Căn cứ quân sự Mỹ ở nơi hẻo lánh nhất thế giới
- Căn cứ quân sự Mỹ bị tấn công trong lúc Bộ trưởng thăm Afghanistan 1
- Máy bay chiến đấu rơi gần căn cứ quân sự Mỹ
- Căn cứ quân sự Mỹ tại Colombia: Khủng hoảng toàn khu vực Mỹ Latinh
Hành trình địa lý được xem là ngắn nhất từ Mỹ tới Liên Xô chỉ có thể trông cậy vào vùng khu vực bao quanh Bắc Cực và lý tưởng nhất chỉ có thể là quần đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Thế là một kế hoạch tuyệt mật được chính phủ Mỹ phê chuẩn thực hiện…
Căn cứ không quân 9 tháng trong năm băng giá bao phủ
Đầu năm 1946, chính phủ Mỹ cử một phái đoàn ngoại giao tới Đan Mạch nêu rõ mục đích muốn sở hữu hòn đảo Greenland và biến vùng đất quanh năm phủ kín băng giá thành một căn cứ quân sự. Phái đoàn Mỹ đã ra giá 100 triệu USD, tương đương với 1,2 tỷ USD ngày nay, để thỏa hiệp mua đứt hòn đảo này.
Đại diện quân sự của phái đoàn Mỹ cũng cho biết, họ muốn tiếp cận tầng băng vĩnh cửu ở hòn đảo nhằm phát triển các công nghệ kỹ thuật và xây dựng một công trình ngầm dưới băng, đồng thời huấn luyện binh sĩ chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt của Bắc cực. Chính phủ Đan Mạch tuy từ chối nhượng Greenland cho Mỹ, nhưng cảm thấy cần phải tỏ ra sòng phẳng đáp trả công lao của người Mỹ đã giúp Đan Mạch phá hủy các trạm khí tượng của quân phát xít Đức đặt tại đảo băng này thời Thế chiến.
Căn cứ Thule với tháp không lưu Globecom Tower giám sát vùng cực. |
Vì vậy, chính phủ Đan Mạch đã cho phép Mỹ xây dựng căn cứ cũng như cấp phép cho các kỹ sư quân đội Mỹ tìm kiếm một khu vực bằng phẳng và hẻo lánh giữa những dải băng khổng lồ nhằm thực hiện các "thí nghiệm khoa học". Điều này xem ra là một sự thỏa hiệp hợp lý cho cả đôi bên nhưng đáng chú ý là theo tinh thần thỏa hiệp khi đó, Mỹ không bị bắt buộc phải xử lý môi trường tại Greenland.
Tờ The Christian Science Monitor dẫn lời một vị tướng về hưu cho biết, Lầu Năm Góc đã hành động theo tinh thần "phản ảnh một sự chia sẻ với nước chủ nhà trong việc đóng góp quốc phòng cho thế giới tự do". Và hiệp ước này không yêu cầu Mỹ phải trả các vị trí và công trình ở Greenland trở về nguyên trạng nếu sau này Mỹ không còn dùng đến nữa.
Tháng 4-1951, Mỹ và Đan Mạch chính thức đi đến thỏa thuận xây dựng Căn cứ không quân Thule trước hết "nhằm bảo vệ Greenland khỏi các nguy cơ bị tấn công quân sự từ Liên Xô" cách Bắc Cực 1.524 km.
Sách hướng dẫn định hướng của không quân về Thule ghi nhận: "Bên ngoài căn cứ này hầu như đều trống trải, chỉ có những mảnh đất hoang, băng giá, bao quanh một trong những căn cứ có người ở tại cực bắc của thế giới. Ngôi làng Inuit (người Eskimo bản địa) là Qaanaaq, nằm cách căn cứ hơn 100 km. Ngoài căn cứ chỉ có vịnh, mỏm tuyết và hàng nghìn kilomet đá hoặc băng".
Chỉ sau vài ngày ra thông báo, những cư dân Inuit bản địa đã bị buộc phải dời khỏi nơi cư trú của họ để chuyển tới cư ngụ tại Qaanaaq trong tháng 5-1953 nhằm lấy đất lập Căn cứ Thule mà không nhận được bất kỳ một khoản bồi thường nào.
Lắp đặt một vòm thép cho một đoạn đường hầm. |
Ban đầu, Thule được dùng làm căn cứ cho Bộ chỉ huy Không quân chiến thuật Hoa Kỳ (Strategic Air Command, SAC) với các loại máy bay B-36 Peacemaker và B-47 Stratojet trong thập niên 1950, cũng là một căn cứ lý tưởng để thử nghiệm tính khả thi và tính chịu đựng của hệ thống vũ khí này trong điều kiện thời tiết cực lạnh. Năm 1954, tháp không lưu Globecom Towercao 378m được xây dựng. Đây là cấu trúc nhân tạo cao thứ ba trên thế giới tính đến thời điểm đó. Ngày nay, Thule là căn cứ quân sự của Liên đoàn Căn cứ Không quân 821, nơi trú đóng của đơn vị Phi đoàn Cảnh báo Không gian 12, Không đoàn Không gian 21.
