Cặp vợ chồng điệp viên
“Chúng tôi thường rất tập trung và cẩn thận để tránh bị theo dõi" - Kendall Myers đã kể như vậy với một người mà ông cho là điệp viên của Cuba. Người cùng đàm đạo này đã chăm chú lắng nghe và ghi nhớ lại mọi chi tiết. Cả hai vừa mới làm quen vào giữa tháng 4 vừa qua, khi Myers vừa bước ra từ Trường đại học Tổng hợp John Hopkins sau một bài thuyết trình.
Ban đầu Myers tỏ ra rất thận trọng với người lạ, dù anh ta nói rằng mình được phía Cuba cử tới bắt liên lạc. Một thời gian tiếp xúc liên tục sau đó đã khiến điệp viên này chiếm được lòng tin của Myers. Là một điệp viên, Myers thường xuyên phải sống trong nỗi lo ngại bị phát hiện, nên ông không dám tâm sự với người khác về một đất nước mà ông yêu quý hơn cả - đó chính là Cuba. Chỉ có bà vợ Gwendolyn của ông là biết được điều thầm kín này và tình nguyện làm trợ lý cho chồng trong các hoạt động tình báo.
Với người bạn mới này, Myers cuối cùng cũng gặp được một người để có thể tâm sự những chuyện như vậy, cũng như kể về việc cùng vợ cộng tác với tình báo Cuba trong suốt 30 năm qua. Xui xẻo cho Myers khi điệp viên mà ông tin cậy trên thực ra lại là một nhân viên FBI giả danh. Kết quả là vợ chồng Myers đã bị bắt giữ vào ngày 4/6 vừa qua và có nguy cơ phải nhận bản án 35 năm tù vì hoạt động gián điệp.
Một điệp viên không có tài nói dối!
Kendall Myers có một xuất thân rất hoàn hảo đối với một quan chức tại Mỹ. Ông cố của Myers chính là Alexander Bell, nhà phát minh ra điện thoại được cả thế giới biết đến. Ông của Myers là một trong những người sáng lập và là Chủ tịch của Tổ chức khoa học National Geographic Society. Còn cha của Myers là một chuyên gia phẫu thuật tim mạch nổi tiếng. Bản thân vợ chồng nhà Myers sống trong một khu vực toàn quan chức cao cấp tại Washington, thường xuyên có mối quan hệ qua lại với nhiều thành viên chính phủ, nghị sĩ, quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp. Họ từng có mối quan hệ rất thân cận với ứng cử viên Tổng thống Barry Goldwater (người đã mất vào năm 1998).
Theo lời những người bạn của Myers, sự hấp dẫn đối với hoạt động gián điệp đã thu hút Myers ngay khi ông còn trong quân đội, cụ thể là trong thời gian tại ngũ ở CHLB Đức từ năm 1959 đến 1962. Myers là người rất thành thạo tiếng Tiệp Khắc nên được giao nhiệm vụ nghe trộm những tín hiệu vô tuyến từ nước này. Tuy nhiên khi trở về Mỹ, Myers vẫn chưa có cơ hội để ứng dụng những kỹ năng này.
Ban đầu, ông vào giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp John Hopkins, trước khi được mời vào làm việc tại Bộ Ngoại giao năm 1977. Một năm sau, Myers được tới Cuba theo lời mời của một phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Chuyến đi này đã là một bước ngoặt trong cuộc đời của Myers.
Vào những năm đó, Myers đang có nhiều tâm trạng bất bình với xã hội nước Mỹ, nhất là sau khi ly hôn với người vợ đầu năm 1977. Ông bắt đầu viết nhật ký, và sở thích này vẫn được duy trì ngay cả khi cộng tác với tình báo Cuba, bất chấp đây là điều tối kị đối với một điệp viên nội gián. Trong nhật ký, ông đã không ít lần phẫn nộ vì những thực tại trong xã hội Mỹ - thực trạng tồi tệ của hệ thống y tế và nhiều bất công khác trong xã hội. Trong khi tại Cuba, Myers lại tiếp cận với một thực tế hoàn toàn khác được ông đánh giá là rất lý tưởng.
"Cách mạng không lấy của đất nước Cuba bất cứ thứ gì. Ngược lại nó giúp mở ra một tiềm năng lớn và giải phóng tinh thần Cuba" - Myers đã viết như vậy trong thời gian đặt chân tới Cuba, đồng thời đánh giá Chủ tịch Fidel Castro là "một chính trị gia xuất sắc, có sức thu hút quần chúng, là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của thời đại hiện nay". Hướng dẫn viên du lịch làm việc với Myers trong thời gian này (có quan hệ với cơ quan tình báo) đã nhanh chóng nhận ra mối thiện cảm đặc biệt này và không có gì khó khăn để thuyết phục ông tham gia cộng tác. Kendall Myers được nhận mật danh là "Agent 202" còn bà vợ là "Agent 123".
