Chỉ mới tiêu hủy được “phần nổi của tảng băng” vũ khí hóa học?
- Mỹ hoan nghênh Nga hoàn thành loại bỏ vũ khí hóa học
- Nga tố Mỹ không tiêu hủy vũ khí hóa học đúng cam kết
- Cảnh sát Iraq đột kích xưởng sản xuất vũ khí hóa học IS ở Tal Afar
Đối chiếu với lời cam kết sẽ phá hủy hoàn toàn 40.000 tấn vũ khí hóa học trước năm 2020 thì nước Nga đã thực hiện lời cam kết quan trọng này trước thời hạn.
Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi hy vọng nỗ lực của Nga trong việc loại bỏ vũ khí hóa học sẽ là một ví dụ cho các nước khác vì cùng với Nga, Mỹ cũng sở hữu những kho vũ khí hóa học lớn nhất, tuy nhiên, Mỹ đã không tuân thủ nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các điều khoản xử lý vũ khí hóa học"…
Từ "cuộc chiến giữa các nhà hóa học"…
Tháng 3-2017, Mikhail Babich - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về giải trừ vũ khí hóa học của Nga - cho biết, gần 70.500 tấn vũ khí hóa học được dự trữ trên khắp thế giới, trong đó 40.000 tấn ở Nga và 27.000 tấn ở Mỹ, số còn lại ở những nước khác. Nga là một trong những nước đầu tiên ký kết Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học (Công ước về Vũ khí hóa học - CWC). Công ước này được Nga đặt bút ký vào ngày 13-1-1993 và phê chuẩn vào ngày 5-11-1997.
Những vũ khí hóa học cuối cùng của Nga được mang đi tiêu hủy. |
Năm 2002, Nga bắt đầu vận hành nhà máy chuyên tiêu hủy vũ khí hóa học đầu tiên và sau đó mở thêm các nhà máy khác lần lượt vào các năm 2007, 2009, 2010 và 2013. Đến năm 2015, khoảng 92% kho chất độc đã bị tiêu hủy cùng với việc chuyển đổi mục đích sử dụng những nhà máy từng sản xuất vũ khí hóa học.
Vào tháng 3 năm nay, Nga đã tiêu hủy kho khí độc cuối cùng và đến tháng 6, Nga tự hào tuyên bố không còn sở hữu chất độc thần kinh sarin. Trong khi đó, Mỹ công bố đã phá hủy 90% kho vũ khí hóa học của thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 2.600 tấn khí mù tạt tại kho lưu trữ vũ khí hóa học ở bang Colorado và 523 tấn khí độc thần kinh tại cơ sở ở bang Kentucky, nơi Lầu Năm Góc dự định sẽ cho tiêu hủy trong khoảng từ năm 2019 đến 2023.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đặc biệt là vũ khí sinh học và hóa học, được xem là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh thế giới. Chúng dễ vận chuyển, dễ chế tạo, giá thành rẻ và vì thế trở thành những loại vũ khí hoàn hảo cho những quốc gia bất hảo và những kẻ khủng bố. Một người với kiến thức cơ bản về hóa học hay sinh học cũng có thể biết cách chế tạo những loại vũ khí này với số lượng lớn.
Chúng có thể phát nổ ngay trên đường phố đông đúc hay trong một thùng rác bằng thiết bị điều khiển từ xa. Trong khi đó, khả năng phát tán của chúng lại rất khó kiểm soát, cũng như không có đủ vắcxin hay đồ bảo hộ để bảo vệ một thành phố đông đúc khỏi một cuộc tấn công quy mô nhỏ, chứ chưa nói đến những cuộc tấn công lớn hơn. Loại vũ khí này càng trở nên nguy hiểm nếu chúng rơi vào tay những tổ chức khủng bố hoặc các nhân tố phi quốc gia khác, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa khiến mọi công đoạn đều trở nên dễ dàng hơn.
Chiến tranh Thế giới thứ I lần đầu tiên chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hóa học, đáng kể nhất là vụ tấn công bằng clo - loại khí gây ngạt thở và làm tổn hại các mô trong cơ thể - được quân đội đế quốc Đức sử dụng với quy mô lớn ở làng Ypres của Bỉ vào tháng 4-1915.
Trong 7 ngày, từ ngày 5 đến 11-4-1915, những tốp lính Đức bí mật chở hàng ngàn chiếc bình vào chôn trong trận địa, cứ 20 bình họ chôn thành 1 hàng, khoảng 50 hàng dàn suốt khoảng 1.000m chiều rộng của trận địa. Tổng cộng họ đã chôn 5.730 bình to nhỏ khí độc clo, với trọng lượng tổng cộng lên đến 180 tấn.