Ngoài ra, đây cũng là cơ sở của Phòng 3 Tác chiến của Phi đoàn Điều phối Không gian 22, thuộc Không đoàn Không gian 50. Các đơn vị này đều là những đơn vị chiến lược với nhiệm vụ điều hành các hệ thống vệ tinh cảnh báo nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào vùng Bắc Mỹ. Căn cứ Thule quá xa nên không phải là mục tiêu của một cuộc tấn công thông thường của kẻ thù, nhưng nó lại phải đối mặt với một thách thức rất lớn mỗi ngày: thời tiết. Toàn căn cứ Thule bị băng bao bọc tới 9 tháng trong năm.
Vào mùa hè, một tàu phá băng của Canada sẽ dọn dẹp cảng của căn cứ để mở đường cho việc nhanh chóng tiếp viện thực phẩm, nhiên liệu, các vật liệu xây dựng và hàng hóa trước khi mặt nước lại đóng băng lần nữa vào giữa tháng 10. Chỉ vài tháng trong năm, Thule không bị băng tuyết bao phủ và lúc đó các lãnh nguyên (những vùng trơ trụi có tầng đất đã bị đóng băng vĩnh cửu nằm gần vùng cực) xung quanh sống dậy với hàng đàn côn trùng hút máu mà người địa phương thường gọi vui đó là "lực lượng không quân Greenland".
"Thành phố dưới băng"
Đến năm 1959, các kỹ sư quân đội Mỹ bắt tay vào xây dựng Camp Century (Trại Thế kỷ), hay còn được biết dưới tên gọi "Thành phố dưới băng" nằm cách bờ biển Greenland khoảng 200km, dưới vỏ bọc một công trình phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Mục đích bề ngoài mà Bộ Quốc phòng Mỹ trình ra cho các quan chức Đan Mạch khi đó là để thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng khác nhau trong điều kiện môi trường Bắc Cực cùng lúc tiến hành nghiên cứu về khí hậu.
Căn cứ quân sự bí mật Camp Century năm 1959. |
Thời đó, trên thực tế đúng là các nhà khoa học tại căn cứ đã khoan lấy mẫu băng, thu thập số liệu nhằm nghiên cứu khí hậu Trái Đất. Tuy nhiên, sâu bên trong những đường hầm đóng băng này lại tồn tại những ý tưởng sơ khai về một chương trình tối mật của chính phủ Mỹ.
Mặc dù "thành phố dưới băng" được xây dựng trên cơ sở đồng thuận của cả hai nước, nhưng chính phủ Đan Mạch không ngờ được rằng, ẩn sau các hoạt động nghiên cứu thuần túy đó là một dự án tuyệt mật nhằm biến Greenland thành một cứ địa quân sự hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh đối đầu với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Camp Century được thiết kế với hệ thống đường hầm ngầm chằng chịt, 21 vòm thép nâng đỡ 21 đường hầm nối với các khu nhà tiền chế. Vòm thép dài nhất hơn 300 mét, rộng và cao gần 8 mét. Giới chức quân sự Mỹ thậm chí đã cho lắp đặt 1 lò phản ứng hạt nhân loại PM-2A công suất 2 megawatt để cung cấp điện cho cả căn cứ. Camp Century có đầy đủ buồng ngủ, phòng tắm, phòng bếp, hội trường chung, thư viện và phòng nghiên cứu khoa học… để phục vụ 200 binh sĩ thường xuyên lưu trú.
Khu trại đặc biệt dưới dải băng cứng như đá này được xem là một thành phố thu nhỏ vì có cả các cửa hiệu tạp hóa, tiệm cắt tóc, bệnh viện và cả nhà nguyện dành cho những chuyên viên khoa học, sĩ quan và binh sĩ ngoan đạo. Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ băng tan và được kiểm nghiệm cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Với dự án mang tên gọi Sâu băng (Iceworm), Mỹ muốn thử nghiệm tính khả thi của việc lắp đặt và xây dựng hầm ngầm lưu trữ tên lửa hạt nhân tầm trung cùng những bệ phóng lớn, đủ gần để phóng tên lửa hạt nhân thẳng vào Liên Xô ở bờ bên kia Đại Tây Dương.
