Chiến dịch giải mã đầu tiên trong quá khứ của FBI

Thứ Bảy, 30/04/2016, 17:05
Vào đầu năm 2003, các đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vấp phải một chướng ngại trong cuộc điều tra bí mật gọi là Chiến dịch Trail Mix (Chiến dịch Bánh snack). Trong nhiều tháng, đặc vụ FBI nỗ lực nghe lén những cuộc điện thoại và xâm nhập email các thành viên một nhóm bảo vệ quyền lợi động vật được tin là tiến hành nhiều cuộc phá hoại chống một công ty sử dụng động vật trong những cuộc thử nghiệm thuốc.

Nhưng, công nghệ mã hóa (lúc này chưa được sử dụng rộng rãi như hiện nay) khiến cho những email của họ không thể đọc được.

Để giải được bài toán, đặc vụ FBI cố gắng thuyết phục một thẩm phán cho phép họ cài đặt - từ xa và bí mật - phần mềm trên mạng máy tính của nhóm bảo vệ động vật giúp vượt qua bức tường mã hóa. Nỗ lực - mới được giải mật và tiết lộ - cho thấy đội ngũ hacker của FBI từng đánh bại hệ thống mã hóa cách đây hơn 1 thập niên, trước khi cơ quan này giằng co với Hãng Apple trong cuộc chiến mã hóa điện thoại iPhone.

Nói chung, Chiến dịch Trail Mix là tiền thân của cuộc chiến giải mã iPhone mới đây của FBI. Trong cả hai trường hợp, FBI biết cách phá vỡ bức tường mã hóa kiên cố một cách khôn ngoan. Trail Mix cũng được tin là chiến dịch cài phần mềm gián điệp, hay mã độc, từ xa đầu tiên của FBI trong điều tra tội phạm.

Nhóm Stop Huntingdon Animal Cruelty biểu tình chống công ty thử nghiệm thuốc trên động vật.

Một đặc vụ FBI viết trong một tài liệu năm 2005 tóm tắt vụ việc: "Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp cho phép tiến hành chiến dịch đánh chặn tín hiệu như thế". Năm 2006, 6 nhà hoạt động của nhóm bảo vệ động vật bị buộc tội âm mưu vi phạm Luật Bảo vệ Doanh nghiệp về Động vật (AETA). Năm 2009, Tòa Phúc thẩm tán thành những sự buộc tội đồng thời tuyên bố hành vi sử dụng mã hóa là "bằng chứng gián tiếp cho thấy họ tham gia vào hoạt động bất hợp pháp".

Ryan Shapiro, nhà nghiên cứu an ninh quốc gia và luật sư bảo vệ động vật, cung cấp hồ sơ vụ án cho tờ New York Times mà ông có được theo Luật Tự do Thông tin (FOIA). Nhưng vẫn còn vài chi tiết tiếp tục được giữ trong bí mật, bao gồm chiến thuật giải mã của FBI. Phần mềm cài đặt từ xa của FBI cũng không được tiết lộ tại tòa án xét xử các thành viên nhóm bảo vệ động vật - theo Lauren Gazzola, một trong những luật sư biện hộ nhóm và làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Quyền Hiến pháp (CCR) đặt trụ sở tại New York (Mỹ).

Chris Soghoian, nhà phân tích công nghệ cho Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), phát biểu: "Hồ sơ Trail Mix cho thấy từ lâu FBI đã biết sử dụng kỹ thuật hack". Năm 2008, FBI khởi động chiến dịch gọi là "Going Dark" xây dựng nền tảng cho luật yêu cầu các công ty cho phép chính quyền theo dõi dữ liệu không mã hóa.

Một quan chức FBI nhận định trong một email tháng 12-2002: "Bối cảnh phòng chống khủng bố hiện nay có lẽ là cơ hội tốt nhất để đặt ra vấn đề mã hóa". Một tháng sau đó, một dự luật - gọi là Luật Yêu nước 2 - tiết lộ rằng Bộ Tư pháp Mỹ coi hành vi sử dụng công nghệ mã hóa nhằm che giấu hoạt động tội phạm là phạm pháp. Nhưng, cuối cùng dự luật không được thông qua. Chiến dịch Trail Mix tập trung điều tra nhóm bảo vệ động vật có hành vi phá hoại Huntingdon Life Sciences - công ty đặt phòng thí nghiệm tại New Jersey để tiến hành thử nghiệm dược phẩm trên động vật.

Công ty Huntingdon Life Sciences.

Nhóm Stop Huntingdon Animal Cruelty chống đối dữ dội và đòi chấm dứt cuộc thử nghiệm của công ty. Luật pháp liên bang Mỹ coi những cuộc tấn công của nhóm này - gây thiệt hại 400.000 USD cho công ty thử nghiệm thuốc trên động vật - là khủng bố sinh thái.

Theo hồ sơ Trail Mix, nhóm này sử dụng chương trình an ninh gọi là "Pretty Good Privacy" khiến cho không ai có thể đọc được email của họ nếu không có password và chìa khóa kỹ thuật số.

Vào đầu năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ cố gắng can thiệp vào cuộc chiến mã hóa giữa FBI và Apple liên quan đến vụ điều tra khủng bố ở thành phố San Bernardino bang California nhưng không thành công. Cuối cùng, một công ty tư nhân tìm được cách phá mã chiếc iPhone của tên khủng bố mà không cần sự giúp đỡ từ Apple và sau đó bán ý tưởng cho FBI.

Cũng giống như vụ San Bernardino, giải pháp giải mã trong chiến dịch Trail Mix được giữ bí mật. Nhưng theo ngôn ngữ trong hồ sơ chiến dịch, có lẽ đặc vụ FBI sao chép các chìa khóa kỹ thuật số, theo dõi động tác bấm bàn phím thông qua phần mềm cài từ xa để xác định password, hoặc cả 2 cách này.

Những vụ việc như Chiến dịch Trail Mix và vụ nổ súng ở San Bernardino là ví dụ cho thấy tại sao nhiều quan chức chính quyền Mỹ hiện nay khẳng định họ cần một luật mới bảo đảm quyền kiểm soát dữ liệu mã hóa.

Diên San (tổng hợp)
.
.