Bí mật về cuộc chiến tình báo của CIA trên chiến trường Triều Tiên (tiếp)

Thứ Sáu, 29/08/2008, 09:20
Cuối năm 1955, “đế quốc tình báo” của Tofte đột nhiên sụp đổ. Nguyên nhân là, trong một cuộc điều chỉnh nội bộ, CIA đã tình cờ phát hiện ra những “chiến công hiển hách” trong các báo cáo của Tofte có quá nhiều điểm “hư cấu”...
>> Bí mật về cuộc chiến tình báo của CIA trên chiến trường Triều Tiên

Đơn vị Y: Ném bom ngay bên cạnh Bộ tư lệnh của Kim Nhật Thành

Sau năm 1951, quân đội Trung - Triều và “quân liên hợp” tạo thành thế giằng co quanh khu vực chiến tuyến 3.8.

Để làm nhiễu loạn hậu phương quân đội Trung-Triều, DRS-5 đã cho thành lập một trại huấn luyện trên hòn đảo nhỏ Young-do gần khu vực cảng Pusan, Tofte giao toàn bộ quyền phụ trách trại này cho một người Triều Tiên tên Hàn Triết Dân.

Người này sau đó đã chiêu mộ được hàng trăm người dân tị nạn người Triều Tiên, tổ chức lại thành một đội tuyệt mật có tên “Đơn vị Y”. 15 người trong đó đã được chọn đi huấn luyện cao cấp tại Nhật.

Vốn là một địa chủ tại Triều Tiên, Hàn Triết Dân trốn sang Hàn Quốc năm 1948, sau đó trở thành trợ thủ đắc lực của Tổng thống Rhee Synman. Do đến từ Triều Tiên nên ông ta được điều động vào làm việc tại một tổ tác chiến đặc biệt.

Thời gian đầu của cuộc chiến, Hàn Triết Dân bị thương trong một cuộc chiến đấu với quân đội Triều Tiên. Sau khi bình phục chấn thương lại được điều về làm việc bên cạnh Bộ trưởng Nội chính Hàn Quốc, nhưng thực chất là làm việc cho CIA.

Sau một thời gian mở rộng lực lượng, số người trong Đơn vị Y đã có tới 1.200 người, chia làm 4 đại đội tác chiến, gồm: đội “Hoàng Long: Yellow Dragon” (phụ trách phía bắc Kangwon và phía nam Hamgyng-namdo); đội “Lam Long: Blue Dragon” (phụ trách khu vực miền Trung Hamgyng-namdo); đội “Bạch Hổ: White Tiger” (phụ trách phía bắc Hamgyng-namdo  và phía nam Hamgyong-bukdo) và đội “Miêu Đầu Nhạn: Owl” (phụ trách khu vực phía bắc Hamgyong-bukdo).

Ngày 20/4/1951, 104 thành viên của Đội Bạch Hổ được lệnh thâm nhập vào bờ đông biển Triều Tiên. 12 thành viên của Tiểu đội C Đội Bạch Hổ tiến hành đổ bộ vào khu vực gần Chungjin dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Kim In Sik. 1 tháng sau, Lee Nam Soo chỉ huy 15 thành viên của Tiểu đội A bơi thuyền tiếp cận Chungjin. Sau đó, vào ngày 1/7, Choe Che Bu lại dẫn 52 thành viên khác tới hội quân với Tiểu đội C.

Chungjin có thể được coi là “hậu phương tuyệt mật” của quân đội nhân dân Triều Tiên, do đó Đội Bạch Hổ hầu như không có cơ hội hoạt động. Không lâu sau, Kim In Sik bị lực lượng quân cảnh Triều Tiên bắn hạ khi đang cùng với thủ hạ của mình đi tìm kiếm thức ăn, buộc Choe Che Bu phải thu tàn quân lại một chỗ và chờ đợi tiếp viện.

Ngày 25/8, Choe Che Bu liên lạc với Tổng bộ DRS-5, ngay sau đó 2 chiếc máy bay vận tải quân sự đưa 31 lính nhảy dù cùng nhiều đồ dùng thiết yếu khác tới chi viện. Lúc này, lực lượng của Choe Che Bu đã lên đến trên 70 người.

Trong một cuộc giao chiến với lực lượng quân cảnh Triều Tiên, Đội Bạch Hổ đã bắt sống được một thượng úy bên phía quân đội Triều Tiên, qua đó biết được phía Triều Tiên đang tập hợp lực lượng để quét sạch các điệp viên CIA. Choe Che Bu  quyết định đánh đòn phủ đầu, y dẫn 30 người bí mật đột nhập vào các vị trí tiền tiêu của quân Triều Tiên, giết chết được mấy chục lính Triều Tiên, thu được 60 khẩu tiểu liên.

