Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ dữ liệu với các cơ quan tình báo
Mặc dù, Bộ Tài chính Mỹ cho phép các cơ quan tình báo như Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) truy cập thông tin ngân hàng, song cũng có vài giới hạn.
Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức thông báo chấp thuận cung cấp một khối lượng thông tin cho Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (NCTC) cũng như cộng đồng tình báo, nhưng đòi hỏi các cơ quan này phải có "những nỗ lực tốt nhất" để chỉ thu thập thông tin cho các trường hợp đặc biệt và phải hủy bất cứ dữ liệu nào không thích hợp do truy cập nhầm lẫn.
David Cohen, Thứ trưởng Tài chính đặc trách về tình báo tài chính và chống khủng bố (TFI) của Bộ Tài chính Mỹ, phát biểu: "Chúng ta không thể lập bản đồ các mạng lưới tài chính bất hợp pháp hay xác định các mục tiêu để hành động mà thiếu hoạt động tình báo tài chính".
David Cohen cũng đề cập đến các chiến công bao gồm ngăn chặn sự lưu thông tài chính của mạng khủng bố toàn cầu Al-Qaeda và gây sức ép kinh tế lên Iran. Kết quả là hiện nay các công ty Iran thường không thể thực hiện giao dịch bằng đồng USD.
Mục đích của Mỹ là làm tê liệt nền kinh tế Iran để quốc gia này không còn khả năng tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi kéo dài. David Cohen cho biết tiếp: "Tuy nhiên, như mới đây Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh, chúng ta cũng phải duy trì khả năng cảnh giác trước nguy cơ từ một chính quyền lừa đảo và sẵn sàng chống lại âm mưu làm suy yếu những đặc quyền chính yếu của chúng ta khi giữ gìn an ninh".
Trong nhiều thập niên qua, các ngân hàng luôn lập dữ liệu báo cáo đến chính quyền Mỹ trong nỗ lực chống rửa tiền, nhưng trong những năm gần đây lượng thông tin thu thập được chủ yếu sử dụng trong chống khủng bố. Mỗi năm, các ngân hàng Mỹ thành lập 15 triệu báo cáo giao dịch tài chính, trong đó bao gồm bất cứ hoạt động chuyển số tiền từ 10.000 USD trở lên vào hay ra khỏi các tài khoản Mỹ, cho Mạng Chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính. Các ngân hàng cũng thành lập 1,5 triệu báo cáo về các hoạt động đáng ngờ cho các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.
Tháng 1/2014, có thông tin cho rằng CIA xây dựng một cơ sở dữ liệu về các hoạt động chuyển tiền quốc tế sử dụng hàng triệu dữ liệu cá nhân và tài chính của người Mỹ. Dựa vào các điều khoản của Luật Yêu nước cũng như được sự cho phép từ Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC), NSA cũng tích cực tiến hành thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại từ các tổ chức tài chính như là dịch vụ chuyển tiền Western Union.
CIA bị cấm nhắm vào các mục tiêu người Mỹ, song có thể dòm ngó mọi giao dịch tài chính xuyên biên giới được coi là một phần trong quyền thu thập thông tin tình báo nước ngoài.
Người phát ngôn Luella D'Angelo của Western Union tuyên bố với tờ The Wall Street Journal: "Chúng tôi thu thập thông tin khách hàng phù hợp với Luật Bí mật ngân hàng và các luật khác".
Tháng 3/2013, Hãng tin Reuters đưa tin về các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Barack Obama cho phép các cơ quan tình báo truy cập dữ liệu tài chính của mọi công dân Mỹ và hệ thống ngân hàng trên đất Mỹ.
Tham mưu trưởng Nhà Trắng Denis McDonough và Thứ trưởng Tài chính David Cohen (phải) tại Washington. |
Nhưng, những người chỉ trích lo lắng về sự thiếu minh bạch của kế hoạch trên. Stephen Vladeck, Giáo sư khoa Luật An ninh Đại học Quốc gia Mỹ, cho biết các nhà hoạt động nhân quyền đã có tiếng nói chống lại các hoạt động chia sẻ dữ liệu của chính quyền Mỹ, đồng thời họ muốn có thêm nhiều giới hạn đối với những gì mà chính quyền có thể hành động sau khi nắm được thông tin.
Theo kế hoạch mới của chính quyền Tổng thống Obama, Bộ Tài chính Mỹ cung cấp cho các cơ quan tình báo khả năng phân tích dữ liệu tài chính thô nhiều hơn trước đây, giúp họ dò tìm những yếu tố có thể tiết lộ âm mưu tấn công khủng bố hay mạng lưới tài chính tội phạm. Bất chấp những mối lo ngại từ các nhà hoạt động nhân quyền, giới chuyên gia luật pháp vẫn nhấn mạnh hoạt động chia sẻ dữ liệu tài chính phù hợp với luật pháp nước Mỹ.
Amit Kumar, cố vấn cho Liên Hiệp Quốc về những biện pháp trừng phạt Taliban và chuyên gia tư vấn Trung tâm Chính sách Quốc gia (CNP), nhận định: "Đây là cuộc chiến tranh tiền tệ, cuộc chiến chống tham nhũng, rửa tiền và tội phạm có tổ chức".
Tài liệu của Bộ Tài chính cũng tiết lộ đề xuất một đường liên kết giữa cơ sở dữ liệu của FinCEN với mạng máy tính được sử dụng bởi Bộ Quốc phòng và các cơ quan thực thi pháp luật nhằm chia sẻ hiệu quả thông tin mật gọi là Hệ thống liên lạc tình báo phối hợp toàn cầu (JWICS). Kế hoạch chia sẻ dữ liệu tài chính cũng kêu gọi Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) - cơ quan được thành lập sau ngày 11/9/2001 để thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan tình báo Mỹ - cùng làm việc với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ODNI từ chối bình luận về thông tin này.
Theo Hãng tin Reuters, hiện nay có hơn 25.000 tổ chức tài chính - bao gồm các ngân hàng, casino, dịch vụ chuyển tiền v.v… - thành lập các "báo cáo về mọi hoạt động đáng ngờ" cho FinCEN