CIA giải mật hồ sơ về Chương trình vũ khí hạt nhân Pháp

Thứ Bảy, 08/05/2021, 13:39
Tháng 11-1959, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố một báo cáo tình báo khoa học có tên “Chương trình hạt nhân Pháp” (CIA/SI 47-59), trong đó phân tích tiến bộ của nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực cụ thể này.

Báo cáo tuyệt mật đã mô tả những khả năng của Pháp trong sản xuất, chiết tách và cô lập riêng rẽ plutonium; cùng với việc phát triển các loại vũ khí hạt nhân việc thực hiện một thử nghiệm hạt nhân đầu tiên ở hoang mạc Sahara tại Reggane (thuộc địa Pháp ở Algeria). 

Theo tài liệu giải mật của CIA, người Pháp đã bắt đầu nghiên cứu việc sử dụng năng lượng trong quân đội ngay giữa thập niên 1950. Bài báo này nhằm mục đích phân tích quan điểm của CIA đối với chương trình hạt nhân Pháp và sự hiểu biết của tình báo Mỹ trong thời điểm năm 1959 cũng như hệ quả của nó đối với tình trạng ổn định tại Châu Âu và quốc tế.

Tham vọng chương trình hạt nhân quân sự thời Charles de Gaulle

Vào cuối thời kỳ Đại chiến thế giới thứ hai (ĐCTGII), các khả năng quân sự của Pháp đã giảm sút. Trong một thế giới lưỡng cực và hạt nhân, Pháp đã bị lép vế trong vấn đề đàm phán với Liên Xô và Mỹ. Và chương trình hạt nhân của Anh (vụ thử hạt nhân đầu tiên vào ngày 3-10-1952) cho thấy Pháp bị tụt hậu về công nghệ, bản thân người Pháp cảm thấy lung lay về địa vị “đại cường”.

Theo tài liệu của CIA thì vào năm 1952, Paris đã quyết định thiết lập một kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng hạt nhân với ý tưởng là sản xuất thêm nhiều Plutonium. 

Năm 1958, ý tưởng sử dụng quân sự mới được dư luận đồng ý và nó trở thành một ưu tiên quốc gia tại thời điểm xảy ra Cuộc khủng hoảng tháng Năm (năm 1958) đánh dấu sự trở lại cầm quyền của Tướng Charles de Gaulle. 

CIA đề cập đến việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở Marcoule (một địa danh gần Avignon (tỉnh Vancluse, Pháp) đầu năm 1954, nó đã hoàn thành vào năm 1958. Điều này cho thấy mối bận tâm của chính phủ Pháp đối với mục đích quân sự ngay cả trước khi Tướng de Gaulle quay trở lại.

Báo cáo CIA tiết lộ rằng có tổng cộng từ 15 đến 25kg plutonium từ Marcoule ngay giữa thập niên 1959 và đến năm 1965 là 550kg. Dù Pháp rất hăng hái nghiên cứu hạt nhân nhưng tình báo Mỹ quả quyết là khả năng của Pháp chỉ gói gọn trong vũ khí dùng plutonium là vật liệu căn bản; trong khi đó một trung tâm thứ hai tại Pierrelate (gần Montelimar) đang được xây dựng từ giữa thập niên 1957 với mục tiêu làm giàu U-235 lên mức 3%. Mỹ tuyên bố chương trình của Pháp là độc đáo và không có sự hỗ trợ từ Mỹ hoặc Anh.

Báo cáo của CIA nhấn mạnh: “Hiện thời có rất ít thông tin có sẵn về nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của Pháp, cũng như chưa xác định rõ danh tính các nhà khoa học chủ chốt của chương trình này.

CIA tin rằng Bộ Công nghệ Nouvelles (DTN) của Hội đồng năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm cho việc phát triển toàn diện vũ khí hạt nhân. Những trung tâm tại Bruyere-le-Chatel, Vaujours, Saclay và Paris (Fort dIssy) có thể chịu trách nhiệm cho việc nghiên cứu và phát triển các thành phần phi hạt nhân của vũ khí hạt nhân theo DTN”.

Khoảng năm 1954, một số thành viên của Các lực lượng vũ trang Pháp (FAF) đã coi vũ khí hạt nhân là thứ tiên quyết để hộ quốc. Sự thay đổi tâm lý này đã xuất hiện vào đúng thời điểm khi dự án Cộng đồng quốc phòng Châu Âu (EDC) thất bại, và việc củng cố vai trò của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lục địa Âu. 

Quang cảnh vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Pháp ở hoang mạc Sahara tại Reggane (thuộc địa Pháp ở Algeria). Ảnh: Science Direct.

