Bí mật vụ phá hủy nhà máy nước nặng Vermork: Quả bom ảo tưởng

Chủ Nhật, 09/09/2018, 11:28
Đặt được một nửa số thuốc nổ vào 2 tua-bin của 2 máy điện phân, biệt kích Ronneberg bỗng nghe tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng. Ngẩng đầu lên, anh thấy một bóng người đang trèo xuống qua cánh cửa sổ nối với quạt thông gió trong lúc biệt kích Kayser cũng quay lại, khẩu tiểu liên Thompson trên tay sẵn sàng nhả đạn.

Lúc nhận ra đó là trung sĩ Birger Stromsheim, người của mình, cả Ronneberg lẫn Kayser đều thở phào, nhẹ nhõm. Theo Birger Stromsheim, vì không thể chui lọt vào ống trục cáp nên anh phải chọn cách liều lĩnh…

Tan tành trong nháy mắt

Lúc này ở bên ngoài, thiếu tá Jens-Anton Poulsson và biệt kích Idland nhìn đồng hồ đếm giờ. Theo kế hoạch, nhóm phá hủy chỉ có 10 phút để đặt các khối thuốc nổ rồi rút lui. Biệt kích Ronneberg kể lại: “Chúng tôi quyết định sẽ cho nổ sau 2  phút kể từ khi bấm đồng hồ hẹn giờ. Để tránh những trục trặc có thể xảy ra, tôi gài thêm 2 kíp nổ phụ thời lượng 30 giây. Như vậy, việc phá hủy Vermork xem như chắc chắn”. 

Và ngay khi Ronneberg đang định bấm nút đồng hồ hẹn giờ thì Johansen, nhân viên kỹ thuật người Na Uy bỗng nói: “Làm ơn đợi tôi một chút, tôi cần cặp kính cận thị của tôi. Nếu nó mất, tôi không thể mua được trong những ngày loạn lạc này”.

Biệt kích Ronneberg kể tiếp: “Khoảnh khắc đó giống như siêu thực. Một cặp kính cận rơi đúng vào thời điểm quan trọng nhất của chiến dịch phá hủy nhà máy Vermork. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rùng mình”.

Sau vài phút lục tung chiếc bàn làm việc, Johansen nhoẻn miệng cười như một đứa trẻ khi gài gọng kính vào vành tai: “Takk - tiếng Na Uy có nghĩa là cảm ơn”. Tiếp theo, Johansen kéo cần điều khiển cánh cửa cuốn để cả nhóm rút ra. Vẫn với nụ cười trẻ con, Johansen thì thào: “Hồi nãy nếu các anh gõ cửa thì tôi mở rồi chứ đâu để các anh khổ sở chui vào”.

Lúc chuẩn bị trượt xuống chân đồi để băng qua dòng sông Mana đóng băng, nhóm biệt kích còn nghe văng vẳng tiếng lính Đức trò chuyện với nhau ở trạm gác đầu cầu vọng lại. Đám SS ấy chẳng hay biết gì về một chuyện kinh thiên động địa sắp sửa diễn ra.

8 biệt kích SOE thực hiện việc phá hủy máy điện phân nước nặng (ngồi giữa là thiếu tá Jens-Anton Poulsson).

Rồi rất đột ngột, một tiếng nổ trầm đục bị bóp nghẹt bởi những bức tường bê tông cốt thép vang lên. Không một ánh chớp, cũng không có lửa cháy. Nó giống như những trận lở tuyết vẫn thường thấy trong mùa đông Na Uy nhưng biệt kích  Ronneberg tin chắc rằng cái âm thanh trầm đục đã phá hủy 2 máy điện phân cùng khoảng 1.500kg nước nặng, kết quả của hơn 1 năm sản xuất.

Lượng nước ấy sẽ chảy trên sàn tầng hầm rồi trôi tuột xuống các miệng cống, chẳng có cách nào thu hồi được. Thiếu tá Poulsson nhớ lại: “Tôi không nghĩ nó nổ nhỏ như vậy. Tôi hỏi Ronneberg chắc không? Anh ta cười, giơ cái balô đựng thuốc nổ trống rỗng”.

Về phía 4 biệt kích Na Uy làm nhiệm vụ chặn hậu, họ im lặng chờ đợi phản ứng của quân Đức. Mãi gần 10 phút, từ chòi gác ở đầu cây cầu bắc qua sông Mana mới thấy xuất hiện 1 lính Đức, tay cầm cây đèn pin. Đến cái bệ đá nơi biệt kích Na Uy Hans Storhaug đang núp khoảng 5m, gã lính Đức dừng lại, giơ đèn pin chiếu ra xung quanh và có lúc tia đèn chỉ cách đầu Storhaug khoảng 10cm. Cả 4 họng súng đều hướng về gã nhưng sau vài lần chiếu đèn, gã quay lưng trở lại đầu cầu.