Cùng lúc, Choe Che Bu cũng nghe trộm được các cuộc điện đàm qua thiết bị vô tuyến không dây của đối phương, biết được rằng đảng Lao động Triều Tiên và các cán bộ quân đội đang tiến hành họp tại Kapsan. Y nhanh chóng triệu tập lực lượng đột kích của CIA, trong đó có cả lực lượng của căn cứ Youngdo với ý định tiến hành cuộc tập kích bất ngờ vào Kapsan. Sau đó, 8 chiếc máy bay ném bom được điều động đến khu vực này để tập kích mục tiêu.

Đến đầu tháng 9, phía Triều Tiên điều động mấy ngàn nhân viên an ninh tới khu vực này để tiến hành cuộc “tổng thanh trừ”. Choe Che Bu bị bắn chết khi đang rút chạy. Sau đó Ji Yong Su được chỉ định là người thay thế làm tổng chỉ huy.

Ngày 17/9, DRS-5 lại chi viện thêm 36 nhân viên cho Đội Bạch Hổ. Để đối phó với những ngày đông giá rét sắp tới, Đội Bạch Hổ quyết định tổ chức thành các tổ, mỗi tổ 10 người, ý định để lần lượt từng tổ vượt chiến tuyến 3.8.

Ngày 5/11, Đội Bạch Hổ bị hơn 1.000 quân dân Triều Tiên vây kín, Ji Yong Su đành cùng với 5 thuộc hạ của mình bí mật trốn mất, số còn lại hoặc bị bắn chết hoặc bị bắt làm tù binh.

Ngày 29/4/1952, Kim Myong Ryon dẫn 14 thành viên Tiểu đội K thuộc Đội Lam Long lên một chiến hạm của Mỹ tại đảo Youngdo, sau đó bí mật đổ bộ vào khu vực Yum-bun-ri, Triều Tiên.

Ngày 24/5, 14 thành viên khác của Tiểu đội C thuộc Đội Lam Long do Kim Young Jung cầm đầu nhảy dù tới Yum-bun-ri, thế nhưng dù của Kim Young Jung lại không mở, khiến y chết ngay khi tiếp đất, Tiểu đội C sau đó được Chu Jong Bin phụ trách.

Ngày 16/6, Lee Yi Sum lại dẫn 14 thành viên nhảy dù xuống khu vực Sin-chang, Triều Tiên. Ngày 7/6, hai đội quân này gặp nhau, cùng bắt đầu triển khai hoạt động tại khu vực Hamgyng-namdo.

Ngày 14/9, Kim Myong Ryon dẫn quân tiến hành phục kích và bắn chết 1 tiểu đội kị binh của quân đội Triều Tiên, giết chết 82 binh sĩ Triều Tiên, một số người khác bị bắt làm tù binh. Khi tiến hành thẩm vấn những tù binh này, Kim Myong Ryon biết được một thông tin cực kỳ đắt giá: Bộ Tư lệnh tối cao Triều Tiên đang có mặt tại một hang động ngay khu vực Stem-zhi gần kề, trong đó có cả Kim Nhật Thành!

Không hề chậm trễ, Kim Myong Ryon dẫn quân đi thâm nhập khu vực Stem-zhi, sau đó thông qua vô tuyến điện, y gọi mấy chục chiếc máy bay ném bom đến khu vực. Máy bay ném bom của Mỹ đã cày nát khu vực Stem-zhi và lật tung nơi trú chân của Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Triều Tiên, thậm chí một quả bom hẹn giờ còn được thả xuống ngay cạnh Bộ Tư lệnh của Kim Nhật Thành.

Rất may là ngày hôm đó, Đoàn trưởng Trung đoàn Số 3, Sư đoàn 15 của lực lượng bộ binh Triều Tiên là Lee Yee-xue cũng có mặt tại cuộc họp khẩn cấp. Thấy tình hình như vậy, ông lập tức ra lệnh cho lực lượng cảnh vệ tiến hành cuộc tử chiến, bản thân ông cũng nộp lại thẻ đảng viên, thể hiện rõ ý chí quyết chiến, ngay sau đó ông ôm quả bom ném xuống khe núi.

