Chiêu mộ người chỉ điểm, FBI và Sở Cảnh sát New York "lách luật"
- Vụ săn gián điệp hụt của FBI
- FBI chất vấn ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton
- Vụ mất tích bí ẩn của cựu đặc vụ FBI
Trong quá khứ, hoạt động gián điệp các thánh đường và cộng đồng Hồi giáo của FBI cũng như việc sử dụng đội quân chỉ điểm khổng lồ - khoảng trên 15.000 người trong những năm sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 - đã dẫn đến sự tranh cãi gay gắt ở Mỹ.
Tài liệu powerpoint dài 24 slide có tiêu đề "Phản ứng trước mối đe dọa từ Yemen: Những kịch bản cho sự phát triển CHS", trong đó biệt ngữ CHS có nghĩa là "nguồn con người bí mật" được Centra Technology Inc. soạn thảo cách đây khoảng 6 năm cho Đơn vị Phát triển Nguồn (SDU) trực thuộc Ban Giám đốc Tình báo của FBI.
Centra Technology là một công ty dịch vụ tình báo hợp tác với FBI từ năm 2008 và tập tài liệu này phục vụ cho mục đích giúp FBI thu thập thông tin về mạng lưới của Al - Qaeda ở Bán đảo Arập (AQAP) - một nhánh của Al - Qaeda ở Yemen. Tài liệu đề cập đến 2 giáo sĩ cực đoan người Mỹ gốc Yemen là Anwar al-Awlaki và Samir Khan (cả hai bị máy bay vũ trang không người lái giết chết năm 2011), và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của họ đến những phần tử khủng bố tiềm tàng ở Mỹ.
Dưới một số tiêu đề như "Tìm kiếm người Salafist của bạn" và "Quyến rũ người Salafis", tài liệu của Centra Technology mô tả "những nguồn tồn tại trong những thánh đường Hồi giáo có thể nói cho bạn biết về các nhóm Salafist trẻ tuổi trong cộng đồng" và khuyên các điệp viên lợi dụng những chiến dịch gián điệp mật để "dò xét những cuộc bàn luận giữa những phần tử Salafist".
Năm 2012, Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) có được những tài liệu tiết lộ FBI triển khai một số chương trình xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ để thu thập thông tin tình báo mật.
Trong 2 năm qua, 101 vụ kiện cáo liên quan đến người Hồi giáo diễn ra tại Mỹ, trong đó 59% số vụ dính líu đến việc sử dụng người chỉ điểm hay điệp viên mật - theo báo cáo của Trung tâm An ninh Quốc gia Trường Luật Đại học Fordham ở New York tiết lộ hồi tháng 7-2016.
Sau ngày 11-9-2001, các hoạt động của đội quân chỉ điểm cho FBI cũng như các cơ quan khác như là Cục Quản lý vũ khí, rượu và thuốc lá Mỹ hay Cơ quan Bài trừ ma túy (DEA) đều bị giới truyền thông dò xét và chỉ trích.
Như trường hợp của Shahed Hussain, là người gốc Pakistan, kiếm được hàng chục ngàn USD khi làm người chỉ điểm cho FBI trong nhiều vụ điều tra tiến hành tại ít nhất ba đại lục từ năm 2002. Nhưng vai trò cung cấp thông tin của Hussain lại trở thành trung tâm cuộc tranh cãi trong phiên tòa xét xử 4 công dân Mỹ liên quan đến âm mưu đánh bom khủng bố hai năm trước đó ở New York.
Tại sao FBI lại cần đến một đội quân chỉ điểm khổng lồ như thế trong khi lực lượng này có thừa từ cơ bắp đến bộ não? Vấn đề ở chỗ, đội quân chỉ điểm cho FBI có thể làm bất cứ điều gì mà một nhân viên chính thức không được phép làm - từ những vụ lục soát không có lệnh của tòa án cho đến quan hệ với các mục tiêu để lần ra những phần tử cốt yếu hoặc những âm mưu khủng bố.
Thanh niên Hồi giáo tham gia một cuộc họp cộng đồng ở Brooklyn, năm 2011. |
Chuyện liên quan đến các nguồn chỉ điểm của FBI không có gì mới, nhưng công cụ điều tra hiệu quả này đang là đề tài gây tranh cãi sau nhiều lần đội quân ngầm này được đưa ra ánh sáng trong một loạt phiên tòa xét xử khủng bố. Giới truyền thông bắt đầu dò xét đội quân chỉ điểm của FBI và từ đó đặt câu hỏi: liệu những người chỉ điểm có vi phạm các quyền công dân hay không?
Một cựu điệp viên ngầm của FBI hiện làm việc với vai trò cố vấn của ACLU cho biết: "Thường thì những thông tin mà người chỉ điểm cung cấp sẽ giúp mở đường cho điệp viên chính thức của FBI thâm nhập vào tổ chức mục tiêu để bí mật điều tra. Sau đó, người chỉ điểm phải nhường chỗ cho điệp viên này hoạt động bởi vì những điệp viên chuyên nghiệp mới thông hiểu luật pháp và có những kỹ năng cần thiết".
