CHDCND Triều Tiên tố cáo CIA mưu sát lãnh đạo Kim Jong-un

Thứ Năm, 11/05/2017, 16:40
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tiếp tục có những diễn biến phức tạp với việc cơ quan an ninh nước này ra thông báo cáo buộc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng các chất hóa học "không rõ loại gì" để đầu độc nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một dịp lễ mới đây tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Lời cáo buộc trên được Bộ An ninh nhà nước CHDCND Triều Tiên thông báo, trong đó nói cụ thể: CIA đã mua chuộc một công dân CHDCND Triều Tiên, chỉ được biết với tên là Kim, để thực hiện âm mưu ám sát. Bộ này cho rằng, địa điểm thực hiện vụ ám sát có thể bao gồm bảo tàng nơi an nghỉ của ông Kim Jong Il và ông Kim Nhật Thành - cha và ông nội của Kim Jong-un. Hoặc vụ ám sát cũng có thể xảy ra tại cuộc diễu binh.

Cũng như các tuyên bố khác, báo chí phương Tây cho rằng lời cáo buộc của CHDCND Triều Tiên về việc CIA âm mưu ám sát Kim Jong-un rất khó xác thực. Các thông tin báo chí về đất nước CHDCND Triều Tiên thường được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan truyền thông nhà nước. Thông báo nói thêm rằng, "ám sát bằng cách sử dụng các chất hóa học bao gồm chất phóng xạ và chất độc nano là phương pháp tốt nhất mà không đòi hỏi phải tiếp cận mục tiêu".

Kim Sang-duk.

Kim, kẻ được cho là "sát thủ" được CIA thuê thực hiện âm mưu ám sát, bị gọi là một "tên cặn bã" đã nhận số tiền trị giá ít nhất 740.000 USD và được trang bị máy thu phát sóng vệ tinh và nhiều thiết bị hiện đại khác. Người này được cho là đã nhiều lần tiếp xúc với nhân viên tình báo của Hàn Quốc và một "tòng phạm" mang tên Trung Quốc là Xu Guanghai.

Thông báo của Bộ An ninh nhà nước Triều Tiên không nói rõ họ đã phát hiện âm mưu ám sát bằng cách nào, mà chỉ bóng gió ám chỉ sẽ có "một cuộc thanh trừng không thương tiếc những phần  tử khủng bố".

Dư luận từng được biết một số vụ mưu sát nhắm vào Kim Jong-un và cha của ông trước đây, nhưng các nhà phân tích và các cơ quan tình báo phương Tây cho rằng hầu hết các vụ mưu sát đó đều do thành phần quân đội và quan chức trong nước thực hiện, với động cơ xuất phát từ sự bất mãn đối với các chính sách hà khắc của lãnh đạo.

Việc CIA bị nghi ngờ cũng không phải là vô cớ. Đây là cơ quan tình báo khét tiếng trên thế giới về bề dày lịch sử tiến hành các vụ ám sát bí mật các lãnh đạo chính trị khắp thế giới. Tuy nhiên, cơ quan này đã buộc phải cắt giảm bớt hoạt động sát sau một cuộc điều tra của Thượng viện vào thập niên 70 thế kỷ XX, trong đó phanh phui quy mô các vụ ám sát và kết luận rằng chiến thuật ám sát chỉ gây phản tác dụng mà không mang lại lợi ích thiết thực nào cho nước Mỹ.

Otto Wambier và Kim Dong Chul khi bị bắt.

Mặc dù đã hạn chế chính sách ám sát, nhưng nước Mỹ được cho là vẫn tiếp tục tham gia thực hiện các vụ tấn công ám sát có mục tiêu ngày càng tăng nhắm vào các lãnh đạo trên thế giới, như vụ sát hại nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hay cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

CIA ngày nay được trang bị nhiều thứ vũ khí tối tân hơn nhiều so với các tay súng bắn tỉa hay điếu xì-gà chứa chất nổ gửi cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong những thập niên 70-80 thế kỷ XX. Thời đại kỹ thuật số đã góp phần làm tăng thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho CIA để thực hiện việc giết người bí mật. Một tài liệu mật của CIA được trang WikiLeaks tiết lộ hồi đầu năm nay trong đó CIA tìm cách đột nhập vào các hệ điều hành trên xe ôtô là một ví dụ điển hình.

Trong khi đó, sự khép kín, cách ly gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài được xem như một chiến lược lợi hại của CHDCND Triều Tiên. Sự cách ly khiến cho bên ngoài, kể cả các cơ quan tình báo không nắm bắt được nhiều về nội tình bên trong, cũng như khó đoán trước được âm mưu của Bình Nhưỡng khi tung ra những sự kiện, hành động, những thông tin mang tính hỏa mù khiến người khác khó tường.

Cho nên, giới phân tích phương Tây đang xem việc Bình Nhưỡng tung ra thông tin "phá âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un" như một "chiêu trò" trong chiến lược nắm thế thượng phong của CHDCND Triều Tiên. Thêm vào đó, trong vài tuần gần đây, CHDCND Triều Tiên "la toáng" trên truyền thông quốc tế cáo buộc Mỹ "hung hăng" gây chiến, cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu chiến tranh xảy ra. Từ đó tạo dư luận suy nghĩ theo hướng "CIA âm mưu ám sát Kim Jong-un".

Chưa hết, báo chí quốc tế cũng đang đưa tin khá đậm về việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp công bố bắt giữ hai công dân Mỹ gốc Triều Tiên.

Người thứ nhất là một giáo sư, tên Kim Sang-duk, tên Mỹ là Tony Kim, bị bắt vào ngày 22-4 tại sân bay Bình Nhưỡng khi ông này chuẩn bị rời khỏi CHDCND Triều Tiên. Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, giáo sư Kim đến CHDCND Triều Tiên để giảng dạy môn kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Ông bị cáo buộc "phạm tội ác nhằm lật đổ chính thể CHDCND Triều tiên".

Người thứ hai bị bắt tên là Kim Hak-song, tên tiếng Hoa là Jin Xue Song, bị bắt vào ngày 29-4, cũng vì các hoạt động liên quan đến Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Trước hai ông này, CHDCND Triều Tiên đã bắt giữ hai công dân Mỹ khác, một người tên là Kim Dong Chul, bị bắt vào năm 2015 và đang thụ án 10 năm tù vì tội gián điệp, và người còn lại tên là Otto Warmbier, một sinh viên Đại học Virginia, bị bắt vào năm 2016 và bị phạt lao động khổ sai 15 năm.

An Tôn (tổng hợp theo The Guardian và CNN)
.
.