Sau này, Lee Yee-xue được Kim Nhật Thành gọi là “người con trung thành nhất trong sự nghiệp cách mạng Triều Tiên”, không những vậy, sau này ông còn được toàn quyền phụ trách công tác bảo vệ cho các yếu nhân.

Lee Yee-xue ngay lập tức triển khai đội hình, Đội Lam Long nhanh chóng rệu rã tinh thần, thủ lĩnh bọn chúng là Lee Yi Sum bị bắt sống và xử tử bằng hình thức treo cổ, Kim Myong Ryon và các thành viên khác vội vã tìm đường trốn về  căn cứ Youngdo.

Với dã tâm không cạn, từ ngày 18 đến ngày 20/6/1952, Tofte lại cho 61 thành viên của Đội Hoàng Long do Choe Yun Chan cầm đầu, được một máy bay C-47 đưa đến nhảy dù xuống khu vực núi Paik, mục đích là thành lập “khu du kích” tại khu vực biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Do khu vực hoạt động của Đội Hoàng Long cách quá xa khu vực chiến tuyến, hơn nữa các thành viên của đội này lại chưa hề được huấn luyện bài bản, nên hầu hết thành viên của Đội Hoàng Long đều bị quân tình nguyện Trung Quốc hay quân đội nhân dân Triều Tiên bắn hạ, số khác bị bắt sống và bị hành quyết bằng hình thức treo cổ hay tù chung thân.

Sự sụp đổ của “Đế quốc tình báo”

Sau thời điểm đình chiến vào tháng 7/1953, căn cứ Youngdo của DRS-5 cũng bị đóng cửa, thế nhưng hoạt động của “Đơn vị Y” vẫn tiếp tục được triển khai, nhưng chủ yếu tác chiến trên mặt biển. Lúc này, “Đơn vị Y” do Park Young Jo, Kim Sung Man và Kim Gook Yul  phụ trách, phía Hải quân Mỹ sau đó đã cung cấp cho bọn chúng hai chiến hạm có tên “Sea Horse” và “Sea Dragon”.

Cuối năm 1955, “đế quốc tình báo” của Tofte đột nhiên sụp đổ. Nguyên nhân là, trong một cuộc điều chỉnh nội bộ, CIA đã tình cờ phát hiện ra những “chiến công hiển hách” trong các báo cáo của Tofte có quá nhiều điểm “hư cấu”.

Ngay sau đó hàng triệu USD tiền tài trợ của CIA cho tổ chức này cũng biến mất. Số là, trong một báo cáo gửi CIA, Tofte đã đính kèm một bức ảnh về “cuộc chiến du kích thật sự” mà họ đã triển khai tại Triều Tiên, thế nhưng bức ảnh này lại từng được CIA sử dụng khi huấn luyện đội du kích của họ và đã được đưa cho các quan chức quốc phòng xem. Một hôm, một tướng 4 sao của Mỹ hỏi: “Sao tất cả hoạt động tác chiến trong bức ảnh đều được thực hiện giữa ban ngày vậy?”.

Trong bức ảnh này, ngay cả hoạt động đổ bộ bằng thuyền cao su của các nhân viên du kích cũng được tiến hành giữa ban ngày. Tofte chết lặng, không biết giải thích thế nào, ngay cả những người đứng đầu CIA cũng không biết ăn nói ra sao. Qua mấy tháng điều tra, cuối cùng Tofte cũng phải thừa nhận đây là một vụ lừa đảo, ông ta bị giải trừ chức vụ tại khu vực bán đảo Triều Tiên.

Ngày 23/7/1966, Tofte cho đăng một tin quảng cáo trên tờ Washington Post với thông tin cho thuê căn hầm bí mật của ông ta với giá 150 USD. Vừa thấy mẩu tin, một nhân viên CIA tên là Kenneth R. Slocum vội vàng đến đặt yêu cầu. Bà mẹ vợ 86 tuổi của Tofte là Charlotte Leister dẫn người khách đi xem khu tầng hầm.

Trong lúc đi xem căn hầm, Slocum vô tình mở một phòng kín. Điều khiến ông ta kinh ngạc là phía trong đều là những tài liệu bí mật của CIA. Ngày hôm sau, ông ta dẫn nhân viên bảo mật của CIA là Charles Speake tới và nói với Leister rằng Speake có ý mua lại toàn bộ căn phòng. Vì vụ này mà Tofte  bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra của CIA.

Ngày 15/9/1966, Tofte bị CIA chính thức sa thải. Năm 1987, ông ta chết cô độc trong bệnh viện

Vũ Anh (theo News York Times và US News)
.
.