Chiến công của điệp viên Georgi Bolshakov trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba

Thứ Ba, 15/01/2019, 14:41
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, từng có một điệp viên của Cơ quan tình báo quân sự (GRU) có được công lao đặc biệt quan trọng không kém gì điệp viên huyền thoại Richard Sorge, khi đảm nhiệm vai trò một kênh liên lạc hữu hiệu giữa nguyên thủ quốc gia của hai siêu cường để có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba.

Những kết quả nghiên cứu được công bố sau này của Viện sĩ Lịch sử Alexander Fursenko đã giúp làm sáng tỏ rất nhiều về sự đóng góp đặc biệt của điệp viên có tên Georgi Bolshakov này…

Georgi Bolshakov sinh năm 1922 tại Moskva trong một gia đình viên chức ngành đường sắt. Tốt nghiệp phổ thông vào năm 1941, ông đăng ký vào học khóa đào tạo phiên dịch quân sự tại Trường đại học ngoại ngữ Moskva. Khi cuộc chiến tranh vệ quốc nổ ra, Bolshakov được điều vào phục vụ trong quân đội, làm phiên dịch viên tại một trung đoàn, trước khi trở thành trợ lý cho chỉ huy một đơn vị quân báo của sư đoàn. Nhờ có khả năng tốt, ông tiếp tục được cấp trên cử đi đào tạo nâng cao tại một loạt trường khác nhau: khóa đào tạo hoàn thiện sĩ quan tình báo, Trường cao đẳng tình báo của Bộ tổng tham mưu và sau cùng là Học viện Ngoại giao quân sự.

Điệp viên Georgi Bolshakov.

Sau khi tốt nghiệp, Bolshakov được điều về phục vụ tại Cơ quan tình báo quân đội (GRU). Với mật danh Mark, ông bắt đầu hoạt động tại Mỹ dưới vỏ bọc một biên tập viên của cơ quan thông tấn TASS tại New York và Washington từ năm 1951 đến 1955. Trong thời gian sống và làm việc tại New York, Bolshakov đã kết bạn với một vài nhà báo Mỹ, đáng chú ý trong đó có phóng viên Frank Holeman của tờ Daily News.

Sau khi trở về Liên Xô, Bolshakov được bổ nhiệm làm sĩ quan đặc nhiệm tại Bộ Quốc phòng, dưới quyền của nguyên soái Zukov. Ngoài sự ưu ái của Zukov, Bolshakov trong thời điểm này cũng thiết lập được những mối quan hệ khá rộng rãi trong các giới chức cao cấp, trong đó có cả việc kết bạn với con rể của Tổng bí thư Khrutsev. Chính mối quan hệ này đã giúp cho Bolshakov có điều kiện quay trở lại Mỹ công tác, cũng như tạo cơ hội cho vai trò trung gian lịch sử của ông về sau này.

Quay trở lại Mỹ với vỏ bọc một tùy viên văn hóa, Bolshakov tiếp tục nhiệm vụ giao lưu mở rộng quan hệ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đây là giai đoạn mối quan hệ Xô-Mỹ đang rất phức tạp, lại càng trở nên đặc biệt căng thẳng sau vụ Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ. Bolshakov được giao nhiệm vụ tập trung khai thác những thông tin quan trọng về kinh tế - chính trị - quân sự, cũng như dữ liệu về kế hoạch tấn công bất ngờ của Mỹ nhằm vào Liên Xô và các nước trong phe XHCN. Những thông tin được Bolshakov khai thác và chuyển về được trên đánh giá là khá xuất sắc.

Kênh liên lạc không chính thức Moskva - Washington

Tại Washington, Bolshakov gặp lại người bạn cũ trong chuyến công tác đầu tiên là Frank Holeman. Thực ra, đó không phải là lần tái hợp đầu tiên của họ: cả hai đã phối hợp khá chặt chẽ trong chuyến công du của phó tổng thống Richard Nixon (năm 1959) và sau đó là trong chuyến thăm của Khrutsev tới Mỹ.

