Captagon, ma dược của phiến quân Hồi giáo
Không những các chiến binh tại Syria mà nhiều người dân trong Vùng Vịnh đều nghiện captagon. Được sản xuất vào thập niên 60 thế kỷ trước, thoạt đầu captagon được chỉ định để điều trị chứng hiếu động, ngủ rũ và trầm cảm.
Hiện nay thuốc này đã bị cấm nhưng nó lại trở thành loại thuốc kích thích. Việc sản xuất captagon đã bùng nổ tại Syria, người ta chỉ cần một chút kiến thức cơ bản về hóa học và vài cái cân, còn bọn buôn lậu lợi dụng sự hỗn độn ở đấy từ năm 2011.
Theo một cuộc điều tra của Hãng Reuters, tiền bán loại ma túy này giúp các lực lượng tham chiến trang bị vũ khí, tài trợ cho các chiến dịch quân sự, và những chiến binh cần đến captagon như một phương cách chịu đựng chiến đấu lâu bền, không lo sợ hay mệt mỏi.
Một bao đựng 200.000 viên thuốc bán ra 1,2 triệu USD, trong khi chỉ cần vài ngàn đôla để chế ra lượng thuốc đó. Trên thị trường Syria, 1 viên captagon có giá từ 5-20 USD.
Việc tiêu thụ captagon đã gia tăng dữ dội từ sau khi cuộc bạo loạn biến thành nội chiến, kể cả ở dân thường, những người thường xuyên phải chịu đựng áp lực tâm lý và kinh tế.
Sự bành trướng của captagon đã lan ra khắp Vùng Vịnh; Arập Xêút là nước có sức cầu lớn nhất. Năm 2011, lượng captagon tịch thu được tại nước này chiếm 21% trên khắp thế giới.
Syria nằm trên giao lộ giữa Trung Đông và Vùng Vịnh. Tháng 5/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu được 7 triệu gói captagon từ Syria chuyển đến Arập Xêút. Syria đã chiếm vị trí sản xuất hàng đầu của Liban và một số phòng thí nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng chuyển sang Syria. Do vậy loại ma túy này được vận chuyển đến Arập Xêút, Kuweit và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất.
Thuốc captagon. |
Năm 2013, Liban đã tịch thu được 12,3 triệu gói; hơn 6,5 triệu gói bị bắt giữ tại Dubai trong tháng 12 và 17 triệu gói vào tháng 4. Nhưng captagon không chỉ là loại thuốc trên chiến trường. Việc buôn lậu thuốc đã trở thành một ngành kinh tế chiến tranh. Dân quân Syria tiêu thụ một phần nhưng phần lớn xuất khẩu ra nước ngoài.
Viên thuốc màu trắng đó giúp người ta quên đi cơn đau và sự sợ hãi. Các chiến binh IS cũng như tổ chức Al-Nosra và binh sĩ của Đạo quân Syria Tự do (ASL) đều dùng nó để lấy can đảm.
Tác dụng của captagon rất đa dạng theo lời một tay buôn: "Bạn sẽ chiến đấu không mệt mỏi, bạn đi thẳng về phía trước, không biết đến sợ hãi. Các chiến binh dùng nó để kiểm soát thần kinh và tăng cường khả năng tình dục. Bất chấp luật Hồi giáo ngăn cấm việc sử dụng nó, giờ đây mọi người không đếm xỉa đến luật lệ tôn giáo nữa".
"Bạn quên đi mọi người, bạn có ảo giác, mọi việc tốt đẹp hơn, bạn có rất nhiều ý tưởng, tư duy của bạn được cải thiện. Tựa như chẳng còn ai hiện hữu nữa" - Khaled, một thanh niên 19 tuổi nghiện captagon, giải thích.
Còn nhà tâm thần học Ramzi Haddad cho biết: "Captagon tạo ra một thứ hưng phấn. Bạn trở nên hoạt bát, không cần ngủ, không cần ăn, nhưng luôn tràn đầy sức lực".
