Bí mật về cuộc chiến tình báo của CIA trên chiến trường Triều Tiên

Thứ Năm, 28/08/2008, 15:25
Hầu hết đằng sau nhiều sự kiện lớn trên thế giới đều có bóng dáng của Cục Tình báo Trung ương Mỹ - CIA, và cuộc chiến tranh có mức ảnh hưởng sâu rộng đối với chính trường Mỹ trên bán đảo Triều Tiên những năm 50 thế kỷ trước tất nhiên cũng không thoát khỏi bàn tay của cơ quan này.

Gần đây, hai nhà sử học Hàn Quốc và Iran đã tiết lộ những hoạt động bí mật chưa từng được biết đến của CIA trên bán đảo Triều Tiên và khu vực đông bắc Trung Quốc. Không giống như trong những phim hành động của Hollywood, mỗi hành động của CIA trong thế giới thực đều chứa đầy sự chết chóc và thất bại…

Bố trí hoạt động tại Viễn Đông

Trên thực tế, trước khi cuộc chiến tranh này bùng nổ, CIA đã không dự báo được nhiều về khả năng bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thế nhưng Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại khu vực Viễn Đông - Douglas MacArthur lại có những nhận định riêng của ông ta và hoàn toàn đối lập với thông báo của CIA.

Ngày 25/6, khi cuộc chiến bùng nổ, Tổng thống Truman đã cách chức đối với Cục trưởng CIA và Thiếu tướng Hải quân Sven Corte, đồng thời lệnh cho CIA lập tức tăng cường hoạt động tại bán đảo Triều Tiên.

Phòng Hành động đặc biệt của CIA (OSO) lúc này chỉ có 3 điệp viên tại khu vực Viễn Đông, khi hoạt động bên ngoài, MacArthur lại luôn phái khiển các điệp viên Nhật Bản bám đuôi, nên hiệu quả hoạt động của OSO tại đây coi như bằng không.

Để thay đổi tình hình, Cục trưởng CIA mới được bổ nhiệm Walter Bedell Smith cử Trưởng phòng Chính sách (OPC) Wisner tới Tokyo. Ngày 27/6/1950, Wisner bổ nhiệm người bạn cũ từng làm việc tại CIA là Hans Tofte làm tổ trưởng tổ hành động của OPC tại Triều Tiên.

Người này cùng hai trợ lý của mình, cũng là hai cựu quan chức chính phủ đã thuê một phòng làm việc tại khu căn cứ Atsugi của Nhật Bản, chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng “đế quốc tình báo” tại Viễn Đông với tên gọi là “Phòng 5 Cục Nghiên cứu tài liệu” (DRS-5).

Cũng cần phải nói rõ, các quan chức CIA đều có cấp bậc “hai mang”, cấp bậc trong quân đội và CIA, những nhiệm vụ khác nhau sẽ sử dụng cấp bậc khác nhau, ví dụ Tofte vừa là Trung tá Lục quân Mỹ vừa là Thiếu tướng tình báo của CIA.

Thời gian đầu cuộc chiến, CIA đã bố trí hai cơ quan tương đối độc lập với nhau tại chiến trường, một là OSO do George Aurell đứng đầu và DRS-5 do Tofte quản lý, hai cơ quan này được gọi tắt là “2 snakes”.

OSO có nhiệm vụ triển khai các hoạt động tình báo còn DRS-5 làm nhiệm vụ yểm trợ. Ngày 2/7/1951, hai cơ quan này được sáp nhập vào Ủy ban Cố vấn liên hợp Triều Tiên (JACK: Joint Advisory Commission - Korea).

OSO cho thành lập tại chiến trường vài tổ hành động, tổ thông tin tại Seoul phụ trách việc liên lạc giữa các tổ điệp báo của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. OSO thuê những người địa phương cho công việc của mình, sau khi được huấn luyện sơ bộ, những người Triều Tiên này sẽ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ vượt chiến tuyến, nhảy dù, mật phục và các hoạt động trinh sát khác.