6 giờ 5 phút sáng ngày 22-4-1915, quân Đức bắt đầu thực hiện cuộc tấn công. Những người lính trong hàng ngũ liên quân Anh - Pháp nhìn thấy "bức tường khí màu vàng từ từ di chuyển" về phía họ, cùng lúc đó, lính Đức nhảy ra khỏi chiến hào đồng loạt xung phong. Cả một vùng trận địa bị bao phủ bởi "bức tường mây khói" huyền ảo màu vàng trắng, lại được những cơn gió mùa thổi thẳng vào trận tuyến của liên quân Anh - Pháp. Chưa kịp định thần xem điều gì đang xảy ra thì những người lính Anh-Pháp bắt đầu hắt hơi, ho khan, nước mắt chảy ra không ngừng, có người ngạt thở ngã lăn ra đất.
Lúc đó trận địa trở nên hỗn loạn, nhiều người lính vứt súng, pháo, bỏ chiến hào chạy trốn khỏi chiến trường, trận địa của liên quân nhanh chóng bị chọc thủng. Lợi dụng kết quả của cuộc tập kích bằng khí độc, quân Đức tiến công ngay sau đám khói độc nên không hề gặp phải bất kỳ sự phản kháng nào của liên quân. Chỉ sau không đầy 40 phút và bằng một lần tiến công duy nhất, họ đã tiến vào sâu trong trận địa của liên quân đến khoảng 4.000m.
Quân Đức sử dụng khí độc Clo trong trận địa ở Bỉ, Thế chiến thứ I. |
Trong lần tập kích bằng vũ khí hóa học này, quân Đức đã làm cho liên quân Anh - Pháp bị tổn thất nặng nề, có khoảng 15.000 người bị trúng độc, trong đó 5.000 người tử vong, 5.000 người bị bắt làm tù binh, bị mất hơn 60 khẩu đại pháo và hơn 70 súng máy hạng nặng. Cuối cuộc chiến, khoảng hơn 90.000 lính đã chết bởi khí độc, hơn 1 triệu lính khác bị thương tật, trong đó, nhiều người bị mù vĩnh viễn. Hậu quả thảm khốc này đã khiến nhiều nhà sử học phải gọi Thế chiến thứ I là "cuộc chiến giữa các nhà hóa học".
Thế chiến thứ I kết thúc, Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) được thành lập. Năm 1925, Hội Quốc Liên đã thảo ra Nghị định thư Geneva (hiệu lực từ năm 1928 đến tháng 5-2013) liên quan đến việc sử dụng các chất gây ngạt thở, ngộ độc trong chiến tranh và các biện pháp sinh học. Nghị định thư khi ấy ra tuyên bố: "Hành động sử dụng vũ khí hóa học bị các quốc gia văn minh lên án".
Tuy nhiên, Nghị định thư không nêu rõ là "vũ khí hóa học hoàn toàn không còn được sử dụng trong chiến tranh"; chỉ "cấm sử dụng" chứ không cấm việc sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học. Vì thế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã sản xuất, lưu trữ khối lượng vũ khí hóa học khổng lồ.
Theo Paul Walker, Giám đốc tổ chức vì môi trường Green Cross, thì đến cuối những năm 1970 "cả hai nước đã nhận thấy họ không còn cần đến chúng để sử dụng cho một mục tiêu chiến tranh" vì thế, sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Washington và Moscow đã ký Hiệp ước vũ khí hóa học, tiến tới dần hủy bỏ kho vũ khí này của hai nước.
…đến hiểm họa nằm dưới lòng đại dương
Theo Tạp chí Science Alert, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và thời kỳ hai khối Đông - Tây đối đầu, ít nhất đã có 1 triệu tấn vũ khí hóa học được các quốc gia tham chiến tranh xả xuống đáy đại dương. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, số vũ khí đó sẽ sớm trở thành "hiểm họa to lớn" cho toàn nhân loại, đặc biệt với sự sống của đại dương. Do lớp vỏ kim loại chứa các hóa chất bị rỉ sét qua thời gian, chúng sẽ được giải phóng và hòa tan ra môi trường đại dương nhiều chất độc hại, gây nhiễm độc cho toàn bộ hệ sinh thái dưới nước.
Vùng biển Baltic là nơi quân đội Đồng minh cũng như Liên Xô vứt bỏ vũ khí hóa học sau Thế chiến thứ II. |
Tất nhiên, không chỉ có hệ sinh thái dưới biển bị ảnh hưởng mà còn rất nhiều sinh vật phụ thuộc khác vào hệ sinh thái đại dương, trong đó có con người.
