Các sân bay quốc tế trước nguy cơ khủng bố

Thứ Ba, 05/08/2014, 18:30

Trong những ngày gần đây, Washington liên tục cảnh báo nguy cơ tấn công khủng bố có thể xảy ra trên các chuyến bay trực tiếp từ châu Âu và Trung Đông tới Mỹ. Nguyên nhân phát xuất từ những nguồn tin tình báo, tiết lộ việc gia tăng hoạt động của Ibrahim al-Asiri, chuyên gia chế tạo bom hàng đầu của chi nhánh tổ chức khủng bố Al-Qaeda (AQAP) ở bán đảo Arập.

Chuyên gia chế tạo bom của Al-Qaeda

I. Al-Asiri, 32 tuổi, là công dân Arập Xêút đang ẩn náu tại khu vực cai quản của những bộ tộc thiểu số phía nam Yemen, cũng là căn cứ địa của AQAP. Hắn nổi tiếng qua biệt danh Abu Saleh, đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa vào danh sách những tên khủng bố nguy hiểm bị truy nã gắt gao nhất thế giới trong tháng 3/2011. A. Saleh là tác giả của phương thức khủng bố gắn thiết bị nổ vào cơ thể người (BCD), có thể "qua mặt" được các biện pháp kiểm soát an ninh chặt chẽ nhất.

Chính A. Saleh đã cấy BCD vào trực tràng của người em ruột Abdullah al-Asiri, một thành viên Al-Qaeda khi tên này có dịp yết kiến Hoàng thân Muhammad bin Nayef, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách công tác chống khủng bố của Vương quốc Arập Xêút vào ngày 27/8/2009. Thiết bị phát nổ xé tung thân xác của Abdullah, còn Hoàng thân M. Nayef may mắn thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.

Theo ông Christopher Noden, chuyên viên an ninh hàng không của FBI thì A. Saleh cũng là tác giả của loại bom-máy in cực mạnh, chứa trong 2 lô hàng đường không thuộc các công ty vận chuyển hàng hóa UPS và FedEx, gửi từ thủ đô Sanaa của Yemen sang Chicago (tiểu bang Illinois, Mỹ) vào đầu tháng 10/2010. Do lực lượng an ninh Arập Xêút có nội gián trong tổ chức AQAP, mới hình thành vào năm 2009 bởi sự hợp nhất giữa 2 chi nhánh Al-Qaeda ở Yemen và Arập Xêút, nên các gói hàng chứa bom-máy in gắn ngòi nổ bên trong hộp mực đã bị chặn lại kịp thời khi đang trên đường quá cảnh tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) và London (Anh).

Nhưng I. Al-Asiri nổi danh trước hết nhờ "kỳ tích" sáng chế ra loại bom hóa học (PETN), với kíp nổ bằng chất dẻo tổng hợp, không chứa bất kỳ nguyên tố kim loại nào nên rất khó phát hiện. Lần đầu tiên PETN được sử dụng bởi tên Omar Farouk Abdulmutallab, một công dân Nigeria 23 tuổi, giấu thiết bị nổ trong quần lót trên chuyến bay số 253 của Hãng Hàng không Mỹ Northwest Airlines, cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) tới Detroit (tiểu bang Michigan, Mỹ) trước thềm lễ Giáng sinh năm 2009. Khi sắp đến Detroit, hắn ra tay hành sự nhưng đã bị hành khách và tổ bay quyết liệt ngăn cản. Tên này đã bị Tòa án Liên bang Mỹ kết án chung thân truất quyền ân giảm vào giữa tháng 2/2012.

Chất nổ cấy trong cơ thể của "tác giả" Al-Asiri.

Về phần chuyên gia chế tạo bom A. Saleh, hắn đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc khỏi những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Thậm chí AQAP còn "tung hỏa mù" khi đưa tin I. Al-Asiri đã thiệt mạng hòng bịt mắt các cơ quan tình báo phương Tây.

Một quan chức FBI cao cấp không muốn nêu danh tính, khẳng định với phóng viên tờ nhật báo Mỹ The New York Times rằng, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ  phẫu thuật biến chất để tiến hành cấy ghép thiết bị nổ, A. Saleh còn tích cực đào tạo một đội ngũ nhân viên kế thừa, sẵn sàng thay thế hắn đề phòng trường hợp bị bắt giữ hay thủ tiêu bất ngờ.