Trong hồi ký về sau này, được công bố vào đầu năm 1989, tức là chỉ vài tháng trước khi qua đời, Bolshakov đã thổ lộ rằng, mối quan  hệ của ông với Holeman như những người thân trong nhà. Họ thường xuyên tới thăm nhau và bàn bạc về những vấn đề gay cấn nhất trong mối quan hệ Xô-Mỹ.

Holeman cũng có người bạn Edwin Hatmann đang là thư ký báo chí của Robert Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền mới. Ông đã kể cho bạn về những mối quan hệ của mình trong đại sứ quán Liên Xô, đặc biệt là với Bolshakov. Theo đề nghị của Hatmann (rất có thể từ sự gợi ý của Robert Kennedy), Holeman cần tổ chức một cuộc gặp riêng giữa ông ta với Bolshakov. Trước đề xuất của người bạn Mỹ, Bolshakov đã báo cáo lên trên nhưng chỉ nhận được câu trả lời duy nhất – không cho phép ông được gặp em trai của đương kim Tổng thống Mỹ.

Nhưng vào ngày 9-5-1961, Bolshakov vẫn mạnh dạn đồng ý gặp gỡ Robert Kennedy sau một lần sắp đặt chu đáo của Holeman. Cuộc gặp gỡ với người em trai của Tổng thống Mỹ đã kéo dài trong suốt 4 giờ. Kết quả là lời đề nghị của Robert nhằm thiết lập một kênh liên lạc không chính thức giữa lãnh đạo hai nước thông qua Bolshakov. Báo cáo của ông về vụ việc trên nhanh chóng được chuyển về Moskva và được điện Kremlin phê chuẩn sau một thời gian cân nhắc.

Kể từ thời điểm đó cho tới khi rời khỏi Mỹ vào tháng 12-1962, Bolshakov đã rất năng nổ trong việc thực hiện các chức năng của “kênh liên lạc không chính thức” giữa điện Kremlin và Nhà Trắng. Chỉ tính từ tháng 9-1961 cho đến tháng 9-1962, ông đã gặp Robert Kennedy tổng cộng hơn 40 lần, chưa kể những lần trò chuyện qua điện thoại.

Có thể thấy, việc Kennedy mong muốn một kênh liên lạc bí mật với giới lãnh đạo Xôviết đã cho thấy phần nào sự phức tạp của vị tổng thống trẻ ngay trong nội các của mình. Khi chiến dịch can thiệp tại vịnh “Con lợn” lâm vào tình cảnh bế tắc, theo như cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles viết trong hồi ký, ông ta tin rằng Kennedy sẽ hành động “đúng đắn”, tức là gửi thêm quân cứu viện của Mỹ để ngăn chặn thất bại. Đó vẫn là những trò thông thường của CIA vào thời điểm đó.

Nhưng lần này, có lẽ nhờ vào những thông tin từ kênh liên lạc với Moskva, Tổng thống Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn của mình. Kennedy kiên quyết nói không với hàng loạt những đề nghị mở rộng chiến dịch can thiệp. Thái độ này đã khiến Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tướng Lyman Lemnitzer đã tức tối buộc tội Kennedy đã sớm “giương cờ trắng đầu hàng”. Nhưng vị tổng thống trẻ tuổi vẫn không hề lay chuyển.

Chiến dịch “Anadyr”

Tháng 8-1961, cuộc khủng hoảng Berlin nổ ra, khi Mỹ điều 1.500 quân từ Tây Đức sang Tây Berlin. Nhiều quan chức thân cận của Kennedy đã bắt đầu cho rằng, chiến tranh hạt nhân là “một phương án mạo hiểm có thể chấp nhận được”.

