Châu Âu và Mỹ mở cuộc tấn công vào các thị trường đen trên internet

Thứ Tư, 17/12/2014, 08:20
Ngày 17/11 vừa qua, giới chức chính quyền Mỹ và châu Âu thông báo cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các thị trường đen (Darknet hay Dark Web) đang nở rộ ngày càng nhiều trên Internet, xóa bỏ 410 website và bắt giữ 17 người vì tội buôn bán ma túy, vũ khí và cung cấp các dịch vụ bất hợp pháp cho những người mua trên toàn thế giới sử dụng mạng ẩn danh "củ hành" Tor. Chiến dịch phối hợp Onymous (Hữu danh) - bao gồm Mỹ và 16 nước thành viên châu Âu - đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực làm trong sạch mọi ngõ ngách trên Internet.

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng kinh doanh trên Internet sẽ không bị cảnh sát sờ gáy nhờ vào mạng ẩn danh Tor - loại hình dịch vụ che giấu địa chỉ IP người dùng và vị trí các máy chủ. Mọi thông tin lưu thông trên Tor đều được mã hóa và truyền tải qua nhiều máy chủ trung gian khác nhau để xóa dấu vết đồng thời bảo mật dữ liệu. Song hiện nay, một số chuyên gia an ninh cho rằng khả năng ẩn danh của Tor đã bị vô hiệu hóa sau khi liên minh các cơ quan hành pháp phương Tây sử dụng những công nghệ cực kỳ tinh vi để tấn công vào "Web đen". "Chiến dịch Hữu danh" - tên gọi có nghĩa chống lại sự ẩn danh - dẫn đến việc bắt giữ một người đàn ông ở San Francisco tên là Blake Benthall, 26 tuổi, mang mật danh "Defcon" với tội danh điều hành thị trường đen trực tuyến Silk Road 2.0. Trang web này - với 13.000 giao dịch mua bán hàng hóa cấm - bắt đầu hoạt động cách đây 1 năm, tức chỉ 1 tháng sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đánh sập "tiền bối" Silk Road.

Mạng ẩn danh Tor.

Trước khi bị xóa sổ, Silk Road 2.0 kiếm được 8 triệu USD mỗi tháng từ hoạt động bán ma túy. Benthall bị buộc nhiều tội danh khác nhau như rửa tiền, đột nhập máy tính và có thể phải lĩnh án tù chung thân. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sau vụ bắt giữ Benthall, một web đen khác sẽ tiếp tục xuất hiện có lẽ với tên gọi là Silk Road 3.0 Reloaded! Những giao dịch mua bán trực tuyến thông qua Tor bằng tiền ảo như là bitcoin đã gây khó khăn không ít cho công việc điều tra dấu vết của cảnh sát. Số lượng bitcoin bị cảnh sát bắt giữ trị giá đến 1 triệu USD và 180.000 euro tiền mặt cùng với ma túy, vàng và bạc.

Theo Tổ chức Cảnh sát châu Âu Europol, các website đen - mang tên: "Hackintosh" và "Pablo Escobar Drug Store" - được phát hiện ở Anh, Đức, Pháp, Bugaria, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ v.v… Troels Oerting, lãnh đạo Trung tâm Tội phạm mạng châu Âu (EC3) trực thuộc Europol, cho biết: "Chúng tôi không chỉ xóa bỏ các dịch vụ bất hợp pháp này ra khỏi Internet, mà lần này còn tấn công mạnh vào Darknet sử dụng mạng Tor được bọn tội phạm từ lâu tin tưởng sẽ né tránh được cảnh sát. Điều đó cho thấy bọn tội phạm bây giờ không còn là vô hình nữa. Bọn chúng có thể chạy trốn nhưng không thể ẩn nấp an toàn nữa".

Tiền ảo bitcoin được sử dụng trên Darknet.

Tor là chữ viết tắt của "The Onion Router" (Bộ định tuyến củ hành) do thông tin được tuyền qua Internet được bao bọc nhiều lớp mã hóa giống như có nhiều lớp vỏ củ hành để che đậy dấu vết người dùng. Ban đầu Dự án Tor được phát triển bởi Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ và do một tổ chức phi lợi nhuận điều hành với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tor được sử dụng phổ biến trong giới hoạt động nhân quyền bất chấp dịch vụ này có một số hạn chế. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, vẫn có cách để xác định được người dùng Tor - một tiến trình gọi là "giải ẩn danh hóa". Trong một email, Giám đốc điều hành Dự án Tor - Andrew Lewman - tuyên bố ông không tha thứ cho hành vi sử dụng mạng vào những mục đích bất hợp pháp và cũng không biết lực lượng hành pháp phát hiện những cá nhân điều hành website vi phạm pháp luật như thế nào. Lewman cũng khẳng định: Tor không dính líu đến dù trực tiếp hay gián tiếp đến Europol hay các lực lượng hành pháp khác.

Thông báo website Silk Road 2.0 đã bị xóa sổ.

Cuộc điều tra của Mỹ và châu Âu kéo dài 2 năm nhưng việc đánh sập các website bất hợp pháp chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ. Các lệnh tòa án cũng như lệnh khám xét đều được sử dụng trong "Chiến dịch Hữu danh". FBI cùng với các đối tác châu Âu từ chối giải thích chiến dịch được tiến hành như thế nào cũng như các công cụ công nghệ được sử dụng. Tuy nhiên, cựu công tố viên liên bang Mỹ Joseph DeMarco không dám chắc một "giải pháp toàn cầu" như thế có thể chặn đứng hoàn toàn được những giao dịch bất hợp pháp trên mạng Tor. Joseph cho rằng: "Luôn luôn có cuộc chạy đua vũ trang gay cấn giữa bọn xấu và lực lượng hành pháp".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.