Khi Myers quay trở về Mỹ, tình báo Cuba đã yêu cầu ông nên tìm một vị trí làm việc có lợi nhất. Myers lúc đó có hai lựa chọn - hoặc là vào làm việc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hoặc là tiếp tục tìm cách thăng tiến tại Bộ Ngoại giao. Theo lời bà Gwendolyn kể lại với điệp viên giả dạng của FBI, chồng của bà sau nỗ lực vào làm việc tại CIA bị thất bại năm 1982 đã quyết định tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao. Tại CIA, các nhân viên thường phải kiểm tra định kỳ qua máy phát hiện nói dối, nên Myers lo ngại những biện pháp này.
Thành công nhờ sự kín đáo
Myers đã tận dụng vị trí của một nhân viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Bộ Ngoại giao để tiếp cận được với nhiều tài liệu thuộc loại tuyệt mật hồi đầu những năm 80 thế kỷ trước. Cũng trong thời gian này, tình báo Cuba đã cung cấp cho ông một chiếc máy phát vô tuyến Sony phục vụ cho việc liên lạc. Cần nói thêm là người Mỹ đã phát hiện ra một chiếc máy tương tự như vậy khi bắt giữ nữ điệp viên Ana Montes của Cuba vào năm 2001. Điệp viên này là một chuyên gia phân tích kỳ cựu tại Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ và đã cung cấp tài liệu cho Cuba trong suốt 15 năm.
Vợ chồng Myers, theo lời của chính họ, cũng đặc biệt ngưỡng mộ Montes. Cũng như điệp viên này, Kendall Myers không bao giờ mạo hiểm mang tài liệu mật ra khỏi kho lưu trữ - ông chỉ nhớ thông tin cần thiết và ghi những chi tiết quan trọng vào giấy để cất trong tủ làm việc của mình. Để trao đổi thông tin với các điệp viên Cuba, vợ chồng Myers thường tới châu Mỹ Latinh như Mexico, Argentina, Brazil v.v... Họ cũng có nhiều lần gặp gỡ với các điệp viên ngay trên lãnh thổ nước Mỹ.
Theo thừa nhận của Gwendolyn Myers khi bị thẩm vấn, bà thường ấn định những cuộc gặp tại các siêu thị, là nơi việc trao đổi thông tin có thể dễ dàng nhờ việc đánh tráo những chiếc xe đẩy hàng. Chiến thuật đơn giản này hóa ra lại rất thành công trong suốt nhiều năm. Trong vài năm cuối, nhà Myers còn sử dụng hộp thư điện tử để chuyển giao thông tin cho tình báo Cuba. --PageBreak--
Đến năm 1999, Kendall Myers đã trở thành một điệp viên cực kỳ giá trị, có khả năng tiếp cận những thông tin được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Hai năm sau, Myers còn được chuyển sang làm nhân viên Phòng Tình báo và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao, là nơi ông làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007. Những dữ liệu thu được từ máy tính của Myers cho thấy, chỉ riêng trong năm công tác cuối cùng của mình, Myers đã tiếp cận được với hơn 200 tài liệu khác nhau về Cuba, phần lớn trong số này đều được xếp vào loại tuyệt mật.
Cũng nhờ những chiến công này, Myers đã được phía Cuba tặng thưởng nhiều huân chương. Theo lời khai của hai vợ chồng, hồi năm 1995 họ còn được vinh dự bí mật sang Cuba và trực tiếp gặp gỡ với thần tượng của mình - Chủ tịch Fidel Castro.
Dù không phải là người biết cách nói dối và ứng đối nhanh lẹ, nhưng Myers vẫn hoạt động an toàn trong suốt nhiều năm nhờ sự kín đáo của mình. Nhiều người bạn lâu năm của ông đều thực sự bất ngờ khi biết tin Myers là một điệp viên của Cuba. "Bất cứ ai biết đến ông ta đều coi sự dính líu của ông ấy là không thể hiểu nổi. Chuyện này hoàn toàn không giống như tính cách của ông ấy" - đó là nhận xét của David Calleo người từng làm việc với Myers tại Trường đại học Tổng hợp John Hopkins và quen biết ông gần 40 năm.
Nhiều đồng nghiệp khác của vợ chồng nhà Myers cũng cho biết, họ chưa bao giờ thấy hai người này nói chuyện về Cuba hay thậm chí về đề tài Mỹ Latinh. Đặc điểm này không khiến cho các đồng nghiệp ngạc nhiên vì theo họ đó là chuyện hoàn toàn tự nhiên - Myers là chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ với châu Âu.
