ và Australia trong cùng ngày 21-2-1970 rất giống với cách hoạt động của PFLP-GC - bom được ngụy trang giống như hành lý thông thường gửi qua đường hàng không đến một địa chỉ giả. Các nghi phạm hàng đầu được xác định là 4 thành viên của PFLP-GC - Sufian Radi Kaddoumi, Badawi Mousa Jawher, Yaser Qasem và Issa Abdallh Abu Toboul.

Trong khi đó, chính quyền Thụy Sĩ dường như không hề có động thái gì để hợp tác với cảnh sát châu Âu truy tìm tung tích của 4 nghi phạm PFLP-GC. Nghi vấn đặt ra là giới chức chính quyền Bern có thỏa thuận bí mật với PFLP-GC - làm ngơ trong chiến dịch truy tìm 4 nghi phạm để đất nước này không tiếp tục bị tấn công khủng bố.

Sự nghi ngờ có một sự thật bị che giấu được củng cố bởi vụ án khó hiểu liên quan đến Marwan Khreesat - chuyên gia chế tạo bom hàng đầu của PFLP-GC. Các kết quả điều tra sau này cho thấy đây là người đóng vai trò chủ chốt trong vụ đánh bom chuyến bay Swissair SR 330. Nhưng có điều kỳ lạ là hắn không hề bị chính quyền Thụy Sĩ chính thức đưa vào danh sách tình nghi.

Mãi gần 20 năm sau thảm họa SR 330, khi Khreesat bị nghi ngờ đứng sau vụ đánh bom chuyến bay Pan AM 103 của Mỹ (nổ tung trên bầu trời Lockerbie ở Scotland ngày 21-12-1988 giết chết 270 người) thì Thụy Sĩ mới miễn cưỡng thừa nhận hắn có tham gia vụ nổ SR 330. Nhưng thậm chí sau đó Thụy Sĩ cũng không có động tĩnh gì và do đó mà những nghi vấn trong vụ SR 330 vẫn kéo dài trong nhiều thập niên.

Những kẻ liên quan trong Hồ sơ FBI

Nguồn thông tin tốt nhất cho bất cứ ai muốn biết chuyện gì đã thực sự xảy đến cho SR 330 có lẽ là từ hồ sơ tình báo Mỹ. Mãi cho đến năm 2016, tức 46 năm trôi qua, đất nước Thụy Sĩ bắt đầu xôn xao trở lại trước những tiết lộ từ hồ sơ điều tra được giải mật của tình báo Mỹ. Theo đó, người Mỹ quy trách nhiệm cho một hay nhiều nhóm trợ giúp bọn khủng bố ở Trung Đông đánh bom máy bay Thụy Sĩ. Nhưng sự thật về những gì xảy đến cho chuyến bay SR 330 có lẽ phức tạp hơn mọi người nghĩ.

Mảnh vỡ máy bay Convair CV-990 Coronado trong cánh rừng ở Wurenlingen.

Tài liệu nghiên cứu ngắn tựa đề "Hồ sơ phần tử khủng bố Fadayeen", với nội dung đánh giá hoạt động khủng bố của Palestine, chỉ có 7 trang giấy được đóng dấu "Mật" và chỉ dành sử dụng trong nội bộ FBI. Năm 2008, tài liệu được giải mật và tiết lộ (với một vài sửa chữa) theo Luật Tự do Thông tin (FOIA) của chính quyền Mỹ, song giới báo chí Thụy Sĩ chỉ chú ý đến nó vào năm 2016.

Tài liệu đánh giá của FBI nêu bật một số yếu tố của khủng bố Palestine: hệ thống phương pháp khủng bố (kỹ thuật, công nghệ và cách tiến hành), sự lựa chọn vũ khí và phương thức hành động - bao gồm sự dính líu của những phần tử không phải người Arập trong hoạt động khủng bố của Fedayeen. Tài liệu được biên soạn từ nhiều nguồn tình báo khác nhau (tuy không được tiết lộ song nhiều người nghi ngờ một trong những nguồn đến từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - NSA) giúp làm sáng tỏ những vụ tấn công khủng bố.

Một trong những vụ được đề cập đến trong tài liệu của FBI là vụ nổ 2 máy bay của Thụy Sĩ và Australia trong cùng ngày 21-2-1970 và tổ chức chịu trách nhiệm chính là PFLP-GC, đặc biệt là 2 cái tên Kaddoumi và Jawher. Tuy nhiên, theo tài liệu FBI, vụ nổ bom trên máy bay Thụy Sĩ thực ra có sự trợ giúp từ 2 người từ CHLB Đức (không được xác định) và họ tiếp xúc với PFLP-GC tại trụ sở của của tổ chức này ở thành phố Amman miền bắc Jordan vào tháng 9 (hay tháng 10) năm 1969.

Tài liệu giải thích: "Một trong 2 tên là kỹ sư điện tử và PFLP-GC muốn người này cố vấn về các vấn đề điện tử kết nối với chất nổ. Sau đó, cả hai trở về CHLB Đức trong khi PFLP-GC vẫn tiếp tục giữ liên lạc".

