Bí mật những vận động hậu trường giúp nối lại quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba

Thứ Sáu, 04/09/2015, 20:05
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã đến La Habana để kéo lá cờ Mỹ lên trên cột cờ phía trước Tòa đại sứ Mỹ cũ, chính thức khai trương trở lại Đại sứ quán Mỹ tại La Habana. Trước đó, vào ngày 20/, Đại sứ quán Cuba tại Mỹ cũng đã chính thức được khai trương trở lại tại Washington DC. Để có thể đi đến các sự kiện trọng đại này, một nhóm quan chức chính phủ hai nước Mỹ-Cuba đã nỗ lực rất nhiều để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán diễn ra trong vòng bí mật.

Phi vụ nhân đạo

Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Obama đã hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được những việc mà người tiền nhiệm của ông đã không làm được. Ông tin rằng, cấm vận kinh tế, thương mại đã không thể làm cho chế độ, Chính phủ Cuba sụp đổ mà còn khiến cho vị thế của nước Mỹ ở khu vực Nam Mỹ ngày càng thất thế hơn. Khi vận động cử tri tại Miami vào năm 2008, Obama đã tuyên bố ông sẽ gặp Chủ tịch Raul Castro vào thời điểm và địa điểm thích hợp.

Alan Gross được người thân chào đón về nước tại Căn cứ liên quân Andrews, tháng 12/2014.

Khi thắng cử, ông Obama đã nói với Thượng nghị sĩ Richard Durbin, bang Illinois, rằng cải tổ chính sách đối với Cuba là một ưu tiên, nhưng phải trong các điều kiện thích hợp. Và khi đã bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama đã khẩn trương hành động, đầu tiên là nới lỏng việc đi lại thăm thân nhân và kiều hối, mở rộng giao lưu văn hóa và trao đổi học thuật, nối lại đàm phán về vấn đề di cư, chống buôn lậu ma túy và dịch vụ bưu chính.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 12/2009 thì các cuộc đàm phán đã bị dừng do sự kiện Alan Gross, một nhân viên hợp đồng của Chính phủ Mỹ bị cơ quan chức năng Cuba bắt giam với cáo buộc gián điệp. Chính phủ Cuba đã nói rõ sẽ không thả Gross chừng nào chính quyền Obama còn chưa giao trả 5 tù nhân Cuba (biệt danh là Los Cinco) bị Mỹ bắt giam cũng với cáo buộc gián điệp.

Thượng nghị sĩ Patrick J. Leahy (bang Vermont) đã vận động Tổng thống Obama và Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Eric Holder Jr, xem xét trao đổi nhóm Los Cinco lấy Gross. Nhưng ông Leahy nhận được câu trả lời: mang 5 điệp viên đã bị kết án ra để đổi một nhân viên hợp đồng của Chính phủ Mỹ là việc không thể chấp nhận. Nhưng Thượng nghị sĩ Leahy không nản chí.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington, ngày 20/7/2015.

Trong một chuyến đến La Habana để thăm ông Gross, Leahy và vợ đã có dịp gặp gỡ bà Adriana Perez, vợ của Gerardo Hernandez, một trong 5 tù nhân Cuba đang bị giam giữ tại Mỹ. Bà Adriana Perez đã khẩn thiết yêu cầu Thượng nghị sĩ Leahy tìm cách giúp cho bà được mang thai với chồng bà trước khi bà không còn khả năng sinh nở nữa. Trở về Mỹ, Leahy đã thực hiện được yêu cầu cấp thiết của bà Adriana Perez. Tinh trùng của ông Hernandez đã được mang đến Cuba thụ tinh cho bà Perez.

"Phi vụ" mang đầy tính nhân đạo này lại là nguồn cơn đưa đến "tình thế nhạy cảm". Năm 2014, khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro công bố việc sẵn sàng nối lại quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, các quan chức Nhà Trắng tham gia đàm phán đã phát hiện chuyện một tù nhân Cuba đang bị giam giữ tại Mỹ lại được tiến hành thụ tinh nhân tạo với vợ mình ở La Habana. Lúc này, bụng của thai phụ đã khá lớn. Các quan chức Nhà Trắng buộc phải thuyết phục Chính phủ Cuba không để cho người phụ nữ đó xuất hiện trước công chúng, vì họ sợ rằng sự xuất hiện của người đàn bà này có thể gây nên dư luận không hay, và có thể làm đảo lộn các cuộc đàm phán vào thời điểm quyết định.