Sáng hôm sau, khi bắt đầu vào phiên làm việc, các kỹ sư Đức mới biết 2 máy điện phân đã bị phá hủy. Lập tức, 3.000 lính Đức được tung ra để truy lùng nhưng 5 biệt kích SOE bằng ván trượt tuyết, đã vượt 400km đến Thụy Điển. 2 biệt kích khác đi Oslo, thủ đô Na Uy để hỗ trợ phong trào kháng chiến Milorg. Riêng nhóm điệp viên Na Uy và anh thợ bảo trì Johansen, họ tản mát trong những làng xóm xung quanh như những người dân thường, chờ đợi những nhiệm vụ tiếp theo.

Đánh rắn dập đầu

Mặc dù cuộc tấn công phá hủy đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy nước nặng Vermork nhưng trước yêu cầu của Hitler là phải có 1 quả bom nguyên tử nên đến cuối tháng 4, phòng đặt máy điện phân được sửa chữa và 4 máy điện phân cũng đã được lắp đặt. Dựa theo báo cáo của các điệp viên Na Uy gửi về, SOE biết rằng một cuộc đột kích nữa là điều bất khả thi vì người Đức đã tăng cường an ninh đến mức tối đa. Vì thế, chỉ có thể đánh bằng không quân.

Giữa tháng 11, khi Vermork bắt đầu sản xuất mẻ nước nặng đầu tiên, Không quân Hoàng gia Anh và Không quân Mỹ mở đợt tấn công với 143 máy bay ném bom hạng nặng B-17 với 711 quả bom. Gần cuối tháng, họ đánh nhà máy thủy điện Rjukan để cắt đứt nguồn cung cấp điện năng cho Vermork. Tuy nhiên, do những trận bão tuyết và gió lớn mùa đông đã khiến bom rơi tản mát nên nhà máy Vermork vẫn còn có thể sản xuất nước nặng, thậm chí là nhiều hơn với 4 máy điện phân.

Ở nước Đức, trong một buổi họp với Hitler, Tư lệnh Không quân Đức Quốc xã Hermenn Goering đã nêu ý kiến rằng khi mùa đông qua đi, Anh, Mỹ sẽ đánh nặng hơn, và thời tiết sẽ ủng hộ họ trong lúc Không quân Đức không đủ máy bay để thường trực bảo vệ nhà máy vì phải chia năm xẻ bảy cho mặt trận Nga, Bắc Phi cũng như nam châu Âu.

Chiếc phà vận chuyển 1.500kg nước nặng trước ngày bị điệp viên Na Uy đặt mìn.

Cùng với ý kiến đó, nhà hóa học Otto Hahn đề nghị di chuyển toàn bộ số nước nặng ở nhà máy Vermork về Đức, lúc ấy có khoảng 1.500kg. Theo kế hoạch, những thùng nước nặng sẽ đi xe lửa từ nhà máy Vermork xuống thung lũng Rjukan rồi chất lên một chiếc phà, vượt qua hồ Tinn và lại tiếp tục lên xe lửa về Đức trong lúc tại Đức, ngoài 500kg nước nặng đã thu được từ năm 1940 đến ngày nhà máy bị biệt kích SOE phá hủy, cộng với 1.500kg sẽ đưa về thì các nhà khoa học hạt nhân Đức cũng khẩn trương xây dựng một nhà máy sản xuất nước nặng khác ở miền Nam nước Đức, nhằm cung cấp đủ số lượng cần thiết cho một quả bom nguyên tử.

Cuối cùng, Hitler đồng ý. Thời gian thực hiện được Otto Hahn ấn định là nửa đêm ngày 20-2-1944. Chỉ 2 ngày sau khi cuộc họp diễn ra, nội dung về việc di chuyển 1.500kg nước nặng ở nhà máy Vermork đã được một điệp viên nằm vùng của SOE tại Berlin gửi về London. Không chút chậm trễ, SOE chỉ thị cho Knut Haukelid, điệp viên người Na Uy nằm vùng ở Vermork, phải tổ chức một cuộc tấn công, phá hủy chiếc phà chở nước nặng.

Đầu tháng 2, Knut Haukelid tuyển dụng được 2 người và 1 trong 2 người này là Lier Hansen, thợ máy trên chiếc phà được dùng để chở 1.500kg nước nặng. Theo kế hoạch, Hansen sẽ đặt 8kg thuốc nổ trong hầm máy. Sau đó, lợi dụng bóng tối, anh ta sẽ lẻn xuống nước một cách êm thấm rồi bơi vào bờ. Khi phà nổ, xem như Hansen đã thiệt mạng nên gia đình anh ta không sợ bị quân Đức trả thù.

Knut Haukelid nói: “Tôi rất phân vân vì chắc chắn nhiều người sẽ chết bởi đó là chiếc phà dân sự. Người Na Uy vẫn thường dùng nó để đi từ Vermork đến Telemark”.

Thế nên, Knut Haukelid gửi một tin điện về Bộ Chỉ huy SOE ở London: “Hiệu quả của vụ phá hủy có đáng để những thường dân Na Uy bị vạ lây hay không? Chúng tôi mong nhận được câu trả lời sớm nhất”.

Gần như ngay lập tức, London trả lời: “Vấn đề đã được xem xét rất kỹ lưỡng. Việc phá hủy nước nặng không thể dừng lại. Chiến thắng nào cũng có giá của nó vì nếu Đức Quốc xã có được quả bom nguyên tử, số người chết phải tính bằng hàng trăm nghìn. Chúc thành công”.

