Các tổ chức khủng bố đã tận dụng đại dịch COVID-19 như thế nào?

Thứ Bảy, 31/07/2021, 20:22

Trong vòng chưa đầy 2 năm, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm thay đổi cơ bản cục diện địa chính trị, kinh tế xã hội và xung đột toàn cầu. Kết quả là, đại dịch đã có tác động sâu sắc đến các khuynh hướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những tác động dài hạn của nó chỉ mới bắt đầu trở nên rõ nét hơn.

 

COVID-19 làm trầm trọng thêm xu hướng cực đoan

Bản báo cáo “Chỉ số Khủng bố Toàn cầu” của Liên Hợp Quốc công bố cuối năm 2020 đã không đề cập đến một “kỷ nguyên COVID-19”, nhưng dữ liệu trong đó cho thấy rằng nếu như xu thế chung là đại dịch đã làm giảm hoạt động khủng bố, thì ở một số quốc gia ảnh hưởng này là không thật rõ ràng. 

Ở các đô thị lớn, bạo lực đã giảm đáng kể sau hiện tượng “đóng cửa” và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh của những xung đột lớn hơn - bao gồm cả những xung đột ở các khu vực biên giới hoặc tranh chấp quy mô quốc gia, COVID-19 dường như có tác động tương đối ít đến việc giảm cường độ của bạo lực

COVID-19 dường như đã làm trầm trọng thêm những xu hướng cực đoan của chủ nghĩa khủng bố ở Châu Phi cận Sahara, một khu vực đang dần trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sau sự suy giảm đáng kể quyền lực và vùng lãnh thổ của “Nhà nước Hồi giáo” tự phong (IS) ở Syria. 

Báo cáo “Chỉ số Khủng bố Toàn cầu năm 2020” cho thấy 7 trong số 10 quốc gia  trong vùng đã chứng kiến sự gia tăng khủng bố, đặc biệt là ở các khu vực ở lưu vực Hồ Chad bị ảnh hưởng bởi Boko Haram và những khu vực chịu ảnh hưởng của các nhóm liên kết với IS ở Mozambique.

COVID-19 cũng là chất xúc tác gây bùng phát những xu hướng bạo lực chính trị khác nhau. Ở các nước phương Tây (Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương) trong mùa đại dịch COVID-19, nếu như chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo có phần giảm sút, thì ngược lại, chủ nghĩa khủng bố cực hữu lại đã bùng phát trở lại.

COVID-19 dường như đã làm trầm trọng thêm những xu hướng cực đoan của chủ nghĩa khủng bố ở Châu Phi cận Sahara.

Theo lý thuyết về “căn cước xã hội” của chủ nghĩa cực đoan, các hệ tư tưởng cực đoan đặt trọng tâm là việc tạo ra những tình huống khủng hoảng – tạo ra những bản tường thuật về khủng hoảng và những mối đe dọa sắp xảy ra, dẫn đến đòi hỏi phải có hành động quyết đoán. 

Đối với những đầu óc cực đoan, điều này đòi hỏi các giải pháp cấp tiến, vượt khỏi những khuôn khổ thông thường và thường là những giải pháp bạo lực để “tự bảo vệ mình trước một cuộc khủng hoảng đang tồn tại” mà "nhóm" đang phải đối mặt.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy các phần tử cực đoan thuộc mọi phe phái, bao gồm các nhóm cực hữu và thánh chiến, đã sử dụng đại dịch đang diễn ra như một cơ hội để thúc đẩy các phong trào và hệ tư tưởng của họ. 

Những phong trào này đã sử dụng COVID-19 như một "vấn đề rắc rối lớn” để quảng bá các loại thuyết âm mưu, mục tiêu là để tạo ra những hành động bạo lực nhắm vào các cộng đồng thiểu số và các nhóm người nước ngoài, để thách thức tính hợp pháp của chính phủ và kêu gọi tiến hành các hành động bạo lực cực đoan. 

Đặc biệt, các kịch bản thảm họa như đại dịch COVID-19 đóng một vai trò "tăng tốc" đối với các phần tử phái hữu cực đoan, từ lâu đã cho rằng trật tự hiện tại đã thất bại và sự sụp đổ của nó phải được đẩy nhanh bằng cách kích động chia rẽ xã hội và bạo lực.