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, người chỉ điểm trở thành điệp viên ngầm cho FBI trong một thời gian dài. Một số người cung cấp thông tin cho FBI để được trả tiền, số khác chấp nhận hợp tác để được sự khoan hồng của luật pháp do quá khứ tội lỗi của họ.
Trong khi một số đối tượng hoàn thành công việc trong giới hạn cho phép thì một số khác được yêu cầu đóng vai trò tích cực hơn, nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn ở việc cung cấp thông tin cho FBI mà còn tham gia vào nhiều cuộc điều tra, trong trường hợp như vậy, họ đóng vai trò giống như một đặc vụ.
Một người chỉ điểm yêu cầu giấu tên tiết lộ rằng, anh ta được tuyển dụng để giám sát các thành phần có quan điểm Hồi giáo quá khích trong một thời gian dài. Không lâu sau khi thâm nhập công việc, anh ta hầu như hoàn thành các nhiệm vụ mà một điệp viên ngầm không thể làm được do bị luật pháp hạn chế.
Một người chỉ điểm giấu tên cho biết trong một cuộc phỏng vấn của báo chí: "Tôi có thể dò xét những nơi mà họ (đặc vụ FBI) không thể dò xét nếu không có giấy phép. Tôi có thể làm mọi việc mà luật pháp ngăn cấm bởi vì tôi không là sĩ quan FBI bị ràng buộc bởi lời tuyên thệ phải tôn trọng luật pháp".
Đơn giản là anh ta không hề được huấn luyện về những giới hạn dò xét hợp pháp. Thay vào đó, FBI chỉ đề nghị người chỉ điểm cung cấp những thông tin mà họ muốn biết mà không cần biết đến việc anh ta sẽ hành động như thế nào. Tuy nhiên, cũng nhờ những người chỉ điểm như thế mà FBI có thể mở cuộc đột kích thành công vào những nơi cất giấu vũ khí và chất nổ của tội phạm khủng bố.
Vấn đề người chỉ điểm sử dụng mồi nhử tình dục để moi thông tin từ mục tiêu cũng gây tranh cãi nhiều ở Mỹ. Craig Monteilh, người chỉ điểm của FBI được giao nhiệm vụ giả vờ quy theo đạo Hồi để theo dõi những người có cảm tình với khủng bố trong số các thánh đường Hồi giáo ở hạt Orange ,bang California.
Sau đó, Monteilh được FBI cho phép... ăn nằm với những phụ nữ Hồi giáo để thâm nhập cộng đồng người Hồi giáo ở California. Nhưng không may là chân tướng của Monteilh bị phát hiện và những việc làm của anh này trở thành trung tâm của một vụ kiện dân sự chống FBI từ phía các tổ chức Hồi giáo California.
Một đặc vụ hoạt động ngầm sẽ bị kỷ luật nặng nếu có quan hệ tình dục với đối tượng đang bị điều tra. David Gomez, cựu đặc vụ FBI trải qua nhiều năm điều tra khủng bố giải thích: "Nếu FBI ra lệnh cho anh ta quan hệ tình dục với mục tiêu thì FBI sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý".
Không chỉ có FBI mà Sở Cảnh sát New York (NYPD) cũng có chương trình gián điệp cộng đồng dân thường, sinh viên cũng như doanh nghiệp Hồi giáo trong và ngoài thành phố. NYPD cài gián điệp vào bên trong những trường đại học trong thành phố và đặc biệt giám sát sự tương tác trực tuyến của sinh viên Hồi giáo.
Một số tài liệu nội bộ cũng tiết lộ NYPD quan tâm đặc biệt đến những tổ chức sinh viên Hồi giáo được cho là "dính líu đến những hoạt động chính trị và tôn giáo". Một số MSA thu hút sự chú ý của NYPD do họ mời những người diễn thuyết thuộc phong trào Salafist.
Chương trình gián điệp của NYPD bị hãng tin Associated Press (AP) phơi bày trước công luận lần đầu tiên vào năm 2011 và cuối cùng NYPD phải cho giải tán đơn vị tiến hành chương trình. Sau vụ việc này, giới chức FBI nhanh chóng lên tiếng nhấn mạnh những điệp viên của họ luôn tuân thủ mọi quy tắc và được giám sát một cách chặt chẽ hơn NYPD.
Trở lại với vấn đề được đề cập ở đầu bài, trong nội dung tập tài liệu của Centra Technology còn đề nghị FBI giám sát trên quy mô rộng hơn đối với hàng ngàn người Yemen nhập cư vào Mỹ, đồng thời "phát triển một số chiến lược xác định những người Yemen ở Mỹ có mối quan hệ thân thiết với các bộ tộc đặc biệt". Tài liệu cũng khuyến khích điệp viên FBI nên "tìm hiểu cặn kẽ xuất thân của những người Yemen trong khu vực chịu trách nhiệm của mình".
Mike German, cựu đặc vụ FBI hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Công lý Brennan thuộc Trường Luật Đại học New York, nêu ý kiến cá nhân: FBI và NYPD tập trung vào phong trào Salafist ở Mỹ với mong muốn dự đoán sớm những cá nhân có thể trở thành phần tử khủng bố trong tương lai.