Có thể đây là phản ứng của Mỹ sau khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung ở Cuba, vốn ngay gần đất Mỹ. Mục tiêu cuối của Mỹ là thiết lập một hệ thống đường hầm và phòng chứa trải dài 4.000 km, bao phủ một diện tích gấp 3 lần Đan Mạch, với khả năng lưu trữ 600 tên lửa đạn đạo nhắm thẳng vào Moskva và các vệ tinh của nó.
Công trình đồ sộ đang xúc tiến thì vài năm sau, các nhà địa chất phát hiện ra rằng, các đỉnh băng bị xê dịch, căn cứ ngầm bên dưới có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Nhận được tin báo, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ đã quyết định ngừng hoạt động và đóng cửa Camp Century. Năm 1965, các kỹ sư quân đội Mỹ rút khỏi "thành phố dưới băng" này nhưng đã để lại toàn bộ cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, bao gồm toàn bộ lượng chất thải phóng xạ, hóa học, sinh học - với giả định chúng sẽ mãi bị vùi chôn dưới lớp băng tuyết được phủ lên từ năm này qua năm khác. Nhiều thập niên sau đó, tuyết rơi dày đã chôn vùi Camp Century sâu thêm 35 mét dưới băng, khu trại này những tưởng đã chìm vào quên lãng.
"Ngôi mộ vĩnh cửu" sẽ phát lộ vào cuối thế kỷ này
Theo số liệu vệ tinh từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), gần 300 km3 băng ở Greenland đã tan ra kể từ năm 2003. William Colgan, Phó giáo sư tại trường kỹ thuật Lassonde thuộc Đại học York, Canada, cùng các cộng sự ước tính: khối băng khổng lồ ở Greenland có thể tan chảy hết vào cuối thế kỷ này, giải phóng những chất thải độc hại tích tụ từ thời Chiến tranh Lạnh vào đại dương.
Khi đó, lượng chất thải của Camp Century sẽ bao phủ diện tích 55 ha, bao gồm 200.000 lít dầu diesel, 240.000 lít nước thải, một lượng không rõ chất thải phóng xạ dùng làm mát máy phát điện hạt nhân còn sót lại trong căn cứ và polychlorinated biphenyls (PCBs), chất gây ô nhiễm độc hại cho con người. Dữ liệu radar siêu cao tần còn giúp các nhà khoa học xác minh chính xác vị trí các chất thải được chôn lấp. Theo đó, các chất thải rắn và lỏng hiện nay nằm ở độ sâu lần lượt là 40 mét và 65 mét.
Ông Colgan giải thích: "Các nhà quân sự khi đó nghĩ rằng, tuyết sẽ mãi rơi giúp vùi lấp vĩnh viễn mọi thứ. Tuy nhiên, với hiện tượng biến đổi khí hậu như hiện nay và Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn so với các phần khác của thế giới, chúng ta có thể nói rằng đây không phải là “ngôi mộ” vĩnh cửu. Có lẽ trong vòng một thế kỷ, băng sẽ bắt đầu tan chảy hết".
Theo chuyên gia Colgan, nhiều khả năng căn cứ Century sẽ trồi lên vào năm 2090 và khi đó mọi chất thải độc hại ở đây sẽ dần tuôn ra. Điều ít ai ngờ là các chất ô nhiễm sẽ không chỉ ở một nơi mà chúng có thể trôi dạt ra đại dương, để lại hậu quả khôn lường cho môi trường. Cũng theo ông Colgan, người dân bản địa ở Canada và Greenland- những người vốn dựa vào săn bắn và đánh bắt cá để tồn tại - mẫn cảm với các hóa chất như PCBs, vốn có thể gây ra các vấn đề về gan và đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, việc dọn sạch "di sản" của Mỹ không phải không làm được. Vì theo ông Colgan, Mỹ đã và đang dọn dẹp các hệ thống cảnh báo xa sớm (DEW) nhằm dò tìm tên lửa hạt nhân của Liên Xô từng được đặt tại căn cứ không quân Thule ở Greenland; di dời các chất thải nguy hại môi trường nghiêm trọng nhất. Nhưng đối với căn cứ Camp Century, việc làm rõ ai chịu trách nhiệm dọn dẹp mới là vấn đề nan giải: Mỹ hay chính phủ Đan Mạch.
Căn cứ Century không phải là bãi rác nguy hiểm duy nhất bị chôn vùi dưới lớp băng. Thời Chiến tranh Lạnh, một loạt căn cứ đã được xây dựng nằm rải rác khắp Greenland. "Chúng ta đang tiến tới một thời đại mà sẽ có thêm nhiều căn cứ hơn tại Bắc cực. Mỹ và các đồng minh NATO cần phải thể hiện rõ thiện chí và có trách nhiệm quản lý các căn cứ cũ khác", ông Colgan kết luận.