5 giờ 50 phút chiều 20-2-1944, Hansen khoác chiếc túi đồ nghề lên phà như thường lệ nhưng trong túi có 8kg thuốc nổ và 2 kíp nổ, còn Knut Haukelid đóng vai một người đưa tiễn thân nhân, đứng gần đó để cảnh giới. Tuy nhiên trong lúc Hansen đang tháo tấm bửng sắt ở dưới sàn, nơi đặt động cơ chạy phà để đặt gói thuốc nổ thì trên bờ, một người bảo vệ hỏi Knut Haukelid: “Này anh, làm gì đó?”.

Haukelid kể: “Tôi bịa ra rằng tôi đang chờ đứa em ruột. May sao vừa đúng 6 giờ là hết ca làm việc của anh ta, một bảo vệ khác đến thay thế và người này không để ý gì đến tôi nữa”.

9 giờ 30 tối, chiếc đầu máy xe lửa kéo theo 3 toa chở những thùng nước nặng xuất hiện. 12 lính Đức nhanh chóng bốc nó lên phà. Tổng cộng có tất cả 15 thùng. Đến 10 giờ, lại có thêm vài người dân lên phà. Trái tim Knut Haukelid như thắt lại khi nhìn thấy họ. Chỉ gần 2 tiếng nữa, họ sẽ nằm trong danh sách những nạn nhân “tổn thất ngoài dự kiến” nhưng dẫu sao, họ cũng đã góp phần ngăn chặn sự hình thành của quả bom mà Knut Haukelid, dù trí tưởng tượng có phong phú đến mấy, cũng không thể hình dung được sức tàn phá của nó khủng khiếp như thế nào.

Do gió lớn và những trận bão tuyết nên chiến dịch ném bom chỉ phá hủy một phần nhà máy Vermork.

10 giờ 45 phút, phà hú lên một hồi còi dài rồi người bảo vệ trên bờ tháo sợi dây neo phà ra khỏi cái ụ xi măng. Ở dưới hầm máy, Hansen bắt đầu chỉnh đồng hồ hẹn giờ kíp nổ. Theo tính toán, khoảng 20 phút nữa phà sẽ ra gần đến giữa hồ, chỗ sâu nhất nên Hansen ấn định thời điểm nổ là 20 phút. Sau đó, anh đậy tấm bửng sắt lại rồi leo lên mặt boong, ra bên hông phà hút thuốc. Một vài lính Đức nhìn anh thờ ơ vì họ đã quá quen mặt người thợ máy này.

Hút được nửa điếu thuốc, Hansen nghiêng đầu quan sát. Dưới ánh sáng vàng vọt của chiếc bóng đèn tròn trong phòng lái hắt ra, chẳng ai để ý đến anh. Xung quanh Hansen là bóng tối mịt mù. Rất nhẹ nhàng, anh leo qua lan can phà rồi thả mình xuống nước. Sau khi lặn một đoạn khoảng 20m, Hansen ngước lên rồi bơi hết tốc lực vào bờ.

11 giờ 20 phút, một chớp lửa bùng lên và kèm theo đó là một tiếng nổ dữ dội. Đúng như dự tính, chiếc phà chìm ngay chỗ nước sâu nhất cùng 14 người dân Na Uy, 12 lính Đức làm nhiệm vụ bốc vác và 15 thùng nước nặng. Hansen nói: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là người Đức dường như chẳng có lý do gì để cử lính theo bảo vệ lô hàng. Đơn giản là họ chỉ gửi nó đi.

Có thể họ nghĩ sau những trận đánh bom của Không quân Anh, Mỹ, phía Đồng minh tin rằng nhà máy Vermork không còn có thể sản xuất được nữa nên họ không cần phải đề phòng”.

Ngay sau vụ nổ, lính Đức từ nhà máy Vermork tràn xuống rồi lập các chốt kiểm soát ở một số vị trí xung quanh hồ. Đến sáng, trên mặt hồ xuất hiện 4 chiếc thùng và điều này có nghĩa là số nước nặng trong thùng không được đổ đúng khối lượng nên nó mới nổi lên. Lính Đức dùng canô ra vớt rồi chuyển trở lại nhà máy Vermork.

Theo suy đoán của phía Đồng minh, có thể nó lại được đưa về Đức nhưng với vài trăm kilôgam nước nặng, quả bom nguyên tử của Hitler chỉ còn là ảo vọng bởi lẽ 4 tháng sau đó, ngày 6-6-1944, quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, nước Pháp, và thời gian thì không còn thuộc về Hitler.

Năm 1977, nhà máy Vermork bị phá hủy hoàn toàn theo Công ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Năm 2005, một nhóm khảo sát hỗn hợp Mỹ, Anh, Na Uy trục vớt được 1 thùng nước nặng từ dưới đáy hồ. Qua đối chiếu, hàm lượng nước nặng phù hợp với các thông số ghi trong hồ sơ chế tạo bom nguyên tử của Đức Quốc xã…

Vũ Cao (theo The Atomic War)
.
.