Phân tích của CIA về sản xuất và chiết tách plutonium

CIA đã chỉ ra rằng sự phát triển của nghiên cứu Pháp đã bị trì hoãn do những khúc mắc kỹ thuật cùng các khó khăn trong việc mua những thành phần quan trọng. Mặc dù Pháp đã đạt một số thành tựu trong phân tách hóa học vào tháng 7-1958 nhưng khâu sản xuất vẫn chưa đạt cho mãi tới tháng 1-1959, cũng như miết tới mùa hè năm 1959 thì mới có plutonium dùng trong quân sự. Paris có năng lực sản xuất uranium mang tầm quốc gia, và vì vậy nước này không lệ thuộc nhập khẩu nó.

Pháp có các kho lưu trữ uranium ở Crousille, Vendee, Grury, Fores và gần thành phố Vichy. Báo cáo của CIA cũng tiết lộ Pháp có các nguồn tài nguyên oxide uranium ở vùng lãnh thổ Tây Phi, Algeria và Madagascar. Năm 1959, CIA ước tính dự trữ oxide uranium của Pháp đạt khoảng 1 vạn tấn và có tiềm năng tăng thành 5 hay 10 vạn tấn.

Theo tài liệu của CIA, việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mang tên “Zoe” đầu tiên của Pháp vào năm 1948 là nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự và dân sự, và đến năm 1952, Pháp đã mua một lượng lớn plutonium nhằm phục vụ cho tham vọng của chương trình hạt nhân quân sự của nước này.

Cơ sở Marcoule của Pháp có “3 loại uranium tự nhiên, than chì, các lò phản ứng khí làm mát và một nhà máy phân tách hóa chất”. Lò phản ứng đầu tiên G-1 hoạt động vào ngày 7-1-1956 ở mức nhiệt 40 Megawatt tương tự như lò Brookhaven ở Mỹ. Sản lượng Plutonium hàng năm ở lò G-1 là 15kg. Bộ thanh nhiên liệu đầu tiên được chiếu xạ ở lò G-1 trong suốt 2 năm 1956-1957, và gỡ bỏ vào tháng 12-1957. Một máy phát điện thử nghiệm được lắp đặt ở lò G-1 là của hãng Electricite de France.

Hai lò phản ứng G-2 (năm 1958) và G-3 (năm 1959) đã sản xuất ra lượng plutonium thường niên là 40kg và từ 25 đến 30 Megawatt điện. Tới năm 1965, các lò phản ứng của Pháp đã cho ra 850 Megawatt điện.

Đối với khâu sản xuất plutonium, Văn phòng tình báo khoa học (OSI, CIA) tuyên bố rằng việc phân tách đồng vị đầu tiên đã bắt đầu tại Saclay (Pháp) vào năm 1955, và tới năm 1957 đã có 2 trung tâm nghiên cứu đầu tiên được xây dựng.

Tài liệu OSI viết: “Kế hoạch thí điểm ban đầu ở Saclay là một thiết lập gồm 12 giai đoạn được dùng để kiểm tra các rào cản khuếch tán khí. Những rào cản này có thể được thử nghiệm ở cả hình ống và hình phẳng. Kế hoạch thứ 2 ở Saclay thậm chí còn lớn hơn với những tế bào nguyên mẫu đi qua 16 giai đoạn, chúng được lên kế hoạch cho nhà máy quy mô toàn diện đầu tiên”.

Năm 1957, Ủy ban Năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế Pháp (CEA) đã tiết kiệm khoản ngân sách 25 tỷ Franc (tương đương 71.350.000 USD) cho việc xây dựng một trung tâm phân tách đồng vị khác. Năm 1958, Pháp xây dựng trung tâm phân tách ở Pierrelatte, một địa điểm nằm giữa 2 trung tâm thủy điện gần Rhone. Tổng cộng dự án của Pháp tiêu tốn hết 55  tỷ franc.

Tướng Charles de Gaulle, người đặt tham vọng cho chương trình vũ khí hạt nhân Pháp. Ảnh nguồn: The Conversation.

CIA ước tính về thử hạt nhân đầu tiên của Pháp

CIA đã lập luận rằng Pháp muốn có vũ khí hạt nhân trong vòng ít nhất 4 hoặc 5 năm. CIA nhắc đến tên của một nhân vật tên là Laurent, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Bruyere-le-Chatelet nằm gần Arpajon, và Giáo sư Paul Chanson.