Khi đó, CIA còn có một đơn vị hàng không của riêng mình, đó chính là Công ty Vận chuyển hàng không dân dụng – CAT. Năm 1946, chỉ huy Đơn vị Hàng không số 14 của Mỹ là Claire Chennault và Whiting Willauer đã cho xây dựng Đại đội Vận chuyển hàng không dân sự, sau đó phát triển thành Công ty Vận chuyển hàng không dân sự CAT. Tuy nhiên ngày 24/3/1950, CIA đã mua lại toàn bộ công ty này. Tới tháng 7, CIA cho 3 máy bay của CAT tới bán đảo Triều Tiên làm nhiệm vụ chuyên chở các điệp viên.

Hoạt động của DRS-5

Nhiệm vụ lớn đầu tiên của DRS-5 có tên gọi “Trudy Jackson”, người phụ trách là Thượng tá Hải quân Mỹ Lt. Eugene Clark. Ngày 9/9/1950, Clark dẫn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ và 2 điệp viên người Triều Tiên đột nhập lên đảo Yonghong, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ lên Inchon.

Tại đây, Clark mua chuộc 50 người Triều Tiên địa phương, yêu cầu họ thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Thế nhưng, những “điệp viên nghiệp dư” này nhanh chóng bị lực lượng quân cảnh nhân dân Triều Tiên chú ý, ngay lập tức một đội thanh tiễu ập đến, đội đột kích của Clark chỉ còn cách lên thuyền trốn đến đảo Palmi-do, còn những người Triều Tiên bị họ lợi dụng đều phải trả giá đắt cho hành động mù quáng của mình.

Tới tháng 10, Clark lại dẫn thêm 150 lính du kích bí mật đột nhập lên đảo Paengnyong với ý định phối hợp với quân đội Mỹ sắp tập kết tại đây, tiêu diệt toàn bộ quân đội Triều Tiên trong khu vực. Thế nhưng, chỉ một vài giờ sau, lực lượng của quân đội Mỹ đã không đến, kết quả là toàn bộ nhóm du kích này bị quân đội Triều Tiên quét sạch.

Đội quân do Clark dẫn đầu.

Trên thực tế, vào thời điểm đó, các thành viên của CIA hầu hết đều là những người da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, họ đều là những kẻ phân biệt chủng tộc nặng, nên rất coi thường những điệp viên làm thuê người Hàn Quốc và Triều Tiên, bởi vậy đối với họ  sinh mạng của những điệp viên người Triều Tiên địa phương không có ý nghĩa gì.

Do từ tháng 10/1950 quân tình nguyện nhân dân Trung Quốc bắt đầu tham gia vào chiến trường Triều Tiên, nên liên quân do Mỹ đứng đầu liên tiếp thất bại. Do đó, DRS-5 đã đề nghị với Bộ Tư lệnh Viễn Đông đưa máy bay trinh sát tới miền Bắc Triều Tiên, đông bắc Trung Quốc và khu vực giáp ranh với Liên Xô, đồng thời, phái khiển điệp viên và cho lính dù tới khu vực tiếp giáp giữa Triều Tiên và Trung Quốc, từ đó tổ chức lên “phong trào thánh chiến phản Cộng” nhằm kiềm  chế các cuộc tấn công của liên quân Trung Quốc - Triều Tiên. Đây chính là “Kế hoạch nhiệt đới”, được thực hiện trực tiếp bởi CAT và lực lượng Không quân Mỹ.--PageBreak--

Kế hoạch này bắt đầu được thực hiện vào đầu năm 1951, mọi thành viên và máy bay tham gia hành động này đầu tiên sẽ được huấn luyện tại căn cứ quân sự Atsugi của Nhật và căn cứ “600” tại Kimpo của Hàn Quốc, tất cả phi công đều đến từ CAT, họ được hứa hẹn với khoản tiền thưởng hậu hĩnh là 10 USD cho mỗi giờ bay (một con số không nhỏ vào thời điểm lúc bấy giờ).