Các nhà khoa học đến từ châu Âu trực thuộc chương trình khoa học Vì An ninh và Hòa bình (SPS) đã mất 3 năm để thiết lập các thiết bị giám sát và thu thập dữ liệu tại vùng biển Baltic. Chương trình nghiên cứu của nhóm có tên Monitoring of Dumped Munitions (MODUM) nhằm phân tích và tìm hiểu những nguy hiểm có thể xảy ra nếu các chất hóa học tràn ra khắp đại dương.
Dự án sử dụng kết hợp Robot lặn không người lái (AUVs) and Phương tiện di chuyển điều khiển từ xa (ROVs). Dựa trên những dữ liệu thu thập được, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tình trạng môi trường sống trong khu vực.
Đánh giá dựa trên các mô hình giả lập trên máy tính về những mối đe dọa có thể xảy đến tại các khu vực lân cận. Thách thức lớn nhất của dự án nghiên cứu là họ có trong tay rất ít hồ sơ thống kê chi tiết về số lượng, địa điểm và các loại vũ khí, bom đạn được chôn vùi dưới đại dương. Như vậy họ khó mà xác định và khoanh vùng những vùng biển cần theo dõi.
Biển Baltic - vùng biển rộng khoảng 422.000km2 ở phía tây bắc châu Âu, giáp với Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức và Đan Mạch - là nơi quân đội Đồng minh cũng như Liên Xô vứt bỏ vũ khí hóa học sau Thế chiến thứ II. Hơn 1,5 triệu tấn đạn pháo bị vứt bỏ - 90 tấn trong số đó là vũ khí hóa học - gần quần đảo Wadden.
Ở Skagerrak - nhánh của Bắc Hải, giữa Na Uy và bán đảo Jutland của Đan Mạch, dài 210km - quân đội Đồng minh đánh chìm ít nhất 45 chiếc tàu chở vũ khí hóa học. Cách đây 10 năm, nhà khoa học Nga Aleksander Korotenko đã dự đoán: Từ năm 2020 đến 2060, các hóa chất độc hại sẽ bắt đầu rò rỉ mạnh ra nước biển và chỉ chừng 16% trong số đó cũng đủ để tiêu diệt toàn bộ sự sống ở biển Baltic.
Cũng vào thời điểm sau Thế chiến thứ II, theo đề nghị của các nhà khoa học, quân đội đồng minh đã tiến hành chôn vũ khí hóa học ở Đại Tây Dương, cách quần đảo Faroe khoảng 200 hải lý. Anh và Mỹ kiểm soát 260.000 tấn vũ khí hóa học của Đức Quốc xã.
Ở Địa Trung Hải, sự tập trung lượng "rác hóa học" độc hại được tìm thấy gần thành phố Bari của Italia. Từ sau năm 1945, người ta ghi nhận có 232 sự cố xảy ra tại thành phố Bari do rác hóa học, trong đó đặc biệt là khí mù tạt. Một trong những hố rác vũ khí hóa học lớn nhất ở Bắc Hải nằm ở ngoài khơi nước Bỉ, không xa biên giới với Hà Lan.
Thời điểm hiện tại, các nhà khoa học chưa xác định được những hóa chất dưới đại dương sẽ phân hủy và rò rỉ như thế nào. Tuy nhiên, đã có những báo cáo chỉ ra sự rò rỉ hóa chất đang âm thầm diễn ra, ví dụ như hiện tượng những năm gần đây, khí lưu huỳnh (khí mù tạt) xuất hiện ở vùng bờ biển tiểu bang Delaware, Mỹ. Câu chuyện đáng sợ hơn thậm chí đã xảy ra cách đây hơn một thập niên.
Vào năm 1997, một nhóm ngư dân Ba Lan trong khi đi đánh bắt đã vô tình dính phải khí mù tạt, bốn người trong nhóm đã phải nhập viện vì bỏng và mụn nước. Theo các nhà khoa học, khí mù tạt không thoát ra dưới dạng khí mà biến thành khối nhầy nhớt có thể trôi dạt quanh các vùng biển trong nhiều năm liền. Khí mù tạt có thể nằm yên trong các thùng chứa dưới đáy biển suốt nhiều thập niên rồi sau đó chầm chậm rò rỉ ra môi trường gây ra nhiều hậu quả hết sức kinh khủng.
Kể từ sau khi Công ước London (1972) về ngăn ngừa ô nhiễm từ việc nhấn chìm chất thải trên biển được thông qua, tình trạng chôn vùi vũ khí, đạn dược sau hai cuộc chiến tranh thế giới đã dần có biến chuyển. Hiện nay, Nga đã giải mật một phần các tài liệu về kế hoạch vứt bỏ vũ khí hóa học của nước này trong khi những tài liệu tương tự ở Anh và Mỹ cũng sẽ được công bố trong năm nay.