Đối với CIA, sự lựa chọn mua vũ khí hạt nhân là hệ quả từ chính sách của Tướng De Gaulle (“Sau khi lên nắm quyền vào năm 1958, Tướng De Gaulle ra tuyên bố rằng ông hết sức âu lo về việc Pháp tiến hành thử nghiệm hạt nhân nhanh nhất có thể”).

Nghiên cứu của Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc phân tách plutonium bẩn. CIA quả quyết nghiên cứu hạt nhân của Pháp còn chậm so với Washington và London, trong khi Moscow hoàn toàn không được đả động tới trong báo cáo.

Theo tài liệu CIA thì Paris không mặn mà hợp tác với Mỹ và Anh, và cũng khước từ việc hợp tác với Liên Xô. Nhìn chung, báo cáo năm 1959 đã gia cố ý tưởng về một chính sách Pháp giữa NATO và Liên Xô. CIA dự tính cuộc thử hạt nhân đầu tiên trong khoảng tháng 11-1959 tại hoang mạc Sahara. Người phụ trách trung tâm thử nghiệm ở Sahara là một đại tá của Không quân Pháp, mà cấp trên của người này là Chuẩn tướng Charles Ailleret.

Lý do chọn Sahara là vì nó nằm gần một sân bay ở Aoulef và dễ cung cấp thiết bị cho quân nhân. Tính cô lập của Sahara là một nhân tố vàng cho Pháp tiến hành ca thử nghiệm đầu tiên.

Tấm biển chỉ dẫn vào cộng đồng Reggane (tỉnh Adrar, miền Trung Algeria). Ảnh nguồn: Mapio.net.

Vấn đề địa chính trị của Pháp sau vụ thử hạt nhân

Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pháp được tiến hành vào lúc 7 giờ 4 phút sáng (giờ Paris) ngày 13-2-1960 theo lệnh của Tướng Charles de Gaulle. Trong báo cáo khoa học của mình, CIA dự đoán rằng sau vụ thử, Pháp đã chính thức gia nhập vào quỹ đạo của các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Liên Xô. Song so với Washington và Moscow thì Pháp vẫn bị chê là cường quốc tụt hậu đối với loại công nghệ này. Và khả năng hạt nhân của Pháp cũng chưa đủ sức để thay thế Mỹ.

Mặc dù củng cố quyền tự chủ chiến lược so với Washington, Paris đã không thành công trong việc gia tăng quyền lực mềm tại các xứ sở thuộc địa. Theo một báo cáo khác của CIA thì chương trình hạt nhân của Pháp tốn kém hơn Anh và cái giá phải trả cho môi trường cũng không hề rẻ. Năm 2013, Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp đã cho giải mật bản đồ về những khu vực bị nhiễm độc tại các khu vực bị ảnh hưởng, và bao gồm cả vùng cận Sahara.

Trên bình diện quốc tế, Mỹ đã chỉ trích chương trình hạt nhân của Pháp vì cho rằng những nước khác có thể noi gương Pháp. Trong một báo cáo gửi cho Trung tâm chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Không lực Mỹ, Trung tá Warner Farr đã giải thích: “Tiến bộ trong khoa học và công nghệ hạt nhân đã khiến Pháp và Israel cùng xích lại gần nhau hơn hồi đầu thập niên 1950... Có một số quan sát viên Israel trong liên kết thử nghiệm hạt nhân Pháp-Israel đã tiếp cận thoải mái vào dữ liệu của vụ thử nghiệm”.

5 tháng sau vụ thử hạt nhân của Pháp, Liên Xô đã phá bỏ lệnh cấm kiểm tra khí quyển. Liên Xô đã tiến hành nhiều thử nghiệm cải tiến bắt đầu vào tháng 9-1961 với một chuỗi 136 quả bom H cỡ lớn. Sau Liên Xô, từ tháng 4-1962 đến tháng 11-1962, Mỹ đã tiến hành 40 thử nghiệm bom hạt nhân, bao gồm 2 quả bom H có sức nổ cực mạnh là 7,45 Megaton và 8,3 Megaton.

Trung Quốc cũng thử nghiệm chương trình hạt nhân quân sự của riêng họ khi cho thử nghiệm quả bom A596 (22 kiloton) vào ngày 16-10-1964, và quả bom H6 (3,3 Megaton) vào ngày 17-6-1967. 

CIA kết luận rằng sự thành công của chương trình hạt nhân Pháp là việc khai sinh ra năng lượng hạt nhân cho lĩnh vực dân sự, đảm bảo sự phục hồi kinh tế quốc gia và giá điện hợp lý cho các công ty Pháp hơn là phục vụ cho bản thân nhu cầu quân sự.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.