Từ "1 đổi 5" thành "1 đổi 1"

Tháng 12/2012, vài tuần sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đã chỉ đạo các trợ lý nghiên cứu xem liệu ông có thể làm "điều gì lớn lao cho vấn đề Cuba" ngay trong nhiệm kỳ thứ II này hay không. Việc thúc đẩy hòa giải được thực hiện bởi 2 phụ tá của Tổng thống Obama là Benjamin J. Rhodes và Ricardo Zuniga mà không thông qua Bộ Ngoại giao. Hai ông Rhodes và Zuniga được giao nhiệm vụ thiết lập một kênh liên lạc bí mật với La Habana.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) chào đón Gerardo Hernández - một trong nhóm "Cuba 5" được trả tự do về nước tháng 2/2015.

Tháng 4/2013, hai ông này đã gửi sang Cuba một thông điệp, không thông qua các kênh ngoại giao để tránh rò rỉ. Chính phủ Cuba đồng ý nói chuyện. Bắt đầu từ tháng 6 năm đó, Rhodes và Zuniga rời khỏi Washington đến Ottawa, Canada, để nói chuyện với các quan chức Chính phủ Cuba trong một văn phòng của Chính phủ Canada. Phái đoàn Cuba mang đến những món quà đặc biệt gồm xì-gà Cuba và rượu rum Havana Club nổi tiếng, nhưng các quan chức người Mỹ không thể mang những thùng quà này về nhà do lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực.

Các cuộc nói chuyện được giữ bí mật tuyệt đối, kể cả việc đi ăn uống tại nhà hàng cũng không, vì họ sợ bị phát hiện. Họ đặt ra những câu chuyện ly kỳ để giải thích với người thân gia đình về sự vắng mặt của mình trong những chuyến đi đến Ottawa. Ở Bộ Ngoại giao, chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và một vài người được thông báo về các cuộc đàm phán bí mật của Rhodes và Zuniga. Khi ông Kerry nói chuyện trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Cuba, cả hai ông đều không đề cập gì đến kênh liên lạc bí mật kia.

Cờ Mỹ lại được kéo lên trước Tòa đại sứ Mỹ ở La Habana sau 54 năm.
Lá cờ Cuba được kéo lên trước Đại sứ quán Cuba tại Washington.

Khi Tổng thống Obama tiếp kiến Giáo hoàng Francis tại Tòa thánh Vatican vào tháng 3/2014, Gross và nhóm "Cuba 5" cùng với vấn đề hòa giải giữa 2 nước Mỹ-Cuba đã được đưa vào nghị trình cuộc nói chuyện. Sau đó, Giáo hoàng Francis tiếp tục thúc đẩy tiến trình bằng việc gửi thư cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro để hối thúc hai bên tìm kiếm giải pháp. Thư được Hồng y Ortega trực tiếp trao tận tay. Chuyến đi Mỹ trao thư của Hồng y Ortega được ngụy trang bằng cuộc ghé thăm Đại học Georgetown, và khi Hồng y Ortega nói chuyện với Rhodes và Zuniga ở sảnh Tây Nhà Trắng, Tổng thống Obama "tình cờ" ghé qua để nhận lá thư.

Cùng thời gian đó đã có bước đột phá: Bộ trưởng Holder đã đồng ý ủng hộ việc giảm án cho 3 trong số 5 tù nhân nhóm "Cuba 5" (trong đó có 2 người đã hoàn thành thời hạn tù). Tổng thống Obama cho phép Rhodes và Zuniga được đưa vấn đề trả tự do cho các tù nhân "Cuba 5" vào thương lượng. Nhưng chi tiết của vấn đề trao đổi tù nhân này lại ẩn chứa những vấn đề khó khăn mới. Như trên đã nói, giới chức Mỹ không muốn trao đổi 3 tù nhân Cuba là điệp viên đã bị kết án đổi lấy ông Gross vì cho rằng việc ông này bị bắt là bất công. Vấn đề có vẻ tìm được lối thoát khi có sự tham gia của CIA. CIA cũng đang có một "tài sản" người Cuba đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Cuba và CIA đang rất muốn người này được trao trả về Mỹ. Bởi thế, khi đánh hơi được cuộc thương lượng Mỹ-Cuba về trao đổi tù nhân, các quan chức CIA đã đánh tiếng dùng điệp viên CIA trao đổi với 5 điệp viên Cuba, còn ông Gross sẽ được trả tự do trên cơ sở nhân đạo. Ý tưởng này được phía Cuba chấp nhận, và tin rằng thỏa thuận sẽ sớm được ký kết theo hướng này.

