Các chiến dịch đặc biệt của CIA trong chiến tranh Triều Tiên

Thứ Ba, 25/01/2005, 15:12
Chỉ ba năm sau ngày thành lập (19/12/1947), Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tiến hành triển khai hoạt động tình báo lớn nhất của mình tại châu Á trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vào ngày 27/6/1950, Hans Tofte, một sĩ quan cao cấp của CIA, từng tham gia hoạt động tình báo trên chiến trường châu Âu trong Thế chiến thứ II, được bổ nhiệm làm chỉ huy CIA ở Nam Hàn.

Hỗ trợ cho các hoạt động CIA ở Triều Tiên còn có Không đoàn 6167, với mật danh CAT chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trên không. Đến tháng 9/1950, CIA bí mật xây dựng một căn cứ huấn luyện trên đảo Young-do, một đảo nhỏ nằm ngoài khơi thành phố cảng Pusan.

Tại đây, CIA huấn luyện các điệp viên người Nam Hàn được tuyển chọn từ các đơn vị đặc biệt của quân đội, cảnh sát và cả từ những người Bắc Triều Tiên tị nạn ở Nam Hàn. Công tác tuyển chọn được giao cho một đơn vị đặc biệt có mật danh “Nước màu” do nhiều nhân viên CIA người Nam Hàn và người Mỹ đảm nhiệm, mà quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hans Tofte.

Tháng 2/1951, căn cứ Young-do đã tuyển chọn và huấn luyện được 1.200 điệp viên người Nam Hàn, cả nam lẫn nữ, gọi là Đơn vị Y, được chia thành 4 phân đội để thực hiện những chiến dịch đặc biệt trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên do CIA triển khai. Đó là các phân đội Rồng Vàng, Rồng Xanh, Bạch Hổ và Chim Cú.

Các chiến dịch của CIA tập trung vào hai loại nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ A là tổ chức thâm nhập bằng đường không, đường biển và đường bộ vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên để cài người vào các cơ quan chính quyền, quân đội, cảnh sát nhằm thu thập thông tin hoặc bắt cóc những nhân vật quan trọng. Còn nhiệm vụ B là đưa người vượt qua giới tuyến giữa hai miền Nam-Bắc nhằm theo dõi các hoạt động chuyển quân, các phương pháp huấn luyện quân đội, đánh cắp các loại vũ khí mới. Trong khi thời gian để thực hiện nhiệm vụ A là dài ngày thì thời gian để thực hiện nhiệm vụ B chỉ kéo dài từ 8 đến 10 ngày là phải kết thúc.

Chiến dịch đặc biệt lớn nhất mà CIA triển khai trong chiến tranh Triều Tiên có mật danh Tropic kéo dài từ tháng 4/1951 đến tháng 11/1952 với nhiệm vụ đưa các điệp viên của phân đội Rồng Vàng, Rồng Xanh và Bạch Hổ thâm nhập lãnh thổ CHDCND Triều Tiên bằng đường không và đường biển để hoạt động tình báo.

Từ tháng 4/1951, đồng loạt các điệp viên của 3 phân đội trên được máy bay của CAT xuất phát từ căn cứ không quân Atsugi trên lãnh thổ Nhật “bốc” từ căn cứ Young-do để “ném” vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Để tránh sự phát hiện của radar đối phương, các máy bay C47 và B26 của CAT phải bay ở cao độ 10.000 mét vòng lên bán đảo Mandchouria của Trung Quốc, rồi quay ngược vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Đến địa điểm ấn định, các máy bay sẽ bay là là sát các ngọn cây để “nhả” các điệp viên ra. Trong khi đó, tàu hải quân của CIA cũng tiến hành thâm nhập lãnh hải CHDCND Triều Tiên để các toán điệp viên chuyên hoạt động ven biển đổ bộ.

Chỉ từ tháng 4/1951 đến tháng 7/1952, có đến 800 điệp viên của các phân đội Rồng Vàng, Rồng Xanh và Bạch Hổ đã thâm nhập vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên tại các vùng Chungjin, Kapsan,Yum-bun-ri,Yo-do, Ahn-byon. Các hoạt động thu thập thông tin tình báo, chỉ điểm các căn cứ quân sự, các cuộc chuyển quân cho máy bay của không quân Mỹ ném bom, tổ chức ám sát và bắt cóc các nhân vật quan trọng đã gây thiệt hại đáng kể cho phía CHDCND Triều Tiên.

Vì vậy, từ đầu năm 1952, CHDCND Triều Tiên huy động một lực lượng lớn nhân viên an ninh để lùng sục và bắt giữ các điệp viên của CIA. Từ ngày 17/1/1952, 1.000 nhân viên an ninh CHDCND Triều Tiên triển khai một chiến dịch thanh trừng lớn ở vùng Kapsan, bắt được 32 điệp viên và tiêu diệt 56 điệp viên của Phân đội Bạch Hổ.