Tổ tình báo Không quân Mỹ cung cấp đầy đủ thông tin và giảng giải chi tiết về những con đường có khả năng đụng độ với trận địa pháo cao xạ của Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, những mục tiêu cần thâm nhập, những thành phố chính cần tránh, khu vực hạ cánh và đường về cho các phi công và lực lượng nhảy dù...

Căn cứ vào kế hoạch, những máy bay tham gia vào “Kế hoạch nhiệt đới” này sau khi được trang bị đầy đủ các thiết bị trinh sát và chở đầy đủ lính nhảy dù tại căn cứ Atsugi hay Kimpo sẽ bay về phía đông (thực hiện nhiệm vụ tại khu vực giao giới giữa 3 nước Trung Quốc, Triều Tiên và Liên Xô) hoặc hướng tây (thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phía tây bắc bán đảo Triều Tiên) rồi tiến vào khu vực không phận quốc tế, cuối cùng ra khỏi khu vực kiểm soát của hệ thống radar Mỹ.

Sau khi ra khỏi khu vực radar, máy bay có thể bay về hướng bắc và tăng lên độ cao nhất định (thường là 10.000 thước Anh) để tìm khu vực hạ cánh. Cũng có thể một vài điệp viên đã có mặt tại khu vực này trước đó để phát tín hiệu. Sau khi đến khu vực hạ cánh, điệp viên của DRS-5 sẽ ném các thiết bị cần thiết xuống cho điệp viên ở dưới.

Tất cả nhiệm vụ nhảy dù đều được thực hiện trong đêm có ánh trăng, việc vận chuyển điệp viên tới địa điểm tập kết được thực hiện bằng các con thuyền nhỏ. Mẫu hạm của DRS-5 khi đó đang neo đậu gần khu vực chiến tuyến Địa Bình, cứ đêm đến, những chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ hay cao su sẽ được dùng đến để vận chuyển các điệp viên...

Nếu cơ tổ hay các điệp viên gặp nạn trong khu vực hậu phương quân Triều Tiên hay Trung Quốc, thì trên người  họ vẫn có đủ đồ cứu nạn, tiền và vàng để mua chuộc được những người dân địa phương.

Còn việc giải cứu những phi công nhảy dù và điệp viên gặp nạn giữa đường, DRS-5 đã định ra một kế hoạch giải cứu vô cùng thô bạo và nguy hiểm: những người gặp nạn trước tiên sẽ treo một cuộn dây có thể là dây thừng hay dây thép trên hai cây cao, nếu không có thì họ phải tự dựng. Cuộn dây này để thừa ra một đầu, đầu dây này sẽ buộc một người hay một túi tài liệu cần chuyển.

Khi máy bay cứu trợ tìm thấy, các phi công sẽ dùng một móc câu để móc lấy cuộn dây này, trong quá trình tăng tốc lên cao họ sẽ đưa người hay tài liệu lên. Những người được cứu có thể gặp rất nhiều nguy hiểm như gãy cổ, chấn thương đầu hay ngã hoặc bị móc câu làm bị thương bất cứ lúc nào.

Lần đầu tiên CIA sử dụng phương pháp giải cứu này là vào ngày 29/11/1952. Tháng 7 năm đó, máy bay của CIA đưa 4 điệp viên người Triều Tiên bí mật nhảy dù xuống khu vực Đình Biên - Cát Lâm, Trung Quốc, đây là nơi tập trung của các bộ tộc người Triều Tiên.

Tháng 10, thêm 1 điệp viên nữa tên Li Chun-ying được đưa tới đây nhằm giám sát 4 điệp viên kia. Ngày 29/11, một máy bay của CAT bay tới Kimpo với ý định giải cứu cho Li Chun-ying. Khi phi công của chiếc máy bay phát hiện ra cây cao và thả móc câu xuống, lực lượng biên phòng Trung Quốc bắt đầu khai hỏa.