Một ví dụ về thất bại nặng nề của mật vụ Mỹ
Nhưng bất ngờ từ phía đồng nghiệp và hàng xóm cũng không thể sánh được với sự "muối mặt" từ phía các cơ quan mật vụ Mỹ. Câu hỏi chủ yếu trong vụ việc này được công chúng quan tâm là, vì sao mật vụ Mỹ trong suốt 3 thập niên đã không thể phát hiện và bắt giữ Myers. Những hành động để các bản ghi thông tin mật trong tủ làm việc, ghi nhật ký và nhất là chuyện tin tưởng một điệp viên xa lạ qua tự giới thiệu - tất cả cho thấy Myers hoàn toàn không phải là một điệp viên xuất sắc trên phương diện kỹ năng tác nghiệp.
Lần đầu tiên, Myers bị nghi ngờ là vào năm 1995, khi giới lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã để ý tới khả năng đã bị rò rỉ thông tin. Tuy nhiên, việc điều tra cụ thể đối với ông đã không được triển khai cho tới năm 2006. Một số nhà phân tích cho rằng, đóng vai trò định mệnh trong số phận của Myers chính là bài diễn thuyết mà ông này đã đọc tại Trường đại học Tổng hợp John Hopkins vào tháng 11 năm đó. Khi đó, Myers đã bàn luận về mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Anh, đồng thời phê phán gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, là nơi Kendall Myers đã khai thác tài liệu mật cho Cuba trong suốt 30 năm. |
"Cái gọi là những mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta chỉ là chuyện huyền thoại" - Myers đã tuyên bố như vậy, đồng thời bổ sung thêm rằng, Tony Blair (Thủ tướng Anh khi đó) đã chẳng nhận được lợi lộc gì khi ủng hộ việc Mỹ đưa quân vào Iraq. Những bình luận này của Myers đã khiến giới lãnh đạo Bộ Ngoại giao nổi giận thực sự. Họ đã phải lên tiếng bào chữa đây chỉ là một ý kiến cá nhân của một chuyên gia nghiên cứu, chứ không phải quan điểm của chính quyền Mỹ. Bản thân Kendall Myers cũng ngay lập tức được gọi lên gặp cấp trên để giải thích về những phát biểu này.
Sau vụ việc này, FBI đã tập trung nghiên cứu tính cách của Myers. Nhưng vợ chồng ông vẫn sống tự do một thời gian dài sau đó. Mãi tới giữa tháng 4 năm nay, cơ quan mật vụ mới quyết định cử một điệp viên giả danh gặp Myers nhằm xác định chân tướng thực sự của ông. Kết quả đã vượt quá mọi sự mong đợi cũng chỉ vì sự cả tin của Myers - chỉ sau 3 cuộc gặp, ông đã kể cho người quen mới này về tất cả mọi thứ. Số lượng thông tin mà điệp viên giả danh này thu được được đánh giá là quan trọng và nhiều hơn cả những gì FBI đã có suốt 3 năm điều tra.
Myers còn chia sẻ với nhân viên FBI về một giấc mơ thầm kín - đó là cùng vợ được trở về Cuba trên một chiếc thuyền buồm. "Cuba là tình yêu của tôi!" - đó là câu trả lời của điệp viên này về động cơ suốt 30 năm hoạt động cho Hòn đảo tự do.
Điều đáng chú ý là vụ bắt giữ hai vợ chồng điệp viên này lại diễn ra vào đúng thời điểm Nhà Trắng đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, điều đã không hề được cải thiện kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Hai tháng trước, Tổng thống Barack Obama đã phê chuẩn một loạt các giải pháp được đánh giá nhằm đẩy nhanh tiến trình gỡ bỏ cấm vận thương mại mà Washington đã thiết lập để chống lại Cuba từ hơn nửa thế kỷ qua. Chắc chắn biến cố này sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể tới nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
David Christ, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia, đã đánh giá những hậu quả hoạt động tình báo của vợ chồng nhà Myers là "mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng" đối với an ninh của nước Mỹ. Còn một quan chức cao cấp giấu tên tại Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố, nước Mỹ đã phải chịu một tổn thất rất lớn từ vụ việc này, chưa kể những hậu quả còn tiếp diễn trong tương lai sẽ không thể lường trước.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, với những cáo buộc về tội chuyển giao tài liệu mật của quốc gia cho nước ngoài, vợ chồng nhà Myers rất có khả năng phải nhận mức án tối đa lên tới 35 năm tù