 

Cho đến tháng 11/1952, chiến dịch đặc biệt Tropic coi như bị phá sản hoàn toàn khi Kim Myong Kyon, chỉ huy Phân đội Rồng Xanh bị bắt giữ cùng 28 điệp viên khác tại vùng Ahn-byon. Bị thiệt hại nặng, Hans Tofte ra lệnh chấm dứt chiến dịch Tropic. Thất bại của chiến dịch này đã khiến Hans Tofte bị cách chức chỉ huy CIA ở Nam Hàn và thay vào đó là Donald Nichols.

Vào tháng 10/1951, song song với chiến dịch Tropic, CIA đã triển khai chiến dịch Spitfire nhằm tuyển mộ những người có tư tưởng chống chính quyền CHDCND Triều Tiên để thành lập các đơn vị du kích hoạt động ngay trong lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Những đơn vị du kích này có mật danh là "Big Boy". Theo báo cáo của Hans Tofte gửi về cho trụ sở của CIA ở Langley thì trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên đã thành lập được tất cả 22  đơn vị "Big Boy".

 

Nhưng điều mà Hans Tofte không ngờ là hầu hết các đơn vị "Big Boy" này đều bị lực lượng phản gián CHDCND Triều Tiên cài vào. Đến tháng 2/1952, trụ sở của CIA ở Langley quyết định cử một toán sĩ quan tình báo người Mỹ, Anh và Nam Hàn nhảy dù xuống vùng Wonsan để kiểm tra hoạt động của một đơn vị "Big Boy" và liền bị bắt giữ do trước đó phía CHDCND Triều Tiên đã nắm được thông tin về kế hoạch kiểm tra đột xuất này. Sau vụ việc này, tất cả các đơn vị "Big Boy" còn lại đều bị triệt phá khiến cho chiến dịch Spitfire bị thất bại hoàn toàn.

Vào tháng 10/1950, Gordon Dean, một viên tướng bộ binh của quân đội Mỹ bị quân CHDCND Triều Tiên bắt giữ làm tù binh trong một trận phục kích. Viên tướng này được giải về giam giữ tại trại giam bí mật, sau đó được giao về một trại giam ở vùng Kang Dong. Lập tức, CIA liền mở chiến dịch Mustang để giải cứu tướng Dean. Ba điệp viên nằm vùng của CIA tìm cách tiếp cận viên chỉ huy trại giam và gợi ý mua chuộc sự cộng tác của người này với cái giá 50.000 USD.

Trong khi đó, một toán điệp viên khác tiến hành điều nghiên địa bàn cả bên trong lẫn bên ngoài trại giam nhằm chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ giải cứu chớp nhoáng. Theo kế hoạch, một toán gồm 11 biệt kích người Mỹ và Nam Hàn sẽ được một máy bay B26 của CIA thả dù xuống một vùng gần trại giam, sau đó sẽ tiến hành giải cứu tướng Dean với sự trợ giúp của viên chỉ huy trại giam. Một chiếc trực thăng sẽ hạ cánh để đưa tướng Dean cùng toán biệt kích về lại căn cứ.

Thế nhưng điều mà CIA không ngờ là viên chỉ huy trại giam đã mật báo toàn bộ sự việc cho Cơ quan Phản gián CHDCND Triều Tiên và thế là một kế hoạch phục kích liền được giăng ra. Vào ngày 17/9/1951, chiếc máy bay B26 của CIA khi đang hạ thấp độ cao để thả dù  liền bị  bắn hạ, toàn bộ toán biệt kích và  phi hành đoàn thiệt mạng. Còn các điệp viên nằm vùng của CIA đều bị bắt giữ. Chiến dịch Mustang giải cứu tướng Gordon Dean bị thất bại hoàn toàn. Phải mất hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt, tướng Dean mới được trao trả lại cho phía Mỹ.

Sau thất bại của các chiến dịch Tropic, Spitfire và Mustang, Hans Tofte bị đình chỉ chức vụ để giải trình về việc ông ta đã “tô vẽ” quá mức thành tích của CIA trên chiến trường Triều Tiên đối với cấp trên. Tháng 11/1952, Hans Tofte được gọi về Mỹ. Người thay thế cho nhiệm vụ chỉ huy CIA ở Triều Tiên của Hans Tofte là Trung tá Donald Nichols. Viên chỉ huy mới của CIA này liền củng cố lại các cơ sở nằm vùng ở CHDCND Triều Tiên, điều về lại căn cứ Young-do những điệp viên được đánh giá là yếu và bổ sung những điệp viên mới có năng lực hơn.

Thế nhưng, các chiến dịch đặc biệt của CIA do Donald Nichols trực tiếp chỉ huy như chiến dịch Ettinger vào tháng 2/1953 có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới đặc tình trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên để giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi, hay chiến dịch Shark vào tháng 5/1953 có nhiệm vụ xây dựng các “bến” dọc theo bờ biển CHDCND Triều Tiên để tiếp nhận các đội biệt kích và người nhái của Nam Hàn thâm nhập phá hoại cũng đều bị phá sản.

Cho đến khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào tháng 7/1953, đã có đến 2.150  điệp viên của CIA bị tiêu diệt, mất tích, hay bị bắt giữ trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Phần lớn trong số họ đều  tham gia các chiến dịch đặc biệt bị thất bại của CIA

Văn Hòa (Theo Kimsoft Archives)
.
.