Cặp điệp viên Cuba cự phách tại Mỹ
Lật lại hồ sơ vụ án do giới tư pháp Hoa Kỳ đưa ra xét xử hồi giữa tháng 7-2010, cho thấy ông W. K. Myers, 72 tuổi, cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng vợ là G. S. Myers 71 tuổi, cựu nhân viên một ngân hàng ở thủ đô Washington D.C, đã bị các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ vào ngày 4-6-2009, sau khi thu thập đủ bằng chứng kết tội họ làm gián điệp cho CuIS kể từ năm 1978 cho đến thời điểm bại lộ. Mật danh liên lạc của điệp viên W. Myers là "Agent 202", còn G. Myers là "Agent 123".
"Sau hơn 3 năm âm thầm theo dõi, FBI đã lần ra cặp công dân Hoa Kỳ hoạt động cho CuIS suốt 3 thập niên qua", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ đặc trách An ninh quốc gia David Kris, cho biết qua bản thông cáo báo chí thường lệ của FBI trước khi diễn ra phiên xử.
Cặp vợ chồng điệp viên cự phách luôn hạnh phúc bên nhau. |
Cụ thể sau khi nhận việc tại Bộ Ngoại giao vào cuối năm 1977, tới đầu năm 1978, ông W. Myers được cử sang Havana tham dự một cuộc hội thảo khoa học, 6 tháng sau vợ chồng Myers chính thức trở thành điệp viên Cuba trên đất Mỹ. Quyết định tuyển dụng được một sĩ quan phản gián thuộc CuIS mang bí số "Agent E-634" thông báo với 2 người, lúc gia đình họ còn cư ngụ ở tiểu bang North Dakota.
Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực chuyên môn, trước khi nghỉ hưu vào cuối tháng 10-2007, W. Myers đã là một chuyên gia về châu Âu trong Viện Quan hệ đối ngoại trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Chức trách và thâm niên công tác khiến ông có quyền được tiếp cận các tài liệu tối mật và như thế ông thỏa sức "lục lọi" mọi văn bản lưu trữ nhạy cảm nhất. Chỉ tính riêng trong năm cuối cùng trước lúc về hưu, W. Myers đã chuyển cho phía Cuba hơn 200 báo cáo chuyên đề liên quan đến sách lược của Washington trong vùng Caribbean.
Hình ảnh tôn vinh W. Myers trong cuốn kỷ yếu của CuIS. |
Thoạt đầu phương thức chuyển tài liệu mật chủ yếu bằng sóng truyền tin mã hóa, hoặc văn bản viết bằng mực hóa chất chuyên dụng, sau đó là các bức thư điện tử dạng mật mã gửi qua mạng Internet. Một thời bà G. Myers thường giao tài liệu trực tiếp lúc đang đi mua sắm trong siêu thị, kín đáo đổi xe đẩy hàng với người nhận theo ám hiệu quy ước. Ngoài ra họ còn tận dụng các chuyến đi du lịch ra nước ngoài để tiếp xúc với đại diện của CuIS.
Hồ sơ theo dõi của FBI cho thấy vợ chồng Myers từng xuất hiện ở Mexico, Ecuador, Trinidad và Tobago, Jamaica, Brazil và Argentina. Thậm chí giới nhân viên cao cấp FBI còn một mực đoan chắc là trong năm 1995, cặp điệp viên lão luyện này đã tới hòn đảo Tự do, được Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Ban lãnh đạo CuIS tiếp đón.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi điệp viên W. Myers âm thầm hoạt động suốt 3 thập niên. |
Họ hành trình đến Havana qua ngả Mexico dưới những cái tên giả. Còn cá nhân điệp viên cự phách W. Myers không giấu vẻ tự hào sau khi bị lộ, rằng vợ chồng ông đã nhận được nhiều huân chương cao quý của Nhà nước Cuba XHCN, phần thưởng xứng đáng cho những chiến công hiển hách trong lòng địch.
Sơ suất lớn nhất của ông bà Myers là đã tiếp xúc "quá mức cần thiết" với một nhân viên FBI đội lốt điệp viên Cuba. Hai người phạm sai lầm khi thuật lại cho tay này danh sách những tài liệu mật mới nhất vừa chuyển cho CuIS. "Ông Myers quả là một người có trí nhớ tuyệt vời bất chấp tuổi tác, có thể kể lại vanh vách mọi tài liệu đã xem mà không cần giấy tờ ghi chép gì", nhân viên FBI đặc tình giấu tên nói trên nhận định qua lời ngài Thứ trưởng D. Kris.
"Chiểu theo luật an ninh quốc gia hiện hành, thì cả ông Walter Myers lẫn bà Gwendolyn Myers mỗi người đều có thể chịu mức án tổng cộng tối đa là 35 năm tù giam, gồm 20 năm về tội che giấu hành tung phi pháp, 10 năm về tội làm gián điệp cho nước ngoài và 5 năm về tội tham gia vào các hoạt động bí mật", cáo trạng do đại diện Viện Công tố Tối cao đọc trước tòa nhấn mạnh. Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào ngày 16-7-2010, tuyên phạt điệp viên W. Myers mức án chung thân truất quyền ân giảm, còn bà vợ G. Myers là 6 năm 9 tháng tù giam.