Chiến dịch giải cứu chuyên gia tên lửa của Trung Quốc Tiền Học Sâm

Thứ Năm, 13/07/2006, 08:00

Năm 1935, Tiền Học Sâm sang Mỹ du học. Mười năm sau trở thành một trong số chuyên gia tên lửa đầu tiên của thế giới, đồng thời tham gia vào công trình nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử của Mỹ, mang mật danh "Công trình Manhattan".

Sau khi tin tức về việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời truyền tới Mỹ, Tiền Học Sâm và Tưởng Anh – người bạn đời của ông – không nén nổi xúc động, cùng nhau bàn bạc tìm cách sớm trở về phục vụ Tổ quốc.

Tuy nhiên điều bất ngờ là ông bị nhà cầm quyền Mỹ gây rất nhiều cản trở. Cục Di trú Mỹ đã khám xét nhà và bắt giữ ông 14 ngày. Sau đó Hải quan Mỹ đã tịch thu hành lý, trong đó có 800 kg sách và sổ công tác, ngụy biện rằng đó là những tài liệu cơ mật của quốc gia. Tin tức nói trên nhanh chóng truyền về nước. Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố lên án Chính phủ Mỹ vô cớ bắt giữ ông Tiền Học Sâm.

Thời gian này, Trung Quốc cũng đang tạm giữ một nhóm thường dân Mỹ vi phạm pháp luật Trung Quốc và 4 quân nhân Mỹ vi phạm bầu trời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ muốn giải cứu những người đó, nhưng lại từ chối trực tiếp tiếp xúc với đại diện của Trung Quốc.

Tháng 4/1954, tại hội nghị quốc tế nhóm họp ở Genève gồm 5 nước là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên Xô và Pháp để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Chu Ân Lai trưởng đoàn Trung Quốc nói: “Người Mỹ đã thông qua quan chức ngoại giao Anh để tiếp xúc với Trung Quốc, chúng ta nên tranh thủ thời cơ này để mở một kênh tiếp xúc mới...”.

Ngày 5/6, Vương Bỉnh Nam, Tổng thư ký đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đàm phán với Johnson, Phó quốc vụ khanh của Chính phủ Mỹ về vấn đề kiều dân 2 nước. Phía Mỹ trao cho phía Trung Quốc một bản danh sách người Mỹ đang bị phía Trung Quốc bắt giữ và yêu cầu trả lại tự do cho họ.

Để thể hiện thiện chí của mình, tại phiên họp thứ 3 ngày 15/6 cuộc gặp Trung - Mỹ, Chu Ân Lai chỉ thị cho Vương Bỉnh Nam nhượng bộ, đồng thời cũng yêu cầu phía Mỹ, đình chỉ việc bắt giữ Tiền Học Sâm và những công dân Trung Quốc khác ở Mỹ.

Phía Mỹ đã làm ngơ trước đề nghị đó. Ngày 21/7, Hội nghị Genève bế mạc. Để cuộc đàm phán không bị gián đoạn, phía Trung Quốc đề nghị với Mỹ tiếp tục duy trì cuộc gặp ở cấp lãnh sự tại Genève, đồng thời để tỏ rõ hơn thiện chí của mình, Trung Quốc phóng thích 4 viên phi công. Ngày 1/8/1955, cuộc gặp Trung - Mỹ chuyển từ cấp lãnh sự lên cấp Đại sứ.

Thiện chí của Trung Quốc là muốn nhanh chóng giải cứu cho một số nhà khoa học Trung Quốc du học tại Mỹ, trong đó có Tiền Học Sâm, nhưng Trưởng đoàn Mỹ vẫn lờ đi, viện lý do Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng xác thực là đương sự muốn trở về Trung Quốc.

Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” thì Trần Thúc Thông, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc nhận được một lá thư từ bên kia đại dương. Đó là thư của Tiền Học Sâm, mong muốn được trở về phục vụ Tổ quốc. Bức thư nói trên, tác giả gửi kèm với lá thư gửi cho người thân đang sinh sống trên đất nước Bỉ và nhờ chuyển về nước.

Nhận được thư, Chu Ân Lai yêu cầu Bộ Ngoại giao chuyển ngay sang Gevève cho đoàn đàm phán Trung Quốc, đồng thời chỉ thị: “Nhà cầm quyền Mỹ vẫn tìm mọi cách cản trở kiều dân Trung Quốc trở về nước. Bức thư là bằng chứng thép rất có giá trị, trong cuộc gặp, đồng chí (tức Vương Bỉnh Nam) hãy vạch trần những luận điệu thiếu thiện chí của đối phương...”.

Tại cuộc gặp Trung – Mỹ ngày 1/8, cùng với lá thư, Đoàn Trung Quốc đã thẳng thắn bóc trần những lý do ngụy biện của Mỹ, khiến Johnson, Trưởng đoàn Mỹ chấp nhận yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Ngày 17/9, con tàu mang tên “Tổng thống Clereland” đã đưa gia đình nhà khoa học trở về Tổ quốc

Phạm Xuân Tiến (Theo Reader Journal)
.
.