Trong một đoạn khác của tài liệu viết về vai trò chủ chốt của 2 người này trong vụ đánh bom SR 330: "Ngày 10-2-1970, hai người đàn ông Đức gặp gỡ Kaddoumi và Jawher tại Frankfurt - 2 thành viên PFLP-GC có nhiệm vụ bay đến CHLB Đức để thực hiện một sứ mệnh khủng bố. Cuộc bàn luận diễn ra quanh vấn đề nên dùng thiết bị nào để làm nổ tung một chiếc máy bay. Một trong 2 người Đức đề xuất sử dụng dụng cụ đo độ cao kết nối với chất nổ và dòng điện sẽ kích nổ ở độ cao từ 3.000 mét trở lên. Mọi người đồng ý đó là kỹ thuật khủng bố hoàn hảo. Tiếp theo, các dụng cụ đo độ cao được mua tại Frankfurt và 2 người Đức giúp bọn khủng bố tích hợp chúng vào chất nổ để sau đó giấu vào một chiếc radio rỗng ngụy trang làm món bưu kiện gửi đến Israel".

Tài liệu FBI cho biết, sau khi xảy ra vụ SR 330 thì cả 2 người đàn ông Đức kể trên cũng biến mất luôn càng làm cho vụ án trở nên bí ẩn thêm. Thậm chí, PFLP-GC cũng không làm sao tìm thấy họ bất chấp việc tổ chức khủng bố tiến hành nhiều cuộc tìm kiếm.

Tuy nhiên, căn cứ theo các báo cáo điều tra mật của Cơ quan Tình báo liên bang Thụy Sĩ (FIS) bị rò rỉ trong thời gian gần đây, Sufian Kaddoumi có lẽ đã chết ở Jordan còn Badawi Jawher không hề có mặt ở nước này và mọi dấu vết về người này hoàn toàn biến mất một cách khó hiểu. Marwan Khreesat cũng sống ở Jordan. Năm 2013, Khreesat khoe khoang trên Facebook về kỳ công chế tạo bom của hắn giúp cho PFLP-GC tiến hành một số vụ khủng bố trong thập niên 1970.

Cuộc thương lượng bí mật giữa Thụy Sĩ và PLO

Người ta cho rằng, sau vụ SR 330 - cũng như vụ các tay súng Palestine tấn công một chiếc máy bay của Hãng hàng không Israel (EL Al Israel Airlines) vào tháng 2-1969 tại sân bay Zurich giết chết một phi công - chính quyền Thụy Sĩ quyết định hành động và bắt đầu tổ chức những cuộc đàm phán trong bí mật với giới chức PLO (được coi là tổ chức khủng bố quốc tế trong thập niên 1970). Mục đích của giới chức Bern là đạt được một thỏa thuận với PLO nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố tiếp theo có nguy cơ xảy ra ngay trên lãnh thổ Thụy Sĩ cũng như chống lại những mục tiêu của nước này.

Cuốn sách của Marcel Gyr.

Theo cuốn sách xuất bản năm 2016 tựa đề "Schweiser Terror-Jahre" của nhà báo Marcel Gyr làm việc cho nhật báo Thuỵ Sĩ Neue Zurcher Zeitung, một phái đoàn cấp cao nước này dưới sự dẫn đầu của Ngoại trưởng Pierre Graber bí mật gặp nhóm quan chức cao cấp PLO trong một khách sạn ở Geneva. Trong số quan chức PLO là Farouk Kaddoumi, lúc đó là cánh tay phải của Yasser Arafat và là tổng thư ký ủy ban trung ương tổ chức Fatah (Phong trào giải phóng dân tộc Palestine).

Trong cuộc họp, phái đoàn Thụy Sĩ được cho là đưa ra một đề xuất: "Ngưng hành động khủng bố ở đất nước chúng tôi và đổi lại chúng tôi sẽ hỗ trợ các ông về các vấn đề chính trị cũng như ngoại giao".

Cuộc họp kín giữa hai bên diễn ra dưới sự giúp đỡ từ Jean Ziegler, chính khách cánh tả Thụy Sĩ và là thành viên Ủy ban Cố vấn Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Ziegler được coi là chính khách có mối quan hệ khá thân thiết với giới ngoại giao Arập ở Thụy Sĩ. Giới truyền thông Thụy sĩ mô tả thỏa thuận trong cuộc gặp gỡ bí mật này là "thỏa thuận nhượng bộ chủ nghĩa khủng bố". Trong thỏa thuận này, chính quyền Thụy Sĩ cũng đồng ý trao trả các tay súng bị bắt giữ sau vụ tấn công chiếc máy bay El Al của Israel.

Sau năm 1970, trong khi Palestine tiếp tục tấn công khủng bố tại một số quốc gia châu Âu thì không có vụ nào xảy ra trên đất Thụy Sĩ nữa. Theo luật Thụy Sĩ, những tài liệu liên quan đến vụ đánh bom máy bay SR 330 vẫn được giữ trong bí mật song sự thật về cuộc thương lượng bí mật đã dẫn đến cuộc tranh cãi về việc liệu chính quyền Bern có nên nhượng bộ khủng bố hay không. Hơn nữa, gia đình của những nạn nhân trong thảm họa SR 330 tỏ ra giận dữ khi không có một kẻ nào bị truy tố trước pháp luật.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ hiện nay là Didier Burkhalter tuyên bố không biết gì về thỏa thuận bí mật và thừa nhận ông hết sức ngạc nhiên về tiết lộ này. Trong khi đó, một số chính khách Thụy Sĩ yêu cầu Quốc hội mở cuộc điều tra chính thức về những gì đã diễn ra.

Riêng Ziegler, nay đã hơn 80 tuổi, thừa nhận vai trò trung gian của mình trong cuộc họp bí mật và coi thỏa thuận bí mật là "bất tử" và có lý do chiến lược. Ông nhấn mạnh: "Có lẽ sự thật gây sốc nặng nhưng phần thưởng là không còn vụ tấn công khủng bố nào xảy ra nữa".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.