Chiến dịch “chảy máu chất xám” ở Iran của CIA

Thứ Sáu, 11/01/2008, 10:00
Chiến dịch mang mật danh “Chảy máu chất xám” được CIA dựng nên ở Iran vào năm 2005 trong nỗ lực tăng cường các hoạt động tình báo chống phá Iran của chính quyền Tổng thống George W. Bush.

Sau khi cộng đồng tình báo Mỹ công bố báo cáo đánh giá tình báo quốc gia năm 2007 (NIE 2007) với kết luận Iran đã ngưng chương trình vũ khí hạt nhân từ năm 2003, trái ngược hẳn với các đánh giá trước đây, báo chí Mỹ bắt đầu tung ra loạt thông tin xoay quanh nguồn gốc tin tình báo dẫn đến kết luận này.

Một trong những nguồn tin tình báo quan trọng làm nên báo cáo NIE 2007 là các trí thức người Iran đào tẩu theo một chiến dịch phá hoại của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mang mật danh làm"Chảy máu chất xám" ở Iran.

Chiến dịch mang mật danh “Chảy máu chất xám” được CIA dựng nên ở Iran vào năm 2005 trong nỗ lực tăng cường các hoạt động tình báo chống phá Iran của chính quyền Tổng thống George W. Bush.

Mục tiêu chung của chiến dịch này được cho là nhằm làm suy yếu năng lực toàn diện của Iran, trong đó quan trọng nhất là chương trình hạt nhân mà từ trước tới giờ Mỹ hầu như không nắm được thông tin nào do hoạt động quá hiệu quả của các cơ quan an ninh Iran, đặc biệt là cộng đồng tình báo khét tiếng của nước này.

Mặc dù cho đến nay, hiệu quả của chiến dịch này chưa thể khẳng định được, nhưng nó đã cho thấy chính quyền của ông Bush đã quyết liệt tìm mọi cách để đạt được mục tiêu là làm sụp đổ chế độ của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Xin nói thêm là các chiến dịch kiểu: “Chảy máu chất xám” được xem là một đặc trưng của các chiến dịch bí mật của CIA từ thời Chiến tranh lạnh cho đến nay vẫn không thay đổi.

Đó là CIA luôn tìm cách phá hoại các quốc gia thù địch hoặc các chế độ đối nghịch với Mỹ bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm làm suy yếu các quốc gia đó, trong đó hiểm độc nhất là đòn đánh vào “nguyên khí quốc gia” - tức thu hút, tuyển mộ đội ngũ trí thức, sĩ quan quân đội cao cấp và những thành phần ưu tú khác, những nhân tố chủ chốt trong công cuộc phát triển đất nước đối phương.

Chiến dịch “Chảy máu chất xám” xuất phát từ yêu cầu cấp bách của Nhà Trắng vào năm 2005 nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm những thông tin, bằng chứng cụ thể hơn về tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran.

Năm 2005 cũng là thời điểm mà cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bùng phát mạnh mẽ sau khi Tehran bất ngờ trục xuất các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc, đồng thời mở niêm phong tái khởi động nhà máy làm giàu uranium ở Natanz. Vì vậy chiến dịch này không chỉ là một nỗ lực tìm kiếm nhân sự lấp các lỗ hổng tình báo, mà còn phản ánh sự nôn nóng của Nhà Trắng về chương trình hạt nhân của Iran. Washington muốn có thông tin tốt hơn để củng cố cơ sở cho hành động cứng rắn chống Iran.

Ngay từ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, CIA đã thiết lập một đơn vị được gọi là "Nhóm đặc nhiệm về Iran", bao gồm gần 100 sĩ quan và nhà phân tích tình báo làm việc tại trụ sở CIA. Nhưng khi ông Bush lên nhậm chức, nhóm đặc nhiệm này bị thu hẹp lại và hầu như chỉ tồn tại một cách mờ nhạt.

Lúc này, Iran chưa phải là ưu tiên “chăm sóc” của cỗ máy an ninh, tình báo Mỹ. Mọi nguồn lực đã được tập trung vào “cuộc chiến” chống lại Iraq của Tổng thống Saddam Hussein. Nhưng không vì thế mà CIA bỏ qua các hoạt động do thám, theo dõi Iran.