Một sĩ quan trong đội bài trừ ma túy ở Homs kể: "Chúng tôi đánh đập chúng (những chiến binh đối phương) nhưng chúng chẳng hề cảm thấy đau. Một vài tên còn cười trong khi chúng tôi đánh rất mạnh. Chúng tôi phải bỏ mặc chúng trong 48 giờ để tác dụng của captagon hết đi, sau đó việc thẩm vấn sẽ dễ hơn".
"Hàng trăm tên IS lao đến và la hò. Chúng đã say thuốc nên chúng không sợ chết. Phải bắn đến viên đạn thứ 6 chúng mới ngã xuống" - một chiến binh Kurd kể lại sau khi giao chiến cùng chiến binh IS.
Tại Mỹ, có lúc captagon được xem như dược phẩm nhưng sau đó đã bị cấm do tác dụng gây nghiện quá mạnh, và năm 1986, Cơ quan Quản lý dược phẩm Mỹ đã xếp nó vào những chất tâm thần. Việc sản xuất đã ngưng từ năm 1987, nhưng mới đây cái tên captagon lại hồi sinh ở… Pháp.
Qua cuộc điều tra cá nhân, phóng viên Pierre Ballester nhắc lại lời của Jacques Mombet, bác sĩ đội tuyển bóng bầu dục Pháp từ năm 1975-1995. Theo lời ông, mỗi cầu thủ đều có 1 viên captagon trên đĩa trong mỗi bữa ăn trước trận, và trận nào cũng thế. Họ dùng captagon, thỉnh thoảng là Maxiton".
Để nói đến hiệu quả của thuốc, bác sĩ nhắc lại trận Pháp - New Zealand năm 1986 với chiến thắng thuộc thuộc về đội Pháp: "Đội Blacks (New Zealand) nhận thấy rằng đối thủ của họ không giống như tuần trước. Thế là họ kiện lên Ủy ban Bóng bầu dục quốc tế. Tôi nghĩ rằng từ đó loại amphétamine này bị cấm trong môn bóng bầu dục".
Từ năm 2011, captagon lại được điều chế tại Bulgaria, trong một phòng thí nghiệm của NATO. Theo Hãng thông tấn Nga Ria Novosti, loại thuốc này đóng vai trò quan trọng trong "mùa xuân Arập". Việc sử dụng nó giải thích phần nào cho "sự cuồng nhiệt của đám đông ở Tunisia, Ai Cập và Libya".
Captagon cũng được phân phát cho những người biểu tình tại quảng trường Maidan (Kiev), và lực lượng Ukraine cũng dùng nó để kích thích chiến binh trong các chiến dịch phản công phe ly khai ở miền Đông Ukrainae. Nhưng thông tin này không được kiểm chứng một cách độc lập.
Khi được phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria đã bác bỏ sự hiện diện của một phòng thí nghiệm NATO ở nước này. "NATO là một tổ chức phòng thủ tập thể mà Bulgaria là thành viên, nhưng việc sản xuất captagon cũng như mọi loại hóa chất tâm thần khác không nằm trong hoạt động cũng như mục tiêu của NATO".
Tuy nhiên, Bulgaria đã có một lịch sử lâu dài với captagon. Vào những năm 80 thế kỷ trước, Sofia đã nhập khẩu một lượng nhỏ captagon từ CHLB Đức trước khi tự bào chế theo quy mô công nghiệp nhưng bất hợp pháp. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, các kênh phân phối và điểm sản xuất vẫn còn tồn tại trong thời gian dài.
Việc kinh doanh captagon đã tạo ra các nhóm mafia trong nước và đã bành trướng rộng rãi cho đến khi Bulgaria sáp nhập vào EU năm 2007. Từ đó việc điều chế được chuyển sang Trung Đông, đặc biệt là Syria, nơi không hề có sự kiểm soát. Tuy nhiên, một số chuyên gia Bulgaria đã sang thế giới Arập để bán… kiến thức của mình.
Tháng 11/2014, một chuyên gia Bulgaria 47 tuổi bị bắt tại Liban. Theo tờ Dnevnik, ông ta là một trong số các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bào chế ma dược captagon.