Bom-máy in do cơ quan an ninh Arập Xêút phát hiện.

Ông John Brennan, đương kim Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong buổi trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Mỹ ABC News vào ngày 6/7 vừa qua khi đề cập đến các thiết bị gây nổ dạng BCD và PETN: "I. Al-Asiri là một nhân vật hết sức nguy hiểm, vừa được đào tạo bài bản lại vừa lọc lõi kinh nghiệm. Việc truy lùng bắt giữ A. Saleh là ưu tiên số 1 của các cơ quan mật vụ Mỹ".

Các sân bay, hãng hàng không không đảm bảo an ninh sẽ mất quyền khai thác đường bay đến Mỹ

Sau Anh và Bỉ, ngày 4/7 vừa qua, Pháp đã ra thông báo về việc tăng cường an ninh tại các sân bay có đường bay đến Mỹ theo yêu cầu của Washington. Mỗi ngày trung bình có 43 chuyến bay đến Mỹ từ 7 phi sân bay trong nội địa Pháp hay ở các vùng lãnh thổ hải ngoại. Các biện pháp an ninh mới này được áp dụng trong mùa hè.

"Vì các lý do bảo mật, chúng tôi không thể tiết lộ những biện pháp bổ sung đó. Chúng sẽ được triển khai sao cho hành khách ít bị khó chịu nhất. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra vấn đề trễ giờ bay" - phát ngôn viên của Tổng Cục Hàng không dân dụng Pháp cho biết. Họ cũng khuyến cáo hành khách nên đến sân bay thật sớm trước giờ bay để thực hiện các biện pháp kiểm tra an ninh mà không bị trễ giờ.

Tại Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Joelle Milquet  cho biết rằng việc kiểm tra tăng cường sẽ được áp dụng đối với các thiết bị điện tử, máy tính bảng, laptop, điện thoại di động để đảm bảo rằng chúng không chứa chất nổ.

Sự cảnh báo mới này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Cận Đông, đặc biệt là Syria và Iraq vốn đang có nguy cơ tan rã do cuộc tấn công của phong trào thánh chiến Sunni. Washington không nói chi tiết về bản chất, địa điểm hay thời gian của mối đe dọa nhưng các chuyên gia Mỹ và Anh không giấu nổi sự lo lắng về những loại chất nổ tí hon và khó phát hiện. Trong vài năm gần đây nhiều vụ việc đã cho thấy sự nguy hiểm của bọn khủng bố, đặc biệt là các chuyên gia vũ khí của Al-Qaeda ở Yemen như đã đề cập ở phần trên.

An ninh được tăng cường ở các sân bay tại Pháp.

Cho đến nay những âm mưu khủng bố đều bị phá vỡ. Nhưng mối đe dọa này giờ đây lại kết hợp với sự xuất hiện của những cá nhân có thông hành từ phương Tây bên cạnh phe thánh chiến tại Syria và Iraq. Bọn chúng có thể về nước với kỹ năng và hiểu biết về việc chế tạo bom. Hiện thời mối đe dọa rõ nét nhất tại châu Phi. Hôm 2/7, Đại sứ quán Mỹ tại Uganda đã công bố về "một âm mưu khủng bố nhằm vào sân bay quốc tế Entebbe bởi một nhóm khủng bố mưu toan sẽ tiến hành vào ngày 3/7".

Nhiều biện pháp kiểm tra mới sẽ được áp dụng trong những ngày sắp tới. Các phi trường hay hãng hàng không nào không đảm bảo những biện pháp kiểm tra cần thiết có thể sẽ mất quyền khai thác đường bay đến Mỹ.

Theo đài NBC, chính quyền e ngại các laptop, điện thoại thông minh hay máy tính bảng cùng nhiều thiết bị điện tử khác có thể được dùng để chứa chất nổ. Cơ quan Vận tải đường không của Mỹ thông báo: "Các nhân viên an ninh sẽ kiểm soát mọi thiết bị điện tử. Trong lúc kiểm tra, họ có thể yêu cầu hành khách mở nguồn máy, kể cả điện thoại di động. Máy nào không thể mở được sẽ không được mang lên máy bay. Đồng thời vị hành khách đó còn có thể bị kiểm tra bổ sung"

Quang Long – Mê Linh (tổng hợp)
.
.