Trong đại dịch COVID-19, những thông điệp như thế này - coronavirus là một chiến binh thánh chiến - của các nhóm khủng bố Hồi Giáo cực đoan đã tràn ngập trên internet.

Hoạt động của các phần tử Hồi giáo cực đoan

Bộ phận phân tích dữ liệu kỹ thuật số của ISD đã giám sát và tiến hành phân tích những diễn ngôn trực tuyến của hàng loạt các phần tử Hồi giáo cực đoan, những phân tích này cho thấy đại dịch đã được “quân sự hóa” như thế nào để tạo thuận lợi cho việc phổ biến huyền thoại về “bước nhảy vọt mang tính cách mạng” trong việc thành lập “một nhà nước Hồi giáo”, dựa trên việc áp dụng nghiêm ngặt luật Hồi giáo và nghĩa vụ tôn giáo của các chiến binh thánh chiến và cách sử dụng bạo lực với những người không có đức tin. Nó đã diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. 

Nhóm thánh chiến Syria Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã trình bày COVID-19 như một điềm báo về ngày tận thế, gây ra "sự sụp đổ chính trị và kinh tế" và đưa ra một cơ hội địa chính trị cho mục tiêu của chúng. 

Tạp chí al-Naba của IS đã trình bày loại virus này như một "người lính của Allah", trong khi Taliban tuyên bố COVID-19 đã được Đấng Tối cao gửi đến để đáp lại "sự bất tuân" và "tội lỗi của nhân loại". Các nhà nghiên cứu của ISD cũng đã chứng kiến sự phổ biến rộng rãi ở Somalia các thuyết âm mưu về nguồn gốc của COVID-19, được tuyên truyền "bởi sự reo rắc cố tình của các lực lượng thập tự chinh".

Ngoài những bài tuyên truyền đơn thuần về chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các nhóm Hồi giáo cực đoan còn tìm cách khai thác triệt để những thiếu sót của các quốc gia phương Tây trong việc ứng phó với COVID-19 nhằm làm nổi bật tính hiệu quả của "cách xử lý Hồi giáo" đối với virus. 

Một số nhóm thánh chiến, bao gồm IS, al-Qaeda và HTS đã sử dụng các kênh tuyên truyền chính thức để thổi phồng năng lực của họ trong việc quản trị và xây dựng nhà nước, đồng thời để giới thiệu tính hiệu quả của “Bộ Y tế” trong “lãnh thổ quốc gia” (tự xưng)  của họ.

Interpol đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng ảnh hưởng của các nhóm khủng bố trong đại dịch COVID-19.

Sự tăng tốc của chủ nghĩa cực hữu

Song song với hiện tượng trên, chúng ta đang chứng kiến một hệ sinh thái ngày càng mở rộng của chủ nghĩa cực hữu, các nhóm cực hữu da trắng đang tăng tốc sử dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để tuyên truyền về một thất bại của nền dân chủ và kêu gọi nổi dậy bằng bạo lực.

Trên một loạt các nền tảng kỹ thuật số - bao gồm các trang web như 8chan và 4chan, các nền tảng công nghệ như Voat, các mạng truyền thông xã hội cực hữu như Parler và các kênh nhắn tin được mã hóa như Telegram – các nội dung cực đoan và các chiến dịch phối hợp đã gia tăng trong đại dịch. 

Ở Mỹ, những nội dung như vậy là một cách  “rủ rê” tham gia vào chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nêu rõ cách "người chơi" có thể nhận được "điểm thưởng" bằng cách tấn công các cơ quan thực thi pháp luật, những người theo chủ nghĩa tự do, người Hồi giáo, người Do Thái, người Mỹ da đen và các nhóm khác được họ coi là "kẻ thù".

Trong kho lưu trữ của 225 kênh Telegram của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, hiện đang chứa chứa hơn một triệu tin nhắn, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các tin nhắn lặp đi lặp lại ca ngợi chủ nghĩa khủng bố, kêu gọi tấn công bạo lực, phổ biến tài liệu tư tưởng bạo lực cực đoan và “ác quỷ hóa” các nhóm thiểu số. 