Cũng chỉ một tháng sau, Liên Xô khôi phục lại các hoạt động thử vũ khí hạt nhân sau gần 3 năm tạm ngừng. Cuộc khủng hoảng lên cao tới đỉnh điểm sau khi hai bên dàn xe tăng đối diện nhau tại bức tường Berlin trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tổng thống Kennedy yêu cầu em trai mình gặp gỡ Bolshakov, chuyển giao thông điệp cho Khrutsev nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng. Kennedy cho rằng, hai bên cần phải rút toàn bộ số xe tăng khỏi khu vực trên để tránh xảy ra xung đột. Đề xuất trên đã được hai bên phối hợp kịp thời, khi lần lượt rút hết số xe tăng chỉ trong vòng 24 giờ sau.

Ngày 2-3-1962, Bolshakov và Robert Kennedy gặp nhau ngay bên ngoài Bộ Tư pháp Mỹ để bàn về khả năng tổ chức một cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa hai bên. Robert tìm cách thuyết phục Bolshakov rằng, anh trai mình không hề mong muốn khôi phục lại việc thử vũ khí hạt nhân, đồng thời sẵn sàng gặp lại Khrutsev.

Tuy nhiên Liên Xô vào thời điểm đó đã biết khá tường tận về những kế hoạch chiến tranh hạt nhân của Mỹ. Cơ quan tình báo quân sự đã báo cáo cho Khrutsev những thông tin đáng tin cậy khẳng định, Lầu Năm Góc đã có những bước chuẩn bị khá nghiêm túc cho kế hoạch tấn công hạt nhân chống Liên Xô. Những nguồn tin có được từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) cho biết, những vụ thử hạt nhân quy mô của Liên Xô đã khiến người Mỹ phải chùn bước trong các kế hoạch của mình vì họ cho rằng, tiềm năng hạt nhân của Moskva mạnh hơn nhiều so với dự tính ban đầu.

Trong khoảng thời gian giữa năm 1962, Bolshakov và Robert đã gặp nhau tổng cộng 7 lần, dù những nỗ lực của họ không giúp đạt được một tiến bộ nào trong các cuộc đàm phán Xô-Mỹ. Ngược lại, thông tin về những kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ, cùng với việc triển khai các căn cứ quân sự mới tại Italy và Thổ Nhĩ Kỳ của Washington đã khiến cho Moskva quyết định bắt đầu chiến dịch “Anadyr”, bí mật chuyển tên lửa tới Cuba để làm đối trọng với tiềm năng hạt nhân của Mỹ.

Cuối tháng 8, Bolshakov chuẩn bị nghỉ phép. Ngày 31-8, Robert mời ông tới nhà với lý do chia tay, nhưng cả hai sau đó cùng đi vào Nhà Trắng, nơi Tổng thống Mỹ đã chờ sẵn với lá thư riêng gửi cho Khrutsev.

Ông chủ Nhà Trắng còn nhờ nhắn nhủ thêm với nhà lãnh đạo Xôviết rằng, đã ra lệnh chấm dứt các chuyến bay giám sát những con tàu của Liên Xô hướng về Cuba. Khi về đến Moskva, Bolshakov mới được biết, Khrutsev đang đi nghỉ tại Pitsunda, trước khi ông được triệu tập ngay tới đây. Nhà lãnh đạo Xôviết đã hỏi han rất kỹ về khả năng Mỹ tấn công vũ trang vào Cuba, tình hình cụ thể tại Washingotn, nhất là về quyền lực thực sự của gia tộc nhà Kennedy trên chính trường Mỹ.

Ngay khi Bolshakov quay trở lại Washington vào ngày 3-10, Robert đã chờ đón ông với vẻ giận dữ. Người Mỹ cho rằng, Bolshakov đã cố tình đánh lừa họ về việc Liên Xô đã bí mật bố trí các tên lửa tại Cuba, trong khi bản thân họ gần như đã hoàn tất kế hoạch “Mongoose” nhằm can thiệp vũ trang lật đổ chính quyền Fidel Castro.

Nhờ có Bolshakov, Khrutsev và Kennedy đã tìm được tiếng nói chung để ngăn chặn nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân Xô – Mỹ.