Thế rồi năm 2003, sau khi đã “dẹp” xong ông Saddam Hussein, người Mỹ bắt đầu chuyển tầm ngắm sang Iran. Từ đó, "Nhóm đặc nhiệm về Iran" được phục hồi. Cách đây hơn hai năm (2005), CIA bắt đầu thiết lập một đơn vị chuyên trách về Iran nằm trong bộ phận các chiến dịch tình báo hải ngoại.

Và chiến dịch “Chảy máu chất xám” được hình thành, có cả sự tham gia của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) quản lý hệ thống vệ tinh nghe lén toàn cầu, và Văn phòng Thám báo Quốc gia (NRO) quản lý các vệ tinh tình báo. Khi đó, CIA do ông Porter Goss lãnh đạo (và đã từ chức ngay sau đó).

Bước đầu tiên của chiến dịch, CIA lập một danh sách hàng chục người được xem là mục tiêu tiềm năng có thể trở thành kẻ đào tẩu. Tiêu chí duy nhất mà CIA đặt ra cho các đối tượng này là “một khi họ ra đi sẽ gây ảnh hưởng làm chậm lại tiến trình sản xuất hạt nhân” của Iran.

Sẵn ngân sách dành cho các hoạt động tình báo hàng năm, CIA đặc biệt ưu đãi các đối tượng đào tẩu, như ngoài tiền thưởng kếch sù, kẻ đào tẩu còn được định cư ở một nước khác và được trợ cấp tài chính suốt đời - giống y như các chiến dịch tuyển mộ trí thức Liên Xô, Đông Âu mà CIA từng triển khai thời Chiến tranh lạnh.

CIA giữ bí mật tuyệt đối phương thức tiếp cận các đối tượng đào tẩu, danh tính và cho họ cư ngụ ở đâu nhằm bảo đảm an ninh cho họ. Theo các cựu điệp viên, CIA không bao giờ cho người của mình tiếp xúc trực tiếp với đối tượng mà phải thông qua trung gian là các cơ sở cài cắm sẵn bên trong Iran.

Các đối tượng trung gian này trước khi được tiếp xúc phải trải qua các bước dò xét, kiểm tra, thử thách hết sức nghiêm ngặt nhằm tránh bị “cài ngược”. Việc khai thác thông tin và bố trí định cư được CIA tiến hành với sự hỗ trợ của cơ quan tình báo các nước đồng minh (như Thổ Nhĩ Kỳ).

Rốt cuộc, sau hai năm triển khai, hiệu quả mà chiến dịch “Chảy máu chất xám” mang lại không là bao. Los Angeles Times dẫn nguồn cựu quan chức CIA cho biết, qua chiến dịch này, CIA chỉ tuyển mộ được khoảng 6 người Iran chạy trốn, và những thông tin mà họ cung cấp cũng chẳng gây tác dụng mấy, chẳng giúp Washington biết thêm gì về chương trình hạt nhân cũng như các hoạt động bí mật quốc gia của Iran.

Xem đi xem lại có lẽ chỉ có vụ đào tẩu của cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran tướng Ali Reza Asgari, bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2007, là nổi tiếng nhất. Nhưng, tờ Washington Post dẫn lời cựu sĩ quan CIA Philip Giraldi cho biết, Asgari đã được tình báo Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ từ năm 2003, và từ đó cho đến khi đào tẩu đã cung cấp nhiều thông tin cho không chỉ tình báo Thổ Nhĩ Kỳ mà cả CIA. Ông ta buộc phải đào tẩu nhân chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2 là bởi đã bị phản gián Iran phát hiện.

Những thông tin mà Asgari cung cấp từ năm 2003 đến đầu năm 2007 đã được CIA sử dụng làm nguồn chính, kết hợp với các nguồn khác (nghe lén điện thoại của các quan chức quốc phòng Iran) làm nên bản báo cáo tổng hợp NIE 2007.

Về vấn đề này, mặc dù về mặt chính thức CIA phủ nhận sự dính líu của Asgari, nhưng giới báo chí và cựu sĩ quan tình báo thì khẳng định CIA rất tin tưởng những thông tin do Asgari cung cấp, vì cho rằng Asgari nắm rõ các hoạt động hạt nhân của Nhà nước Iran

Nguyên Khang (theo Los Angeles Times)
.
.