Các tin nhắn liên quan đến quyền tối cao của người da trắng và thuyết phân biệt chủng tộc cũng đã phát triển theo cấp số nhân trong đại dịch. Một kênh theo chủ nghĩa tối cao da trắng đã tăng lên hơn 6.000 người dùng trong tháng 3, trong khi một kênh khác tập trung đặc biệt vào nhắn tin liên quan đến COVID-19 đã tăng số lượng người dùng từ 300 lên 700 người chỉ trong 1 tháng. 

Hiện tượng Boogaloo, một phong trào chống chính phủ của các phần tử cực đoan da trắng, đã có số lượng thành viên và sức ảnh hưởng tăng lên đáng kể nhờ vào vai trò của các tài liệu về những khủng hoảng xung quanh đại dịch COVID-19 và các cuộc biểu tình sau vụ sát hại George Floyd.

Nghiên cứu trên một loạt các trang và kênh tin tức cánh hữu cũng đã cho thấy những bài viết liên quan đến chủ đề "giới tinh hoa" đã gia tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19. Những nhân vật như Bill Gates, George Soros, Rothschilds và Jeff Bezos được coi là một phần của "âm mưu Do Thái", một âm mưu nhằm sử dụng virus như một công cụ kiểm soát xã hội, cố ý giết một số tầng lớp dân cư hoặc giúp những cá nhân này và các tổ chức của họ kiếm tiền từ việc làm lây lan virus, tất cả thông tin dạng này trên thực tế đều là những tuyên bố vô căn cứ, không có bằng chứng xác thực.

Việc tràn vào chiếm giữ Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) ngày 6-1-2021 cho thấy ảnh hưởng của các nhóm cực hữu da trắng trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã tăng lên đáng kể.

Mô hình “hậu tổ chức”

Phần lớn những tuyên tuyền theo phong cách “quân sự hóa” đại dịch toàn cầu này, đặc biệt là những tuyên truyền đến từ các phần tử cực hữu, đã cho thấy một sự thay đổi lớn hơn đang xảy ra hướng về “mô hình hậu tổ chức” (post-organisationnels), loại mô hình mà trong đó những “kết nối trực tuyến trên không gian mạng” sẽ đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều (trong việc truyền cảm hứng cho bạo lực) so với những giao tiếp truyền thống thực hiện trong các nhóm được tổ chức theo phương pháp cổ điển trong cuộc sống “trên mặt đất”. 

Bản chất ngày càng phi tập trung của các phong trào Hồi giáo cực đoan và các nhóm cực hữu trên toàn cầu phần lớn được tạo ra nhờ các hệ sinh thái trực tuyến cực đoan mới xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh này, việc đánh giá những thách thức của chủ nghĩa cực đoan bạo lực mà chỉ dựa trên việc phân tích “các tổ chức khủng bố” mang cấu trúc cổ điển sẽ trở nên lạc hậu so với thực tế. 

Các khuynh hướng mới được chỉ ra trong bản báo cáo Chỉ số Khủng bố toàn cầu năm 2020, và được xác nhận bởi  sự tăng vọt những biểu hiện cực đoan trên không gian mạng trong đại dịch COVID-19, cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn các xu hướng đang phát triển nhanh chóng và các nguyên tắc tổ chức mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. 

Điều này có nghĩa là không chỉ giám sát chặt chẽ các nhóm khủng bố chính thức, mà còn phải quan tâm đến những hệ sinh thái rộng lớn hơn, các hệ tư tưởng và các nền văn hóa “trực tuyến”, nơi khởi phát các mối đe dọa này ngày càng trầm trọng.

Lịch sử đã cảnh báo chúng ta rằng những thảm họa kinh tế, phân cực xã hội và bất ổn địa chính trị luôn là cơ hội quý báu để những kẻ cực đoan tiến hành các giải pháp bạo lực cực đoan, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh công cộng và sự gắn kết xã hội. Trên quan điểm đó, chúng ta sẽ nhận ra những tác động tiêu cực mang tính dài hạn của đại dịch COVID-19 không chỉ đối với kinh tế, xã hội mà cả với nền an ninh của các quốc gia.

Dương Thắng
.
.