Trong cuộc gặp trực tiếp với anh em nhà Kennedy sau đó vào ngày 23-10, Bolshakov được cho xem những bức ảnh chụp các tên lửa Xô Viết tại Cuba, đồng thời được đề nghị cho ý kiến về phương án có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông đã khẳng định với Tổng thống Mỹ rằng, hành động trên chỉ thuần túy mang tính chất phòng thủ, là sự phản ứng của Liên Xô trước việc Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng diễn ra vào ngày 27-10, sau khi tên lửa của Liên Xô bắn rơi chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ tại Cuba. Ngay chiều hôm đó, Robert Kennedy có cuộc gặp với đại sứ Liên Xô tại Liên Hợp Quốc và sau đó là với Bolshakov. Ông nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ sau khi ra lệnh phong tỏa Cuba, giờ đang trở thành “tù nhân từ chính những hành động của mình”, rằng bản thân cũng chỉ có thể “kìm hãm giới quân sự hành động trong vài ngày nếu không có tín hiệu phản hồi tích cực từ Moskva”.

Thông tin được chuyển ngay về Moskva, giúp cho cuộc khủng hoảng kịp thời được giải quyết: tên lửa và máy bay ném bom của Liên Xô được đưa khỏi Cuba, còn người Mỹ từ ngày 1-4-1963 đã dỡ bỏ các căn cứ tên lửa của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Kennedy ra lệnh tạm dừng chiến dịch “Mongoose”, dù về sau vẫn được tiếp tục triển khai một thời gian dài nữa, theo khẳng định của các nhà nghiên cứu Mỹ. Cũng trong năm 1963, Liên Xô và Mỹ ký thỏa thuận cấm thử một phần vũ khí hạt nhân.

Sứ mệnh lịch sử của Bolshakov đến đây là kết thúc, dù ông bị những người bạn Mỹ của mình cáo buộc đã cố tình đánh lừa giới lãnh đạo Mỹ về vấn đề tên lửa tại Cuba. Những bài báo về sứ mệnh đặc biệt của Bolshakov về sau đã xuất hiện trên những tờ báo hàng đầu của Mỹ, nhiều khả năng do sáng kiến của Robert Kennedy.

Sự nhìn nhận muộn màng

Trường hợp của Bolshakov cho thấy, tình báo đôi khi không chỉ là phương tiện để đánh lừa hay khai thác bí mật của đối phương, mà còn có thể là công cụ cảnh báo và điều hòa khủng hoảng cũng như xung đột. Nếu như điệp viên huyền thoại Richard Sorge trước đây từng nói, ông hoạt động tình báo không phải để chống lại nước Nhật và nhân dân Nhật, mà chỉ để chống lại cuộc chiến giữa Liên Xô và Nhật Bản; thì Bolshakov hoàn toàn có thể có vai trò như vậy trong việc ngăn cản chiến tranh Xô - Mỹ. Nhưng các quan chức GRU khi đó lại không coi Bolshakov có đóng góp gì lớn, mà đơn là chỉ là người chuyển giao thông tin giữa hai bên.

Sau khi trở về Liên Xô, Bolshakov có thời gian về làm việc cho Cơ quan thông tấn “Novosti” với hy vọng sẽ được tiếp tục sự nghiệp của mình nhờ sự nâng đỡ của Khrutsev. Tuy nhiên, việc Khrutsev buộc phải rời bỏ cương vị của mình vào tháng 10-1964 đã khiến người hùng trước đó không lâu của tình báo Xôviết bị ngó lơ và rơi vào quên lãng. Người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba qua đời một cách lặng lẽ vào năm 1989. 

Theo viện sĩ Fursenko, mãi đến tháng 5-1998, nhờ có sự tác động của Yevgeny Primakov (khi đó là giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại), Andrei Kokoshin (thứ trưởng bộ quốc phòng) và cả Vladimir Putin (phó chánh văn phòng tổng thống khi đó), Bolshakov mới được truy tặng huân chương danh dự dành cho chiến sĩ tình báo.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.