Thực ra, Công an Trung Quốc đã sớm phát hiện ra tổ chức của tổ gián điệp này nên họ đã phục sẵn tại  đây và chỉ chờ máy bay xuất hiện là nổ súng. Chiếc máy bay bị bắn rơi, 2 viên phi công buộc phải nhảy dù để thoát thân nhưng ngay lập tức bị phía Trung Quốc bắt sống.

Cuối năm 1953, Bộ Công an Trung Quốc công bố những chi tiết về hoạt động gián điệp của CIA tại Trung Quốc từ năm 1950 đến năm 1953: tổng cộng đã có 101 điệp viên bị bắn chết, 111 người bị bắt sống, như vậy tất cả điệp viên CIA nhảy dù xuống lãnh thổ Trung Quốc hoặc mất mạng hoặc bị bắt làm tù binh.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc còn thu được 6 khẩu pháo, 998 khẩu tiểu liên, 179.000 viên đạn, 96 bộ điện đàm vô tuyến, bản mật mã, giấy tờ giả và hàng trăm thỏi vàng. Còn những điệp viên nhảy dù xuống lãnh thổ Triều Tiên trong kế hoạch “Nhiệt đới” cũng “biến mất một cách bí ẩn”.

Mặc dù kế hoạch này thất bại thảm hại, nhưng người phụ trách DRS-5 Tofte vẫn muốn chứng tỏ giá trị bản thân. Tháng 2/1951, viên phi công Hải quân Mỹ, Thượng úy Ettinger cùng chiếc máy bay trinh sát của mình bị bắn rơi trên không phận phía tây Triều Tiên, anh ta là con trai của Đại sứ Mỹ tại Nhật, do đó Bộ Tư lệnh Viễn Đông Mỹ ra lệnh phải cứu được anh ta bằng bất cứ giá nào.

Thông qua các điệp viên cài cắm của mình tại Triều Tiên, Tofte biết được rằng Ettinger hiện đang ẩn náu trong một khu rừng rậm trên bán đảo Ông Luật. Theo lẽ thường thì phi công bị bắn rơi phải nhận được sự cứu trợ từ phía Hải quân, thế nhưng do Ettinger đã bị thương nặng ở chân, nên DRS-5 đã đứng ra nhận trách nhiệm giải cứu. Ngay sau đó, một chiếc trực thăng R-4 được đưa đến hiện trường để thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 7/2, Tofte cử Thượng úy Naylor Foote, một nhân viên dày dạn kinh nghiệm của CIA, dẫn đầu đội giải cứu tới Triều Tiên, tham gia còn có Thượng sĩ Duane Thorin nhận trách nhiệm lái chiếc trực thăng. Sau khi chiếc trực thăng bay tới không phận bán đảo Ông Luật, Naylor Foote phát hiện phía dưới có 3 đống lửa, đó chính là tín hiệu mà các điệp viên người Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn.

Ngay sau đó, chiếc trực thăng từ từ hạ cánh, họ nhanh chóng thấy Thượng úy Ettinger vẫn đứng trên một khoảng đất trống chờ cứu trợ. Thật không may, viên phi công lại quá vội vàng nên chiếc trực thăng lao thẳng xuống bờ sông bên cạnh, bỗng chốc biến thành đống sắt vụn.

Foote chui ra khỏi chiếc máy bay và vội vã liên lạc với các điệp viên Triều Tiên thông qua điện đàm vô tuyến. Rất nhanh sau đó, 3 thanh niên vận quân phục Triều Tiên xuất hiện. Foote cứ tưởng rằng họ chính là điệp viên mà cấp trên điều tới, bởi ông ta chưa từng gặp mặt những người này.

“Các điệp viên Triều Tiên” bước về phía trước, không nói một lời, họ nhanh chóng tước vũ khí của những người Mỹ, sau đó đưa họ đến một tòa nhà. Thực ra những điệp viên Triều Tiên thật sự đã sớm trở thành tù nhân của Ettinger...

(còn nữa)

Vũ Anh
.
.