Thế nhưng trên thực tế, một sự cố đã xảy ra: Khi chính quyền của Tổng thống Obama thông báo trả tự do cho 5 tù nhân Taliban để đổi lấy việc thượng sĩ quân đội Mỹ Bowe Bergdahl sẽ được trả tự do, các thành viên đảng Cộng hòa phản đối kịch liệt. Sự việc này đã đưa đến nhiều khó khăn hơn cho tiến trình thương lượng, và vấn đề còn được đẩy đi xa hơn, trở thành vấn đề lớn hơn cả việc trao đổi tù nhân. Sự nhùng nhằng, dây dưa trong đàm phán đã khiến cho gia đình, thân nhân của ông Gross sốt ruột, vì có thông tin tình trạng sức khỏe thể chất và tâm thần của ông ngày càng diễn tiến xấu và đang được điều trị tại một bệnh viện quân y Cuba. Scott D. Gilbert, luật sư riêng của ông Gross đã phải gây áp lực mạnh lên Tổng thống Obama để buộc ông hành động khẩn trương để Gross sớm được thả. Tổng thống Obama, rồi Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry đã phải viết thư động viên ông Gross kiên nhẫn chờ đợi ngày được trả tự do. Hai lá thư được luật sư Gilbert mang sang Cuba trao tận tay ông Gross.

Đến giai đoạn này thì các cuộc thương lượng không còn gói gọn trong việc trao đổi tù nhân của ông Gross mà chuyển sang các chi tiết về khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán. Tháng 9/2014, Rhodes và Zuniga đến Vatican để trao toàn bộ kiện hồ sơ đàm phán cho các cố vấn cao cấp của Giáo hoàng. Rhodes nhớ lại, khi bước chân ra khỏi Tòa thánh Vatican, hai người đã biết câu chuyện xem như kết thúc. Vào tháng 12/2014, trên chuyến bay từ Mỹ sang Cuba để đón ông Gross về nước có mặt Thượng nghị sĩ Leahy và Thượng nghị sĩ Jeff Flake của đảng Cộng hòa. Và tất cả đều cảm thấy hài lòng khi Gross vụt đứng lên trong niềm hạnh phúc lớn lao khi máy bay đi vào không phận nước Mỹ.

Thêm 6 tháng gay go sau tuyên bố chung

Một kết cục có hậu cho Gross, nhưng những khó khăn trong đàm phán để hoàn tất quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba thì vẫn còn. Ngay sau tuyên bố chung của Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro, hai bên còn phải trải qua một chặng đường đàm phán gay go thêm 6 tháng nữa. Lần này, phía Mỹ do bà Roberta S. Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Mỹ Latinh,  dẫn đầu đàm phán; phía Cuba do người đồng cấp là bà Josefina Vidal phụ trách. Mục tiêu đàm phán lần này là đi đến thỏa thuận mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước. Những vấn đề như giao dịch tài chính, tìm kiếm một ngân hàng đứng ra giao dịch tạm thời thật sự khó, cuối cùng một ông chủ ngân hàng tư nhân ở Florida ủng hộ nối lại quan hệ với Cuba tự nguyện tham gia.

Nhưng đến đây lại phát sinh khó khăn mới. Phía Cuba từ chối cho phép các nhà ngoại giao Mỹ đi lại ở Cuba mà không xin phép cơ quan chức năng sở tại. Đến tháng 3-2015, người Mỹ bắt đầu lo lắng đàm phán có thể đổ vỡ. Căng thẳng gia tăng vào tháng 4 tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama, Chủ tịch Cuba Raul Castro có bài phát biểu khiến một số quan chức Mỹ "nóng máu". Kết quả cuộc hội đàm thâu đêm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez càng khiến người Mỹ lo lắng hơn. Hai tuần lễ trôi qua không có một câu trả lời nào từ phía Cuba. Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đứng ngồi không yên, căng thẳng tột độ. Nhưng rồi cuối cùng Cuba cũng đồng ý cho phép các nhà ngoại giao Mỹ đi lại không cần xin phép nhưng phải thông báo. Dù không hoàn toàn như ý muốn của người Mỹ, nhưng như thế vẫn còn hơn không.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.